Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:25 (GMT +7)

Quốc hội “tổng rà soát” việc thực hiện lời hứa sau chất vấn

VNTN- Quốc hội Khóa XV vừa hoàn thành tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ sáu với hoạt động được cử tri quan tâm nhất trong mỗi kỳ họp: chất vấn và trả lời chất vấn. Nửa nhiệm kỳ nhìn lại, bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành vẫn còn không ít những “lời hứa” còn “chậm, nợ, sót” được các cơ quan của Quốc hội chỉ rõ.

Quốc hội “tổng rà soát” việc thực hiện lời hứa sau chất vấn
Quang cảnh một phiên họp tại hội trường Diên Hồng

Chất vấn không theo thông lệ

Là Kỳ họp giữa kỳ, Quốc hội không chất vấn theo thông lệ các kỳ trước (chọn 4 nhóm vấn đề với bốn vị bộ trưởng/trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính) mà sẽ theo cách tổng rà soát” việc thực hiện “lời hứa” của Chính phủ sau chất vấn, giám sát. Trong đó, tập trung vào xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực  được nêu trong 10 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV.

Các báo cáo về nội dung trên đã được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra sơ bộ trong tháng 9/2023, sau đó một số vị bộ trưởng, trưởng ngành đã tức tốc gửi báo cáo bổ sung để làm rõ hơn một số vấn đề được các cơ quan thẩm tra lưu ý.

Trước khi hỏi – đáp trực tiếp, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát.

Tiếp đến, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết nói trên.

Báo cáo này đã đối chiếu từng nhiệm vụ được giao tại 10 nghị quyết của Quốc hội, đánh giá mức độ hoàn thành và chỉ ra những hạn chế, yếu kém.

Về lĩnh vực văn hóa, một trong những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Quốc hội  là “Thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội”.

Chính phủ cho biết đã triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

“Đạo đức xã hội được nhìn nhận, đánh giá trên nhiều bình diện mới: Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật, quy ước của cộng đồng dân cư. Tính năng động, tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích… Xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm, lương tâm vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước; mạnh dạn đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác; tuyên dương cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đã hình thành những giá trị đạo đức, lối sống mới, tốt đẹp phù hợp với xã hội hiện tại. Những tiêu chí đánh giá về đạo đức xã hội đã có một số thay đổi theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Những giá trị đạo đức truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, phát huy và cho đến hôm nay vẫn tiếp tục trở thành nền tảng của đạo đức mới trong xã hội mới”, báo cáo nêu rõ.

Quốc hội “tổng rà soát” việc thực hiện lời hứa sau chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước. Sớm ban hành quy định về quản lý các doanh nghiệp kinh doanh nội dung xuyên biên giới. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Một số kết quả được Chính phủ báo cáo Quốc hội như, thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em, gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Riêng TikTok 6 tháng đầu năm đã chặn, gỡ bỏ: 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 95%). Trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội. Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Các báo cáo về từng lĩnh vực sẽ là một kênh tham khảo để các vị đại biểu chất vấn nêu chất vấn trực tiếp. Chất vấn lĩnh vực nào thì trách nhiệm trả lời sẽ thuộc người phụ trách lĩnh vực đó.

Thời gian 2,5 ngày (ngoài 1h20 phút nghe báo cáo và 70 phút dành cho Thủ tướng) sẽ được phân chia cho bốn nhóm lĩnh vực. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng. Nhóm hai gồm các lĩnh vực công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường. Nhóm ba gồm các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán. Các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông thuộc nhóm thứ tư.

Quốc hội “tổng rà soát” việc thực hiện lời hứa sau chất vấn
Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường

Sốt ruột với điện, xử lý ngân hàng yếu kém

Trong rất nhiều nhiệm vụ còn đang dang dở hoặc chưa được thực hiện, điện là một vấn đề khá nan giải.

Các cơ quan của Quốc hội chỉ ra rằng,  Quy hoạch Điện VIII được ban hành chậm hơn 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14. Sự chậm trễ này, theo các cơ quan của Quốc hội, đã ảnh hưởng tới các mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” cũng nhận định, khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024 - 2025), trung hạn (2025 - 2030) và dài hạn (2030 - 2050) là nguy cơ hiện hữu.

Uỷ viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phản ánh rằng, đã xuất hiện nhà đầu tư chuyển hướng, di dời nhà máy vào miền Nam hoặc ra nước ngoài, do lo ngại tình trạng thiếu điện xảy ra gay gắt ở miền Bắc giữa năm nay.

Thế nhưng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, vẫn đang chờ các chỉ đạo mới của Chính phủ.

Trong lĩnh vực ngân hàng thì cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là lĩnh vực đã được yêu cầu hoàn thành từ nhiệm kỳ trước, song đến nay vẫn còn bề bộn.

Kết quả kiểm toán mới nhất cho thấy, phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 Ngân hàng mua bắt buộc “CBBank, OceanBank, GPBank” mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc, một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (DongABank). Tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn rất khó khăn, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Cũng liên quan đến cơ cấu lại ngân hàng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo. Bởi, tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, báo cáo của Chính phủ đã đề cập tới các tồn tại, hạn chế, tuy nhiên nguyên nhân chỉ mới tập trung vào các nguyên nhân khách quan, đề nghị bổ sung nguyên nhân chủ quan của các tồn tại, hạn chế gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan liên quan”, cơ quan của Quốc hội “truy” trách nhiệm.

Cải cách tiền lương còn đó những khó khăn

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Đáng mừng là ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét chính sách cải cách tiền lương, nếu chính sách này được thông qua thì sẽ là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội kỳ này, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Quốc hội “tổng rà soát” việc thực hiện lời hứa sau chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bà cũng cho biết điểm thuận lợi là đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện; hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư; tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Nhưng, khó khăn vẫn còn đó. Đó là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Rồi, việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII và các Đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan là công việc rất quan trọng để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: Một số văn bản quy phạm pháp để thể chế các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương thực hiện còn chậm. Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời và chưa đồng bộ. Việc đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng).

Luật Đất đai sửa đổi vẫn “chênh vênh”

Theo chương trình Kỳ họp thứ sáu, từ ngày 11/11/2023 đến hết ngày 19/11/2023, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Từ ngày 20 - 29/11 Quốc hội họp đợt hai, đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề mới như dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng và thảo luận nhiều dự án luật. Trước khi bế mạc vào sáng 29/11 Quốc hội dự kiến bấm nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, cho đến phiên thảo luận ngày 3/11 vừa qua, nhiều chính sách quan trọng vẫn chưa thiết kế được phương án tối ưu. Một số vị đại biểu cho rằng cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 57 phút trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 6 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 15 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 16 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước