Ra chợ buổi sớm mai
Chợ sớm ở quê tôi trước đây họp trên một mô đất nho nhỏ phía cuối làng. Ban đầu là tự phát, nhỏ lẻ rồi dần dà có quy mô hơn về sức mua bán nên được chính quyền cấp phép, quản lý. Chợ họp từ khoảng 5 giờ sáng, dịp tết lễ mở hàng sớm hơn nhưng giờ vãn chợ tầm 8 giờ thì vẫn không thay đổi để nông dân còn ra đồng cày cấy hay những ai cần nhiều thứ hàng hóa khác mà chợ sớm không bán thì cứ việc lên chợ huyện, chợ phố mà mua.
Thuở lên mười tôi đã gắn bó với chợ sớm để rồi từ đó yêu luôn cái lam lũ và dân dã trong mỗi tinh sương ấy tự bao giờ không hay. Mẹ tôi làm nghề tráng bánh xèo. Khi sớm mai chưa ló rạng là bà đã lọ mọ dậy chuẩn bị bột bánh, nước chấm, than củi… để gánh ra chợ rồi vừa ngồi tráng bánh, vừa mời chào rao đón. Ngày còn bé lon ton tôi mới chỉ cầm được chiếc đèn dầu soi đường trước mũi đôi quanh gánh của mẹ. Lớn lên chút nữa thì ôm xổng xểnh bó củi mà mẹ đã tước nhỏ thành từng lóng ngắn ra chợ để châm mồi bếp lửa. Lúc lên lớp 4 lớp 5 thấy hớn hở làm sao khi ngày ngày được xách xô nước sạch lẽo đẽo theo sau gánh bánh xèo của mẹ rồi được mẹ dúi cho mấy đồng lẻ là phởn phơ hết nấc.
Ở chợ sớm, các bà các mẹ ngày nào cũng gặp nhau nhưng sáng sớm nay họ nhìn nhau trìu mến hơn, họ chào mời nhau thiết tha hơn như thể lâu ngày rồi mới gặp lại người thân thích vậy. Người bán thì miệng môi tươi tắn, đon đả còn người mua họ mau mắn đáp lại bằng những nụ môi đầy ắp tin yêu và hiền hậu. Người quê ra chợ ban sớm chẳng phải để mua xa xỉ phẩm, mà muốn mua cũng chẳng có. Sống cùng ngõ xóm với nhau, đã quen mặt đặt tên nên người bán không có chuyện nói thách, khoác lác. Người mua cũng thế, chẳng theo thói quen ra tới chợ là kèo nèo ngã giá, lật tới lật lui từ mớ rau đến con thịt lên mà chọn lựa. Cảm thấy như họ đến chợ sớm là để khen, để trầm trồ những cây con đang tươi sống, giòn rói trong thau thúng.
Tranh minh họa (Nguồn Internet)
Người quê cái gì cũng có thể mang ra chợ bán. Đó là những quả khế chua mà vườn nhà ai cũng có trồng hay cả bó lá chuối tươi được rọc xẻ từ tốn rồi bó lại từng lọn chỉn chu từ ngày hôm trước cũng trở thành một thức hàng bày bán ở chợ với ý nghĩ hồn hậu, cứ đội ra ngoài chợ nhỡ có ai cần đến thì sao? Có vẻ như được ậm ì với chợ sớm, được hòa vào cảnh tung tẩy bán mua, được hít hà không khí chộn rộn trong bảng lảng sương sớm với người quê một phần là để sinh kế nhưng phần đa là vì tình nghĩa. Chỉ có thể đắm đuối với nghĩa tình mới mang lại sự gắn bó đậm sâu, tha thiết đến như thế.
Có khi độ tươi ngon của con quả, độ mơn mởn của rau ráng ở chợ quê lại hơn hẳn chợ phố. Cũng vậy hàng quà chợ quê ít khi bị người ta dùng hóa chất để “biến ảo” cho đồ được tươi lâu ngày hơn như trên phố. Chợ quê nên cái gì cũng quê, vật phẩm nào cũng chân chất và hiền lành như chính con người quê vậy. Nào cá rô, cá chép, cá trê vừa tung quẩy vừa vờn nhau trong thau, bên cạnh là mớ tép tươi mới rớ lên thân mình còn trong long lanh, cong đầu cong đuôi nhảy tanh tách trong rổ...
Rồi thêm nào bầu, nào bí, nào ổi… vừa rời khỏi cuống cây đang còn bóng bẩy sáp nhựa và lấm tấm lông măng. Cạnh hàng bánh xèo của mẹ có bà bán cháo canh, nem chả, mấy cô bánh chì, bánh cuốn, kế đó là hàng mắm cái, ruốc chua, nước mắm được làm từ cua đồng, tôm cá… Đến chợ sớm là đến với vẻ tươi nguyên của những sản vật được chắt chiu từ dãi dầu bùn đất; với màu, mùi, vị bún bánh chặt to kho mặn đặc trưng bao đời của dân quê mưu cầu chắc bụng hơn là sự kỳ công, xa xỉ.
Mặc cho vẻ vẹn nguyên, tươi giòn của rau ráng, tiếng quẫy mình đành đạch của cá mú hay cả trăm thứ bánh trái lúc nào cũng nóng hôi hổi và thơm lựng mùi nếp cái, gặp ngày mưa lạnh sụt sùi hay mở hàng không may là buổi chợ đó hàng quán nào cũng lặng bặt, chả ai ép nài được ai. Tôi và mấy đứa em mặt mày ỉu xìu lại những hôm phải làm khách hàng bất đắc dĩ cho những chồng bánh xèo những ngày mẹ ế chợ mà chẳng mảy may, rằng quần áo, bút sách, học phí… đều từ đó mà ra. Lưng vốn cuộc đời là gánh hàng chợ sớm èo ọt trước bình minh, trong khi bố đi làm ăn xa với khoản thu nhập có hạn lại còn lo đủ thứ việc trên đời khiến mẹ nhiều lúc chẳng biết phải cậy dựa vào đâu.
Ấy chính là yêu thương mà mỗi lúc đắm chìm vào đó tôi được dịp đong đầy nỗi vất vả, khó nhọc với gánh bánh đơn bạc nhưng diệu kỳ mà mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn thành người. Đắm mình vào yêu thương để biết mình còn “mắc nợ” những ế ẩm, khen chê dạo nào và cả những nhão nhoẹt, nhớp nháp của đường sình mùa mưa có lúc đã làm mẹ trượt ngã, lấm lem hết áo xống, hàng quà.
Chợ sớm hôm nay đã sáng rực đèn điện, tiện nghi nước máy nhưng nét đẹp hiền hậu, khiêm tốn đã ít nhiều mất đi. Trong tiết đông rét mướt này, biết làm sao đây để nguôi ngoai về mẹ cùng đôi quang gánh kĩu kịt, mòn mỏi sáng sớm; với những chồng bánh xèo buổi ế chợ và cả đôi chân trần trụi mà mẹ đã cố bấm chặt vào lầy lội những mai sớm ngày xưa?.
Nguyễn Tiến Dũng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...