Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
21:10 (GMT +7)

Quất hồng bì

Tản văn. Nguyễn Thanh Mai

VNTN - Bao nhiêu năm qua, vẫn không quên được mùi quất hồng bì. Lần nào qua chợ Khu Nam, cũng ngoái nhìn những hàng hồng bì, rồi như còn mắc nợ một điều gì chưa kịp nói, lại quành xe, sà vào hàng chị bán hàng rong với cái nong nhưng nhức những quả hồng bì căng mọng, thây lẩy như gọi mời. Chỉ nhìn thôi đã ứa nước bọt.

Bao nhiêu một cân hả chị? Quả vườn, cân kẹo gì em, cứ 15 ngàn một túm. Cầm tay nhấc nhấc chùm quả trĩu nặng, sai chi chít. Dễ đến hai cân chị nhỉ. Chắc vậy. Tôi chỉ thích quả chín… Một phụ nữ trung niên, vừa nói vừa luôn tay bứt những quả hồng bì chín đen, bỏ tọt vào miệng… Ôi chị, chị vặt hết những quả ngon mà nếm như thế thì người ta còn bán cho ai? Kệ chứ, người thích quả xanh người thích quả chín, mình ăn quả chín để lại cho người thích ăn quả xanh... Người bán hàng quay đi, cố nén một tiếng thở dài. Những người phụ nữ quê mùa làm ra hạt lúa củ khoai, thường là những người phải nhịn nhường nhiều nhất... Thôi thì, phải nghĩ khác đi vậy, người bán người mua đều thích hồng bì…

Nguồn: Internet

Chọn cho mình một túm hồng bì lá còn xanh, mà con đường trở về nhà đã mang mang kỷ niệm về ngôi nhà nhỏ như cái tổ chim ở xóm Lòng Thuyền. Chả hiểu sao ngày xưa các cụ lại chọn đúng quả đồi toàn sỏi đá này mà khai hoang. Là đồi mà lại võng một lòng chảo lòng thuyền thấp hơn mặt đường nhựa dễ đến trăm mét để năm nào cũng vậy, cứ hễ mưa xuống, nước sông Cầu dâng lên là nơi này thành phố biển. Không sao cả. Cũng vì ở đó mà sau này, đứa con nào đi xa, học ở thủ đô hay lao động xuất khẩu tại Đức, cứ nhớ về nhà là lại nghĩ đến cái “tổ chim” lúc lỉu giữa một vườn cây trái. Nhãn, vải, na, mít, chuối, sấu, hồng bì, nhất là hồng bì… Những căn nhà ẩm mốc hôi sì. Trong kí ức trẻ thơ thì hình như các thứ không bao giờ được giặt. Vì đằng nào đến mùa lũ là tất cả cũng sẽ bị nhuộm bùn, dù đã chuẩn bị cất đặt mọi thứ rõ ràng, chum nồi vại lu đồ ăn, tất cả sơ tán lên gác áp mái nhà. Vậy mà cuối cùng chả biết thế nào vẫn cứ là ướt sũng. Mái lợp bằng cỏ gianh cắt từ ngay vườn trước sân nhà thật tiện. Mùi cỏ gianh xộc vào kí ức, từ lúc cây còn tươi, rồi phơi khô, rồi đánh gianh, rồi lợp nhà, rồi nắng mưa sùi sụt lại làm cho những phên gianh bị khô thêm, ải ra, thưa đi, mái nhà hở hoang hoác, thùng lớn chum bé được huy động hết để hứng nước mưa mà vẫn không đủ. Chỉ có trẻ con là sướng. Chúng nô đùa ầm ĩ vì trời mưa thì không phải học, không phải làm, cứ việc thỏa thích chòng ghẹo nhau nhảy tưng tưng. Có khi chợt nghe bên trái nhà tiếng gì lục xục…

Nhưng thích nhất là mùa hồng bì - loại cây thật dễ trồng trên đất sỏi. Sỏi nhiều đến mức con bé không biết quét sân thế nào cho phải, vì hết lớp này lại lớp khác trồi ra, dù cố học đến mấy bài học quét nhà quét sân của cha thì nó cũng không gạt hết lớp sỏi nặng nề oằn cả bàn tay bé nhỏ. Thế mà từ ngổn ngang trụi trần đá sỏi, nhãn ứ mật, na mỡ màng, hồng bì lúc lỉu. Chùm quả hồng bì lạ lắm, nó không xùm xòa rủ xuống như nhãn, cũng không lấp ló như na, mà cứ giương ra như những mắt nhìn, môi mọng, nhoi lên ướp ủ nắng trời để kết thành mùi vị đặc biệt, không thể nào trộn lẫn. Dễ đi đến suốt đời không hết được mùi hương. Cay cay, hăng hắc, ngọt đậm, nồng nồng, ngai ngái, mà lại xen lẫn vị chua đằm chứ không gắt như cam chua hay thẫn thờ như sấu. Có những chùm cao quá, cha nó phải dùng gậy nứa có chẻ sẵn mấy thanh ở đầu có que chống ngang mà đưa lên cao, ngoặc xuống. Từ từ, khe khẽ để chùm hồng bì không rụng lá, giập cành, chùm quả tươi xanh, tròn căng, mọng nước, vỏ mìn mịn, mọng môi, phơn phớt chút lông tơ như má chàng trai mới lớn. Chả cần phải quệt vào quần như quả nhót, cũng chả cần bóc vỏ như quả nhãn, quả na, chỉ thổi phù qua rồi bỏ tọt vào miệng. Nước ngọt lịm tim. Nhả mấy hạt to, nhai cả vỏ để thấy vị cay cay thơm thơm suốt cả ngày dài nắng lửa.

Hồng bì là loài cây mọc từ hoang dại, rẻ tiền, tự biết phận mình nên dễ tính, cho rất nhiều mà chả nhận bao nhiêu. Hình như không phải chăm sóc gì. Từ những hạt to mây mẩy nhả ra kia, cây cứ thế tự mọc lên. Thuộc loại thân gỗ nhỏ, mỗi cây hồng bì chỉ cao từ 3 đến 5 mét, anh lớn nhất cũng chỉ từ 8 đến 10 mét. Rất ít tốn đất. Sinh trưởng và phát triển nhanh, cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu úng chịu hạn tốt. Lá trái xoan, hoa màu trắng mọc thành chùm thưa ở ngọn, rủ muôn loài bướm chấp chới tìm về. Màu bướm trắng bướm vàng xen lẫn màu trắng của hoa, đẹp ngẩn ngơ mà chả mấy khi người ta ngắm. Người lớn bận làm trẻ con bận nghịch. Chỉ thấy bà ngoại dùng lá hồng bì nấu nước gội đầu thường xuyên, vừa sạch da đầu, trị gàu và trơn tóc. Thảo nào lúc bà gội đầu xong, mùi thơm nức cả trưa hè. Chao ơi là nhớ!

Hình như không có gì ở cây hồng bì là không dùng được. Còn nhớ ông ngoại từng đào rễ, tách vỏ cây, lấy hạt hồng bì làm thuốc, chữa được đủ thứ bệnh: lợi tiêu hóa, tiêu phù, trị ho, đau dạ dày, đau bụng kinh, long đờm, cầm nôn mửa, làm vị thuốc cho phụ nữ sau khi sinh… Mỗi lần ông nhấc cái thuyền bằng sắt hay bằng nhôm không biết, chỉ thấy nó dùng để cán thuốc bằng vòng bánh xe nặng trịch, to đùng, cả nhà phải nín thở, khe khẽ bước ra. Ông kĩ tính, không cho bất cứ đứa trẻ con nào qua lại vì sợ bụi vào thuốc. Ông ngoại ơi là ông ngoại! Người mua ở tận đẩu tận đâu, trong nam ngoài bắc tứ xứ, toàn đặt hàng qua miệng người thân, ai lặn lội về tận cái xóm Lòng Thuyền ở Núi Voi này kiểm tra đâu mà ông làm kĩ thế. Trộm nghĩ thế nhưng đố có đứa nào dám ho he. Khẽ trái ý một câu là ông quật cho bỏ xừ! Ông là người có chút ít chữ nghĩa, từng học “đíp lôm”, làm việc cho Pháp, trung thực và tinh kĩ đến tận cùng.

Hôm nay, ngồi viết những dòng này khi hồng bì đã qua mùa rộ. Ra chợ Khu Nam, chờ đợi mãi vẫn không thấy hồng bì. Chợt nhận được tin con gái lớn từ Nga báo về: Mẹ ơi! Mẹ bạn H. bị ngã từ cây hồng bì xuống. Giập đốt sống cổ, báo Lao động vừa đưa tin…

Thảng thốt, nghẹn lòng. Không thể nói thêm được câu nào nữa. Chị ấy vốn là công nhân, tranh thủ làm “ô sin” theo ngày. Tan buổi làm rồi còn cố trèo cây hồng bì mong kiếm thêm vài đồng. Chồng bỏ đi từ sớm. Mình chị làm nuôi hai con ăn học. Giờ thì hai đứa con chị đều đỗ đại học rồi, nhưng chị thì mãi mãi không bao giờ dậy được nữa.

Hồng bì ơi hồng bì!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 4 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước