Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:06 (GMT +7)

Rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3

VNTN- Ngày 26/9, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá và rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì, với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Quang cảnh buổi làm việc

Chỉ đạo quyết liệt, ứng phó kịp thời

Từ ngày 6/9 đến 11/9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận mưa to, kèm theo dông, lốc. Lượng nước từ thượng lưu sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn đổ về đã khiến mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Đây là đợt lũ lớn nhất trong lịch sử ghi nhận trên sông Cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ngay khi nhận được thông tin về diễn biến bão, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản tập trung ứng phó với bão số 3. Chủ tịch UBND tỉnh đã ra 9 Công điện và 1 Thông báo chỉ đạo toàn bộ lực lượng từ tỉnh đến các địa phương khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống, đồng thời trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo ứng phó tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị

Các bản tin dự báo thời tiết được cập nhật liên tục và kịp thời, giúp các địa phương triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Mặc dù bão có cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, nhưng nhờ sự lãnh đạo sát sao, tỉnh Thái Nguyên đã hạn chế được nhiều thiệt hại, đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, giúp các hoạt động kinh tế duy trì ổn định trước, trong và sau bão.

Theo báo cáo tại Hội nghị, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng. Cụ thể, bão làm 8 người thiệt mạng, 538 nhà ở, 93 điểm trường, 26 cầu dân sinh, 26 công trình nước sạch, nhiều công trình thủy lợi, đê điều viễn thông, điện bị hư hỏng; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở; gần 9.000ha lúa, trên 800ha hoa màu, trên 1.000ha cây trồng khác bị thiệt hại; trên 380.000 con gia súc, gia cầm bị  chết; trên 560ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và nhiều thiệt hại về tài sản khác. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản gần 860 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Bão số 3 gây ra đợt lũ lớn nhất trong lịch sử ghi nhận trên sông Cầu. Ảnh: Hải Bình

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đã nhanh chóng thực hiện sơ tán hơn 6.000 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và lực lượng xung kích địa phương đã đảm bảo công tác ứng cứu kịp thời và hiệu quả. Hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 1.262 phương tiện ô tô, tàu thuyền được huy động, cùng với việc thiết lập các trạm canh gác, cảnh báo tại khu vực ngập lụt và các điểm có nguy cơ sạt lở.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Ngay trong thời điểm bão lũ xảy ra và chuẩn bị kết thúc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, trong đó tập trung khẩn trương đảm bảo các điều kiện thiết yếu của người dân, khắc phục thiệt hại đối với các công trình giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông, điện, dọn vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn đảm bảo vệ sinh môi trường,...

Trên cơ sở kết quả hỗ trợ từ Quỹ Cứu trợ tỉnh và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tỉnh đã hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, số tiền 98.802 triệu đồng (trong đó, đã phân bổ đợt 1 là 38.802 triệu đồng, số tiền phân bổ còn lại 60.000 triệu đồng đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện theo quy định).

 Đến nay, cơ bản các tuyến đường bị sạt lở đã được thông tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt, giúp đời sống người dân nhanh chóng trở lại bình thường.

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tham dự Hội nghị

Bên cạnh những kết quả tích cực, hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại trong quá trình phòng chống và khắc phục bão lũ. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ". Công tác dự báo chưa hoàn toàn chính xác, gây khó khăn trong việc điều phối và chỉ đạo. Hơn nữa, sự lan truyền thông tin không chính xác trên mạng xã hội đã gây hoang mang cho một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến công tác điều hành của cơ quan chức năng.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, nhất là các cơn bão mạnh và lũ lụt có thể xảy ra trong tương lai.

Rút kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
Khu vực xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên ngập sâu do hoàn lưu cơn bão số 3. Ảnh: Hải Bình

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Đồng thời, các giải pháp dài hạn như đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, xây dựng bản đồ ngập lụt và ứng dụng chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai sẽ được đẩy mạnh.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống chống lũ lụt hai bên bờ sông Cầu để bảo đảm phòng chống lũ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục