Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
03:48 (GMT +7)

QUỐC ĐẢO KỲ DIỆU – NƯỚC ÚC

VNTN - Đón ông già Noel dịp lễ Giáng Sinh và đón Tết mừng năm mới, trên thế giới chỉ có nước Úc là trái xoáy. Giữa mùa hè nắng chói chang, nhiệt độ ban ngày có hôm hơn 42 độ. Nhà nhà có cây thông Noel dựng trên mái nhà, khu phố nào, quảng trường nào cũng có xe tuần lộc và hoa tuyết… nhưng đều có ô chống nắng! Bởi thế giới đang là mùa đông thì duy nhất nước Úc là mùa hè.

Nước Úc (Australia) là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất, là một nước trong G20 và trong nhiều tổ chức kinh tế hàng đầu của thế giới. GDP trung bình là 1.257 tỷ USD (đứng thứ 13), bình quân đầu người 51.593 USD ( đứng thư 9).Với diện tích 7,692.014 km2.Dân số 23,5 triệu người, mật độ dân số 3,3/km2 vào hạng thấp nhất thế giới.

 

Nhà Quốc hội Úc

Ít ai có thể đi khắp nước Úc bởi quá rộng lớn,bằng diện tích của 28 nước châu Âu (trừ Nga) cộng lại. Châu Úc (ngoài nước Úc còn có thêm một nước khác bé nhỏ là New Zealand), Châu Đại Dương, Đảo Úc - hòn đảo lớn nhất thế giới hay Quốc đảo Úc cũng chỉ là một Australia mà thôi. Thực ra Úc là tên gọi của người Việt Nam qua phiên âm tiếng Trung: Áo Đại Lợi Á của chữ Au-stra-li-a. Tên đầy đủ của nước Úc là: Thịnh vượng chung Australia(Commonweath Australia) gồm có đại lục châu Úc, đảo Tasmania và nhiều đảo nhỏ. Australia chữ La-tinh có nghĩa là Phương Nam đã xuất hiện trong thư tịch cổ đại nhưng không ai biết là ở đâu, cũng không có tài liệu nào nói cụ thể về lục địa này. Cho đến năm 1521, người Tây Ban Nha đầu tiên mới đến được Thái Bình Dương. Người châu Âu đầu tiên đặt chân lên châu Úc là một người Hà Lan, tên là Willem Janszoon vào năm 1606. Ngày 26 tháng 2 ông cùng đoàn thủy thủ Hà Lan đổ bộ lên cửa sông Pennefather thành phố Cape York ngày nay. Họ vẽ bản đồ toàn bộ bờ biển phía tây và đặt tên cho lục địa là Tân Hà Lan (New Holland) trong suốt cả thế kỷ XVII. Oái oăm là người Hà Lan đặt chân lên châu Úc là người “mò ốc” trước nhưng người Anh lại là người “ăn ốc”. Năm 1688 và 1689 nhà thám hiểm người Anh tên là Wiliam Dampier đã đổ bộ lên bờ biển tây-bắc của Tân Hà Lan. Sau đó là James Cook (người Anh) đổ bộ lên phía đông. Ông đi dọc bờ biển, vẽ bản đồ chi tiết và tuyên bố chủ quyền của nước Anh với tên gọi là New South Wales và biến nó thành nơi lưu đày tội phạm của nước Anh. Ở trại giam Port Jackson gần Sydney, ngày 26 tháng 1 năm 1788 quốc kỳ nước Anh được kéo lên, và ngày này trở thành ngày Quốc khánh của Úc.

Huyền thoại châu Úc vốn gắn liền với lục địa châu Á. Thời thượng cổ khi đứt gãy vỏ trái đất, biển Thái Bình Dương nhấn chìm một phần lục địa xuống đáy đại dương (hiện nay người ta vẫn phát hiện ra các di chỉ khảo cổ, đồ dùng, thành quách…dưới đó). Phần đứt gãy rời ra ấy là châu Úc. Phần nối của hai lục địa này còn lại, nhô trên biển là các đảo và quần đảo lớn nhỏ rải rác, là nước Brunei, Đông Timo, Singapore, Malaixia và Vạn đảo Indonesia. Máy bay đi từ TP. Hồ Chí Minh qua các nước này chỉ mất 4 giờ là đến bờ biển phía Tây của nước Úc. Nhưng bay qua lãnh thổ Úc sang phía Đông, đến Canberra thủ đô, hoặc Sydney cũng phải mất hơn từng ấy thời gian. Cách nay ít nhất là 40.000 năm đã có con người sống ở đây. Cho đến thế kỷ XVIII, khi người châu Âu đến thì trước đó có khoảng 75 nghìn đến 1 triệu người bản địa sinh sống với 250 nhóm ngôn ngữ khác nhau. Một điều thú vị là các nhà nhân chủng học và ngôn ngữ học đã tìm ra dấu vết giống nhau của người bản địa Úc với người Indonesisa và các dân tộc Ba-na, Xê-đăng, Ê-đê… ở Tây Nguyên Việt Nam với một tên chung là tộc người Anh-đô-nê-giêng (Indonesien).

Dân số nước Úc không đông nhưng đa dạng. Một hợp chủng quốc. Thổ dân còn lại không nhiều (2%), còn lại chủ yếu là dân nhập cư. Người đến sớm nhất là người Anh và người Ireland (33,5%), tiếp đó là người Hoa (5,6%), người Ý, người Đức (5,6%), người Ấn Độ (2,8%) còn lại là người Hy Lạp, người Philippine và người Việt Nam. Người Úc có tuổi thọ rất cao, chỉ sau Iceland, Nhật Bản bởi không khí và môi trường trong lành (ngoại trừ nạn cháy rừng xẩy ra vào mùa hè hàng năm), rau cỏ nhiều loại và thực phẩm không độc hại. Thịt bò Úc ngon nổi tiếng thế giới. Ngoài bò, lợn gà, dê… là thịt cừu và kanguru.

Nước Úc rộng mênh mông với diện tích 7.617.930 km2, nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương không gắn với đại lục nào cả, là hòn đảo lớn nhất thế giới với bờ biển dài 34.218 km (chưa kể bờ biển của các hòn đảo ngoài khơi và vùng lãnh thổ Nam cực). Đất nước rộng, khí hậu đa dạng, có vùng tuyết trắng nhưng chủ yếu là khí hậu lục địa khô hanh. Ở Tây Úc còn có một dãy núi nhưng chỉ là một tảng đá khổng lồ nguyên khối lớn nhất thế giới, ấy là núi Augustus.

Nông nghiệp, chăn nuôi ở Úc phát triển mạnh. Những nông trại hoa quả ngút ngàn những táo, lê, cyrret, đào, mận, nhiều nhất là nho… Rượu nho là một đặc sản nổi tiếng. Tất cả được cơ giới hóa, từ tưới tiêu, bón phân đến thu hoạch mùa màng đều do máy móc thực hiện. Trên bình nguyên bao la, đi ô-tô suốt ngày, dọc đại lộ cao tốc không thấy một bóng nông dân mà chỉ thấy từng đàn bò, đàn cừu, đàn ngựa, đàn dê… đông đúc hàng trăm con nhởn nhơ gặm cỏ. Thỉnh thoảng lại thấy bên đường có những biển báo lái xe cảnh giác, khỏi cán phải kanguru hay gấu cụt đuôi, sâm cầm chạy qua. Chim trời hoang dại nhiều vô kể và được pháp luật bảo vệ chu đáo. Không một ai bắt, giết chim. Người dân rất yêu quý chó mèo và động vật, ngay cả với trăn và rắn (Úc nổi tiếng là có nhiều rắn cực độc). Đánh bắt và câu cá cũng phải có giấy phép của Nhà nước. Thời gian đánh bắt phải trừ thời gian sinh đẻ của từng loài cá, trọng lượng bao nhiêu mới được câu…

Nước Úc không có ngôn ngữ chính thức mà tiếng Anh là quốc ngữ hiện nay, dù chỉ có 72,7% người dân sử dụng trong gia đình. Trong giao tiếp xã hội ngoài tiếng Anh là tiếng Quan thoại, tiếng Ả Rập, tiếng Ý và tiếng Việt (1,3%). Từ thế hệ thứ hai của dân nhập cư ai cũng biết sử dụng hai ngoại ngữ.

Giáo dục của nước Úc được xếp vào hàng tốt nhất của thế giới .Với 40 trường đại học công và tư nhân được Nhà nước tài trợ, chi phí cũng vào loại đắt đỏ hàng đầu của thế giới nhưng chất lượng rất cao. Giáo dục là trách nhiệm của các Bang nên kinh phí cũng khác nhau. Phổ cập giáo dục là bắt buộc và được Nhà nước Liên bang đài thọ. Hơn 99% công dân Úc biết đọc, biết viết. Hệ thống trường dạy nghề rất phát triển.

Do đặc thù của lịch sử tạo nên nước Úc là ra đời muộn, dân nhập cư là chính, bắt đầu từ người Anh nhưng tiếng Anh không phải là duy nhất, do đó văn hóa Úc là một sự hỗn hợp, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa bản địa, văn hóa thổ dân kết hợp văn hóa của các cộng đồng dân nhập cư ngoài văn hóa châu Âu. Từ giữa thế kỷ XX văn hóa Úc chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa đại chúng, nhất là văn hóa Mỹ thông qua truyền thông (mass media) đặc biệt là truyền hình và điện ảnh. Cũng chính vì vậy mà văn hóa của các nước láng giềng lân cận thông qua nhập cư quy mô lớn như Indonesia, Philippine, Malaisia, Việt Nam có điều kiện phát triển ở đây... Nước Úc có nhiều diễn viên nổi tiếng thế giới như Hugh Jackman, Miranda Kera, Christ Hemsworth, Nicole Kidman, Kylie Miogue, Sam Worthington, Isla Fisher… làm rạng rỡ thêm cho kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood. Dù vậy thì riêng hội họa, sân khấu vẫn đậm nét là của người bản địa. Khắp các thành phố lớn đâu cũng có viện bảo tàng nghệ thuật. Tranh bích họa hang động, tranh khảm, thêu phong cảnh là đề tài chủ đạo của các trường phái nghệ thuật hiện đại: Siêu thực, Lập thể, Ấn tượng… Mỗi bang có một giàn nhạc giao hưởng. Nhà hát kịch quốc gia Úc (Opera Australia-Nhà hát Con sò) nổi tiếng thế giới với giọng nữ cao của Sutherland và Nellie là những ca sĩ hàng đầu thế giới thể kỷ XX. Bang nào cũng có các đoàn bale và vũ đạo, có hàng trăm sô diễn hàng năm.

Trên cơ sở của một nền văn hóa đa sắc tộc phong phú, văn học Úc cũng khá đặc biệt. Văn học dân gian của thổ dân được bảo vệ bên cạnh văn học hiện đại phát triển. Bạn đọc Việt Nam đã được đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nhà văn nữ Coleen, Tất cả các giòng sông đều chảy của Nency Cato. Các nhà văn như Peter Carey, Thomas Keneally, David Williamson, David Maluof, J.M Coetzee không chỉ nổi tiếng ở Úc mà cả thế giới. Họ là những nhà văn đoạt giải văn học danh giá Man Booker. Năm 1973, Patrick White là nhà văn Úc đầu tiên nhận được giải thưởng Nobel văn học.

Nước Úc không có quốc giáo. Thổ dân Úc chỉ có tín ngưỡng, tôn giáo là do dân nhập cư mang vào. Đông nhất là Công giáo La Mã (22,6%), Cơ Đốc giáo khác chiếm (18,7%), tiếp theo là Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn có các tôn giáo mới.

Sau khi có lãnh thổ trên đảo quốc này người Anh thiết lập các khu định cư cho người Anh và trở thành Bang thuộc địa riêng biệt tách ra từ New South Wales (NSW) rồi phát triển dần. Nam Úc (SA) 1828, Queenslands (QL) 1859 tiếp theo là Nam Úc (SA), Tasmania (TAS), Tây Úc (WA) và hai lãnh thổ đại lục là Thủ đô Úc và lãnh thổ ở tận Nam cực.

Ngày 1 tháng 1 năm 1901 sáu thuộc địa sáp nhập lại thành Liên bang Úc với 5 bang và một số vùng lãnh thổ. Quốc kỳ Úc giống như của nước Anh có thêm 6 ngôi sao, biểu trưng cho 5 bang và vùng lãnh thổ với Quốc ca “Nước Úc tiến lên” (Advance Australia Fair) hàng ngày vang khắp đất nước và Nhà Quốc hội. Đứng đầu Nhà nước Úc là Nữ hoàng (Hiện nay là Elizabet II) sống ở Anh và Toàn quyền (Hiện nay là Peter Cosgrove) và Thủ tướng (hiện nay là Scott Morison) sống ở Úc. Đứng đầu mỗi bang là một Thống đốc. Tất cả được người dân bầu lên qua bầu cử tự do và trực tiếp. Một trong những hấp dẫn của nước Úc là nhà Quốc hội. Nhà Quốc hội được xây dựng ở trung tâm Thủ đô Canberra, rộng tới 25 ha giữa rừng cây xanh bao la, phía trước là hồ nước nhân tạo Burley Griffin. Nhà Quốc hội được khởi công vào năm 1981 và được Nữ hoàng Elizabeth II khánh thành vào năm 1988. Tòa nhà được 50.000 công nhân tham gia xây dựng trong 8 năm trời. Từ xa nhìn vào, tòa nhà Quốc hội là một Vương miện khổng lồ, mà chóp là cột cờ cao vút 81 mét, nặng 220 tấn, với lá cờ rộng 82m2. Tiền sảnh được trang trí toàn bằng đá cẩm thạch với 48 cột màu xanh và hồng tượng trưng cho màu cây xanh và màu đất đai của nước Úc. Không chỉ là tòa kiến trúc to đẹp, hiện đại nhất nhì thế giới mà công năng của nó cũng không đâu có. Trước hết là một công trình văn hóa, một khu hội chợ, một công viên văn hóa, có triển lãm hội họa, điêu khắc, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh và sân khấu, đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm (không mất vé vào cửa). Có bể bơi được làm bằng đá granit sáng bóng với giàn âm thanh đặc biệt để che dấu những cuộc trò chuyện bí mật của người bơi. Ở đây có nhà hàng cà phê và ẩm thực dân tộc phục vụ khách đến thăm. Trong Nhà Quốc hội có một thư viện khổng lồ, một bảo tàng mỹ thuật với 6500 hiện vật có đủ các tác phẩm nghệ thuật của người bản địa đến các nghệ sĩ hiện đại. Mặt trước tòa nhà là bức tranh khảm trên đá granit rộng đến 196m2 của nghệ sĩ thổ dân Mchael Tjakamarra Nel-Walpiri mô tả nền văn minh cổ xưa của Australia. Ở đại sảnh là bức thảm có chiều dài 20m, chiều rộng 9m mô tả rừng cây bạch đàn của nước Úc, là bức thảm thêu lớn nhất thế giới của nghệ sĩ người Úc Arthur Boyd. Nhà Quốc hội có 4.000 người làm việc, 4.500 phòng, trong đó là 4 phòng nghị viện, phòng thông tin và báo chí, phòng lớn nhất dành cho bất cứ công dân nào cần và muốn tham dự chất vấn, nêu nguyện vọng với các nghị sĩ trong mỗi kỳ họp Quốc hội.

Ngoài phòng chính cho kỳ họp của Quốc hội là các phòng họp cho các nghị sĩ của các đảng phái khác nhau họp trước lúc họp chung ở Quốc hội, bởi nước Úc là nước tự do, dân chủ và đa nguyên.

Quốc đảo kỳ diệu hàng năm vẫn phải gánh chịu tai họa cháy rừng nhưng chưa bao giờ bị nặng nề như cuối năm 2019 vừa qua. Bắt đầu từ tháng 9, nhiều đám cháy đã bùng lên ở xung quanh thủ đô Canberra và Sydney. Sau đó là ở nhiều bang, đến tháng 12 thì lan ra cả nước. Lửa đã thiêu trụi 10,7 triệu hecta rừng (bằng diện tích nước Scottland, gấp đôi nước Bỉ), phá hủy 5.900 công trình xây dựng (trong đó có 2.204 ngôi nhà), 28 người chết cháy (trong đó có 4 lính cứu hỏa). Đặc biệt là có gần 1 tỷ động vật hoang dã bị chết (chủ yếu là chuột túi và 8.000 con gấu cụt đuôi koala, chiếm 1/3 tổng số ở Austrlia). Hơn 10 triệu người phải hít thở không khí độc hại do khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy rừng. Quân đội đã điều động hơn 3.000 binh lính và máy bay trực thăng, xe cứu hỏa tham gia chữa cháy. Ngày 6/1/2020 chính phủ Liên bang đã chi 2 tỷ AUD cho hoạt động khắc phục cháy rừng. Các nước Mỹ, Canada, Pháp, Anh, New Zealand, Vantuatu, Papua New Guinea… đã gửi lính cứu hỏa, máy bay trực thăng, dụng cụ y tế, thuốc men và hàng triệu đô-la giúp Australia. Các nghệ sỹ, nhà văn, diễn viên điện ảnh nổi tiếng khắp thế giới quyên góp tiền và chia sẻ hoạn nạn với đồng nghiệp và nhân dân Australia.

Hàng đoàn tình nguyện viên khắp nước đổ về những nơi có cháy rừng để dập lửa, để cứu giúp đồng bào, xây dựng nhà mới. Công nhân các nhà máy xí nghiệp xin nghỉ phép, các cửa hàng đóng cửa để xung phong vào các đoàn tình nguyện này. Trong số đó có nhiều người Việt Nam sinh sống ở đây. Nhiều Trung tâm quyên góp hàng cứu trợ khắp nước đã nhận được hàng hóa và tiền bạc quá dự định ban đầu thông báo ngừng tiếp nhận vì không phân phối và giải ngân hết. Những gia đình gặp hoạn nạn chạy về các thành phố được chính quyền cưu mang, cấp cho nhà ở, lương thưc, thực phẩm không mất tiền…

Nước Úc mênh mông nhưng các thành phố lớn, trung tâm dân cư đông nhất, quan trọng như Sydney, Mebourne, Canberra, Adelaide, Brisbane… đều nằm trên bờ biển phía Đông. Phía Tây bao la chưa có người ở. Nhiều thành phố, thị trấn rất ít người, chủ yếu là dân nhập cư mới được tiếp nhận thời gian gần đây. Chính vì vậy mà có nhiều thành phố (trừ những thành phố lớn) có người Việt Nam sinh sống nhưng không đông. Có thành phố chỉ có 2,3 gia đình với 5 đến 7 nhân khẩu ở rải rác, có khi quanh năm không gặp mặt nhau. Tôi đã đến Wagga Wagga, một thành phố nhỏ của New South Wales, cách Sydney gần 500 km, tuyệt đẹp nằm giữa những cánh rừng liễu và bạch đàn xanh ngút ngàn lúc nào cũng xôn xao tiếng chim, nhiều nhất là chim sáo, quạ và vẹt, có sông suối, đầy chim sâm cầm. Không khí trong lành mát mẻ ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 44 độ. Đường phố rộng thênh thang, nhà nào cũng có 2,3 ô-tô nhưng đi lại thông thoáng, không bao giờ ùn tắc. Nhà và phố không có cái nào cao quá 2 tầng, cách nhau với khoảnh vườn rộng hàng trăm mét vuông. Là nơi sầm uất, buôn bán và làm ăn thuận lợi nhưng cũng chỉ mới có khoảng 50 người Việt Nam sinh sống.

Một đất nước trẻ trung, hiện đại nhưng đậm nét cổ xưa lại mang bóng dáng của tương lai, nước Úc vẫn cứ là quốc đảo kỳ diệu.

Wagga Wagga tháng 1/2020

LÊ ĐÌNH CÚC

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 9 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước