Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:27 (GMT +7)

Rực rỡ tranh dân gian Hàn Quốc

VNTN - Đất nước Hàn Quốc từ xưa đã có nền hội họa phát triển rực rỡ với một kho tàng rộng lớn về tranh phong cảnh, con người, con vật phản ánh những nét đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên cùng những ước mơ hoài bão của dân gian về một cuộc sống lâu dài - hạnh phúc, một thế giới hòa bình và thịnh vượng.


Nổi bật nhất trong các loại tranh Hàn Quốc có thể nói là tranh dân gian khắc họa các hoạt động sản xuất, đấu đá, vui chơi và những hình tượng có tính chất tôn giáo để thờ phụng. Đây là loại tranh khuyết danh do tập thể sáng tác và là dòng tranh tiêu biểu của một địa phương nào đó. Chúng đều có màu sắc sặc sỡ, gồm năm màu xanh, đỏ, vàng, trắng và đen, có ý nghĩa là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ - năm nguyên tố cơ bản cấu thành sự sống, năm phương trời đất - nam, bắc, đông, tây, trung tâm là những  vùng đất cho người dân an cư lạc nghiệp và có sức mạnh tối cao xua đuổi ma quỷ, đem lại sức khỏe, tuổi thọ và niềm vui cho mọi người.

Mặc dù xuất hiện khá lâu mà sơ khai là những bức vẽ trên đá và gỗ ở nhiều khu di chỉ cổ đại, song tranh dân gian nước này được biết tới chính thức từ thời Chosun (1392-1910), là thời kỳ Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật vừa kế thừa ưu điểm của mỹ thuật trong nước vừa tiếp thu những cái mới từ bên ngoài. Nhờ có chủ đề phong phú, tranh dân gian Hàn Quốc đã nổi tiếng khu vực. Từ thế kỷ 18, Kwangtonggyo- Seoul kinh đô của nước này đã là trung tâm mua bán tranh dân gian dưới dạng cuộn và gấp, mỗi ngày tập trung hàng trăm bạn hàng.

Tranh dân gian là tranh của các họa sĩ dân gian không đề tên và quê quán. Họ thuộc rất nhiều tầng lớp và ngành nghề. Xưa kia là những khách qua đường, thậm chí nông dân, thợ thủ công hay kẻ chợ nhân lúc tức cảnh thì vẽ tranh gửi lại để tặng hoặc bán tại các thực quán, nhà trọ, phòng trà... Hoặc là các nhà sư có tài hội họa, ngoài niềm yêu mến đối với Phật giáo mà vẽ tranh dâng cúng thì họ cũng sinh sống bằng nghề vẽ tranh treo và tranh tường cho các đền chùa trong quá trình thất thực đi từ chùa này sang chùa khác. Hoặc là những họa sĩ chuyên nghiệp có địa vị cao được tuyển chọn là thợ vẽ cho quý tộc hay hoàng gia, nhưng vẫn giao tiếp với dân gian thực hiện những bức tranh dân dã, để che giấu quý danh họ vẽ tranh không ký tên. Đến nay, mỗi vùng miền Hàn Quốc đều có nhiều làng nghề vẽ tranh dân gian. Điểm đặc biệt ở tranh dân gian Hàn Quốc là dùng màu đậm song hình đơn giản, thường có vẻ tươi vui thể hiện sự lạc quan tin tưởng.

Tựu chung, tranh dân gian Hàn Quốc thiên về các đề tài như phong cảnh, nhất là cảnh những dãy núi tuyết, núi kim cương và cảnh đồng quê; hoa quả và chim/bướm, trong đó nổi bật là hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa đỗ quyên; thập trường tượng (10 biểu tượng trường thọ gồm mặt trời, mặt trăng, mây, gió, hươu, rùa, chim hạc...), 100 kim đồng ngọc nữ hay 100 em bé dễ thương), thư phòng (với sách, bút, bàn giấy, nghiên mực dành cho quan lại, nho sinh), tiệc rượu, tiệc bàn đào của các vị tiên và Tây mẫu nương nương, rồng phượng, hổ nấp vồ mồi, hổ và chim ác là, cua cá, cảnh săn bắn, sinh tử, Trời Phật, các vị thần dân gian và một số câu chuyện châm biếm, dí dỏm.

Tranh dân gian Hàn Quốc luôn được xem trọng ở mọi thời đại. Chúng được đặt ở những vị trí hết sức trang trọng trong hoàng cung, chùa chiền, đền đài, quán rượu và nhà dân. Ngày xưa hàng năm, triều đình đều chọn một số tranh dân gian độc đáo vào trang trí trong hoàng cung và đền thờ, số lượng lên tới cả nghìn bức. Cho đến nay nhà dân vẫn là nơi trưng bày nhiều nhất các loại tranh dân gian. Thường người ta treo hoặc dán chúng lên tường theo mùa và vào các dịp lễ tết, như Tết Nguyên đán, ngày mồng một đầu xuân và Tết Đoan ngọ mồng năm tháng năm âm lịch.

Chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo nên dù là tranh giải trí đơn thuần như tranh phong cảnh hay tranh chủ đề tôn giáo, tranh dân gian Hàn Quốc đều mang đậm màu sắc tâm linh. Có từng loại tranh riêng về mỗi tín ngưỡng và tranh giao thoa tôn giáo. Thường thấy là tranh biểu tượng, tranh saman giáo và tranh Phật. Tranh biểu tượng là tranh về đồ vật, con vật và hình vẽ có tính chất tượng trưng. Tranh saman giáo là tranh về một vị thần bản địa. Tranh Phật là tranh về các vị Phật, Bồ tát và đại sư. Tranh biểu tượng chủ yếu để trang trí còn tranh saman giáo và tranh Phật để thờ cúng. Tất cả đều phục vụ nhu cầu giải trí về mặt tâm linh của đại đa số quần chúng, thể hiện giấc mơ, trí tưởng tượng của người đời về một vũ trụ bao la, huyền bí mà con người đang vươn tới, về một cuộc sống đa tầng với những quan niệm nhân sinh về sự sống, cái chết, nỗi đau, niềm vui và sự che chở.

Người dân Hàn Quốc dùng và vẽ nhiều nhất là tranh biểu tượng. Với quan niệm vạn vật hữu linh có tác động tới cuộc sống, từ lâu người dân nước này đã tôn thờ vạn vật bằng cách vẽ, trưng bày hoặc treo hình ảnh cầu mong chúng phù hộ. Tranh biểu tượng thường được đặt ở những vị trí khác nhau trong nhà nhằm phát huy mọi thế lợi. Ví dụ tranh tứ quý được treo trên tường trong phòng khách là nơi rộng thoáng, quan trọng nhất của gia đình đặc tả bốn loài cây mai, lan, cúc, trúc gắn với bốn mùa giúp cho con người có được sức khỏe và những phẩm chất cao quý của bốn loài cây này như mai cho sự can đảm, lan - tao nhã, cúc - trường thọ, trúc - chính trực. Hoặc tranh thập trường tượng, 10 yếu tố tự nhiên được treo ở phòng khách, gian thờ, trong đám cưới và sinh nhật đem lại cuộc sống thăng bằng, vui vẻ và hạnh phúc; tranh hổ ở ngoài cổng để xua tan tà khí trên lối vào; tranh chó tại kho thóc xua đuổi trộm cướp; tranh hoa sen, hoa mẫu đơn, chim chóc, trẻ em bên giường ngủ cho sắc đẹp, sự thuần khiết, không khí thơm tho, thuận vợ thuận chồng, sớm sinh quý tử; tranh rồng ở hướng đông cho sự linh động, phát triển; tranh hổ ở hướng tây cho sự an cư, nghỉ ngơi. Ngoài ra, do rồng bay lượn được trên trời và biển, còn hổ có sức mạnh nanh vuốt chống tà ác nên cả hai đều thấy ở giữa nhà nông dân và ngư dân để cầu mưa và xin biển có nhiều tôm cá.

Mọi nhà cũng vẽ nhiều tranh saman giáo nhằm tôn vinh các vị thần bản xứ như thần mặt trời - mặt trăng, thần đất, thần nước, thần lửa, thần nông, thần núi, gia thần... có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông nghiệp. Sau khi cúng tế được diện kiến thần linh, các pháp sư, bà đồng sẽ vẽ lại hình ảnh của thần. Do cách nghĩ mỗi người khác nhau nên cùng một vị thần được vẽ rất khác nhau, nhưng thường có khuôn mặt phúc hậu, riêng nam thần thường có khuôn mặt dữ tợn, thân hình phương phi. Ngoài để thờ cúng, tranh saman còn được dùng như một lá bùa trong nhà.

Phần lớn dân gian Hàn Quốc theo đạo Phật nên đều treo tranh Phật. Tranh Phật đã xuất hiện ở nước này từ cuối thế kỷ thứ tư sau khi Phật giáo từ Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc. Các nhà sư là người chịu trách nhiệm vẽ tranh Phật. Từ xưa đã có nhiều tranh miêu tả sự tích nhà Phật đến nay được xem là các tác phẩm mỹ thuật cổ đại có giá trị to lớn ảnh hưởng tới văn hóa, chính trị và đời sống tâm linh cả nước. Những bức tranh thể hiện rõ nét, rực rỡ và đậm tính nhân văn, những triết lý nhân sinh bắt nguồn từ đời sống dân gian vô cùng phong phú. Tranh Phật do đó luôn được trưng ở những nơi tôn nghiêm trong nhà dân và chùa chiền. Trong tranh Phật cũng có hai loại gồm tranh vẽ trên vải và tranh vẽ trên tường với chủ đề là kinh phật, các vị Phật, Bồ tát, đại sư. Tranh vẽ trên vải còn gọi là tranh taenghwa gồm hubul-taeng-hwa treo trong nhà bên sau tượng Phật và gwabul-taenghwa treo ở ngoài nhà thuyết pháp. Taenghwa treo ở phía sau bức tượng Phật hoặc Bồ tát lớn, tùy theo tòa nhà lại có các loại như tranh ở điện Daeungjeon, điện Qwaneumjeon, điện Geungnakjeon và điện Yaksajeon. Tranh vẽ trên tường được vẽ trên tường phía trước, bên trái hoặc bên phải chính điện và trên đồ vật, là loại tranh có số lượng lớn nhất ở các chùa chiền Hàn Quốc. Ở chùa thờ Phật nào từ cổng, cửa vào điện thờ cho đến các xà rầm, rui mè, cột, tường, bàn thờ cũng vẽ tranh sinh động, rực rỡ và chi tiết với những hình ảnh của Phật, thần tiên, hoa lá, chim muông và các biểu tượng tôn giáo khiến cho chùa chiền Hàn Quốc được xem là đẹp nhất châu Á.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy