Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:38 (GMT +7)

Rạng đông – Truyện ngắn. Trần Thanh Cảnh

VNTN - Dì Huyền tôi ôm cu Tít đi Sài Gòn với chú Vũ.

Chú Vũ là con ông Nam cùng xóm ông ngoại tôi. Chú từ Sài Gòn về một tuần nay. Hôm mới về, chú sang chào ông ngoại tôi. Lúc ấy tôi cũng đang ở nhà. Thấy ông chào lại rất lạ, vồn vã nhưng có vẻ như hơi ngại ngùng: “Vâng, không dám, mời anh vào nhà xơi nước”. Rồi ông đi ra nhà văn hóa chơi cờ tướng với các cụ. Ở nhà, dì Huyền pha trà, ngồi tiếp chuyện chú Vũ. Không biết họ nói với nhau những gì, nhưng ngồi rất lâu. Bà ngoại tôi bế cu Tít đi chơi khắp xóm, về, họ vẫn còn ngồi. Cu Tít ấm oé gọi mẹ thì chú Vũ mới đứng dậy. Lúc tiễn chú ra cổng rồi quay vào nhà, tôi thấy dì mắt đỏ hoe chực khóc. Tôi không dám hỏi. Bà tôi cũng nhìn thấy, không nói gì, bà bế cu Tít quay đi cố nén một tiếng thở dài.

Nhà ông ngoại tôi chỉ có hai chị em gái.

Dì Huyền tôi sinh năm bảy mươi ba, mẹ tôi sinh năm bảy mươi, hơn dì ba tuổi.

Nhà chú Vũ gần nhà ông tôi, chỉ cách vài chục bước chân. Ngày xưa, ông Nam thân với ông, hai người bằng tuổi, cùng xóm, cùng đi học, cùng đi bộ đội năm sáu tám, ở cùng sư đoàn. Nhưng đấy là ngày xưa. Sau trận chiến mùa hè năm bảy mươi hai ở thành cổ Quảng Trị, ông tôi cùng đơn vị rút ra Bắc, không có ông Nam. Từ đấy, trong câu chuyện của mình, ông tôi không bao giờ nhắc đến tên ông Nam nữa. Cho đến mãi sau năm bảy mươi lăm, giải ngũ rồi, ông tôi vẫn không nhắc đến ông ấy. Nhưng mà rồi ông cũng vẫn lại phải nhắc đến ông Nam, bắt đầu từ hôm dì Huyền tôi rụt rè trình bày: “Bố, anh Vũ muốn tối nay sang thưa chuyện với bố”. “Nó có chuyện gì nói với tao?”. “Dạ, chúng con yêu nhau. Anh ấy muốn sang xin phép…”. “Không!”. Tiếng ông gầm lên rền vang trong thanh vắng, làm cho bà tôi đang nằm trong buồng giật nảy, nhao ra nhà ngoài. Ông ngoại tôi mặt đỏ tía tai, phừng phừng giận dữ. Dì Huyền tôi tái xanh tái xám ngồi rúm ró trong góc cái trường kỷ. Ông tôi vớ con dao rựa, vung lên phạt thẳng cánh một nhát vạt góc bàn nước, quát lớn: “Con Huyền nhìn đây. Không bao giờ tao cho phép mày lấy con một thằng phản bội. Mày mà không vâng lời tao thì cứ nhìn cái bàn làm gương”. Bà tôi hãi quá, chân tay cuống quýt, ôm lấy dì Huyền lôi vào trong buồng rấm rứt…

Những chuyện ấy tôi nghe lõm bõm mỗi người vài câu, từ mẹ, từ bà ngoại. Chứ ông ngoại tôi không nói câu nào, kể cả khi dì tôi khổ quá vì lấy phải chồng phá gia chi tử, cờ bạc, rượu chè, hút xách… đành đứt gánh giữa đường. Hôm cưới, dì đã khóc như bão táp mưa sa chứ không phải là vài giọt nước mắt hạnh phúc của thiếu nữ vu quy thường lệ. Mọi người nhìn thấy bảo, đi lấy chồng mà khóc như cha chết thế kia thì khổ. Thế rồi dì khổ thật. Dì ngày càng héo hon gầy mòn. Không ai nhận ra đấy là một trong những hoa khôi của làng nữa. Thấy dì tôi cùng cực, ông bà ngoại tôi đành đồng ý để cho dì ly dị, rồi đón cả hai mẹ con về nhà.

Tôi ở ngoài thành phố, nhưng cũng hay về làng. Ngày bé, mùa hè năm nào bố mẹ cũng đem tôi về ở nhà ông bà ngoại mấy tháng hè. Tôi cũng thích. Vì nhà tôi ở một căn hộ chung cư cũ, trên tầng ba, hơn bốn chục mét vuông. Đã thế, dưới sân chung cư lại bị người ta chiếm hết làm quán xá, chỗ gửi xe. Bọn trẻ chúng tôi chả còn chỗ mà chơi. Nhiều khi rất bí bách. Về quê tôi được rộng cẳng, có thể lang thang một mình đầu sông cuối bãi hay vào chơi với những nhà họ hàng quanh xóm. Nhà ông ngoại tôi còn có cái vườn khá rộng. Mấy ông hàng xóm hay sang uống nước, chơi cờ với ông ngoại tôi thường nói, như ông Phúc (tên ông ngoại tôi) lại hay, đẻ có hai cô con gái, một đứa gả chồng Hà Nội, một đứa ở làng. Chả phải chia đất làm nhà cho đứa nào nên còn nguyên cái vườn.

Vườn nhà ông ngoại tôi rất đẹp.

Hồi mới ở bộ đội ra, ông trồng bốn cây lâu niên bốn góc: mít, sấu, bưởi, muỗm. Ông bảo đấy là tứ bất tử. Tôi chả hiểu thế nghĩa là làm sao. Hỏi ông. Ông chỉ cười, xoa đầu tôi và nói, bao giờ cháu lớn lên, sẽ hiểu. Nhưng tôi rất thích bốn cái cây ăn quả của ông. Mùa nào thức ấy, mỗi lần về làng, trở ra thành phố, tôi lại có một ba lô đầy quả tươi ngon. Tôi mang cho lũ bạn gái cùng lớp những quả sấu xanh giòn tan, chua gắt, đem chấm muối ớt mà vẫn còn chua đến ghê răng. Tôi bảo chúng là tao đi học sớm, lượn qua phố Phan Đình Phùng, vặt trộm được một ít. Tôi đùa thế mà chúng tròn mắt tưởng thật.

Dì Huyền tôi lấy chồng bên làng Bùi.

Sau vụ ông ngoại tôi tuyên bố không gả con gái cho con của một kẻ phản bội đồng đội và đe dì Huyền sẽ chặt chân nếu còn qua lại với chú Vũ. Chú Vũ phẫn chí bỏ đi Sài Gòn. Sáu tháng sau, dì tôi được gả về bên làng Bùi, lấy con một ông trước cùng đơn vị với ông ngoại tôi. Chú Tùng, chồng dì Huyền cũng tốt nghiệp đại học đàng hoàng, làm ở phòng tài chính. Cả làng đều nói, vợ cô giáo cấp một, chồng cán bộ tài chính, đẹp đôi nhất vùng, thật đúng như đôi đũa ngọc để trên mâm vàng. Thế mà không hiểu ra làm sao, chú Tùng sau lại đổ đốn như vậy. Mê man cờ bạc đề đóm rượu chè thì dì tôi còn vì con mà cố cắn răng chịu đựng. Nhưng đến lúc chồng dính vào hút xách thì dì tôi không chịu nổi nữa. Ông bà ngoại tôi buồn lắm. Hình như ông tôi buồn hơn bà tôi. Nhiều đêm ông tôi cứ ngồi ở tràng kỷ hút thuốc lào vã. Mắt đăm đăm nhìn vào cái bàn nước vạt một góc. Ông tôi ít ra khỏi nhà hơn mọi khi, chỉ quanh quẩn vườn tược với mấy con gà con lợn trong nhà. Ông gần như chả còn để ý đến mọi sự xảy ra trong làng, trong nước…

Dịp gần đây, ông Nam bố chú Vũ đã từ Sài Gòn về ở hẳn làng.

Thật ra thì sau khi chiến tranh kết thúc, một thời gian ngắn đã thấy ông Nam về thăm quê. Ông về rồi đi trong yên lặng chứ không tưng bừng như những gia đình có con em bộ đội làm xong nhiệm vụ, được giải ngũ trở về quê hương. Nhưng từ đó trở đi, gia đình chú Vũ có không khí vui tươi hơn. Trước đó, mấy năm ròng, cả nhà chú Vũ đi ra ngoài đường không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Là vì hồi đó chiến tranh ác liệt, mà trong làng lại râm ran tiếng đồn ông Nam là kẻ đầu hàng. Thế nên cho đến mãi sau này, chú Vũ học rất giỏi, thi đủ điểm đi nước ngoài nhưng vì lý lịch, cũng chả được đi đâu, đành ở nhà. Nhưng dì tôi lại yêu chú. Hai người học cùng lớp cùng trường từ bé. Dì tôi đi học trung cấp sư phạm, chú Vũ ở nhà cày ruộng. Dì tôi hẹn khi nào ra trường, xin về dạy ở làng, hai người cưới nhau, những lúc không lên lớp dì sẽ ra đồng trồng cấy cùng chú Vũ…

Nhưng ông tôi tuyên bố: “Không bao giờ thông gia với một tên phản bội”.

Chú Vũ đi Nam lập nghiệp rồi lấy vợ trong đó. Lâu rồi chú không về làng, chỉ có ông Nam thỉnh thoảng đi về giữa hai nơi. Ông ấy còn có vợ nữa ở trong Sài Gòn.

Ông Nam kể.

Hồi mùa hè năm một chín bảy hai, trong trận đánh chiếm đồi K1 bên cạnh sân bay Ái Tử, đại đội ông tấn công chiếm được rồi định củng cố công sự, chuẩn bị đánh xuống sân bay. Nhưng phía bên kia phản công lại dữ quá. Đánh nhau từ sáng đến chiều, đại đội ông thương vong gần hết. Đại đội trưởng quyết định rút lui mang theo thương binh tử sĩ. Ông Nam xung phong ở lại kiềm chế đối phương cho đồng đội rồi sẽ rút sau. Ông một mình ôm khẩu RPD nằm trong công sự trên đỉnh đồi quạt từng tràng xuống phía dưới. Nhưng nghe tiếng chỉ có một khẩu trung liên nhả đạn, phía bên kia biết chỉ còn một tay súng, họ quyết bắt gọn. Họ cho lính vòng theo chân đồi ập vào sau lưng, dí súng vào gáy bắt sống ông Nam. Lúc đó, khẩu RPD cũng vừa hết đạn, trong người ông Nam còn duy nhất một quả lựu đạn. Nhưng lúc đó đơn vị cũng đã kịp rút ra xa trận địa rồi. Ông Nam bị đưa vào Sài Gòn giam và tra hỏi hai tháng. Rồi họ hỏi ông có người nhà trong này không? Ông chợt nhớ, hàng xóm nhà ông có ông Lễ, trước đóng đội ở bốt đầu làng, vào Nam năm năm mươi tư, vợ vẫn ở lại Bắc. Ông Lễ đến trại giam bảo lãnh cho ông Nam ra. Biết ông Nam trước khi đi bộ đội có làm máy may, ông Lễ tìm việc cho làm ở một tiệm may quần áo. Bà vợ hai bây giờ chính là bà chủ tiệm may, lúc ấy đang là góa phụ có chồng đi lính tử trận. Họ ăn ở với nhau, sinh thêm được mấy người con. Sau này bà ấy mắc bệnh hiểm nghèo, chết mấy năm rồi, ông Nam bèn chuyển về ở hẳn ngoài Bắc.

Ông tôi kể.

Đơn vị ông tôi là quân chủ lực thiện chiến nhất của bộ. Lính chọn vào rất kỹ, cả làng chỉ có ông tôi và ông Nam. Sư đoàn này không bao giờ vào lâu trong chiến trường. Chỉ vào đánh theo chiến dịch rồi lại rút ra Bắc củng cố. Mùa hè đỏ lửa tại thành cổ, ông và ông Nam ở hai mũi tấn công khác nhau. Ông đánh vào thành cổ. Ông Nam đánh sân bay. Mấy hôm sau nghe tin bạn bị bắt, chưa biết sống chết ra sao thì một trưa, máy bay địch thả truyền đơn rơi trắng cả chiến hào bên ta. Trên truyền đơn in ảnh ông Nam một tay đưa khẩu RPD cho cố vấn Mỹ, một tay cầm bó hoa và dòng chữ in bên dưới “Chiến binh cộng sản Ngô Đắc Nam đã trở về với chính nghĩa. Các bạn cán binh cộng sản mau chóng buông súng để hưởng sự khoan hồng của quốc gia”.

Ông Nam nói rằng…

Hồi bị bắt, ông bị mấy tay cố vấn Mỹ thẩm vấn ròng rã hàng tháng liền. Sau họ thả vì thấy đúng là lính trơn, hỏi mãi cũng chả có gì mà khai. Khai mỗi tên tuổi, cấp bậc, quê quán và phiên hiệu đơn vị… thế là hết. Sau năm bảy mươi lăm, ông đến trình diện ban quân quản rồi đi học tập. Cũng đúng hai tháng ngồi học tập, viết kiểm điểm trong trại rồi được về làm dân.

Ông tôi thì nói …

Sau khi ông Nam bị bắt, khai ra phiên hiệu đơn vị. Đối phương biết đây là sư đoàn số một của quân ta. Từ lính cho đến quan bên ấy đều lè lưỡi nói, thảo nào đánh hăng thế. Họ bèn đổi chiến thuật, không đánh trực tiếp nữa, mà toàn dùng pháo và máy bay B52 giã. Đơn vị của ông chạy trối chết. Hồi ấy ông rất căm ông Nam, nghĩ nếu mà gặp sẽ xả cho băng AK mới bõ tức. Đáng ra còn quả lựu đạn cuối cùng thì phải bật chốt cho nổ tan xác cùng kẻ địch. Thế có vẻ vang cho bạn bè, quê hương không.

Nhưng mà rồi chiến tranh qua đi, sang thời hậu chiến. Đói khát cùng cực. Ai cũng phải giành giật, lăn lộn kiếm miếng ăn. Nuôi sống gia đình lúc đó là một cuộc chiến còn cam go hơn cả nổ súng đánh nhau với kẻ thù. Những bức bách của áo cơm hiện tại đã khiến cho những câu chuyện xưa dần nhạt, ít người quan tâm. Những mối thâm thù do thời cuộc cũng vậy, dần phai đi. Ai cũng phải hướng lên tương lai mà sống. Chả ai cứ ngồi suốt ngày mà gặm nhấm chuyện xưa tích cũ được. Nhất là khi cái đói, cái rét, cái cảnh nheo nhóc của vợ con cứ như những mũi dao chọc vào tim vào óc. Có điều, sau vụ ngăn cản dì Huyền lấy chú Vũ, rồi ép gả dì cho con ông bạn đồng ngũ nhưng con gái cũng chẳng được hạnh phúc, ông tôi dường như bắt đầu nghĩ lại. Ông không còn gay gắt với ông Nam nữa. Mỗi khi gặp nhau ngoài đường, ông cũng gật đầu chào. Rồi lần lần việc trong họ ngoài làng phải gặp nhau, hai ông cũng nói đôi ba câu chuyện. Lần đầu thì có vẻ gượng gạo. Sau rồi cũng thấy bình thường. Mà lứa các ông cũng chả còn mấy, lớp chiến tranh không về, lớp ốm đau bệnh tật đi sớm. Hình như tới cuối đời, với những người già, chả có gì quan trọng hơn sức khỏe của mình và cuộc sống yên vui cùng con cháu. Mà ông tôi với ông Nam đều cũng già rồi…

Năm ông tôi và ông Nam được bảy mươi tuổi, làng làm lễ mừng thọ tại đình hôm mùng bốn tết. Làng tôi vẫn có lệ, mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thày. Nghĩa là ngày mùng một tết thì để đi thăm hỏi chúc tết đằng nhà nội, mùng hai sang nhà ngoại, mùng ba sẽ thăm thày giáo cũ. Còn mùng bốn dành làm lễ mừng thọ các cụ từ bảy mươi trở lên ngoài đình. Mùng bốn tết năm ấy, hai ông cùng với các bô lão trong làng áo the khăn xếp trịnh trọng ngồi trong đình nghe lời chúc thọ của làng. Đến lúc sắp mâm cho các cụ ngồi dự cỗ làng khao, vô tình ông tôi ngồi cùng với ông Nam. Ngày xuân, lại có chén rượu nồng đưa đẩy đã khiến cho hai ông bạn già cởi mở nốt với nhau. Họ cùng nhắc những chuyện ngày xưa chăn trâu cắt cỏ học bài. Họ cũng chả còn e dè khi nhắc lại chuyện chiến trường. Họ cũng nhắc lại cả chuyện ngày xưa bé đánh trận giả với nhau trong đồng ngô cánh bãi mỗi khi đi học về. Rồi họ cùng chạm chén rượu quê rồi cười khà với nhau. Đời chả có gì quan trọng hơn cái sự sống, chết. Còn người là còn tất cả. Mọi cái khác là thường. Thì nhân gian có cái gì quan trọng hơn tính mạng người ta nữa đâu, nếu không sao còn thế giới loài người. Mọi cái suy cho cùng, nó như là trò chơi cả mà. Chơi trận giả cũng có bên thắng bên thua. Có bị thương có chết. Rồi cũng có cả tù binh. Tên tù binh khốn khổ sẽ phải vác cả đống cặp sách của bên thắng trận đang nhênh nhang kèn trống bằng mồm trở về làng. Thằng bé Phúc cũng từng tấm tức khi phải cõng đống cặp sách trên lưng, mà thằng Nam bạn mình lại rung rinh phất roi ngựa giả. Nó đã thề trong bụng là không chơi với thằng kia nữa. Thế nhưng rồi sớm mai, hai thằng lại í ới gọi nhau, tung tăng chân đất, áo vải chạy xuống trường ở làng bên…

Tàn bữa rượu mừng thọ, hai ông về cùng đường. Qua cổng nhà, ông tôi bảo:

-Ông vào đây uống chén nước đã?

-Vâng, lâu lắm tôi không vào nhà ông. Hình như từ trước khi tôi với ông đi B?

-Thôi. Nhắc lại chuyện đã qua làm gì. Lâu quá rồi.

-Đúng thế, lâu quá rồi. Tôi với ông sắp ra người thiên cổ đến nơi…

-Ừ, sắp ra người thiên cổ mà cũng chả hết lo, chả hết nợ đời. Bao giờ nhắm mắt xuôi tay thì mới hết nợ đời ông ạ.

Hai ông yên lặng uống trà. Họ vẫn còn một điều muốn nói với nhau mà không biết mở lời ra sao. Mồng bốn tết làng xóm hầu như không còn ai đi chơi. Vắng vẻ. Hình như đã có người đi cấy. Cây bưởi ngoài vườn đã nhú những bông hoa đầu tiên trắng muốt tinh khôi. Hương bưởi thơm hòa lẫn vào trong hương trà thanh tao thoang thoảng dịu dàng.

-Này- ông tôi đột ngột lên tiếng. Thế tình hình làm ăn của thằng Vũ nhà ông trong kia thế nào?

-Nó làm ăn tốt, doanh nghiệp có mấy trăm công nhân, làm chả hết việc. Nhưng…

- Nhưng sao?

-Ôi, chuyện vợ chồng nó chán lắm. Cứ ông chẳng bà chuộc suốt. Chả ra làm sao. Tôi cũng chịu. Chúng mới ra tòa li dị rồi.

Hồi chú Vũ buồn vì không lấy được dì tôi, bỏ vào Sài Gòn ở với gia đình vợ hai ông Nam. Lập nghiệp. Rồi lấy vợ trong đó. Nghe nói hồi đầu cũng vất vả, hai vợ chồng may gia công thông đêm kiếm gạo. Nhưng mà chú ấy khoẻ mạnh, chịu khó, lại sáng dạ. Từ làm may gia công, chú mua vải về may theo mẫu hàng đem ra chợ giao cho người ta bán. Rồi chú tiến lên may đồ cao cấp. Chú lập xưởng, thuê công nhân… Chú thành ông chủ lớn. Chú giàu có hồi nào không hay.

Thế nhưng sự đời rất lạ. Lúc còn khó khăn chạy vạy từng đồng nuôi con thì hai vợ chồng chú Vũ có vẻ hạnh phúc. Đến lúc thành ông bà chủ giàu có thì họ lại lục đục, cãi cọ ghen tuông triền miên. Thật chả ai biết trước được sự đời thế nào. Thì cái chuyện vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt khó nói lắm. Chuyện vợ chồng dì Huyền tôi cũng thế đấy thôi…

Không biết hôm ấy ông tôi và ông Nam nói thêm với nhau những gì mà còn ngồi rất lâu.

Lúc tiễn ông Nam ra cổng, thấy ông tôi bảo, xong được việc này thì tôi với ông có nhắm mắt cũng an lòng.

Mấy hôm sau thấy chú Vũ bay về. Chú sang gặp dì Huyền tôi ngay.

Dì tôi và chú Vũ không mất nhiều thời gian để quyết định về với nhau. Vì thực ra trong lòng cả hai chưa lúc nào họ thôi nghĩ về nhau. Tình đầu dang dở thường như thế, sẽ nhớ nhau suốt đời. Đấy là lời bọn bạn gái tôi bình luận khi nghe tôi kể là dì tôi sắp tái hôn với người yêu cũ.

Ông tôi và ông Nam bàn nhau, cứ cho hai đứa chúng nó đăng ký kết hôn rồi vào trong đó tổ chức liên hoan tiệc tùng báo hỉ. Ở ngoài này kẻ nói ra người nói vào không tiện. Thôi thì mọi việc cứ âm thầm cũng được, miễn là các cháu tìm lại được hạnh phúc, tôi với ông hiểu với nhau là vui rồi.

Hôm dì Huyền ôm thằng cu Tít bay Sài Gòn cùng chú Vũ, là buổi sáng sớm. Hai ông tiễn ra tận đầu đê. Xe ô tô đón người đi sân bay chạy rồi mà hai ông già vẫn đứng nhìn theo mãi. Không ai nói lời nào. Lúc ấy trời vừa rạng sáng, phía chân trời bỗng hừng lên một màu rực rỡ. Những tia sáng ban mai đầu tiên chiếu dọi khắp nơi. Chiếc xe chở ba người chạy về hướng mặt trời như hòa vào trong ánh nắng rạng đông chói lòa.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước