“Ra biển lớn”: không tự tin thì sẽ lùi lại
VNTN - Hội nhập để phát triển là xu thế tất yếu, sức nóng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay TPP đang thực sự mang lại những động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, các tỉnh thành địa phương nói riêng. Quanh chuyện hội nhập và vươn ra biển lớn ở Thái Nguyên, ông Nguyễn Đình Việt, Giám đốc Sở Ngoại vụ đã có cuộc trao đổi cởi mở cùng VNTN.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức, đặc biệt là trong công cuộc hội nhập thế giới. Cá nhân ông nghĩ thế nào về tinh thần “ra biển lớn”?
Ông Nguyễn Đình Việt: Có thể nói rằng, tinh thần “ra biển lớn” của Việt Nam thể hiện sau 30 năm được đánh dấu bằng các mốc cụ thể khi tham gia vào các tổ chức, diễn đàn, hội nghị quốc tế như: Hiệp định khung về hợp tác với cộng đồng châu Âu; Hiệp hội các nước Đông Nam Á ở ASEAN với danh nghĩa là thành viên thứ 7 (1995); Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (1998); là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (2006); Hiệp định Thương mại tự do FTA (năm 2009); Cộng đồng kinh tế ASEAN (2015); gần đây nhất là tổ chức thành công Hội nghị APEC (Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - 2017)…
Khi bước ra môi trường thế giới rộng mở, chúng ta phải chấp nhận “luật chơi” theo quy định, bình đẳng chung chứ không có ưu ái giữa nước phát triển và nước chưa phát triển; phải nỗ lực tự điều chỉnh để thích ứng sao cho phù hợp, không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế mà còn ở cả những chính sách vĩ mô của Nhà nước, nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng sức mạnh để vươn ra thị trường quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Đó cũng là thách thức cho Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng. Ở sân chơi công bằng, bình đẳng, giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu sẽ nâng lên rất cao, tiếp cận được công nghệ hiện đại… Vì vậy rất cần sự đầu tư lớn về công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay Thái Nguyên đã và đang mở rộng hội nhập như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Việt: Hiện nay Chính phủ đang tập trung vào 3 việc để thúc đẩy quá trình tham gia hội nhập gồm: đầu tư hạ tầng để tạo sự kết nối trong nội địa, đồng thời giảm chi phí sản xuất, vận chuyển; Nhà nước có các chính sách vĩ mô nhằm ổn định cả chính trị và kinh tế, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư; các chính sách phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã đưa ra những Nghị quyết như kim chỉ nam cho hội nhập quốc tế như Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, Nghị quyết 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Theo chủ trương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đã xây dựng chương trình hành động số 31-CTr/TU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó quan tâm một số nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hội nhập quốc tế; tích cực tận dụng cơ hội, điều kiện, nguồn lực quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hội nhập trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thực hiện quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; xây dựng và triển khai hội nhập quốc phòng, an ninh… Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình hành động số 31-CTr/TU. Từ đó, các Sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng tham gia. Ngoài việc Phê duyệt Đề án 2139 về “Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”, tỉnh cũng ban hành kế hoạch 47/KH-UBND về ngoại giao văn hóa đến 2020 và tầm nhìn 2030.
Thái Nguyên là nơi đào tạo nguồn nhân lực lớn của khu vực và cả nước, các trường Đại học cũng có chính sách hội nhập khá mạnh trong việc đưa chương trình đào tạo nước ngoài gắn với chương trình đào tạo của trường. Hợp tác với các trường nước ngoài, thu hút giảng viên - sinh viên…, tạo cơ hội để các sinh viên giao lưu, tiếp nhận kiến thức, mạnh dạn bước ra thế giới.
Những tiềm năng, thế mạnh và cả những khuyết thiếu đang hiện hữu của chúng ta?
Ông Nguyễn Đình Việt: Không chỉ là địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp luyện kim, công nghiệp khai khoáng, Thái Nguyên là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, nguồn nhân lực khá dồi dào. Chúng ta có nhiều điểm di tích lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng cả ở trong nước và quốc tế. Đây chính là những nhân tố quan trọng, phù hợp để vừa phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ và đô thị.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ xuất khẩu của Thái Nguyên đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Tính riêng năm 2017 chúng ta đạt 23 tỉ USD. Tuy nhiên đầu tư FDI chưa cân đối về tỉ trọng. Một số lĩnh vực như nông nghiệp, bất động sản, dược phẩm, y học, giải trí… còn thiếu và hầu như chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh còn hạn chế do phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách địa phương; các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh không có cán bộ chuyên trách công tác đối ngoại, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm hoặc giao việc tham mưu công tác đối ngoại cho bộ phận Văn phòng nên còn khó khăn.
Tôi vẫn tự tin khẳng định rằng, thế mạnh của Thái Nguyên vẫn là chè. Song dù nói nhiều về xuất khẩu chè nhưng giá trị gia tăng của mặt hàng này lại không có, đa số vẫn xuất chè thô. Sản phẩm du lịch của chúng ta cũng rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có. Xét ở lĩnh vực kinh tế, nhiều doanh nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, tình trạng thiếu lao động có tay nghề vẫn phổ biến. Nguy cơ “thuyền nhỏ” ra biển lớn không chịu được sóng to khiến họ thiếu tự tin. Khi hội nhập mà không tự tin thì ắt sẽ lùi lại. Chè là sản phẩm kinh tế, đồng thời cũng mang đặc trưng văn hóa đất và người Thái Nguyên, song chúng ta thiếu khả năng tiếp thị, marketing chưa chuyên nghiệp và mạnh mẽ.
Vậy chúng ta phải bù những phần thiếu, đối mặt với thách thức như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Việt: Cá nhân tôi nghĩ rằng, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá, thông tin về tiềm năng và cơ hội đầu tư trên địa bàn. Chúng ta phải luôn quan tâm đến các yêu cầu của nhà đầu tư, tạo cơ hội cho họ tìm hiểu và thực hiện dự án. Khâu cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cũng rất quan trọng.
Những ai đi nước ngoài sẽ thấy rằng, khi đến các điểm du lịch hoặc những địa danh có sản phẩm đặc trưng, họ thường có những khu tập trung, shop ở dọc đường, hoặc ngay trong khách sạn đều bày bán sản phẩm địa phương. Ở Thái Nguyên chúng ta nổi tiếng về chè, song chưa có điểm đến nào lý tưởng, đáp ứng thị hiếu. Một hạn chế nhỏ như vậy cũng là rào cản khi ra sân chơi quốc tế. Thiệt thòi cả về cạnh tranh kinh tế lẫn giao lưu văn hóa. Vì thế rất cần sự chung tay của các ngành của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phải tham mưu để xây dựng những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nhiều hơn. Doanh nghiệp ở Thái Nguyên nhiều, nhưng phần lớn là doanh nghiệp thương mại, đầu tư, tỉ lệ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu thấp. Chúng ta phải giải quyết được về chính sách nhà nước, làm sao để phát triển thành tập đoàn sản xuất lớn. Mặt khác, chính bản thân doanh nghiệp cũng cần có tư duy về hội nhập trong thời đại mới.
Ngành Ngoại vụ với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham góp như thế nào cho công cuộc hội nhập của địa phương?
Ông Nguyễn Đình Việt: Công tác Ngoại vụ hiện đang được chuyển hướng sang phục vụ trực tiếp cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng chính sách kinh tế - xã hội; tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế đối ngoại như tìm kiếm đối tác, thị trường xuất khẩu, thị trường lao động, phát triển du lịch, vận động thu hút các nguồn vốn viện trợ trực tiếp (ODA), đầu tư nước ngoài (FDI), xây dựng kế hoạch và cùng tham gia quản lý các dự án phát triển vừa và nhỏ của các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Sở Ngoại vụ cũng tham mưu cho tỉnh về những đề án, chiến lược ngoại giao văn hóa, triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân. Tham mưu tổ chức những lớp tập huấn thực hiện chủ trương hội nhập đến tận các huyện, thành, thị xã; thông tin cho các doanh nghiệp cũng như người dân về kiến thức đối ngoại hoặc những xu hướng kinh tế quốc tế.
Việt Nam hiện nay có 15 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện. Thái Nguyên đã, đang hợp tác khá thành công với một số nước như Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào; tỉnh đang tập trung, chủ trương kết nghĩa với Pháp, Nhật Bản… trong thời gian tới. Chúng tôi tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác hội nhập, gồm có các ngành, các ban: hội nhập kinh tế quốc tế, văn hóa - khoa học công nghệ, chính trị và an ninh quốc phòng; góp ý kiến về các chương trình xúc tiến hợp tác hàng năm ở nước ngoài. Thực hiện một số chương trình quảng bá về Thái Nguyên ở những hoạt động hữu nghị. Tham góp chiến lược, đề án về thông tin đối ngoại, trong đó giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, ngành Ngoại vụ và các ngành liên quan có trách nhiệm quảng bá, giới thiệu về Thái Nguyên. Khi các đoàn báo chí nước ngoài đến Thái Nguyên, Sở cũng có trách nhiệm phối hợp với họ để đưa những thông tin chính thống. Tham mưu để tỉnh phản bác lại những thông tin sai lệch; duy trì các mối quan hệ đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc…
Hiện nay nguồn nhân lực của ngành nói riêng, của tỉnh nói chung có đáp ứng yêu cầu hội nhập?
Ông Nguyễn Đình Việt: Nguồn nhân lực tại Sở Ngoại vụ đa số là cán bộ trẻ - chiếm 95%, được đào tạo cơ bản. Họ được tiếp xúc, va chạm môi trường quốc tế nên rất nhiệt huyết. Ở một số các ngành, doanh nghiệp, trên cơ sở những chương trình đào tạo tỉnh giao Sở Ngoại vụ triển khai thực hiện, các đơn vị đều cử cán bộ chủ chốt tham gia. Những người đi đào tạo, tập huấn chính là nguồn nhân lực tại cơ sở, thúc đẩy quá trình hội nhập cụ thể đến ngành, địa phương. Trên thực tế, về số lượng thì Thái Nguyên không thiếu. Song nguồn nhân lực để đáp ứng cho hoạt động hội nhập thì cần xem xét, bởi đội ngũ ở các cơ sở doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế về số lượng nên thiếu chuyên sâu, chuyên nghiệp.
Ở trung tâm đào tạo nguồn nhân lực thì không thể nói là thiếu người tài, song lại đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, điều này đúng sai thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Việt: Thái Nguyên hiện có 29 trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp; có khoảng 600 Tiến sĩ, trong đó có 130 Giáo sư và Phó Giáo sư, đào tạo trên 100.000 sinh viên. Thẳng thắn mà nói, nền giáo dục của chúng ta chưa tạo điều kiện để kích thích tư duy sáng tạo của người học, tình trạng này không chỉ riêng Thái Nguyên mà phổ biến khắp cả nước, kể cả những đô thị lớn. Đào tạo rập khuôn, máy móc, nặng lý thuyết vẫn tồn tại. Người Việt rất khéo tay, nhưng thiếu kỹ năng tranh luận và làm việc nhóm cũng như sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, có nhiều người giỏi nhưng chưa có đầu mối tập hợp. Vấn đề này cũng đặt ra cho người sử dụng lao động phải có độ “tinh” nhất định, biết cách trưng dụng người tài. Nhân lực thì hẳn không thiếu, song nếu vẫn còn tình trạng sinh viên vào đại học để lấy bằng mà chưa nghĩ sẽ cầm cái bằng ấy đi làm gì, thì nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là điều xa tầm với…
Với những gì đang hiện hữu, ông có thể hình dung như thế nào về một Thái Nguyên của 5 hoặc 10 năm sau?
Ông Nguyễn Đình Việt: Về định hướng phát triển trong khoảng 5 - 10 năm tới, Thái Nguyên vẫn kiên định mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và là trung tâm của vùng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục - đào tạo; có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 85% GDP toàn tỉnh (đến năm 2020). Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại với mạng lưới giao thông đối ngoại đồng bộ và hiện đại… Những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện như: Tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tri thức; tích cực thực hiện đề án Cải thiện môi trường đầu tư; quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn…
Dự kiến trong năm 2018 chúng ta sẽ đạt được cân đối về ngân sách, hi vọng việc đầu tư cho hạ tầng sẽ tốt hơn. Dựa trên những đánh giá khách quan từ người nước ngoài về môi trường, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà, Sở Ngoại vụ cũng đã tham mưu với tỉnh Đề án hội nhập đến 2020. Thái Nguyên có khá nhiều người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc, vì thế ngoài việc đào tạo tốt còn phải có mối quan hệ thân thiện; từ đó tạo cầu nối để người nước ngoài quảng bá, giới thiệu về Thái Nguyên. Chúng ta có khu Hồ Núi Cốc đang được Chính phủ đồng ý đưa vào đầu tư là khu du lịch trọng điểm. Vì thế rất cần ngành văn hóa có quy hoạch các tuyến, tour du lịch, kêu gọi đầu tư. Dù mang tính dự báo, song tôi tin tưởng rằng trong 5 - 10 năm nữa, Thái Nguyên sẽ bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Khi hoàn thành khu du lịch trọng điểm Hồ Núi Cốc như dự kiến, Thái Nguyên sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Vâng, cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng VNTN. Kính chúc ông sức khỏe, nhiều niềm vui cuộc sống!
Lê Đình (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...