Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:09 (GMT +7)

Quang Vĩnh và hai vị khách trẻ gọi bố mình là “anh”

VNTN - Nhạc sĩ Quang Vĩnh, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên còn nhớ mãi một lần tiếp hai vị khách lạ đến tìm bố mình - nhà thơ Quang Dũng.

Vào khoảng năm 1977-1978, Quang Vĩnh khi ấy đã lên Thái Nguyên sống và làm việc. Một lần ông về thăm bố, mẹ ở số nhà 296 phố Bà Triệu, Hà Nội. Buổi trưa trời nắng gắt, chợt có tiếng gõ cửa. Quang Vĩnh ra mở cửa, thấy bên ngoài có hai thanh niên  khoảng 25 - 26 tuổi mà ông không nhớ tên, nói giọng miền Nam, chào ông là anh (vì Quang Vĩnh hơn họ một, hai tuổi), chào mẹ ông là bác.

Hai người cứ đứng nhìn Quang Vĩnh mãi mới ngập ngừng:

- Đây có phải nhà "anh" Quang Dũng không ạ?

Quang Vĩnh giật mình vì câu hỏi bất ngờ. Sau phút giây ông bình tĩnh lại:

- Vâng đây đúng là nhà Quang Dũng, mời các anh vào.

Hai thanh niên tiến vào và đưa mắt nhìn khắp nhà (thực ra “nhà” Quang Dũng chỉ là một cái phòng độ 23 mét vuông trên gác 3, chật hẹp). Hai thanh niên lúng túng hỏi lại, đây có phải nhà “anh” Quang Dũng - tác giả bài thơ Tây Tiến không? Có lẽ bất ngờ vì nhà bé quá, họ sợ nhầm, Quang Vĩnh bảo đúng, rồi cũng lúng túng mời họ ngồi xuống sàn tiếp chuyện, vì nhà chẳng có bàn, ghế gì. Ông thầm nghĩ: khách lạ miền Nam ra lại tiếp sơ sài quá và thấy hơi ngượng. Trong câu chuyện vui vẻ, được biết hai người khách học chuyên ngành khoa học gì đó (ông không thật rõ vì chưa quen với tiếng miền Nam), lần đầu tiên được ra Bắc thực tập ở Đại học Bách khoa. Các anh từ lâu đã rất thích và yêu thơ Quang Dũng, có dịp may thế này, hai người quyết tâm hỏi địa chỉ tìm đến nhà để mục sở thị con người thực.

Quang Dũng đi vắng từ sáng, hai người khách quyết tâm đợi ông về để gặp mặt nhà thơ. Trong thời gian đó căn phòng lại rộn ràng quanh câu chuyện về đề tài thơ Quang Dũng. Điều thú vị là dù nói chuyện khá lâu Quang Vĩnh và mẹ ông cố tránh làm họ khó xử. Cuối cùng một anh ngờ ngợ, ngập ngừng hỏi: thế bác đây là ai và anh có quan hệ thế nào với “anh” Quang Dũng.

Tất nhiên Quang Vĩnh phải trả lời đây là phu nhân nhà thơ và khẳng định ông là con trai đầu của Quang Dũng. Thế là hai thanh niên đỏ mặt, ngượng nghịu vội xin lỗi và thanh minh chỉ vì quá mê những vần thơ rất trẻ cuốn hút lòng người mà không nhớ đến thời gian, họ tưởng Quang Dũng vẫn trẻ như thơ nên mới kêu bằng “anh”. Rất tiếc hôm đó Quang Dũng không về, sắp đến giờ học buổi chiều nên hai vị khách phải gửi lời chào nhà thơ và xin phép ra về.

Không biết sau này các anh gặp được nhà thơ Quang Dũng không - Quang Vĩnh cứ băn khoăn điều đó mãi tới bây giờ.

Những câu chuyện, những kỷ niệm đẹp về người cha, nhà thơ Quang Dũng - thi sĩ tài hoa lãng mạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời và con đường nghệ thuật, quan điểm và phong cách sáng tác của nhạc sĩ Quang Vĩnh.  Mấy chục năm sáng tác, Quang Vĩnh luôn ghi nhớ một điều: thơ và nhạc muốn đi vào lòng người phải xuất phát từ trái tim, bằng những nhịp đập mới nóng mang hơi thở cuộc sống. Và người nghệ sĩ phải luôn nhìn cuộc đời bằng cặp mắt “xanh non”, có như vậy “con đẻ tâm hồn” của họ mới thực sự sống mãi trong lòng người thưởng thức.

 

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 1 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 7 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 11 tháng trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước