Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:39 (GMT +7)

Quốc hội, một tuần đặc biệt

VNTN - Làm nhân sự từ ngày đầu tiên của kỳ họp, bầu Chủ tịch nước, miễn nhiệm rồi phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt nhất của Nhà nước....Quốc hội khoá 14 vừa qua một tuần đặc biệt, cũng là tuần đầu tiên của kỳ họp kéo dài một tháng.

Bầu và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, theo lệ thường chỉ diễn ra ở kỳ họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội.

Nhưng nhiệm kỳ này, chức danh Chủ tịch nước đã khuyết từ tháng Chín. Nhân sự thay thế cũng rất đặc biệt, là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người 12 năm trước đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước nói: "hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp, điều đó cũng không có gì lạ".

Thủ tướng Chính phủ giao lưu với đại biểu bên hành lang Quốc hội trong tuần đầu tiên của kỳ họp

Nhưng, gửi gắm, kỳ vọng của đại biểu Quốc hội với tân Chủ tịch nước thì không hề nhỏ, không chỉ ở kết quả 476/477 phiếu thuận mà còn ở nhận xét ông là người hoàn toàn trong sạch, vô cùng liêm khiết, bản lĩnh, khéo léo, cương nhu đúng lúc...

Làm Chủ tịch nước cũng có nghĩa Tổng bí thư nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, nhưng theo quy định tại khoản 6 điều 1 nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Vì thế, ông chỉ tham gia bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm của 48 chức danh khác. Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng là những người được mời bỏ những lá phiếu đánh giá tín nhiệm đầu tiên vào buổi sáng 25/10.

Bên cạnh bầu Chủ tịch nước vào kỳ họp giữa nhiệm kỳ, việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông với ông Trương Minh Tuấn cũng như phê chuẩn người kế nhiệm cũng có thể được coi là "đặc biệt". Bởi ông Trương Minh Tuấn đã có những sai phạm được khẳng định là nghiêm trọng, không thể tại vị. Ghế Bộ trưởng không thể gắn với chữ "quyền" quá lâu. Song chỉ với một nhân sự duy nhất được giới thiệu để phê chuẩn thì Quốc hội cũng không phải vất vả gì nhiều.

Vất vả nhất, có chăng chính là việc đánh giá tín nhiệm với các chức danh chủ chốt cả ở ba khối lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi cùng lúc phải đưa ra quyết định với cả 48 người, với ba lựa chọn đều có hai chữ "tín nhiệm", một cách đánh giá mà theo như nhận xét của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan là coi các chính khách rất mong manh dễ vỡ, ngay cả tên phiếu cũng phải tín nhiệm từ thấp tới trung bình tới cao chứ không dám dùng từ “không tín nhiệm”.

Nhưng "căng thẳng" rồi cũng qua, tất nhiên kết quả thế nào là do cảm nhận của mỗi người. Dù không ai rơi vào "vòng nguy hiểm" song các mức tín nhiệm cũng khá cách biệt chứ không đến nỗi cào bằng. Chỉ xếp riêng số phiếu tín nhiệm cao thì người ở vị trí số 1 nhiều hơn vị trí số 48 tới 297 phiếu. Điều "lạ" nữa là ngay vị Bộ trưởng (Bộ Giáo dục và đào tạo), người được 137 vị đại biểu chọn ô tín nhiệm thấp thì cũng có đến 140 vị chọn ô tín nhiệm cao.

"Nếu như đại biểu Quốc hội có quyền đánh giá những thành viên do Quốc hội bầu ra thì người dân cũng có quyền đánh giá đại biểu mà họ bầu ra khi có đánh giá mức tín nhiệm chênh lệch như vậy" đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bình luận khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Chiều muộn ngày 25/10 - ngày kết quả kiểm phiếu được công bố, một số phóng viên sau khi phỏng vấn đại biểu qua điện thoại, nói vui: hình như hôm nay các đại biểu đã có thể đi "nhậu". Nói điều này là bởi ngay trước thềm kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội không nhận lời liên hoan, tiệc tùng trong thời gian về Hà Nội họp. Lời nhắc này, theo một số vị đại biểu vừa để giữ gìn hình ảnh của Quốc hội cũng vừa để đảm bảo sự khách quan cho những lá phiếu.

Bốn ngày đầu tiên của kỳ họp, vừa phải hoàn thành những việc kể trên về nhân sự và lấy phiếu, các vị đại biểu Quốc hội vẫn phải nghe các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách và thảo luận ở tổ về các báo cáo đó. Rồi nghe trình dự án luật, thảo luận cả ở hội trường và ở tổ về một số luật chuẩn bị được thông qua trong kỳ họp này. Quy trình làm nhân sự và lấy phiếu khiến cho các vị đại biểu liên tục phải di chuyển từ hội trường về họp đoàn, họp tổ, thậm chí phần thảo luận tổ về kinh tế - xã hội phải ngắt đôi, vắt từ chiều 23 sang sáng 24/10.

Nhưng tuần đầu, cũng là tuần duy nhất Quốc hội làm việc cả thứ bảy. Hai ngày cuối tuần là liên tục bốn phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Như các phiên được truyền hình trực tiếp khác, danh sách đại biểu đăng ký phát biểu kín màn hình ngay từ buổi đầu. Các thành viên Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội cũng có mặt và chăm chú lắng nghe, ghi chép ở vị trí dành cho khách mời và luôn trong tư thế sẵn sàng đăng đàn giải trình những vấn đề nóng qua phát biểu của đại biểu.

Các phiên họp được truyền hình trực tiếp sẽ còn liên tục tiếp nối đến hết thứ năm tuần thứ hai của kỳ họp, với một ngày thảo luận về ngân sách và ba ngày tiến hành chất vấn. Nhưng dù sao, đó cũng là nội dung kỳ họp nào cũng có, không đặc biệt như tuần đã qua.

 

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy