Thứ ba, ngày 24 tháng 09 năm 2024
21:34 (GMT +7)
VĂN NGHỆ TUỔI HOA

Ra rìa

LTS: Thưa quý độc giả! Bắt đầu từ số này, Văn nghệ Thái Nguyên sẽ mở chuyên mục “Văn nghệ Tuổi hoa” với tần suất mỗi tháng một kỳ, nhằm giới thiệu các sáng tác của những cây bút tuổi học trò sẵn niềm đam mê văn học nghệ thuật. “Văn nghệ Tuổi hoa” là sự nâng niu những mầm xanh nhiều hứa hẹn, định hướng và bồi dưỡng với mong mỏi chúng sẽ cứng cáp, thành cây, thành rừng… Chuyên mục có sự đồng hành của nhà văn Tống Ngọc Hân.

 

Văn nghệ Tuổi hoa số đầu tiên trân trọng giới thiệu với độc giả truyện ngắn "Ra rìa" của tác giả Ngô Thị Thanh Tân. Thanh Tân là gương mặt quen thuộc của Trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên phát hiện và bồi dưỡng. Câu chuyện kể về một hiện thực rất phổ biến ở những gia đình neo người khi người mẹ sinh con thứ hai thì đứa thứ nhất bị bỏ bê, thiếu sự quan tâm. Từ đó, đứa trẻ dường như bị tách khỏi mẹ và luôn chìm trong hoài nghi về tình cảm mẹ dành cho mình, thậm chí còn nảy sinh lòng thù hận với em bé. Thanh Tân rất giỏi trong việc mô tả diễn biến tâm lý nhân vật, xây dựng cốt truyện bền chặt và sử dụng nhuần nhuyễn những câu văn dài. Câu chuyện chứa đựng một thông điệp rất đẹp về tình mẫu tử và hứa hẹn mang đến cho độc giả những trải nghiệm đầy cảm xúc.

Cũng trong số này, trang Văn nghệ Tuổi hoa còn có sự xuất hiện của ba bài thơ của ba tác giả vốn là trại viên của Trại sáng tác. Đầu tiên phải kể đến là bài thơ "Hạ vàng" của Hà Tiến Duy. Bài thơ mang dáng dấp Thơ Mới từ nội dung đến hình thức nhưng lại đậm đà dấu ấn cảm xúc cá nhân của tác giả ở thời điểm hiện tại. Đó là dư vị của tình yêu trong đủ mọi cung bậc, từ vùng vằng hờn giận đến trách cứ, từ day dứt khó lòng nguôi ngoai đến tiếc nuối âm thầm. Bài thơ là niệm khúc buồn nhưng lại rất ngọt ngào của tuổi trẻ. Tiếp đến là Dương Phương Hoa với bài thơ "Rừng đầy nắng". Bài thơ sinh động, đầy sắc mầu và những thời khắc trong ngày uyển chuyển lướt qua trong từng khổ thơ gọn gàng đẹp mắt. Cuối cùng là Trần Hải Đăng với bài thơ "Mưa đầu hạ". Hải Đăng là người có lối viết mềm mại, dạt dào cảm xúc. Câu chữ của Đăng rất đỗi tinh tế và tươi mát như những giọt mưa đầu hạ.

Cùng với đó là tản văn "Đơn giản nhưng cao quý" của Hoàng Tuệ Minh, em cũng vừa tham dự Trại sáng tác trẻ năm nay. Những ngẫm ngợi, suy tư đầy triết lý về gia đình, về đạo lý làm con chất chứa bao cảm xúc, Hoàng Tuệ Minh đã nói hộ tiếng lòng bao bạn bè cùng trang lứa.

Mời quý vị cùng theo dõi.

***

Nắng mai nhẹ nhàng chiếu vào căn phòng nhỏ sơn màu hồng nhạt trên tầng hai. Nơi có một cô bé đang lúi húi gấp chăn màn. Hình như cô bé gấp đi gấp lại mấy lần mà cái chăn vẫn méo xệch. Nhưng cô bé sáu tuổi ấy đã quyết tâm làm bằng được và xem đó là minh chứng về việc cô đã “trưởng thành” hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều.

Hôm nay là một ngày đặc biệt với An. Sự háo hức, nôn nao trong người làm cô bé không thể ngủ được thêm nữa. Mẹ sẽ về sau một tuần sinh em ở bệnh viện. An nhìn chiếc chăn đã gập xong và mỉm cười trong những tưởng tượng quá đỗi ngọt ngào. Hẳn là thế rồi. Ngay khi mẹ về đến nhà, mẹ sẽ ôm cô và hỏi xem những ngày qua ở nhà con gái của mẹ có ngoan không. Sau đó, mẹ sẽ thơm lên má An một cái thật kêu để bù đắp cho những ngày xa cách nhớ nhung. Tiếp đến, An sẽ được gặp em gái bé bỏng của mình. Chắc là Nhiên cũng dễ thương lắm. Cảm giác được làm chị thật là vui và An thấy mình quan trọng hẳn lên.

55555
Minh họa: Ánh Dương (15 tuổi)

Dòng suy nghĩ miên man trải dài của An bị tiếng chuông cửa cắt đứt. An vừa bừng tỉnh thì đã nghe thấy tiếng ồn ào của người lớn và loáng thoáng tiếng mẹ dưới nhà. Cô bé chạy vội vàng xuống nhà, đôi mắt trong veo hướng về phía cửa. Ở đó, một người phụ nữ trạc ba mươi, dáng người dong dỏng, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên vầng trán thỉnh thoảng nhăn lại. Đó là mẹ An. Mẹ bế trên tay em bé mới sinh, người quấn kín tã lót. Chẳng biết vì sao mà vừa về đến hiên, em bé đã khóc ré lên, tiếng khóc vang khắp nhà. Bố và mấy cô dì chú bác nữa đang vây quanh, người làm trò vui, người dỗ ngọt cho em bé thôi khóc. An kiễng chân, nhìn vào gương mặt đỏ bừng vì khóc của em bé. Em bé có nước da trắng hồng, đôi môi chúm chím rất xinh. Sau khi ngừng khóc, em bé mở mắt ra, nhìn liếc xung quanh đầy vẻ lạ lẫm. Ôi đôi mắt xanh biếc lấp lánh như đang rất hài lòng về sự chào đón quan tâm của mọi người kìa. Ai chả muốn bế, muốn cưng nựng một cô bé đáng yêu như thế cơ chứ. An khẽ chạm vào bàn tay bé xíu trong cái bao tay trắng của em bé rồi chào to:

- Con chào bố mẹ và các cô chú ạ. Chị chào em bé, chị mong em suốt. Mẹ ơi mấy hôm nay con tự lo liệu hết mọi thứ mẹ ạ, sáng nay con còn tự…

- Con tránh ra cho mẹ bế em vào. Nhanh không em khóc quá đây này!

Tiếng nói gấp gáp của mẹ chen ngang những líu lo vui sướng khiến An sững người ngay tức khắc. Cô bé ngơ ra, bất ngờ và bối rối. Trong giây lát, trái tim An hẫng đi một nhịp. Cô bé né sang bên cạnh, bước chân loạng choạng như sắp ngã.

Tiếng bố giục mẹ:

- Bế con lên phòng cho con ăn sữa đi em. Khổ thân con tôi, chắc đói rồi!

Mẹ vội vàng lách qua An đi lên phòng, vừa đi vừa ôm em bé chặt hơn, sợ gió lạnh lùa vào làm em lạnh. Mấy bác trai ra phòng khách uống trà. Một cô lấy tay sờ nhẹ vào cái má phúng phính của An, thản nhiên bình luận với mấy người bên cạnh:

- Ôi chị nhìn cái má này, cái mắt này, trông giống hệt cái Nhiên, chị em nhà nó y như đúc nhau, đáng yêu thế!

Một cô đáp lời:

- Ừ giống thật. Nhưng mà cái Nhiên mắt to, giống mẹ hơn!

Nói xong, cô quay sang nhìn An, lườm nhẹ một cái:

- Cái An bây giờ ra rìa rồi! Mẹ có em Nhiên rồi không cần An nữa đâu, cháu mà không ngoan, khéo mẹ cho ra đê mà ở chứ cần gì.

Những tiếng cười phá lên ồn ã mặc cho An ngơ ngác, bối rối chưa hiểu gì. Hai mắt cô bé mở to, hai tay níu chặt lấy vạt váy, chạy vội lên phòng, bước chân gấp gáp, thoăn thoắt như chạy trốn. Ở sau lưng, tiếng cười đùa trêu chọc vẫn đuổi theo An:

- Con bé ngại rồi kìa, các cô trêu thôi, có gì đâu mà chạy đi thế!

An lao vào phòng nhanh như một mũi tên. Cô bé ngồi thụp xuống nền sàn lạnh lẽo, trong đầu hiển hiện cái né tránh của mẹ cùng mấy lời mà các cô đã nói. Cảm giác suy sụp thật khó tả. An chỉ cảm thấy rõ nhất là cổ họng mình râm ran vị đắng và hơi thở như bị thứ gì đó chẹn lại. An cố lấy lại bình tĩnh để nhớ lại ánh mắt mẹ khi ấy. Sau một tuần mẹ mới gặp An, mà ánh mắt mẹ lại phẳng lặng như thế sao? Không thấy niềm hào hứng, không thấy nỗi nhớ nhung như những lần mẹ đi xa chỉ hai hôm rồi trở về. Có lẽ, sau khi sinh em bé, người phụ nữ nào cũng thế thôi. Sức người có hạn, mẹ chỉ có thể dành thời gian, sự quan tâm săn sóc cho mình em bé thôi. Ở bệnh viện từng ấy ngày, em bé lại hay khóc thế, chắc là mẹ vất vả lắm. Giờ đây An đã là chị rồi. Có chị nào lại đi ghen tị với em gái của mình chứ. Có đứa con gái ngoan nào lại làm mẹ của mình phiền lòng thêm nữa chứ. Nghĩ tới những điều ấy lòng An dần nhẹ đi, thậm chí quên sạch những lời trêu đùa ác ý của các cô.

Những ngày sau đó, An chẳng mấy khi được trò chuyện với mẹ. Vì mẹ quay cuồng, tất bật với việc chăm sóc Nhiên. Em bé thường hay quấy khóc vào ban đêm, chỉ đến tận sáng tinh mơ mới chịu yên giấc ngủ. Khi đó mẹ mới tranh thủ chợp mắt được đôi chút rồi lại lao vào dọn dẹp tã lót, bỉm sữa đêm qua. Ông bà hai bên đều mất sớm, bố An thì bận rộn với công việc trên công ty. Cả tuần bố chỉ về nhà được hai, ba lần. Mà lần nào về, bố cũng đặt lưng ngủ luôn một giấc như người chưa từng được ngủ. Thành ra mọi việc trong nhà đều là mẹ tự thân lo liệu. Vốn là người hiểu chuyện nên An dù mới sáu tuổi cũng tự giác chơi một mình để mẹ không phải lo lắng thêm. Nhưng đôi lúc, cô bé vẫn cảm thấy buồn tủi và mất mát một thứ gì đó không thể đòi lại.

Sáng nay, trời xanh trong vắt với những áng mây trắng bồng bềnh và làn gió thổi vào phòng cũng quá đỗi dịu dàng. An thức dậy, rời khỏi chiếc giường mềm mại khi một tia nắng khẽ lướt qua. Những ngày đầu tập ngủ một mình, cô bé chẳng thể ngon giấc vì vắng đi hơi ấm của mẹ. Vắng đi cả những câu chuyện cổ tích mẹ hằng kể. Những đêm dài trôi qua thật sự khó khăn. Nhiều khi, An cố cưỡng lại giấc ngủ vì cô bé sợ khi gặp ác mộng, sẽ không có ai lay gọi, không ai đánh thức. Và những con quỷ đó sẽ dồn đuổi An đến khi cô bé kiệt sức. Hoặc ông Ba Bị dữ tợn sẽ bắt An đem đi. Lần nào gặp ác mộng, An cũng tỉnh dậy trong nỗi hoảng sợ tột cùng. Mồ hôi đầm đìa đầu tóc và lưng áo, nước mắt giàn giụa. Những lúc như thế, An sẽ chạy sang phòng của bố mẹ để nỗi sợ bị xua tan. Ác mộng rồi cũng thưa dần. An đã tự mình chế ngự được những ám ảnh sợ hãi. An đã có thể tự ngủ một mình và tự mình thức dậy.

Đồng hồ điểm bảy giờ sáng, tiếng tích tắc nghe rất rõ trong căn nhà im ắng. An rón rén mở cửa, đi vào phòng mẹ. Trước mắt cô bé là một khung cảnh bừa bãi, lộn xộn. Khắp nơi, quần áo người lớn, quần áo sơ sinh vắt lung tung đầy trên ghế tựa, cuối giường, sàn nhà cũng rơi đầy tã lót. Đồ chơi, gấu bông chen chúc vào nhau nằm co ro nơi góc phòng. Bác sĩ bảo mẹ An bị thiếu sữa nên phải bổ sung sữa công thức cho em bé đủ chất mà bây giờ lọ sữa bột chưa đậy nắp nằm trên bàn. Sữa bột vãi tung tóe bám vào đồ đạc xung quanh. Căn phòng này không còn gọn gàng, thơm tho như trước nữa mà nồng mùi sữa bột, mùi bãi em bé trớ ra và cả mùi quần áo cũ trộn lẫn vào nhau.

Mẹ nằm trên giường, đôi mắt nhắm nghiền say giấc, đầu tóc rối bù chưa cả bỏ dây buộc tóc ra, trên người mặc bộ đồ loang lổ mùi khai nước tiểu em bé. Có lẽ đó là một giấc ngủ thiếp đi trong cơn mệt mỏi. Mẹ An nằm nghiêng người về phía Nhiên. Dáng ngủ cong cong hình con tôm, để em bé nhỏ xíu nằm trong lòng, tiếng hít thở nhè nhẹ. An nhìn xung quanh một lượt như thể cô bé đã hạ quyết tâm nhận một nhiệm vụ lớn. Cô di chuyển thật nhẹ, cố gắng không phát ra tiếng động, bắt đầu dọn dẹp căn phòng. An chắc mẩm, khi tỉnh dậy, mẹ thấy mọi thứ trở nên gọn gàng, tinh tươm, mẹ sẽ mừng lắm. Và mẹ sẽ khen ngợi sự hiểu chuyện, chăm chỉ của An. Đã lâu An chưa được mẹ ôm vào lòng, lần này nhất định mẹ sẽ thưởng cho cô bé một cái ôm thật chặt.

Thật ra, chút mong muốn nhỏ đó chỉ là một phần động lực của An mà thôi. Chủ yếu An chỉ muốn đỡ việc để mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nghĩ là làm. Cô bé bắt đầu từ đống quần áo bẩn, gom chúng lại cho vào sọt, cất gọn hộp sữa trên bàn, cô đã thử mấy lần đều không đóng được nắp hộp sữa vào. Việc này có lẽ cần nhiều sức hơn chăng? An dồn hết sức lực vào đôi tay, nét mặt căng thẳng, hai tay đỏ ửng đau rát vì ma sát lớn. Cuối cùng cũng cộp một tiếng. Thành công rồi! Sau khi cẩn thận xem mẹ và em không bị đánh thức An mới thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui sướng khiến An dọn dẹp hăng say. Trong khi hai tay ôm đầy đồ chơi cùng gấu bông chuẩn bị cho vào tủ, An chợt liếc qua em gái nhỏ của mình. Khuôn mặt xinh xắn, trắng hồng đang ngủ say, hàng lông mi dài khép lại như một cánh bướm mỏng quả là đáng yêu. An xích lại gần hơn, muốn xoa má em một cái thì chợt đống đồ chơi to quá nửa người cô bé đổ rầm xuống. Tiếng động lớn làm em bé giật mình khóc thét lên. Tiếng khóc chói tai khiến mẹ An cũng giật mình tỉnh dậy. Mẹ hoảng sợ ôm lấy em bé kiểm tra xem Nhiên có bị sao không. Gương mặt bơ phờ và hai mắt thâm quầng chợt căng thẳng. Giấc ngủ hiếm hoi của mẹ đã bị phá vỡ. Mẹ đưa ánh mắt đầy vẻ bực dọc sang An. Cô bé đang ngây người thấy thế vội vàng thu dọn đồ chơi, miệng lí nhí giải thích:

- Mẹ ơi con xin lỗi. Con chỉ định dọn dẹp phòng nhưng mà không cẩn thận làm rơi...

Không để An nói xong, mẹ đã tức giận đến đỏ cả mặt. Mẹ quát to, tay vẫn không ngừng xoa lưng trấn an em gái, ánh mắt toát lên sự âu lo xen lẫn cả khó chịu:

- Con làm gì thế hả? Ai mượn con vào đây phá đám mẹ ngủ, đồ chơi đổ lên người làm em đau rồi đây. Thương quá mẹ thương con yêu của mẹ quá, con đừng khóc nữa mẹ thương, mẹ thương. Ôi cái số tôi sao lại khổ thế này, chồng không quan tâm thì thôi con cái cũng phá phách. Sao con làm chị rồi mà chẳng ý thức được chút nào vậy. Có phải mẹ đã dạy con đi quấy phá và làm em khóc như thế này không?

Tiếng quát to của mẹ làm An đánh rơi cả con gấu đang cầm lên, cô bé lắp bắp, nước mắt đã ứa ra:

- Đồ chơi không rơi vào em mà mẹ. Con thương mẹ lắm, con chỉ muốn dọn dẹp phòng một chút đỡ mẹ thôi. Vì con thấy mấy ngày nay mẹ vất vả quá!

- Thương cái gì hả? Lên phòng chơi đi, đừng làm phiền mẹ nữa, để yên cho em ngủ!

An vội chào mẹ một tiếng rồi lủi thủi ra khỏi phòng. Tiếng đóng cửa cái rầm vang lên sau lưng. Còn có cả tiếng dỗ dành và tiếng lầm bầm trách cứ. An chạy lên phòng mình, ngồi vào bàn học. Cô bé bần thần nhìn ra bầu trời bên ngoài cửa sổ. Da trời khi nãy còn xanh như ngọc với cái nắng nung muốn chảy con đường bê tông thì giờ thoắt đã ảm đạm. Mây đen kéo đến kết thành những tầng mây dày đặc che kín cả mặt trời.

Đoàng! Tiếng sấm nổ to giữa trời kéo theo sau là những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống đập lên mái nhà mấy tiếng rất vang. An thấy ở cuối vườn nhà mình, ngay cạnh những luống rau là hình ảnh con gà mái mẹ đang xòe cánh che chở cho đàn con. Những con gà nhép mới chỉ to bằng nắm tay, lông mỏng dính chen nhau rúc cả vào người gà mẹ để cảm nhận hơi ấm cùng sự an toàn tuyệt đối trước cơn mưa đang ào ào trút xuống. Mưa thấm vào làm bộ lông gà mẹ ướt nhẹp. Thi thoảng gà mẹ lại ngóc cổ lên, lắc lắc vài cái để giũ bớt nước mưa đi. An nhìn cảnh tượng ấy mà chẳng thể kìm nén được nữa. Rõ ràng mẹ biết là An không cố ý mà. Tại sao mẹ không nghe An giải thích? Hay là An đã thành kẻ ra rìa thật rồi? Mưa không làm An lạnh, nhưng suy nghĩ ấy giống như trận mưa dội thẳng vào một tâm hồn thơ trẻ không được người mẹ dang rộng vòng tay che chắn. Vì thế mà An thấy sống lưng mình lạnh dần.

Kể từ khi em gái xuất hiện, mọi cố gắng của An đều không được mẹ nhìn thấy. Mọi mong muốn của An đều không thành sự thật. Mọi âu yếm yêu thương đã chấm dứt. Việc mẹ kể chuyện cho An nghe mỗi đêm hay dạy An học cũng chấm dứt. Có phải, những người mẹ khác cũng đều như mẹ của An? Sau khi sinh đứa thứ hai thì đứa thứ nhất dường như thành gánh nặng, thành vật cản? Dù luôn tự nhủ không được ghen tị với Nhiên nhưng sâu thẳm trong An là nỗi tủi thân, bất lực đang trỗi lên mỗi lúc một lớn. Và sự đố kị giống như một hạt giống dù chôn vùi kỹ đến mấy cũng sẽ nảy mầm, lớn lên mỗi ngày. Cái mầm đố kỵ ấy đang choán hết chỗ của lòng nhẫn nhịn, đợi chờ.

Kể từ ngày hôm ấy, từ một cô bé năng động hay nói cười, An trở nên trầm tính và ít nói hơn hẳn. Nét mặt cô bé không còn sinh động như trước. An cũng không chủ động tìm đến mẹ nữa. Ngày nào cô bé cũng chỉ quanh quẩn trên phòng, tự chơi tự học hoặc xuống phòng khách vặn nhỏ tiếng tivi để xem hoạt hình. Đối với mẹ, mọi thứ sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Mỗi ngày mẹ vẫn quay cuồng trong công việc nội trợ và chăm sóc em bé. Sự việc ngày hôm ấy sớm đã bị lãng quên, không lưu lại chút gì. Gần đây, thấy con gái lớn có vẻ trưởng thành, ít gây sự, nên mẹ có vẻ hài lòng hơn. Ngay chính bản thân mình, mẹ cũng chẳng thể quan tâm chăm sóc được thì mẹ làm gì còn thời gian chăm sóc đứa con gái đã lớn. Công việc gia đình, chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại, tính toán chi tiêu, hằng núi việc không tên đổ xuống vai người đàn bà mới ngoài ba mươi. Mẹ cũng chẳng sung sướng gì đâu. Nhưng không giúp gì được cho mẹ, mà cứ lẩn quẩn gần mẹ chỉ khiến mẹ bực mình thôi. Vì thế, An nguyện ở cách mẹ một quãng vừa đủ xa, vừa đủ gần. Ngôi nhà ba mẹ con sống chung dần chia tách thành hai thế giới riêng, sinh hoạt riêng với những suy nghĩ không có điểm chung nào. Ngay cả bữa cơm gia đình cũng chia thành hai nửa. Người ăn trước, người ăn sau, hiếm khi tề tựu đông đủ. Không khí lúc nào cũng nặng nề. Không còn những tiếng ríu rít của An. Chỉ có tiếng khóc của bé Nhiên thường bất thình lình trỗi lên trong cảnh im ắng ấy.

An tỉnh dậy thấy trời đã âm u gần tối. Cô bé bèn xuống dưới bếp tìm một thứ gì lót dạ. Cô không thấy mẹ mình trong bếp. Chắc mẹ tranh thủ lúc em bé ngủ mà dọn dẹp ở ngoài vườn. Mở tủ lạnh ra, bên trong chỉ có thực phẩm sống đóng đá chưa chế biến, một vài bó rau héo. Trên ngăn đông là một vài túi sữa của Nhiên. Dù tự bồi bổ thêm bao bữa móng giò heo đến phát ngán nhưng mẹ vẫn không đủ sữa cho em bé bú. An thỉnh thoảng vẫn nghe thấy mẹ cãi nhau với bố qua điện thoại vì tiền mua sữa công thức rất tốn kém. Cuộc nói chuyện không bao giờ kết thúc tốt đẹp mà chỉ thêm nặng nề, căng thẳng cho cả hai người. Mấy túi sữa đông này là các cô trên hội bỉm sữa dư nên đem cho mẹ An. Mấy ngày qua An luôn tự lo cho bản thân nhiều nhất có thể. Một phần là do sự giận dỗi, tủi thân. Một phần, An muốn thử xem bao lâu nữa thì mẹ mới hỏi đến An một lần, xem con muốn gì, ăn ngủ thế nào.

Đợi mãi không thấy mẹ quan tâm mình thì An lại nghĩ cách quan tâm mẹ trước. Tuy nhiên, giờ này, muốn nói với mẹ một lời yêu thương mà sao khó thế. An đã không thể mở lời. Cảm giác ngượng nghịu, e dè đã cản trở hay An đã chai lì hết cảm xúc rồi. Cái đói và sự trống rỗng của chiếc tủ lạnh một lần nữa khơi dậy niềm thất vọng và cảm giác mất mát trong lòng cô bé. Uống một cốc nước lót dạ, lau khóe mắt rồi bước những bước nặng nề lên phòng. Đi đến phòng của mẹ và em, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà An cứ nhìn chằm chằm vào cánh cửa đang đóng chặt. Rồi cô bước dần tới, mở cửa và đi vào phòng. Căn phòng hôm nay đã được dọn dẹp gọn gàng hơn, mẹ không có trong phòng mà chỉ có em bé đang mở mắt ở trên giường tự chơi với cái bao tay của mình.

Lần đầu tiên An nhìn em gái ở khoảng cách gần và trong một không gian yên tĩnh đến thế. Vẫn cái vẻ đáng yêu, xinh xắn và tươi tắn như một bông hoa hướng dương kia. Hai cái tay khua khua đến trước mặt An cùng mấy tiếng “e...e” không rõ nghĩa. Càng nhìn Nhiên, cái mầm cây đố kỵ trong lòng An càng lớn lên mạnh mẽ. Nó khiến An ngạt thở. Ngọn cây như những con rắn độc phun nọc vào làm tê liệt lí trí. Khoảnh khắc đó, những ý nghĩ xấu xa xuất hiện chớp nhoáng trong đầu An. Nếu đứa bé này không tồn tại hoặc chưa từng sinh ra, có phải An sẽ mãi là đứa con gái được mẹ yêu thương hết mực hay không? Nếu đứa bé này không khóc lên có phải mẹ sẽ không mắng nhiếc An và mẹ sẽ không phải vất vả nữa chăng?

An chìa tay ra, muốn véo thật mạnh vào khuôn mặt bầu bĩnh kia một cái để trút ra tất thảy bực bội, tủi thân. An nghĩ mình phải véo thật đau vào cho con bé nhớ đời. Cho khóc đến bao lâu thì đến. Cái má này mà bị véo thì sẽ hằn sâu lắm đây. Như thế mới đủ làm nó đau đớn, để nó cảm nhận được nỗi buồn tủi của An suốt thời gian qua. An giơ nhanh tay về phía Nhiên. Và ngay khi sắp dùng hết lực để ra tay thì chợt An thấy Nhiên hua bàn tay xíu và mỉm cười với mình. Nụ cười ngây thơ và hồn nhiên của một đứa trẻ chưa biết thế nào là đố kỵ hay ghét bỏ. Có lẽ Nhiên rất thích An nên mới vừa cười vừa ê a gọi chị như thế. An thu tay mình lại. Cô bé run rẩy, sợ hãi ngồi thụp xuống nền sàn, nước mắt rơi lã chã, tiếng nấc bật ra. Bé Nhiên thấy tiếng chị khóc thì cũng mếu máo khóc theo.

Mẹ An nghe tiếng cả hai đứa con cùng khóc thì hoảng sợ chạy vội lên phòng. Thấy An đang bế Nhiên. Cả hai chị em vẫn không ngừng khóc. Mẹ An lao tới, đón lấy em bé dỗ dành. Nhưng lần này, mẹ đã không trách mắng An, không đuổi An ra. Mẹ ân cần hỏi vì sao An lại khóc. An nức nở kể lại cho mẹ tất cả những buồn tủi trong thời gian qua. Và cả hành động dại dột An định làm với Nhiên khi nãy. Kể xong thì An cúi đầu, sẵn sàng đón nhận cơn thịnh nộ của mẹ. Nhưng lạ thay, mẹ không nói gì. An thấy mình như đang chìm trong vòng ôm ấm áp quen thuộc của mẹ. Tiếng mẹ thì thầm bên tai An. Mẹ biết cả rồi. Mẹ xin lỗi con. Con đừng giận mẹ nhé!

An biết, mẹ không cần phải nói gì cả, chỉ cần mẹ ôm An vào lòng như thế này thôi, là mọi tủi hờn, giận dỗi đều sẽ tan biến. Vì An và Nhiên là máu thịt của mẹ mà. Có khi nào mẹ lại con yêu con ghét được chứ. Ngay cả trăng kia, nó cũng không phải kẻ ra rìa, dù nó riêng một góc trời, lặng lẽ tỏa sáng. Những tia sáng lọt qua khe cửa, dịu dàng đậu xuống mắt An, khiến ánh mắt rưng rưng, lấp lánh.

 

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy