Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Rễ của mây

VNTN - Bệnh viện đã có kết quả chính thức là ông Danh mắc ung thư phổi. Cái tin ấy tới làng Đầm Mây nhanh như cơn gió. Bà Vân bỏ luống sắn đang cuốc dở ngồi bệt xuống gốc cây bạch đàn trông lại mảnh đất nền nhà. Vậy là, ông Danh bỏ bà đi theo người đàn bà tên Thanh đã tròn bốn mươi năm. Ông về miền đất núi Trúc Chuông không một lần đoái hoài đến người vợ già hơn ông bốn tuổi sống vò võ trên gò đất giữa làng. Cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt kết thúc chóng vánh. Ông lấy cớ đi công nhân và bặt tin tức một thời gian dài. Năm năm sau, ông về, dẫn theo người đàn bà và hai đứa nhỏ. Bà Vân cay đắng chấp nhận cảnh cô đơn sau vài bận kiếm con nhưng không thành. Từ đó, bà coi như mình là gái góa bởi dù bà sống cùng anh em họ hàng nhà chồng nhưng ngày giỗ chạp cũng chỉ một thân bà đến lo chung công việc.

Chuyện nào có thuận buồm bao giờ khi cô Thanh giở thói ghen ngược. Dù nội tộc không cho cô ta danh phận nhưng bù lại có hai mặt con. Cô ta chễm chệ trên mâm cao lẽ ra thuộc về bà. Ông Danh đi đâu cũng kè kè theo đấy. Khi hai đứa con lớn đều lập gia đình, cô ta vẫn ghen dữ lắm. Không ai lạ gì ông Danh, đã đẹp người lại có tài ăn nói, hiểu sâu biết rộng nên có số đào hoa. Cùng phận đàn bà nên bà biết cô Thanh cũng chẳng sung sướng gì khi kẻ đầu gối tay ấp với mình đi ngang về tắt. Lẽ ra, bà không oán giận họ nếu như mẹ con cô ta không giở quẻ với bà. Trong đám ma mẹ chồng bà, con Ngần, con gái ông Danh lại dám phát biểu giữa dòng họ Phạm, trước mặt bà rằng: - Cỗ phúng bà nội phải gạch tên bà Vân. Thế là các ông, các bác xúm lại mắng cho mẹ con họ một mẻ. Rằng: Bà Vân buông bỏ cỗ thừa mới đến lượt mẹ mày. Biết thân biết phận thì im cái mồm đi. Chồng con Ngần cũng rắn lắm chứ nếu không nó còn hỗn nữa. Nó bảo bà cướp đất đai của mẹ con nó. Bà tủi lắm. Giá ông trời ban cho bà một mụn con thì không đến nỗi nào. Làng Đầm Mây đã quen với cái bóng thui thủi của bà trên gò đất giữa làng, xung quanh căn nhà cỏn con là những hàng bạch đàn trắng.

Mấy hôm nay, ông Định anh trai ông Danh bắn tin cho anh em con cháu để thuê chuyến ô tô lên Trúc Chuông một chuyến. Người làng ra đồng thăm lúa tạt vào nhà bà nghỉ chân uống ngụm nước vối, tò mò dò hỏi:

- Bà có lên chơi với người ốm không?

Bà xua tay:

- Ông ấy về làng không hỏi tôi, mọi chuyện kết thúc lâu rồi. Người dưng nước lã, bao giờ ông ấy chết trước thì cỗ thừa lên thắp nén hương.

Chuyện đến tai ông Định. Ông bảo vợ xuống tận nhà khuyên bà:

- Thím nên lên thăm ông ấy một lần, chả gì cũng là vợ chồng ngần ấy năm. Các cụ bảo, một ngày nên nghĩa. Mẹ con nhà con Ngần, thằng Nghĩa không dám đánh đuổi thím khi có mặt anh em họ hàng nhà chồng đâu.

Bà lên. Ông Danh đầu trọc lóc, khuôn mặt nhăn nhúm giật giật theo những cơn đau. Cô Thanh cứ ngồi rịt bên giường bệnh của chồng như thể sợ bà cướp mất ông, mặc con cháu tự rót nước mời nhau. Dăm câu chuyện, cô đã nói dáo rằng:

- Em với ông Danh không có cưới xin nhưng đăng kí kết hôn ở Trúc Chuông đàng hoàng. Hai mặt con trưởng thành, chưa khi nào vợ chồng mắng chửi nhau. Bao nhiêu lần đi du lịch theo công ty là ông cũng cho em đi chơi cùng.

Bà biết, cô khéo léo nên ông mới ở đây. Ai có sức mà tranh giành gì nữa đâu mà lên gân gớm thế? Bà coi mình là người già cô đơn lâu lắm rồi. Từ bận ông bế thằng Nghĩa về nhận họ Phạm cơ. Nhưng tự dưng, bà thấy thương ông Danh thế nào ấy. Mặc vợ lấy lý làm cớ, ông lén nhìn bà rồi lặng lẽ quay mặt vào tường, lấy tay gạt nước mắt. Khi mọi người xin phép ra về, bà đến bên giường dúi vào tay ông tờ một trăm nghìn và dặn ông muốn ăn gì thì bảo con cháu mua.

Người làng Đầm Mây chưa quên được chuyện bà Vân và ông Danh. Họ bảo lỗi ở cả hai bên. Tính ông trăng hoa nhưng bà không giữ lại còn làm kiêu bắt ông quỳ xin lỗi bố mẹ bà, bà mới tha. Ở với nhau bốn năm, bà lại không có con, đi đâu cũng áo bà ba, tóc búi tó, quần lá tọa thắt dây, nhai trầu bỏm bẻm, xe đạp không biết đi. Ông có tài thơ phú, khéo ăn nói thường được cử làm đại diện đi đón dâu, kén rể. Âu phục vận quanh năm, nước hoa xức thoang thoảng. Cô Thanh ướt át, lắm trò hơn đứt bà cả.

Một buổi chiều mưa rả rích, khi bà Vân đang nhốt mấy đàn gà mới nở vào nhà định sang hàng xóm ngồi lê thì thấy ông Danh đứng lù lù giữa cửa. Lắp bắp mãi bà mới mở lời mời ông vào uống nước. Họ ngồi với nhau trên chõng đến tối mịt mà không nói gì. Còn chuyện gì nữa đâu? Bà nghĩ thế. Ông nghe lời con Ngần, thằng Nghĩa về đòi lại đất bố mẹ cắt chia phần cho ông đấy mà. Còn lâu nhé. Đất theo định mức. Hợp tác chia suất cho bà. Ông bỏ xứ đi theo gái thì ông trắng tay. Bố mẹ chết. Bà nghĩ đến đấy thì ông mở miệng:

- Có ai đến đây tranh chấp đất đai với Vân không?

Lấy hết can đảm, bà đáp:

-Có. Con Ngần nó nói bóng gió là họ Phạm ăn hết thóc của mẹ con nó, đuổi bố nó đi.

Ông đỏ mặt, gật đầu:

- Kệ chúng. Tôi bảo Vân nhé: Vân không phải sợ ai. Trước sao, sau vậy, nhưng tôi nhờ Vân một việc. Vân cất hộ tôi cái hộp này. Đây chỉ là nắm giấy và sổ sách của tôi. Khi tôi đi rồi mà có chuyện gì xảy ra thì Vân đưa cho anh Định.

- Sao ông không cho thằng Nghĩa giữ? Nó là con ông. Lỡ người làng nghe được qua bức vách này họ lại bảo ông Danh sắp chết đem hẳn hộp tiền vàng cho bà Vân đủ tiêu đến cuối đời.- Bà nói gắt.

- Là tôi có lỗi với Vân. Giờ thì hết cả rồi em ạ. Anh chẳng có gì nữa. Ông Danh khóc. Ngày ông dứt áo ra đi, ông cũng khóc, ngày bà lên Trúc Chuông nữa. Bà mủi lòng không nói gì thêm bèn đỡ chiếc hộp nhỏ trên tay ông run run đem cất ở đầu giường. Ông đứng dậy khoác áo mưa đi về. Đấy là lần cuối cùng bà gặp ông.

Bệnh viện trả ông Danh về. Các cháu nội tộc họ Phạm thay phiên nhau lên chăm ông. Chuyện gì bà Vân cũng nghe đủ. Nào là cô Thanh thấy anh em nhà chồng đến không ở tiếp mà bỏ đi tập dưỡng sinh, một hớp nước đỡ khát người vượt đường xa đến đấy không có để bàn. Nào là ông Danh đau lắm phải tiêm moócphin, người phù lên một dạo lại quắt đi còn da bọc xương. Nào là thằng Nghĩa nó bảo ông Danh không phải bố nó, thuốc thang chỉ tốn tiền, bệnh ung thư đằng nào cũng chết, nó cảnh báo từ đầu rồi không ai nghe. Nào là vợ thằng Nghĩa giận cô Thanh hám tiền, chê nó lương công chức nhà nước chưa đủ hai triệu nên cắp con về nhà mẹ đẻ. Bà Vân thấy sao mà rối như tơ vò. Ông Danh sao chịu nổi đây? Bà ước giá mà có đứa con với ông thì cùng dòng họ Phạm đón ông về đây chăm, rau củ muối lạc cùng cam.

Rồi tin ông Danh chết bay về làng Đầm Mây. Hôm ấy vợ ông đi chợ, các con đi làm. Chồng cái Ngần vừa lên thì ông đã tắt hơi. Anh em dưới làng Đầm Mây lên trực mấy hôm ông kêu mệt khi thấy ông khỏe lại chút nên chủ quan không lên nữa. Tay ông với ra miệng giường và đầu ngoẹo về hướng cửa như đang tìm kiếm chút hơi ấm thân thuộc. Ông chết trong cô độc. Người ta đưa ông ra đồng trong cơn mưa tầm tã. Mộ ông ở giữa gò đất mới, gió lộng bốn bề. Nghe đâu, tiền phúng viếng lên đến hàng trăm triệu. Người ta thương ông. Có vị lạ mặt còn đánh ô tô đến tự nhận là con rơi của ông nhưng bị cô Thanh cầm chổi đánh đuổi. Anh em, hàng xóm tìm thấy những bát cháo đã mốc rêu trong gian bếp tồi tàn. Những cọng rau héo đôi cọng đã ủng giữa rổ bát vứt chỏng trơ dưới đất. Thì ra vợ ông mải mê tập dưỡng sinh. Con cháu ông bận lo cho sự nghiệp. Ông có sổ hưu đấy nhưng chả lết đi mua được, quán cách nhà hơn hai cây số kia mà. Với lại, cô Thanh mà đã cầm sổ hưu thì chịu chết. Bà Vân rơi nước mắt, thắt khăn tang thắp ba nén nhang lên bàn thờ lập vội di ảnh của ông cắt ra khi chụp cùng bà hồi cưới và xót xa nghĩ đến tờ tiền một trăm ngàn dúi vào tay ông Danh, chắc gì ông được ai đem đi mua cho ăn miếng nào?

Mộ ông Danh chưa xanh cỏ thì chính quyền có quyết định họp dân giải phóng mặt bằng cho dự án mở đường chở nguyên liệu từ mỏ khoáng sản nối từ Trúc Chuông về làng Đầm Mây để sang khu công nghiệp. Tấc đất tấc vàng. Anh em ruột thịt tranh nhau cây mít cũng làm đơn kiện ra xã. Từ lúc lớn lên đến giờ thằng Nghĩa mới về làng Đầm Mây. Nó sang cả nhà bà Vân gọi bà là mẹ, hứa hẹn đi lại chăm sóc bà như mẹ đẻ. Bà không bảo gì, một mực từ chối quà cáp nó đem đến.

Một hôm, bà đi chợ về thấy ầm ầm ở nhà. Đến tận nơi thấy con Ngần, thằng Nghĩa tay cầm thước chỉ trỏ thợ máy múc múc tung bãi sắn của bà lên. Bà cầm gậy hua cho chúng một mẻ. Vừa đánh, bà vừa chửi. Lần đầu tiên, bao nhiêu tủi hờn cay đắng bà được dịp trút bỏ hết. Nắng gắt. Một rễ mây bay ngang cũng không có chỗ bấu víu. Bà gào mệt quá, lạc cả giọng, ngồi phịch xuống bãi đất ngổn ngang cây sắn nát nhàu, ấm ức bật khóc rưng rức. Người làng đến xem rất đông. Người ta thay bà chửi bới quân bất nhân. Người thì chạy đi lấy cho bà hớp nước, kẻ an ủi tấm thân già tội nghiệp. Sực nhớ tới ông Danh, bà lấy sức đứng dậy vào nhà lấy chiếc hộp nhỏ vùi trong đống thóc đem lên nhà ông Định. Ngay lập tức, một cuộc họp khẩn có đủ họ hàng, con cháu, mẹ con cô Thanh và cả chính quyền xã được mở. Ông trưởng làng Đầm Mây thông qua các loại giấy tờ rồi đến lượt ông Định nói:

- Các ông bà nghe cả rồi. Ông Danh ông ấy biết sẽ có ngày hôm nay nên sắp chết vẫn kịp làm các giấy tờ quan trọng. Dù biết thằng Nghĩa không phải con đẻ nhưng ông ấy vẫn hết mực yêu thương, nhắm mắt cho qua để êm chuyện vợ chồng. Bị đối xử tệ bạc mà ông ấy và cả bà Vân đều cam chịu nhận thiệt về mình. Đất đai của bà Vân, cho ai là quyền bà ấy. Cả đời ông Danh có tội với thằng Bình, cho đến lúc trút hơi vẫn không dám nhận mặt con đẻ. Các ông bà nghe cả rồi. Di chúc ghi rõ ràng, cơ nghiệp ông tạo dựng được chia đôi cho Nghĩa và Bình. Thằng Bình nó chả cần đâu. Nhưng còn chờ xem thái độ của thằng Nghĩa. Ở đây đầy đủ giấy tờ xét nghiệm ADN, băng ghi âm, chữ kí của ông Danh nên chúng ta phải tôn trọng người đã khuất.

Cuộc họp kết thúc. Bà Vân bàng hoàng khi biết sự thật. Hóa ra, những điều thiên hạ đồn bấy lâu nay đều có gốc rễ cả. Chỉ có điều, năm người mười miệng thêm thắt, phỏng đoán thành thử chả ai tin nữa. Bà thấy tội nghiệp cho cô Thanh bị người đời gọi kẻ cướp chồng, nay cộng thêm bao điều tai tiếng. Ông Danh nói đúng. Ông trắng tay về với tổ tiên. Còn bà, như áng mây chiều màu sẫm nhẹ bay nhưng chưa biết hóa hạt mưa rơi lúc nào.

Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước