Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
16:33 (GMT +7)

Sách ảnh và đôi điều lạm bàn

VNTN - Khi đọc trên Blog của nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn, có một đoạn ghi: “Gần như dân ta chưa biết làm sách, lại càng không tạo ra được một không gian có ý nghĩa tinh thần cho sách tồn tại và phát triển…”...

Tuy thế ở Việt Nam những năm gần đây, cứ hễ khi người ta muốn, là có thể tự cho in sách của riêng mình. Sách in thơ, sách in truyện ngắn, sách in hồi ký… Rồi hoàn toàn không chịu bị lép vế: Thứ sách không dùng để đọc mà chỉ để xem là sách ảnh, cũng đã ngập tràn. Sở dĩ Nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học họ Vương nói như trên, chắc bởi đầu sách của ta điểm đếm thì nhiều, nhưng số lượng mỗi cuốn lại quá ít. Riêng thị trường sách ảnh in ra để ngắm, nếu người ta bỏ một chút thời gian nghiền ngẫm và quan sát, thì sẽ thấy nhiều điều hay. Cũng dễ nhận ra nguyên cớ nào khiến lớp bụi phủ dày làm mờ cả ảnh bìa và tên sách.

Bìa cuốn sách ảnh “Thấu Cảm” của Lê Hồng Linh
Bìa cuốn sách ảnh “Thấu Cảm” của Lê Hồng Linh

Thực trạng

Sau mỗi cuộc thi, triển lãm ảnh ở tầm quốc gia, theo thông lệ thì các ban tổ chức thường tập hợp những tác phẩm đã được chọn để trưng bày trong triển lãm, rồi cho in thành sách. Kết thúc mỗi nhiệm kỳ, nhiều năm qua Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam còn in tập hợp các tác phẩm xuất sắc, như để đánh dấu thành tựu ở một thời đoạn hoạt động của tổ chức. Phải nói rằng những cuốn sách ấy không đơn thuần chỉ mang tính kỉ niệm, mà nó còn là nguồn tư liệu tốt cho các Nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật dựa vào để nghiên cứu, đánh giá. Ngoài ra các tay máy trẻ lấy đó làm hình mẫu mà học tập, rút kinh nghiệm…

Điều đáng tiếc, là những cuốn sách mỏng in lại toàn bộ một Liên hoan ảnh của từng khu vực chỉ làm được ở những năm đầu, nay đã không còn thấy duy trì. Cái hại nhãn tiền, là những nhà nhiếp ảnh trong mỗi khu vực ấy không có “vật chứng” để so sánh mà rút kinh nghiệm. Nên cứ ngây thơ (hoặc giả ngây thơ) để giẫm vào vết chân của người đi trước, thậm chí giẫm vào vệt đi của chính mình, chịu mang tiếng cho bản thân là đạo ý tưởng.

Khi sự sao chép, nhái lại đã thành một phần nguyên nhân để khiến các cuộc triển lãm ảnh ngày càng kém hấp dẫn cho những người xem có tri thức sâu về nhiếp ảnh, thì trong một cuốn sách ảnh, lại bỗng nhiên vập vào mắt độc giả đôi ba khuôn hình na ná đã từng xuất hiện ở đâu đó của một tay máy khác. Vậy là giá trị cuốn sách trên tay bỗng nhẹ đi - phàm cái gì mình làm được, mà người khác cũng có thể chế tác ra, thì cái đẹp còn đâu nữa tính độc đáo…

 Khi quan sát sang thị trường những cuốn sách ảnh cá nhân. Điều đầu tiên phải nói cho nó “phải đạo” rằng sách ảnh được in nhiều là chuyện rất đáng mừng. Bởi nó thể hiện được mấy lẽ, thứ nhất: độ chín về nghề thông qua số lượng lớn tác phẩm nhiếp ảnh mà bản thân tác giả đã tích cóp được sau cả quá trình dài lâu sáng tác; thứ hai: kinh tế của nhiều nhà nhiếp ảnh đã vượt qua giai đoạn “giật gấu vá vai”.

In một cuốn sách ảnh đòi hỏi nhiều công phu và chi phí cho từng công đoạn không hề nhỏ. Tuy vậy, nếu điểm mặt những cuốn sách ảnh mà hàng năm các nhà in đã xuất bản ra, thì thấy nổi cộm lên nhiều vấn đề khiến người ta phải bận tâm: Từ chuyện bản quyền, đến những khuôn hình trùng lặp không hề được kiểm soát; tính ôm đồm, dễ dãi (của tác giả và của người làm biên tập) bộc lộ không cần che giấu; thiếu ảnh tốt nhưng lại cố liệt kê sao cho đủ số lượng. Ảnh màu thì phô trương, ảnh đen trắng lại kém sắc độ, tính chuyên nghiệp nhìn vào đâu cũng thấy bị hụt thiếu. Nhiều tập sách gửi xin tài trợ từ nguồn quỹ của nhà nước, mà lại luộm thuộm cho in cả ảnh kỉ niệm của bản thân và gia đình xen kẽ vào trong cuốn sách có tựa đề nghệ thuật…

Vậy những yếu tố nào để cấu thành nên một cuốn sách ảnh đẹp, lại hay và có thể chiếm được chỗ đứng nghiêm túc trong thị trường sách như đã bị bão hòa?

Có nguồn ảnh tốt

Nguồn ảnh cho một cuốn sách ảnh, có thể ví như các loại quặng để người ta luyện ra đồng, ra nhôm, hay kết hợp để chế ra đủ loại thép hợp kim mà một nhà máy cơ khí chế tạo cần đến.

Ảnh tốt cho một cuốn sách ảnh cá nhân, đầu tiên phải là do chính tác giả chụp được, phải đáp ứng theo nội dung đã đặt ra, mỗi bức ảnh cần có lý lịch cụ thể: địa danh, thời điểm ghi hình, bối cảnh… Rồi những ảnh hưởng từ thiết bị chụp, nguyên liệu (phim, giấy, file…), những nội dung này có thể không được ghi vào sách ảnh, nhưng nên cần lưu giữ nó để khẳng định bản quyền, phòng khi có xảy ra tranh chấp.

Bìa cuốn sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của Trần Đàm
Bìa cuốn sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của Trần Đàm

Nói là “ảnh tốt” thì nó phải đáp ứng những yếu tố bao hàm các đặc tính thuộc phạm trù nghệ thuật, ở đó nội dung với hình thức cần có một tổng thể nhất quán không được tách rời. Trong mỗi chủ đề, nên có nhiều ảnh tốt để lựa chọn. Một bức ảnh khi đưa vào sách ảnh, nó phải mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân, là thành tố có ích cho tổng thể và khẳng định vai trò không thể thiếu bổ khuyết vào nội dung cuốn sách.

Lời tựa cho một chuyên mục hay cho mỗi bức ảnh có thể có, cũng có thể không (theo ý đồ của tác giả). Một bức ảnh hay, khi đứng một mình tưởng rằng đã đầy đủ tính thi vị gợi mở, nhưng nếu nó được một lời tựa súc tích, hay thậm chí một câu thơ hòa điệu đi cùng, thì tác phẩm ảnh như thêm có bạn tri âm.

Khi ngắm một bức tranh thủy mặc cổ Trung Hoa, trong tác phẩm người ta thường diễn giải tâm trạng con người kèm thi pháp. Bức họa và câu thơ (ẩn - hiện) như dẫn dụ cho ý tưởng hòa vào bối cảnh. Là Đời chìm trong Đạo. Là cách nhằm tôn vinh sự tồn tại của lẽ tương sinh. Hoàng Thế Nhiệm dùng thủ pháp này cho cuốn sách ảnh “Bốn mùa vẫy gọi”, để khiến người xem không thể buông bỏ ý nghĩ thú vị, rằng dường như tác giả đã lần theo những vần thơ để ghi hình…

Tìm được người biên tập ảnh giỏi

Thông thường, tìm một người biên tập cho một cuốn truyện đã khó, tìm một người biên tập sách ảnh còn khó hơn. Người biên tập phải có đủ tài và đủ uy, để lọc lấy hai trăm ảnh trong một tập hợp hỗn độn khoảng hai ngàn ảnh. Nói rằng chọn ảnh giống việc đãi cát tìm vàng sẽ là chưa đầy đủ. Bởi không phải cứ đẹp là hay, càng không phải cứ nhiều ảnh là tốt. Yêu cầu của cuốn sách phải có sự cân đối, phải chứa tính độc đáo, phải hằn đậm “dấu vân tay” của tác giả. Khi cần, người biên tập phải đủ cái “thần thái” trùm lấp, khi dùng lý lẽ để loại một bức ảnh từng đoạt giải ở một cuộc thi nào đó, mà chủ nhân cuốn sách cứ muốn đưa vào.

Hình ảnh nhà mồ của dân tộc Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, Gia Lai, năm 2015  trong sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Trần Phong 
Hình ảnh nhà mồ của dân tộc Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, Gia Lai, năm 2015  trong sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Trần Phong 

Ở mỗi cuốn sách ảnh, đều hàm chứa nội dung riêng biệt. Người xem tinh tế, không những nhận ra ngay tác giả của nó muốn gửi gắm điều gì qua mỗi khuôn hình. Mà còn biết được diễn biến tình cảm và khả năng chuyên môn của người đó thay đổi theo từng bức ảnh sau mỗi chu kỳ thời gian.

Ví dụ: Nếu xem “Ký ức chiến tranh” của Chu Chí Thành, thì người ta như thấy chiến tranh diễn tiến ở tầm vóc choáng ngợp của tầm nhìn đại cục. Khi xem “Việt Nam đất nước tôi” của Văn Bảo, thì người xem ngầm nhận ra giữa sự kiện lớn của đất nước, vẫn đâu đó xuất hiện những nét rất bình dị, riêng tư của cá nhân con người. Và nếu mở cuốn “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Trần Phong, thì người ta sẽ như bị lạc trôi vào quá khứ ngàn năm một dân tộc.

Còn khi cầm sách ảnh “Thấu Cảm” của Lê Hồng Linh, điều gì khiến mỗi lần lật trang, ta chợt muốn dừng lại để nhấp một ngụm trà sen - cái khoảng lặng ngắn đủ để lây hưởng chút thi vị của tình người thấm qua những khuôn hình giản dị và chắt lọc. Khi xem cuốn sách ảnh “Tiếng gọi đò” của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, thì những kỉ niệm bị lãng quên về miền quê thanh bình chợt như được xới lại, nỗi nhớ sẽ ào ạt sôi trong tâm hồn “nửa tỉnh, nửa quê” của lớp người Việt đã vượt qua ngưỡng tuổi năm mươi…

Nhà lý luận phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng:“Sự ra đời của những cuốn sách lớn được ghi nhận như những cái mốc lớn lao đánh dấu thành tựu của cộng đồng trong việc chinh phục thiên nhiên và tự nhận thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình”.

Phát hành

Phát hành là khâu trung gian để chuyển tải sách từ nhà in, đến bến đỗ cuối cùng nằm trên tay bạn đọc (bạn xem sách ảnh). Đây chắc cũng thuộc về khoảng “không gian có ý nghĩa tinh thần cho sách tồn tại và phát triển”. Nhưng khi bước vào cái miền “không gian” ấy, mới thấy chiều kích của nó rộng mở thật mông lung, nó liên quan đến chi phí và nhu cầu. Song cái “tinh thần” có được hay không, lại phụ thuộc trên hết ở độ hấp dẫn của tự thân cuốn sách... Có những cuốn sách ảnh người này cho là rất hay, người kia bảo rằng rất đẹp. Nhưng ngoài số lượng bạn bè, người thân mà tác giả gửi tặng, sách vẫn cứ nghẽn lại ở đâu đó...

Để bán ra rộng rãi, thì nó phải qua khâu quảng cáo và lưu thông rất cụ thể, thực tế, chuyên nghiệp trong một thị trường tự do và lành mạnh. Không phải ai cũng đủ thần thế để tạo ra một “thị trường ép” thông qua mối quan hệ cá nhân, khiến tác giả và nhà in thu được lãi. Cũng không ít cuốn sách được in ra nhân một sự kiện chính trị nào đó, ban tổ chức giao đãi khách bằng chút quà tặng văn hóa trích ra từ nguồn ngân sách công.

Tuy vậy lợi ích của món quà cho việc nâng cao dân trí nằm ở đâu, thì luôn vẫn còn là câu hỏi chứa nhiều ẩn số. Nhưng một cuốn sách quý như “Báu vật Sơn Trà” của CLB nhiếp ảnh Sông Hàn - Đà Nẵng và các nhà nhiếp ảnh yêu thiên nhiên trên khắp cả nước. Xuất hiện ở thời điểm nhạy cảm, phức tạp, tự thân cuốn sách như tiếng phản biện đầy đạo lý, nhằm góp thêm sức cứu được nơi sinh tồn cho những loài vật, loài cây và cả một bán đảo còn duyên dáng như hôm nay. Chỉ các nghệ sĩ chân chính với tấm lòng nhân hậu, mới luôn biết thầm lặng góp công sức bảo vệ vẻ đẹp của quê hương, đất nước như thế.

Sách ảnh không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ những thành quả sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó còn phải ghi tạc được những hình ảnh sống động ở một thời đoạn lịch sử của từng góc phố và rộng hơn của cả dân tộc.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy