Rằng thì hay thật là hay…
VNTN - Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (tác giả Hồ Ngọc Đại chủ biên) sử dụng thử nghiệm trong một số trường tiểu học mấy năm gần đây, đem theo rất nhiều tranh cãi. Bên cạnh việc thay đổi cách phát âm của một số âm tố (như k, gi, q) khiến phụ huynh hoang mang vì “không thể dạy con bài học vỡ lòng”, một trong những vấn đề bị đem ra mổ xẻ nhiều nhất là yếu tố ngữ nghĩa của dẫn liệu ngôn ngữ. Ở đây chỉ bàn tới một khía cạnh nhỏ, đó là việc sử dụng các ngữ cố định (thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ…) nhằm mục đích thực hành luyện đọc trong bộ sách này.
Trước hết, phải khẳng định rằng, đưa thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ vào chương trình học cho trẻ em là điều hết sức cần thiết. Không chỉ hỗ trợ quá trình luyện đọc, nó còn giúp các em sớm làm quen với kho tàng văn hóa, văn học dân tộc một cách tự nhiên nhất. Hơn thế nữa, ngữ cố định với những câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc, vần vè có thể mở rộng vốn từ ngữ, tạo điều kiện cho kỹ năng giao tiếp của học sinh phát triển phong phú, linh hoạt. Lứa tuổi đầu cấp 1, khi quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ em đạt đến đỉnh cao, việc “bồi” thêm lớp “tinh hoa ngôn ngữ dân gian” này là một việc làm hữu ích. Trên lớp học, sau khi dạy về âm, về vần, về quy tắc ghép vần, ghép tiếng, cô giáo kết thúc bài học bằng cách giải nghĩa một thành ngữ, tục ngữ; phân tích cái hay, cái đẹp của nó (một cách giản đơn), hay yêu cầu đặt câu chứa thành ngữ, tục ngữ ấy. Thiết nghĩ, bài học sẽ rất thú vị.
Tuy nhiên, xem lại gần 100 ngữ cố định được tập thể tác giả trích dẫn trong bộ sách, sẽ dễ dàng trông thấy những mặt bất cập. Trên phương diện ngữ nghĩa, người ta chia từ ngữ thành ba lớp: Lớp từ âm tính, lớp từ dương tính và trung tính. Dương tính là những từ ngữ gợi ý nghĩa tốt đẹp, dễ chịu, tích cực; lớp từ âm tính gợi ra những ý nghĩa xấu, tiêu cực, không mong muốn; còn lại là lớp từ trung hòa. Đối với việc sử dụng ngữ liệu ngôn ngữ trong giảng dạy, các nhà giáo dục luôn đặt ra yêu cầu về tính thẩm mỹ, nghĩa là ưu tiên cho lớp từ ngữ dương tính. Đối với học sinh nhỏ tuổi, điều này lại càng quan trọng, bởi các em đang sở hữu những ý nghĩ hồn nhiên, trong trẻo. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, có tới hơn một nửa trong số các ngữ cố định được sách giáo khoa lựa chọn lại mang sắc màu âm tính. Đó là những “vắt chanh bỏ vỏ”, “dở chợ dở quê”, “chặt to kho mặn”, “nhắm mắt làm ngơ”, “tham thì thâm”, “ăn mặc nhếch nhác”, “đàn gẩy tai trâu”, “có tật giật mình”, “trái tai gai mắt”, “nghịch như quỷ sứ”, “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”, “chẳng ai đoái hoài”, “làm quấy làm quá”, “nguây nguẩy bỏ đi”, “thân lừa ưa nặng”, “lưỡi không xương nhiều đường ngoắt ngoéo”… Vẫn biết, trong sinh hoạt hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng được nói những lời êm tai, nhưng có lẽ chưa cần thiết và chưa nên giới thiệu cho em bé lớp Một cái bạc bẽo của kẻ “vắt chanh bỏ bỏ”, cái hèn hạ của kẻ “thấy người sang…”, cái khó chịu của việc làm “trái tai gai mắt”, cái oan nghiệt của cảnh “quýt làm cam chịu”, cái trơ trẽn của kẻ “lưỡi không xương”… Không chỉ ở dữ liệu thành ngữ, tục ngữ mà một số từ ghép dùng để luyện vần trong bài học chính cũng chưa đạt chuẩn về tính thẩm mỹ như: “sờ sờ”, “hâm hấp”, “lải nhải”, “quái quỷ”, “oan nghiệt”, “vô ý vô tứ”, “vô lễ”, “cò kè”… Thậm chí có những từ hình như chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển (luốt đi, giô ra, xo ro…).
Dẫn liệu ngôn ngữ cũng cần thiết phải phù hợp với lứa tuổi bởi thật khó cho giáo viên khi giải thích về “dĩ ân báo oán”, “hàng thịt nguýt hàng cá”, “có trăng phụ đèn” , “ki cóp cho cọp nó xơi”, “nhổ cỏ nhổ cả rễ”... Bên cạnh đó, một số thành ngữ ít sử dụng hay tối nghĩa như “củ mỉ củ mì”, “mất mặn mất nhạt” cũng nên xem xét trước khi đưa vào bộ sách giáo khoa dùng cho học sinh cả nước.
Chúng ta cảm thông với người biên soạn, bởi tìm dẫn liệu ngôn ngữ cho học sinh lớp Một thật không dễ khi mà “lưng vốn” chữ nghĩa của các em bắt đầu từ con số không. Có những thành ngữ, tục ngữ thật hay nhưng chứa tiếng phức tạp, học trò chưa biết đánh vần thì không thể sử dụng. Ngược lại, có những vần thật khó, thật ít dùng nên tránh sao khỏi những ví dụ nghe cứ “ngang ngang”. Khi ấy, “mắng mèo quèo chó”, “Hàng thịt nguýt hàng cá”, “Bé bị quở”… mới phải xuất đầu lộ hiện. Và việc người lớn cùng đọc với trẻ em, phụ huynh cùng góp ý với nhà biên soạn một cách hài hòa và thiện chí, để nỗ lực đưa thành ngữ, tục ngữ đến với học trò nhỏ được hiệu quả nhất thật sự là điều đáng làm.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...