Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Quê chồng và hơi ấm đồng bào

Xứ sở của những chứng tích "vang bóng một thời”

Quê chồng tôi, ngôi làng nhỏ nằm ngoại ô thành phố lớn Perpignan, thuộc vùng Roussillon, còn gọi xứ Catalogne thuộc Pháp. Vùng này nằm ở miền cận Tây Nam, cách Paris chừng 1000km, với thủ phủ - thành phố Perpignan. Chính vì vậy, xứ này như một thế giới khác hẳn với Paris hoa lệ đầy những công trình hiện đại. Perpignan và các vùng lân cận khác biệt hẳn với những vùng đất khác của Pháp, từ khí hậu đến phong tục tập quán. Người dân xứ Roussillon tự hào với lịch sử lâu đời của họ. Bạn đến đây, không khỏi ngỡ ngàng với những thành quách từ thời cổ đại, tồn tại trước công nguyên mà người dân nơi đây vẫn miệt mài tu tạo hàng năm để giữ được những nét riêng độc đáo của chúng. Xứ Roussillon được vua Pháp Louis XIV mua lại của vua Tây Ban Nha Philippe IV. Hiệp thương này được ký kết để kết thúc cuộc chiến Pháp - Tây Ban Nha kéo dài ba thập kỷ (1618 - 1648).

Chứng tích còn lại của nhà máy mìn Paulilles được tôn tạo làm cảnh trí

Nơi đây vẫn còn nhiều di tích, chứng cứ "vang bóng một thời". Như cung điện các đời vua Majorque - một quẩn thể cung điện - pháo đài xây dựng theo lối Gothique, hoàn thành năm 1309. Cả quần thể cung điện nằm trên một quả đồi phía nam thành phố, chế ngự một miền đồng bằng tới tận dãy núi Pyrénnées, và chạy suốt một vùng duyên hải của biển Địa Trung Hải. Bao quanh lâu đài là một vườn mênh mông cây cổ thụ, những cây thông to cao lừng lững bốn mùa xanh tươi như thách đố với những trận gió dữ dội, lên tới cả gần 200km/giờ, hoặc những luồng gió biển mặn mòi đổ về từ Địa Trung Hải. Tại đây thường diễn ra các buổi hòa nhạc của những nhạc sỹ, ca sỹ nổi tiếng trên khắp thế giới.

Ngoài ra, Perpignan còn tổ chức sự kiện thường niên Liên hoan Ảnh thế giới, bắt đầu từ năm 1989. Trong tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9, các nhiếp ảnh gia tụ tập về đây triển lãm các kiệt tác chụp được trên khắp các lãnh thổ. Khách du lịch có thể tìm thấy gần 30 địa điểm triển lãm ảnh trên toàn thành phố: nhà ga, tòa thị chính, công viên, trường học... Mấy năm trước, có sự tham gia của nhiếp ảnh đến từ Việt Nam. Những bức ảnh khổ rộng chụp các thiếu nữ diện áo dài thướt tha trên đường phố Hà Nội cũng đã được trưng bày trên khắp các đường phố của Perpignan. Là người viễn xứ, người viết bài không khỏi bồi hồi.

Vào mùa xuân, dãy núi Pyrénées xa xa phủ tuyết trắng xóa với ngọn Canigou sừng sững, oai vệ, dang rộng vòng tay bảo vệ vùng châu thổ Roussillon. Những cánh đồng nho thẳng hàng bắt đầu ra lá, những cánh đồng hoang mọc đầy hoa dại: cúc trắng, bồ công anh, cả hoa thuốc phiện… phơi phới khoe sắc.

Đi dạo trên những con đường len lỏi giữa các khu rừng già hay bên những quả đồi trọc sẽ thấy những ngôi nhà nguyện đứng chơ vơ. Xưa kia, bà con trong vùng đem thức ăn để đó dành tặng khách lữ hành lỡ đường, nhưng giờ đây, cửa nhà nguyện thường khóa vì sợ trộm cắp, bởi có những bảo vật niên đại hàng thế kỷ hoặc từ thời cổ đại, trung cổ… và chỉ được mở cửa vào các ngày lễ trọng đại của Tôn giáo.

Vùng này cũng nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, như thành phố nhỏ Colliour. "Chưa một nơi nào trên nước Pháp lại có bầu trời thẳm xanh như Collioure… Tôi chỉ việc khép cánh cửa phòng và thế là tôi có tất cả các sắc màu trong nhà mình…" - Danh họa Henri Matisse đã thốt lên như thế khi đến Collioure. Thành phố nhỏ bé nhưng có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm, lọt thỏm giữa các ngọn núi. Phía trước là biển Địa Trung Hải, sau là dãy núi Albert, phần cuối cùng giáp biển của dãy Pyrénées già nua, với các thửa ruộng nho bám quanh vô vàn những quả đồi. Nho mọc khắp nơi, trong vườn, trên đường đi, mọc san sát, chen chúc nhau từng tấc đất.

Ta còn gặp những dấu tích các pháo đài và nhà thờ cổ Notre-Dame-des-Anges, nằm nhô ra biển, xây dựng từ thế kỷ thứ 17. Nhà thờ có vẻ ngoài đơn sơ nhưng bên trong ẩn chứa những bức tranh tường tuyệt vời và những báu vật. Còn có Ceret, một thành phố miền trung du, nơi có những cây tiêu huyền 3 người ôm không xuể, có hồ Martemal - hồ nước ngọt nằm ở độ cao lớn nhất châu Âu (hơn ngàn mét), nơi đây đã thu hút các danh họa nổi tiếng thế giới: Soutine, Piscaso, Dalí… Còn có Trung tâm Nghiên cứu người tiền cổ châu Âu Tautavel nằm tại thành phố Tautavel cổ kính, qua những đợt khai quật, tìm thấy dấu tích người cổ đại sống cách đây hơn 450.000 năm…

Thủa mới đến quê chồng, tôi choáng ngợp trước cảnh hùng vỹ nơi đây, và dần yêu nó tự bao giờ. Nơi đây nổi tiếng với các lễ hội mùa hè, có Festival múa truyền thống, thu hút rất nhiều quốc gia, dân tộc đem đến những điệu múa dân gian của đất nước mình.

Người dân trong làng Ponteilla của chồng tôi, hầu như ai cũng đã từng nghe nói đến Việt Nam. Những kỷ niệm về Đông Dương, Điện Biên Phủ đâu đó còn hiện rõ trên tượng đài Tổ quốc ghi công. Tôi cũng gặp một gia đình nhận nuôi ba đứa trẻ Việt Nam. Rồi còn có Paulette và Alfred, hàng xóm đối diện nhà chồng. Họ đã đi du lịch Việt Nam, dọc đường Alfred bị ốm, phải về Pháp trước hạn định, nhưng họ vẫn giữ được ấn tượng đẹp về Việt Nam! Mỗi lần tôi về, họ cứ níu lại chuyện trò không dứt, nhất là về những vùng họ may mắn được thăm tại Việt Nam cùng các món ăn Việt. Gặp những người già cả, biết tôi đến từ Việt Nam, họ thốt lên: "Người Việt Nam hiền lành nhân ái thế này, bảo sao Pháp thua ở Điện Biên Phủ…". Dẫu biết là lời nói đùa, nhưng tôi cũng thấy xúc động… Thậm chí làng tôi còn có một con phố tên là Le Tonkin - tên xưa kia mà người Pháp đặt cho vùng Bắc bộ Việt Nam.

Tìm đồng bào trên những trang báo Pháp

Qua tờ nhật báo Indépendant vùng Roussillon tôi biết và tìm gặp bà Peel Thật (tên khai sinh Nguyễn Thị Thật, quê ở làng Cái Mơn, một làng nghèo của tỉnh Bến Tre), Chủ tịch Hội Việt-Pháp tại thành phố Perpignan. Bà từng làm cho Liên Hợp Quốc và Cộng đồng chung châu Âu. Nghỉ hưu, bà chọn Perpignan để hưởng tuổi già. Dẫu vậy, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và Hội Pháp-Việt của thành phố miền duyên hải này được thành lập.

Sau hơn 50 năm bôn ba xứ người, bà về thăm quê, làng Cái Mơn vẫn nghèo như xưa. Hội Việt-Pháp của bà đã xây dựng tại đây trường học và Trung tâm xã hội để trẻ em trong xã có nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng, được học tập trong môi trường giáo dục tốt, lại có nơi khám sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.

Hội thành lập nhóm gần 30 cha mẹ nuôi đỡ đầu cho một số trẻ mỗi tháng 20 Euro; tổ chức lớp tiếng Pháp mà như bà tự hào: "nơi đây là cái nôi của Trương Vĩnh Ký (người nổi tiếng tại Pháp từ xa xưa đến giờ) thì phải phát triển tiếng Pháp chứ!". Tôi còn nhớ cặp mắt bà rạng ngời khi nói về những dự án, những ý định muốn giúp đỡ mảnh đất thương yêu của bà tại Việt Nam và tôi thấy vui lây.

Lần khác trong hội sách tại Paris, tôi được làm quen với nữ tác giả Pháp - Nicole Yrle, gốc Perpignan. Bà có viết một cuốn sách về khu Paulilles, nơi trước đây sản xuất mìn và thuốc nổ phục vụ hai cuộc Đại thế chiến Thế giới hồi đầu thế kỷ 20. Trong sách có nhắc đến những người An Nam xưa kia và dành nhiều trang để ghi nhận công lao của họ. Cũng trong thời gian đó, trên tờ báo Indépendant đã viết về Port - Vendres - Paulilles - Caspron, một quần thể các thành phố nhỏ nằm ở cực Tây Nam nước Pháp, có nói Ủy ban Hành chính nơi đây sẽ khánh thành bia tưởng niệm những người An Nam xấu số đã hy sinh vì nước Pháp trong các vụ nổ nhà máy sản xuất mìn ở khu Paulilles. Và hôm đó, tôi đã đến dự, để biết họ là Lê Dương, Lê Văn Lai, Phạm Hun Nung, Võ Tần, Nguyễn Lợi, Lê Hải, Thái Sanh, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 20 đến 43 và họ nằm trong số những người bị lịch sử cũng như nước Pháp lãng quên.

Quả đúng như thế, mãi cho đến những ngày đầu thu 2012 và sự kiện thành phố Port-Vendres dựng một tấm bia tưởng niệm, thì chả còn gì gợi nhớ đến điều này. Ngay cả trong khu tài liệu lưu trữ cũng không có văn bản chính thức nào chứng thực họ đã đến và làm việc tại xứ sở Catalogne Pháp. Ngay cả cái chết bất ngờ của 7 người con Đông Dương hình như cũng không được tính đếm.

Paulilles hiện là một khu danh lam thắng cảnh có ba bề là bãi biển thoai thoải, mặt biển xanh ngắt với những cánh buồm trắng nhởn nhơ, nằm giữa Địa Trung Hải và dãy núi Albert, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Nhưng thực tế trong những khu công viên bạt ngàn tươi mát kia đã từng chứa một nhà sản xuất mìn tầm cỡ.

Bãi biểnPaulilles

Nhà máy sản xuất mìn Paulilles được xây dựng sau những thảm họa kinh hoàng của trận chiến Verdan, mà tháng 9/1870, đã đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Napoléon, do đó đã dệt lên mối hận thù lớn giữa Pháp và Phổ. Khi ấy François Paul Barbe, một kỹ sư về mìn, dưới lệnh của Léon Gambetta - Bộ trưởng Quân đội và Nội vụ của Pháp thời ấy, đã cho xây dựng một nhà máy sản xuất mìn, ngay trên lãnh thổ Pháp. Từ những năm đầu hoạt động, nhà máy đã thực hiện một cú bật không tưởng khi lợi dụng sự thương mại hóa ngành sản xuất mìn dưới danh nghĩa dân sự. Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu nhen nhóm, nhà máy bước vào thời kỳ cực thịnh cung cấp thuốc nổ cho bộ phận Pháo binh của quân đội Pháp. Chiến tranh bùng nổ, nhiều công nhân phải gác dụng cụ để cầm súng lên đường tòng quân, rất nhiều trong số họ đã không bao giờ trở về. Do đó, nhà máy thiếu nhân lực trầm trọng. Để thế chỗ những công nhân trước đây, chính phủ Pháp bắt đầu để mắt đến các nước thuộc địa, nhất là người An Nam. Quân đội Pháp nhanh chóng tuyển mộ nhân công, tự nguyện hoặc ép buộc. Những người An Nam được tuyển mộ làm việc trong nhà máy mìn. Lọc các chất thải để tạo thuốc súng - một công việc khắc nghiệt, nguy hiểm. Họ có thể gặp tai nạn bất kỳ lúc nào do mìn nổ hoặc cháy.

Ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện sơ sài mà phải đảm nhận những công việc nguy hiểm, các quân nhân An Nam mà theo người bản địa là "cần mẫn, năng nổ, nhanh nhẹn, và huyền bí" đã nhanh chóng hòa đồng và được chấp nhận trong một đất nước vốn kỳ thị với châu Á. Là nạn nhân của các vụ nổ, một số sẽ không bao giờ quay về Tổ quốc của mình nữa. Ngay cả sau cái chết thê thảm của họ, vầng hào quang huyền bí vẫn tiếp tục bao trùm lên những người con An Nam này: được chôn cất vội vàng đâu đó gần nghĩa trang làng Cospron, họ sẽ mãi mãi buộc phải nằm lại mảnh đất cách xa nơi chôn rau cắt rốn hàng vạn dặm.

Nhiều thập kỷ qua đi, không một mảnh bia, một hàng tên nhắc cho du khách nhớ đến những "người da vàng nhỏ nhẹ, vui tính, và cần cù" ấy. Người ta chỉ còn biết đến 7 người con An Nam đã chết trong khi làm nhiệm vụ qua những mẩu ghi vội, những dòng điện tín sơ sài của sở quân cảnh Port-Vendres, nơi đều đặn đến kiểm soát và ghi tên những nạn nhân... Họ không hề có quê quán, cũng chẳng có ngày cập cảng nước Pháp.

Sau gần thế kỷ bị chôn vùi, nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban Hành chính thành phố, nhờ sự tìm hiểu qua các nhân chứng và nghiên cứu trong nhiều năm của các em học sinh thành phố…, sự qua đời của những người An Nam này cuối cùng đã được ghi nhận một cách chính thức bằng tấm bia đặt tại nghĩa trang Caspron, nằm trên một quả đồi cao, xung quanh là những cánh đồng nho bạt ngàn, xa xa là biển Địa Trung Hải, luôn rì rào ru dỗ giấc ngủ ngàn thu của các anh.

Bà Nguyễn Thị Thật làm nem quảng bá ẩm thực Việt trước các bạn Pháp

Thật trớ trêu khi đến thăm Paulilles hôm nay, đã được tu tạo thành một khu sinh thái thiên nhiên được xếp hạng bảo tồn của Pháp. Cả một khu bạt ngàn cây. Những khu đồi núi trồng nho bao quanh trùng điệp… Những bãi biển cát vàng thu hút khách du lịch… Có nhà bảo tàng triển lãm các sự kiện liên quan đến thiên nhiên, sự tuần hoàn của mặt trời và lịch vạn niên Maya! Hẳn sẽ có rất ít du khách có thể ngờ rằng khu rừng mênh mông cây xanh này một thời là nhà máy sản xuất mìn lớn nhất phục vụ cho cuộc đại chiến Thế giới thứ nhất. Loáng thoáng đây đó còn giữ lại một vài chi tiết, đã được sửa sang để trang trí cho phong cảnh. Nếu không thì phải đi sâu vào khu vực phía sau. Trên quả đồi rộng lớn, bị hàng rào thép gai bao quanh, mới nhìn thấy những chứng tích… Vẫn còn những cánh cửa thông vào những đường hầm ngầm ăn sâu vào lòng đất…

Chia tay thành phố Caspron, tôi bồi hồi đứng trước tấm bia mộ. Không biết các anh quê quán ở đâu, nhưng người Pháp đã lập bia tưởng niệm, khách tham quan sẽ đọc tên các anh mỗi khi ghé thăm… Các anh là một minh chứng lên án sự điên khùng của giới cầm quyền thuộc nền đế chế thực dân, của một tội ác mà người đời sau vẫn hằng nhắc đến!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước