Sám hối
Thạnh đến nhà Long mà không hề báo trước. Nói cho đúng là Thạnh về quê trong một chiều mưa tầm tã và đi thẳng đến đây. Từ ngày sắm được con xe bốn chỗ cáu cạnh, thì vài tháng Thạnh lại về quê một lần. Mỗi lần như vậy, vợ Long lại lẩm bẩm, anh Thạnh từ ngày có bốn bánh đến giờ, về quê không còn đến nhà mình nữa. Vợ Long định nói tiếp, nhưng thấy Long nhăn mặt nên thôi. Cũng nể cái tài nhớ số xe của vợ, đảm bảo cả cái huyện này từ số xe bí thư huyện ủy, cho đến tay đầu gấu nào đó có xe bốn bánh, là vợ Long cứ đọc vanh vách.
Cổng mở nên Thạnh cứ thế cho xe thẳng vào sân có mái lợp tôn. Long ra bắt tay, nửa đùa nửa thật. Chà, hôm nay trời mưa nên mới có chuyện rồng đến nhà tôm thế này chứ? Rồng tôm cái con khỉ. Có việc bức xúc, muốn hỏi ý kiến mày đây. Ồ, hắn mà lại đi hỏi ý kiến mình? Nếu nhớ không nhầm thì kể từ ngày lên học cấp ba đến giờ, Thạnh chưa bao giờ hỏi ý kiến Long dù là việc nhỏ nhất. Ngược lại, mọi thứ từ việc lớp đến việc của nhóm bạn, thậm chí là việc riêng tư của bạn bè, Thạnh đều là người cho ý kiến, dù đôi khi chẳng ai yêu cầu. Còn việc riêng nhà Thạnh thì luôn “bế quan tỏa cảng”. Nếu có ai tò mò thì Thạnh chặn họng ngay, mày biết gì mà nói? Thế là im lặng hết. Nhưng cũng công bằng mà nói, Thạnh ra dáng thủ lĩnh thật. Ngay cả kinh nghiệm tình trường, Thạnh cũng đủ làm cho bạn bè tôn sư phụ. Còn chuyện ứng nhân xử thế ấy à, ma mãnh lắm. Xưa, gia đình Thạnh thuộc diện tương đối khó khăn. Mặc dù bố Thạnh là cán bộ tiền khởi nghĩa và làm xã đội trưởng, nhưng ông đã hy sinh anh dũng ngay từ những trận đầu tiên chống lại máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Khi đó Thạnh còn nằm trong bụng mẹ. Cha truyền con nối, sau khi ông hy sinh, anh cả Thạnh dù mới 21 tuổi, đã được bầu làm Xã đội trưởng. Anh đã từng chỉ huy tiểu đội 12 li 7 bắn trọng thương một máy bay Mỹ. Dù ít học nhưng anh Song vẫn phấn đấu vừa học vừa làm nên khi về hưu, anh đã là cán bộ cấp phòng trên huyện. Thạnh có tám anh em, nhưng giờ chỉ còn anh Song và Thạnh là trai. Thạnh còn có anh trai thứ ba, hy sinh khi đang là dân quân, trước khi hiệp định Pari kí kết mấy tháng. Là con út, lại thiếu cha, nên mẹ Thạnh cưng lắm. Các anh chị cứ lần lượt lấy vợ lấy chồng và cũng chẳng khá giả gì để giúp đỡ, nhưng mẹ Thạnh quyết không để cục cưng khổ. Lên đến lớp một mà bà vẫn đưa đón Thạnh đến lớp dù có bận đến đâu. Có lẽ do vậy mà lúc nhỏ Thạnh nhút nhát.
- Này, ông nghĩ gì mà nghệt mặt ra thế? Hay tôi đến làm ông không vui?
- Bậy nào! Vào nhà đi!
Long kéo Thạnh vào phòng khách thì đã thấy vợ đặt lên đó một đĩa lạc rang nóng giòn và chai rượu cuốc lủi sủi tăm.
- Thôi không li chén gì đâu, sốt ruột lắm.
- Ông chê rượu lạc rang à? Dân thơ chúng tôi chỉ thế thôi. Đâu như cánh nhà báo các ông, đi đâu cũng có mâm cao cỗ đầy dọn trước.
- Ông cũng nhiều chữ nghĩa đấy nhỉ! Sao không đi làm nhà báo?
Thực ra, trước đây Thạnh là giáo viên cấp hai, dạy ở một xã miền núi. Thỉnh thoảng Thạnh có đăng đôi bài báo kiểu “Chuyện thường ngày”, rồi sau đó là những bài tản văn, những bài báo viết về ngành Giáo dục. Thạnh dám phanh phui các chuyện tiêu cực của nhà trường của ngành với suy nghĩ, đã ở miền núi rồi thì chẳng sợ đi đâu nữa. Những bài báo của Thạnh có hiệu ứng trong tỉnh và thậm chí ra cả bên ngoài. Nhưng Thạnh bắt đầu nổi lên nhờ cuộc thi viết về bảo vệ tài nguyên rừng. Thạnh được giải nhất, được bắt tay cả với Bí thư Tỉnh ủy. Từ đó, Thạnh chơi thân với Tổng biên tập tờ báo lớn nhất tỉnh. Nhờ đó mà chuyển ngành. Từ chỗ một phóng viên mới tập tễnh vào nghề, ấy vậy mà chỉ trong vòng có mấy năm, Thạnh đã là Trưởng ban phóng sự điều tra. Mũi Thạnh rất thính. Hễ ngửi thấy cơ quan nào, công ty hay doanh nghiệp nào có vấn đề, là cậu cử phóng viên đến ngay. Mươi hôm sau, trên bàn làm việc của Thạnh, một phóng sự điều tra hoành tráng, kèm hồ sơ chứng từ vụ việc. Và những cuộc mặc cả thần thánh đã âm thầm diễn ra…
Rất nhiều lần Thạnh nói với Long, ông thơ với thẩn làm đếch gì, thơ hiện nay ma nó đọc à? Có đăng được vài bài trên báo, thì nhuận bút cũng rẻ như bèo. May lắm mới có kẻ đọc, xong rồi cũng vò sọt rác, ai biết đến tên tuổi. Viết văn đi, viết truyện ngắn ấy, chỉ cần truyện được chuyển thể thành phim là nổi tiếng ngay. Nổi tiếng thì mới có cơ hội làm ăn, khi đó viết cái đếch gì họ cũng đăng.
- Nào, hết li đi, rồi có gì nói tôi nghe.
- Mẹ, cái lão Song nhà tôi... Đang yên đang lành, bỗng dưng sinh chứng...
- Anh ấy đang bị ung thư, thì sinh cái gì?
- Thế mới nói. Lão gọi anh em về để bàn chuyện quan trọng. Tưởng là chuyện tử tế gì, ai dè lão đưa ra một tờ đơn viết tay gửi Đảng ủy và kính thưa các loại cơ quan đoàn thể, rằng lão đã lừa dân dối Đảng trong việc làm giả hồ sơ cho anh Hỷ được liệt sĩ. Rằng anh Hỷ không phải hy sinh khi làm nhiệm vụ, mà thậm chí còn chết do vô kỉ luật. Ôi, động thật! Động mả thật! Cả cái trời Nam đất Việt này, không ai đủ gàn dở như lão. Ông cụ nhà tao có linh thiêng, thì cho lão đi gấp, nếu không thì tao…à cả họ nhà tao chui xuống đất.
- Thế bây giờ ông hỏi tôi cái gì nào? Hay là đến đây nói một thôi cho hả dạ?
- Thì tôi hỏi ông đây! Theo ông, nên xử lí việc này thế nào?
Long ngồi im lặng. Chuyện này thỉnh thoảng Long cũng nghe vài người bàn tán mỗi khi có vụ án lợi dụng chính sách nào đó. Nhưng rồi cũng nhanh chóng qua đi, đã hơn bốn chục năm trôi qua, ai hơi đâu mà ngồi lục lại. Vả lại, khi đó anh Song là Xã đội trưởng, chắc anh cũng lo đủ thủ tục, thì lấy bằng chứng đâu ra sự giả dối? Những người trong khẩu đội 12li7 hồi đó, kẻ chết người phiêu bạt, lấy đâu nhân chứng?
- Theo tôi thì quyết định của anh Song, nói về đời, là hết sức dũng cảm! Nói về tâm linh, là hết sức cần thiết. Vấn đề là anh chị em nhà ông có đủ dũng cảm, để đối mặt với sự thật hay không? Đôi khi, mất cái hư danh, mà được cái chính danh ông ạ!
- Chính danh là cái gì! Hồ sơ giấy tờ liệt sỹ cả nửa thế kỉ. Chỉ có tâm thần mới bới móc ra, dũng cảm nước mẹ gì! À, phải rồi, nếu lão Song không nghe, thì cho lão vào bệnh viện tâm thần là xong! Ai nghe kẻ điên!
Ngôi nhà mà anh Song đang ở được xây cất từ thời ông nội Thạnh. Đây là ngôi nhà cổ gần với nguyên bản nhất còn sót lại ở cái làng quê văn vật này. Đã gần 100 tuổi, với các bờ tường rêu phong đen sẩm, nhưng ngôi nhà chưa hề có những vết nứt với độ dày của tường 50cm. Mái ngói vảy âm dương hầu như còn nguyên, dù rất nhiều mái nhà khác trong làng không trúng bom, nhưng đã không còn vì độ rung của những quả bom tấn mà Mỹ thả xuống. Mặt sân vẫn còn những tấm đá non mài nhẵn xen lẫn với những đám vá xi măng. Và hiên cũng đã được lợp một mái tôn chống nóng mà độ cao của nó còn hơn cả mái nhà phía trong. Riêng cái cổng và bờ rào thì đã bị anh Song phá từ lâu để lấy đá xây cất các công trình khác. Nghe đâu hồi trước, ông nội Thạnh cũng buôn tàu buôn ghe khiếp lắm, mới làm được ngôi nhà này. Thời Cải cách ruộng đất, nhờ có ông con làm Cách mạng nên được khép vào hàng phú nông, chứ nếu không thì ngôi nhà cũng đã bị bần cố nông xẻ thịt hồi đó rồi.
Anh Song bỏ cuốn sách Những lời Phật dạy sang bên, lồm cồm bò dậy bắt tay Long trước. Rồi giơ tay định bắt tay Thạnh, nhưng Thạnh gạt đi! Anh ốm thì cứ nằm cho yên. Rách việc! Anh Song nhìn Long cười như mếu, nhưng đôi mắt thì dường như sáng hơn. Dù bị trọng bệnh, nhưng anh Song sống lạc quan, thư thái. Anh Song lại nắm tay Long và lắc lắc, không biết là nói với Long hay với Thạnh. Trong lớp bạn của Thạnh, là anh quý chú Long nhất đấy. Không có Thạnh ở nhà nhưng thỉnh thoảng Long vẫn ghé chơi và thắp hương cho ông cụ. Nhân có cả Long ở đây, anh muốn bàn tí việc. Việc anh Hỷ chứ gì? Tôi không để cho anh làm cái việc ngớ ngẩn ấy đâu! Thạnh đứng dậy cắt lời anh trai. Anh Song chìa tay như níu kéo, giọng lạc đi. Những tháng năm cuối đời, anh đã ngộ ra rất nhiều điều. Chú Thạnh ạ, anh chỉ muốn ra đi thật thanh thản thôi… Thạnh cắt ngang. Tôi không cần biết anh nghĩ gì, tôi cần bảo về uy tín, danh dự của anh Hỷ và cũng là của gia đình, dòng họ này. Vả, giờ anh có muốn “ăn năn sám hối” cũng không dễ. Tất cả mọi giấy tờ hồ sơ nhờ anh, đều đầy đủ và hợp pháp. Anh có muốn thì cũng không thằng nào ở cái thời buổi này nó nghe anh!
Đôi mắt anh Song thoáng chút u tối, rồi chợt sáng lên một quyết tâm mới. Và mặc cho Thạnh hấm háy nguýt ngoáy ngăn cấm, anh vẫn cố kể cho hết câu chuyện. Như thể không kể cho Long nghe, sẽ không còn dịp nữa.
Hỷ ham chơi từ thuở nhỏ. Thường bỏ học đi đánh bi đánh đáo ăn tiền, nên bị đúp lên đúp xuống. Ông cụ đã nhiều lần đánh thừa sống thiếu chết, Hỷ vẫn chứng nào tật nấy. Học hết lớp 7 đã gần 17 tuổi, Hỷ không học cấp ba nữa. Đêm còn trốn đi cờ bạc trai gái. Ở tuổi Hỷ, ai cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, có người viết bằng máu. Nhưng Hỷ được ở nhà vì thuộc diện “thành phần” được ưu tiên. Hỷ tham gia dân quân, trực chiến ở khẩu đội 12 li 7, chốt trên ngọn đồi đầu làng.
Từ ngày có các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong về đóng quân, làng xã bị máy bay địch bắn phá ác liệt hơn. Thương vong càng nhiều hơn. Có gia đình bị sập hầm, chết không còn ai. Những ngày tháng cuối năm 1972, trước khi Mỹ đưa B52 đánh phá Hà Nội, tạo nên một “Điện Biên Phủ trên không”, thì nơi đây càng ác liệt không kém. Vào một đêm mùa hạ, càng về khuya, trăng càng sáng. Bầu trời trong veo và yên tĩnh. Như không hề có chiến tranh. Tuy vậy, tất cả các đơn vị trực chiến vẫn chong mắt đợi giặc. Khẩu đội 12 li 7 của Hỷ cũng không ngoại lệ, chỉ thiếu mỗi mình Hỷ. Tối, thấy quá yên tĩnh, Hỷ lẻn đi không ai biết...
Bỗng, kẻng báo động vang lên giục giã. Tiếng máy bay lách roang roác như xé vải không trung. Chớp mắt, pháo sáng sáng rực cả bầu trời. Tốp máy bay từ phía biển lao vào. Chốc lát, chúng dựng đứng lên cao, rồi quay ngoắt bổ nhào. Tiếng máy bay xé toạc trời đêm và tiếng bom rung giật ngả nghiêng mặt đất...
Xã đội trưởng Song, tay ép chặt chiếc xắc cốt vải bạt bên hông, lao vào khói bom và bụi đất mịt mù. Anh khản giọng hò hét dân quân bới đất cứu người. Lại một gia đình hầm trúng bom, chết không còn ai. Những mảnh xác vắt trên ngọn cây. Những bàn chân, cánh tay cụt đầy máu, nằm rải rác. Đây đó, người bị thương rên la quằn quại.
Song sốt ruột lao về phía khẩu đội 12li7 trực chiến. Linh tính có chuyện chẳng lành. Quả thế, anh đã vấp phải xác đứa em trai nằm vắt trên mép hào. Ngay ở rìa làng. Người Hỷ còn nóng ấm. Máu chảy tràn khuôn ngực. Anh bế Hỷ lên, đặt nằm thẳng trên vạt cỏ. Và ôm đứa em khóc hu hu. Khi anh ngẩng mặt lên, đã thấy cậu khẩu đội trưởng đứng ngay bên cạnh. Vẻ áy náy và sợ hãi. Có lẽ cậu ta cũng đang đi tìm Hỷ. Song cố trấn tĩnh, ra lệnh. Đồng chí cho cáng xác Hỷ về đơn vị. Lập biên bản là trận địa bị máy bay địch tấn công. Phát hiện trận địa khẩu đội 12li7, máy bay địch tập trung tiêu diệt. Ngỡ chúng rải bom bi, các chiến sĩ nép vào hầm công sự. Chỉ mình Hỷ anh dũng lao ra ôm súng bắn trả và hy sinh khi ngực trúng đạn 20 li của máy bay địch...
- Thôi đủ rồi! Thạnh quát khẽ vào mặt anh Song. Đấy, tất cả là do anh. Nếu như ngày ấy anh đừng gian dối thì thôi. Bây giờ mọi việc đã là quá khứ, anh xới lên làm gì? Thiên hạ liệt sĩ rởm, thương binh lậu đầy ra đó. Ai cũng biết, nhưng ai làm gì ai nào? Đằng này, anh Hỷ lúc đầu có vô kỷ luật, nhưng khi nghe báo động, còn cố chạy về đơn vị.
Là ý thức kỷ luật còn cao chán. So với một số “liệt sĩ” đuối nước, “thương binh” bị dăm củi mù mắt, hay trâu húc bò giẫm gãy chân, thì anh Hỷ còn xứng đáng trăm lần! Đúng không?
Không khí chùng xuống. Im lặng bao trùm. Lúc sau, anh Song chợt nói khẽ, nhưng cứng cỏi:
- Chú nói đúng. Người có lỗi chính là anh. Lúc đó, anh chỉ muốn, mọi hy sinh đều anh dũng. Nhất là gia đình truyền thống như nhà mình. Giờ đây, anh đã thấy sai. Hơn thế, thấy tội lỗi! Anh không muốn mang theo tội lỗi xuống mồ. Ở dưới ấy, chắc cha cũng đồng ý với cách xử lý bây giờ của anh.
Chính cái sự khảng khái của Song đã mở cánh cửa bệnh viện tâm thần để máu mủ của anh sẵn đó mà đẩy anh vào. Họ hàng bây giờ, nhất nhất phải nghe theo sự sắp đặt của Thạnh, một người vừa có quyền, vừa có tiền và có tài hóa giải tuốt tuột mọi rắc rối. Đang trong lúc ngồi nhà đoán già đoán non thì Long lại nhận được điện thoại của Thạnh và hối hả lên đường. Đúng là Thạnh tài thật. Để minh chứng cho cái sự gọi là bất ổn của cõi âm, Thạnh đưa về một cô đồng, nói là rất nổi tiếng. Mọi nghi lễ được tiến hành. Nhưng đã gần hai giờ sáng, không biết bao nhiêu lượt người ngồi đồng, già có trẻ có, mà đồng vẫn chưa chịu lên. Đến lượt đích thân Thạnh đứng dậy xin được ngồi vào giá đồng. Cô đồng tuồng như cũng sốt ruột, bỏ qua lệ cũ, phủ lên người Thạnh một tấm vải trắng, và hai tay nắm chặt mấy cây hương đang cháy, ngồi bất động. Cô đồng lầm rầm khấn vái, gọi hồn. Thỉnh thoảng, cô vuốt vuốt vào người Thạnh như mơn trớn, như thôi miên. Thạnh cảm thấy có cái gì đó lành lạnh ở sống lưng, như có ai đó đang điều khiển mình. Bỗng Thạnh rú lên một tiếng, rùng mình lảo đảo. Nắm hương trên tay vạch những vòng cung lửa đỏ lừ. Tàn bay lã tã. Tấm vải trắng trên đầu Thạnh bay xuống đất. Mọi người đồng thanh hét lên “Cụ về!”. Ai nấy òa lên nức nở. Đó đây là tiếng ối cha ơi, ới ông ơi… Thạnh cất giọng ồm ồm, run run. Chị dâu cả Song đâu? Cha là cha thương con lắm! Con vất vả với gia đình này rất nhiều. Nay anh Song lại lâm trọng bệnh. Cha giao nhiệm vụ cho thằng Thạnh lo lắng cho anh…
Cả nhà càng khóc dữ. Vợ anh Song cũng nấc lên, quỳ mọp xuống đất. Khóc như mưa như gió.
Đang lao đảo như người say, chưa nói xong những điều hệ trọng thì có ai đó bấm vào mạng sườn Thạnh, thẽ thọt. Anh Song đã trốn viện lúc chiều tối... Thạnh biến sắc, vứt nắm hương xuống chiếu, tóm lấy cổ áo ông anh rể, quát. Làm ăn thế nào mà để lão bỏ trốn? Đi tìm bệnh nhân về ngay, bệnh viện chứ không phải cái chợ, thích thì đến, không thích thì trốn về!
Cả hội chia nhau nhốn nhác đi tìm. Long cùng một nhóm người chạy ra nghĩa trang liệt sĩ xã. Từ xa, thấy anh Song đang quỳ giữa hai ngôi mộ. Một bên cha, một bên Hỷ. Một rừng hương đang cháy bập bùng. Mọi người tiến đến, nhìn rõ một hiện tượng kỳ quặc. Trên tay anh Song là cái đục, và hai chữ “Liệt sĩ” ở mộ anh Hỷ, đã bị đục nham nhở. Đúng là anh Song tâm thần thật rồi. Mỗi người một tay, nắm chặt anh Song kéo đi.
Trong phòng bệnh, Thạnh ngồi trên chiếc ghế cạnh giường Song, vẻ mặt lo lắng. Anh Song quay mặt vào trong, cái dáng còm cõi xơ xác. Cả nửa ngày Song không quay mặt ra và hai người không nói với nhau câu nào cả. Người thân lần lượt nối đuôi nhau vào thăm và trở ra ngồi kín hai chiếc ghế băng ngoài cửa phòng bệnh. Rồi cũng đến lúc bác sỹ đi ra, thông báo phải chuyển anh Song lên phòng hồi sức cấp cứu ngay, có vẻ như khối u ác tính có biến động tiêu cực. Thạnh vồ lấy bàn tay bác sỹ trưởng khoa khóc rống lên đau đớn. Bác sỹ, xin các bác sỹ làm ơn làm phúc cứu lấy anh trai tôi…
Long nóng lòng đợi kết thúc cuộc họp ở cơ quan rồi vội phi đến bệnh viện. Thạnh nói, anh Song vừa đi. Rồi Thạnh lại khóc rống lên. Long gắt nhỏ, đủ Thạnh nghe rõ. Cậu thôi đi, cậu diễn với tôi để làm gì? Để yên cho anh ấy ngủ. Mà trông anh Song như người ngủ say thật. Giấc ngủ thanh thản khép lại bao nhiêu nhọc nhoài toan tính của kiếp người.
Truyện ngắn. Đỗ Thành Đồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...