TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC
Quà tặng của những nhà hiền triết
Vài nét về tác giả
O. Henry tên thật là William Sidney Porter (1862 - 1910) sinh ra ở Greensboro, bang Carolina Bắc, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng. Tên ông được dùng để đặt cho giải thưởng truyện ngắn hay nhất hàng năm ở Mỹ và là một trong tám danh nhân văn hóa được Hội đồng Hòa bình Thế giới quyết định kỷ niệm vào năm 1962, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Thời trai trẻ ông ở Texas làm việc trong một ngân hàng, tại đây ông dính líu vào một vụ chuyển ngân bất hợp pháp nên phải ngồi tù. Trong khoảng thời gian này ông cầm bút bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình và đã có tiếng từ năm 1899. Năm 1902 ông chuyển về sống tại thành phố Nữu Ước và viết liên tục gần 300 truyện ngắn. Người ta có thể tìm thấy những nhân vật làm các nghề mà chính tác giả đã trải qua: chủ cửa hiệu, nhân viên bán hàng, ký giả, họa sĩ, bác sĩ, diễn viên sân khấu, thợ cắt tóc, cảnh sát, thanh tra, dân đi tìm vàng, cũng có những người vô nghề nghiệp vô gia cư, và kể cả kẻ tội phạm và tù nhân.
Tác giả để lại số lượng truyện ngắn khá nhiều (tổng cộng gần 400 truyện cộng thêm vài bài thơ). Các truyện ngắn của ông được độc giả và giới phê bình yêu thích nhất là “Chiếc lá cuối cùng”, “Quà tặng của những nhà hiền triết” (hay “Món quà giáng sinh”), “Căn gác xép”, “Tên cảnh sát và gã lang thang”... Tình cảm của ông luôn hướng về những người nghèo, những người bất hạnh. Truyện ngắn của ông thường sâu sắc, cảm động và đầy chất thơ. Nhiều truyện ngắn của ông được xem là hay nhất thế giới và vẫn được xem là mẫu mực cho các nhà văn trẻ trong nhiều thập niên sau.
---------
QUÀ TẶNG CỦA NHỮNG NHÀ HIỀN TRIẾT
Rõ ràng không còn làm thế nào khác được ngoài việc buông mình xuống chiếc giường con tồi tàn và òa khóc lên thôi. Della đã làm như vậy. Việc làm đó của Della đã gây nên cảm nghĩ rằng cuộc đời bao gồm những tiếng nức nở, những tiếng nghẹn ngào và cả những nụ cười, trong đó những tiếng nghẹn ngào chiếm ưu thế.
Trong lúc chờ cô chủ nhà lắng xuống từ trạng thái thứ nhất sang trạng thái thứ hai, ta hãy thử ngó qua căn buồng một chút. Một căn buồng cho thuê sẵn cả đồ đạc, giá tám đôla một tuần. Không phải là không có đủ từ ngữ để tả cái thảm hại của căn phòng này, nhưng nó cũng đủ thảm hại để phải coi chừng đội cảnh sát chống hành khất để mắt đến. Ở tầng dưới nơi lối vào nhà có một hộp thư mà thư từ chẳng thèm chui vào, và một cái chuông điện không có ngón tay nào thèm ve vuốt nút bấm cả. Cùng với hai thứ đó là một tấm biển nhỏ mang dòng chữ: “Ông James Dillingham Young.”
Chữ Dillingham phô ra rõ ràng trước nắng gió trong thời kì sung túc, thời kì người chủ cái tên đó còn kiếm được ba mươi đôla mỗi tuần. Bây giờ thu nhập giảm xuống chỉ còn hai mươi đôla, những nét chữ trong cái tên Dillingham trông đã mờ đi tựa như chúng đang suy nghĩ một cách nghiêm túc đến việc rút gọn vào một chữ “D” giản dị và khiêm tốn. Nhưng khi ông James Dillingham Young về đến căn buồng riêng ở tầng trên thì chỉ được gọi là Jim và bà James Dillingham, đã được giới thiệu với các bạn với cái tên thân mật là Della, ôm hôn thắm thiết. Tất cả những điều đó thật là tốt đẹp.
Della thôi khóc, cầm cái búp phấn đập khẽ vào má. Nàng đứng bên cửa sổ, buồn bã nhìn con mèo xám đang đi trên cái hàng rào màu xám trong cái sân sau màu xám. Mai đã là Noel, vậy mà bây giờ Della chỉ có một đôla, tám mươi bảy xu để mua quà tặng Jim. Hàng tháng trời nàng đã dành dụm từng xu một với mục đích đó. Hai mươi đôla một tuần chẳng đáng là bao. Chi tiêu luôn tốn kém hơn nàng dự tính. Luôn luôn như vậy. Chỉ có một đôla, tám mươi bảy xu để mua quà tặng Jim. Jim của nàng. Nàng đã trải qua nhiều giờ sung sướng tính toán mua một vật gì đó xinh đẹp tặng chồng. Một vật tốt, hiếm có và quí báu – một vật gì xứng đáng với cái vinh dự là sở hữu của Jim.
Giữa hai cửa sổ của căn buồng có một tấm gương hẹp. Có lẽ các bạn cũng đã thấy những tấm gương hẹp kiểu này trong những căn buồng cho thuê giá tám đôla. Khi soi gương, bằng cách phối hợp thật nhanh sự phối hợp những vạch phản chiếu theo chiều dọc, một người rất gày gò và nhanh nhẹn mới có thể có một ý niệm tương đối chính xác về diện mạo của mình. Della, có thân hình mảnh mai, đã làm chủ được cái nghệ thuật này. Đột nhiên nàng từ phía cửa sổ quay ngoắt lại và đứng trước gương. Mắt nàng sáng lên, nhưng mặt nàng tái đi trong vòng hai mươi giây. Nàng thả thật nhanh mái tóc cho chảy xuống hết chiều dài của nó.
Jim và Della rất tự hào về hai tài sản của gia đình James Dillingham Young. Vật thứ nhất là chiếc đồng hồ bằng vàng của Jim, do ông nội Jim để lại cho cha chàng. Vật sở hữu thứ hai là mái tóc của Della. Giá như hoàng hậu Sheba sống trong phòng đối diện với hành lang thông gió, thì vào một hôm nào đó, Della sẽ hong mái tóc của nàng ở ngoài cửa sổ để làm giảm giá trị những châu báu, tặng vật của hoàng hậu. Còn nếu hoàng đế Salomon là một người gác cổng với châu báu chất đầy nhà, thì mỗi lần Jim đi qua cổng, Jim sẽ giơ chiếc đồng hồ ra xem để hoàng đế phải bứt râu vì ghen tức.
Lúc này Della buông làn tóc rủ quanh người nàng. Làn tóc gợn sóng óng ánh như một thác nước màu nâu. Nó dài quá đầu gối, làm thành một chiếc áo choàng dài bao quanh người nàng. Della run run, vội vàng vấn mái tóc lên. Nàng ngập ngừng một phút, đứng lặng yên, một vài giọt nước mắt rơi xuốn tấm thảm đỏ đã sờn.
Nàng mặc chiếc áo nâu cũ và đội một cái mũ nâu. Nàng quay người, chiếc váy quay thành vòng tròn, những ánh sáng lấp lánh vẫn còn đọng trong khóe mắt, nàng vội vã bước ra khỏi buồng xuống cầu thang ra phố.
Della dừng ở nơi có tấm biển: Bà Sofronie. Mua bán tóc đủ các loại. Nàng chạy một mạch lên cầu thang, tim đập thình thịch, vừa thở hổn hển vừa cố trấn tĩnh lại. Bà Sofronie to lớn, trắng nhợt, vẻ lạnh nhạt khác hẳn với cái tên “Sofronie”. Della hỏi:
- Bà có mua tóc của tôi không?
- Tôi mua tóc - bà Sofronie trả lời - cô bỏ mũ ra để tôi xem đã.
Suối tóc màu nâu gợn sóng được đổ xuống.
Bà Sofronie đưa bàn tay thành thạo nâng mái tóc lên và nói:
- Hai mươi đôla.
- Đưa tiền cho tôi nhanh lên - Della nói.
Ồ hai tiếng đồng hồ sau đó trôi qua rất tuyệt. Hãy quên đi những lời bóng bẩy phức tạp. Della chạy khắp các phố tìm mua quà tặng Jim. Cuối cùng nàng đã tìm được. Chắc chắn vật này được làm ra là để dành cho Jim chứ không phải cho ai khác. Trong bất kì cửa hiệu nào cũng không có vật nào nữa giống như vật này. Nàng đã lùng khắp các cửa hiệu. Đó là chiếc dây đeo đồng hồ thanh nhã bằng bạch kim. Giá trị của nó là do chất liệu chế tạo, chứ không phải do sự trang trí hào nhoáng. Tất cả những thứ tốt nhất định phải như vậy. Nó rất tương xứng với cái Đồng Hồ. Vừa thoạt thấy Della nghĩ ngay, nó phải là của Jim. Nó giống như Jim, trầm lặng và giá trị. Della phải trả hai mươi mốt đôla. Nàng vội vã về nhà, với tám mươi bảy xu mang trong người. Với cái dây đeo này lắp vào đồng hồ, Jim có thể xem giờ ở bất kì chỗ đông người nào. Cái đồng hồ quí giá như thế mà đôi khi anh ấy phải xem giờ một cách giấu giếm, chỉ vì anh đã dùng một chiếc dây da đã cũ thay cho một sợi dây chuyền.
Lúc Della về nhà, niềm say sưa của nàng tạm nhường một chút cho lý trí và tính thận trọng. Nàng giở những cái cặp uốn tóc ra, châm hơi đốt, sửa lại những chỗ hư hỏng nàng đã gây ra vì tấm lòng hào hiệp hy sinh cho tình yêu. Điều này bao giờ cũng là một việc lớn lao, thưa các bạn, một việc rất trọng đại đấy.
Chỉ trong vòng bốn mươi phút, khắp đầu Della là những làn sóng tóc nhỏ nằm sát vào đầu khiến cho nàng giống một thằng bé trốn học một cách lạ lùng. Nàng thận trọng ngắm mình trong gương với vẻ phê phán trong một hồi lâu. Della tự nhủ:
- Lạy Chúa, nếu Jim không giết mình trước khi anh ấy nhìn lại mình lần thứ hai, thì chắc anh ấy sẽ bảo mình giống một cô bé trong đội đồng ca ở đảo Coney. Nhưng mình có thể làm thế nào được… trời ơi! Mình có thể làm gì được với một đôla và tám mươi bảy xu?
Bây giờ, cà phê đã pha xong. Chiếc chảo đã ở trên bếp lò nóng rực, sẵn sàng cho món sườn.
Jim không bao giờ về muộn cả. Della cầm chiếc dây đồng hồ gập đôi trong lòng bàn tay, và ngồi cạnh góc bàn gần cửa ra vào. Nghe tiếng chân chồng bước lên cầu thang dẫn lên phòng, mặt Della thoáng tái nhợt đi. Nàng thường có thói quen lặng lẽ cầu nguyện đôi chút về những việc đơn giản nhất hàng ngày. Như lúc này, nàng thì thầm: “Lạy Chúa, xin Chúa làm cho anh ấy nghĩ là con vẫn còn xinh đẹp”.
Cửa mở, Jim bước vào và đóng cửa lại. Anh trông gầy và rất nghiêm nghị. Jim thật đáng thương, anh ấy mới chỉ hai mươi hai tuổi mà đã mang trên vai gánh nặng một gia đình. Jim cần một chiếc áo khoác ngoài mới và anh không có găng tay.
Jim đứng lại bên cửa, bất động như một con chó săn đã đánh hơi được con chim rẽ. Anh đăm đăm nhìn Della. Trong đôi mắt Jim có điều gì nàng không hiểu được khiến nàng khiếp sợ. Không phải là vẻ giận dữ hoặc ngạc nhiên, hoặc chê trách, hoặc ghê sợ, không phải là một nét tình cảm nào mà nàng đã chờ đợi. Jim chỉ nhìn nàng đăm đăm với vẻ biểu cảm rất đặc biệt trên khuôn mặt kia.
Della lảo đảo rời khỏi bàn, đi về phía Jim:
- Jim, anh thân yêu - nàng thốt lên - đừng nhìn em như thế. Em đã để cho người ta cắt mái tóc của em rồi. Em đã bán đi rồi vì em không thể nào sống qua lễ Noel này mà không có quà tặng anh. Tóc em sẽ lại dài… anh sẽ bỏ qua chứ, phải không anh? Em buộc phải làm thế thôi. Tóc em dài nhanh lắm cơ. Nào, hãy cùng chúc “Giáng sinh vui vẻ” đi Jim, và hãy vui lên đi anh yêu. Anh không thể biết được em đã mua tặng anh món quà rất tuyệt, đẹp lắm cơ.
- Em nói là em đã cắt mái tóc của em rồi ư? - Jim hỏi một cách khó nhọc, tựa như sau khi suy nghĩ rất lung, anh vẫn không thể hiểu được cái việc đã rất rõ ràng đó.
- Đã cắt, và đã bán rồi. Như vậy, liệu anh có còn yêu em như trước không? Em không còn mái tóc nữa, phải không nhỉ?
Jim nhìn quanh căn phòng, vẻ tìm tòi.
- Em nói là mái tóc của em đã mất rồi? - Jim nói với một vẻ hầu như ngốc nghếch.
- Anh không cần phải tìm mái tóc nữa, - Della nói - đã bán rồi mà - em đã nói với anh rằng đã bán, không còn nữa mà. Anh thân yêu, tối nay là tối Noel. Anh đừng rầy em nhé, mái tóc mất đi là vì anh đấy. Bây giờ tóc trên đầu em có thể đếm được bao nhiêu sợi - nàng tiếp tục nói, giọng đột nhiên dịu dàng và nghiêm nghị - nhưng ai… mà có thể đếm được tình yêu của em đối với anh. Em nấu món sườn, anh Jim nhé?
Jim chợt tỉnh cơn ngây ngất. Anh ôm ghì lấy Della của anh. Tạm thời trong mười giây đồng hồ chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ thận trọng đối tượng theo một hướng khác. Tám đôla một tuần, một triệu đôla một năm, có gì khác nhau. Một nhà toán học hoặc một người dí dỏm sẽ cho câu trả lời sai. Các nhà thông thái mang lại những quà tặng quí giá, nhưng đó không nằm trong quà tặng của Jim và Della. Câu chuyện lờ mờ này về sau sẽ dần sáng tỏ…
Jim rút từ túi áo ngoài ra một cái gói và ném lên mặt bàn. Anh nói:
- Della thân yêu, em đừng phạm bất kì sai lầm nào về anh. Không có một việc nào như cắt tóc, hay cạo mặt gội đầu có thể làm giảm bớt tình yêu của anh với em. Em hãy mở cái gói này ra và em sẽ hiểu tại sao anh lại sững sờ mất một lúc như vậy. Những ngón tay trắng muốt và khéo léo của nàng nhanh nhẹn tháo dây buộc và giấy gói. Và ngay sau đó là tiếng thét vui sướng điên cuồng - và rồi, trời ơi - nhanh chóng đúng tính chất đàn bà, chuyển thành những dòng nước mắt, những tiếng than khóc trong trạng thái tâm thần rối loạn, đòi hỏi phải dùng ngay đến sức mạnh an ủi của người chồng.
Vì trên bàn là những chiếc lược. Một bộ lược để cài tóc mai và phía sau đầu mà từ lâu Della đã chiêm ngưỡng ở một cửa hiệu trên đại lộ Broadway. Những chiếc lược tuyệt đẹp, làm bằng đồi mồi thật, xung quanh nạm ngọc, màu rất ăn với mái tóc tuyệt đẹp của Della, mái tóc đã cắt đi rồi. Nàng biết bộ lược rất đắt tiền, nàng chỉ thiết tha mơ ước trong lòng, chứ chẳng bao giờ hi vọng được làm chủ những chiếc lược đó. Lúc này nàng đã có một bộ lược trong tay, nhưng mái tóc lẽ ra sẽ được trang điểm bằng món đồ trang sức bao lần tha thiết mong ước này giờ đây không còn nữa.
Nàng ôm chặt những chiếc lược đó vào ngực một hồi lâu, rồi ngước mắt lên nhìn chồng, cười qua nước mắt và nói:
- Tóc em dài nhanh lắm cơ, anh Jim ạ.
Rồi nàng nhảy lên liên tiếp như con mèo nhỏ bị cháy lông và kêu lên “ồ, ồ…”.
Jim vẫn chưa nhìn thấy món quà tặng xinh đẹp của nàng. Nàng cầm nó trong lòng bàn tay và sôi nổi đưa cho chồng. Cái vật bằng kim loại quí giá, nhưng vô hồn tựa như sáng lên phản chiếu tâm hồn nồng nhiệt, trong sáng của nàng.
- Đẹp đấy chứ, phải không anh Jim? Em đã lùng khắp thành phố mới tìm được đấy. Bây giờ anh sẽ xem giờ một trăm lần một ngày. Anh đưa đồng hồ cho em nào. Em muốn xem lắp vào đồng hồ của anh nó như thế nào....
...Đáng lẽ nghe lời Della thì anh lại nằm xuống giường, hai tay đan dưới gáy và mỉm cười:
- Della, chúng ta hãy tạm cất những quà tặng Noel của chúng ta đi, cất đi trong một thời gian nữa. Chúng tuyệt vô cùng, nhưng chưa dùng được đâu. Anh đã bán chiếc đồng hồ của anh để lấy tiền mua bộ lược tặng em. Nào, bây giờ em bắc món sườn lên chứ?
Như các bạn đã biết, những nhà thông thái là những người khôn ngoan, khôn ngoan đến kì lạ. Họ đã mang quà tặng đến cho Chúa Hài đồng ở trong máng cỏ. Họ đã tạo ra cái nghệ thuật tặng quà Noel. Vốn là những người khôn ngoan, quà tặng của họ chắc chắn cũng là những vật khôn ngoan, có đặc quyền được mang tặng cho nhau.
Ở đây, tôi kể lại một cách không đầy đủ câu chuyện của đôi trẻ ngu ngốc sống trong một căn buồng đã hết sức dại dột hy sinh cho nhau những báu vật lớn nhất của gia đình. Nhưng trong những lời cuối gửi những người là khôn ngoan thời bây giờ, ta hãy nói rằng trong tất cả những người tặng quà thì họ là những người khôn ngoan nhất. Trong tất cả những người tặng quà và nhận quà tặng thì họ là những người khôn ngoan nhất. Ở bất kì nơi nào họ cũng là những người khôn ngoan nhất. Họ là những nhà hiền triết.
Tác giả: Nhà văn Mỹ O. Henry
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Có một danh ngôn khá nổi tiếng được nhiều người tán đồng: “Khi nghèo đói vào cửa trước thì tình yêu tung cửa sau chạy trốn…”. Nhưng danh ngôn nổi tiếng kia không phải bao giờ cũng đúng! Truyện ngắn Món quà của những nhà hiền triết (còn có tên gọi khác là Món quà đêm Giáng sinh) của O.Henry đã chứng minh điều ngược lại, âm hưởng lạc quan và vẻ đẹp tình người trong câu chuyện này là lí do nó là một trong số ít những truyện ngắn hay nhất, được yêu thích nhất của O.Henry. Đồng thời đây cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất viết về Lễ Giáng sinh.
Với phong cách nghệ thuật độc đáo, nhà văn người Mỹ này luôn làm say lòng người bởi văn phong trong sáng, cốt truyện sáng rõ, kết cấu luôn đưa ra một câu đố thú vị và bất ngờ giải câu đố ở đoạn kết tác phẩm… Từ truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” đến “Món quà của những nhà hiền triết”, chúng ta đều gặp những tâm hồn đẹp và quý hơn kim cương, tỏa ánh sáng thăm thẳm trong những nghịch cảnh tưởng chỉ có thể gặp nước mắt khổ đau. Nụ cười nhẹ sáng của nhà văn nâng nhân vật đứng lên từ bi kịch, từ đó góp phần nâng đỡ hàng triệu người đọc vượt lên trên sự bi quan và hoài nghi, để yêu tin vào cái Đẹp, cái Thiện vẫn tồn tại, rực sáng trong “bùn đen”của đói nghèo và bất công.
Trong tác phẩm Món quà của những nhà hiền triết, chúng ta cũng gặp nụ cười lạc quan ấy! Chàng trai bán đồng hồ vàng gia bảo để mua lược bằng ngọc cài tóc tặng người yêu. Cô gái bán mái tóc tuyệt mĩ của mình để mua dây bạch kim đeo đồng hồ tặng chàng trai. Họ không chịu nổi thực trạng không có tiền mua quà Giáng sinh tặng cho người thân yêu - một phong tục ngàn đời ở các cộng đồng dân cư theo Thiên chúa giáo.
Vậy là đôi bạn trẻ ấy đã bán báu vật vô giá của mình để mua quà, rồi quà ấy chẳng dùng được. Có vô nghĩa không? Không! Họ đã nhận về một món quà còn quý báu hơn mái tóc đẹp hay chiếc đồng hồ kia, món quà ấy có tên gọi là Tình Yêu!
|
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...