Quà chợ quê
Ngày tôi còn bé, mỗi lần bà tôi đi chợ, cứ đến trưa tôi lại ra ngoài ngõ ngóng bà. Chợ quê tôi họp từ sáng đến trưa, kể cả những ngày phiên vào mùng ba, mùng Bảy, Mười ba, Mười bảy, Hai ba, Hai bảy âm lịch. Tôi ngóng bà vì thế nào bà tôi cũng mua quà. Quà chợ quê. Tôi ăn thấy ngon lắm. Chẳng có thức quà nào ngon hơn thế, dù tôi đã đi khắp chân trời góc bể và đã ăn bao nhiêu thứ cao lương mĩ vị. Mỗi khi tôi nhớ lại, tôi thấy đấy là những thức quà ngon suốt tuổi thơ và còn ngon đến tận bây giờ.
***
Ngoài ngõ nhà tôi có trồng một cây hoè. Mùa hè cây hoè nở hoa từng chùm trắng xoá như những đám mây. Một đám mây bay ngang trời đậu trên ngọn hoè, lẫn vào từng chùm hoa, ngước lên chẳng biết là mây hay là hoa. Tôi ra đứng đợi bà dưới gốc hoè. Trời xanh soi vào mắt biếc. Cũng có khi mỏi chân quá, tôi ngồi tựa gốc hoè rồi ngủ quên mất. Hoa hoè rụng trắng cả giấc mơ. Tôi mơ thấy bà tôi vừa về chợ. Mùi canh dưa nấu cá trê nhà cụ Luyện tỏa ra thơm lừng. Bụng tôi đói cồn cào và sôi lên ùng ục. Tôi dụi mắt vì chói quá. Đàn sáo đá từ cống Nhất Đỗi bay về hót ríu ran đánh rơi từng giọt tiếng hót vàng óng như mật ong. Một giọt tiếng hót rớt xuống mắt tôi cay xè. Nắng đã lên đứng bóng ngọn hoè. Đài nhà ông Trường đang phát chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Mồ hôi trên trán tôi vã ra đầm đìa như vừa nhúng mặt vào vại nước. Gió từ sông thổi vào mát rượi từng chân tóc như có hàng trăm hàng nghìn quạt hầu. Tôi đã tỉnh hẳn. Bà tôi đã về kia rồi.
***
Bà tôi tóc rẽ ngôi giữa, búi tó sau gáy, mặc áo cánh nâu, quần sa tanh đen Nam Định, chân xỏ dép nhựa. Đầu bà đội thúng còn tay cắp cái nón trắng. Bà tôi cũng như bao nhiêu người đàn bà làng tôi rất giỏi đội thúng chứ không tài gánh quang như làng khác. Đội thúng trên đầu rồi buông cả hai tay không cần phải giữ. Hai tay vung vẩy như bay như múa trên đường thôn cho dù là tháng Ba ngày Tám hay cuối Chạp đầu Giêng. Ôi những người đàn bà đi chợ từ tuổi trẻ cho đến tuổi già để lo vun vén, lo toan những vụn vặt cơm áo đời thường. Để ba gian nhà rộn tiếng cười trẻ nhỏ, để hai chái bếp ấm lửa đỏ rạ rơm. Tất cả ruộng vườn ở trong thúng mà theo bà đi chợ. Bao nhiêu đồng bãi ở trên đầu cũng cùng bà về chợ. Cái thúng lau trên đầu bà tròn như trăng rằm có đậy tấm vỉ buồm như cánh gió ấy cất giấu bao điều bí mật của tuổi thơ tôi.
***
Dù đã đi khắp nơi, tôi chưa gặp bánh giáo ở đâu ngoài chợ quê tôi. Đó là thứ bánh làm có vỏ bột dong, nhân đỗ xanh gói trong lá dong buộc dây lạt. Bánh có hình như một đoạn giáo mà có tên là bánh giáo. Vỏ bánh làm bằng bột dong trong vắt như hổ phách. Cắn ngập chân răng vào miếng hổ phách sẽ thấy nhân đậu xanh sáng chói như những mảnh vàng vụn. Nhai chậm thôi cho hổ phách quyện với vàng vụn sẽ thấy vị ngọt lành, thơm thảo như đức tính của những người đàn bà làng tôi. Bánh giáo ăn mát ruột gan nên bà tôi hay mua cho tôi ăn để bớt rôm sảy. Có những đêm hè, bà tôi trải chiếu hoa ngoài sân gạch để kể chuyện cho tôi nghe. Nào là truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sach, Thánh Gióng, Sọ Dừa, Tích Chu. Cũng có khi bà tôi kể về cuộc đời một người ca nương, đào hát, kép hát, cung văn, thanh đồng ở làng tôi. Cái nghề nhiều truân chuyên và lắm đa đoan. Họ như con tằm rút ruột nhả tơ cho đời nhưng lại nhận về sự khinh miệt của thế gian. Tôi nằm im lắng nghe và thấy thương họ quá. Khi tôi biết thương những phận người tài hoa bạc mệnh thì họ đã thành người thiên cổ lâu rồi. Để sau này tôi đưa họ vào trang văn với một niềm thương cảm đến ngậm ngùi. Bà gãi rôm dọc sống lưng tôi. Rôm nhiều quá, nhiều như vì sao trên trời, nhiều hơn hoa cau dưới sân. Bà bảo mai bà đi chợ mua bánh giáo cho tôi ăn. Tôi chưa kịp vâng thì mí mắt đã sắp sửa rơi xuống. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang xem chèo ở đình Chợ, đang xem hầu ở đền Cửa. Tiếng trống cái rộn rã, tiếng đàn nguyệt nức nở còn vọng mãi trong giấc mơ tuổi nhỏ.
Có một thứ bánh mà mẹ chồng hay mua cho con dâu ăn lúc ở cữ. Đó là bánh nghệ. Vì nghệ bổ máu, mà sinh nở xong mất máu, hẳn rồi. Tất nhiên, chẳng riêng gì bà đẻ cần bổ máu, nên ai ăn cũng được, nhất là trẻ con, vì trẻ con lúc nào chẳng muốn ăn. Tôi là một đứa trẻ con thèm ăn bánh nghệ. Bánh nghệ hơi giống bánh khúc ở những nơi tôi đã gặp. Chỉ có điều vỏ bánh được nhuộm củ nghệ vàng ươm thay vì nhuộm lá khúc xanh ngắt. Nhân bánh có đậu xanh giã nhuyễn như người ta làm chè kho và ít thịt mỡ trong veo như bạch ngọc. Bao phủ những chiếc bánh tròn xoe bằng nắm tay trẻ con là muôn hạt xôi căng tròn như nghìn mắt của cánh đồng.
Xôi được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng trồng trên cánh đồng Diệc Mạ, Hoang Điền trù mật phù sa sông Sò, đỏ ửng như màu má cô đào lệch. Gió tháng Giêng, mưa tháng Ba, nắng tháng Năm, bão tháng Bảy, sương tháng Mười đã lặn trong cây lúa mà sinh ra hạt gạo chắc mẩy, trắng ngần và tỏa hương thơm ngát. Bà tôi kể rằng, có bà Hào Khuê nhà ở thôn Chính ra chợ, qua hàng bánh nghệ bà Đĩnh thấy ngon quá, mới ghé vào mua vài xu về cho con dâu vừa đẻ ăn cho bổ máu. Gớm, cái thứ bánh nghệ mở vung chõ là khói bỏ bùa mê khắp chợ. Cháu quấy thức khuya lại phải dậy sớm đi chợ cơm nước nên bà Hào Khuê chưa kịp ăn gì. Bà ta vội sà xuống ghế rồi kéo sụp nón che mặt ăn xu bánh nghệ. Hồi đó, đàn bà ăn quà giữa đường, giữa chợ là xấu nết lắm, giống như cái cò kỳ bị người ta bêu riếu trong câu ca dao “Đêm nằm thì ngáy o o/ Chửa đi đến chợ đã lo ăn quà/ Hàng bánh, hàng bún bày ra/ Củ từ, khoai nước cùng là cháo kê”. Cô con dâu hoa cả mắt mà trưa trầy trưa trật vẫn chưa thấy mẹ chồng về, bèn sai em cô ra chợ tìm mẹ, nhỡ mẹ có mệnh hệ gì thì biết ăn nói ra làm sao với nhà chồng nề nếp gia phong. Cô con gái tức tốc chạy ra chợ thì mẹ chưa kịp nuốt cái bánh nghệ thứ ba qua cổ họng. Bà Hào Khuê nghe tiếng con gái gọi thì giật mình nuốt chửng miếng bánh nghệ đang nhai dở nên ngã lăn ra đất, mắt trợn trừng, miệng ú ớ không thốt nên lời. Mọi người tưởng bà ta bị trúng gió mới xúm vào vuốt ngực, giật tóc mai cho chóng tỉnh lại. Thì ra bà ta bị nghẹn bánh nghệ. Cô con gái sợ quá tưởng mẹ sắp về với tổ tiên bấy giờ mới hoàn hồn. Bà Hào Khuê chữa ngượng bảo tao nếm thử xem có trúng độc không rồi mới mua cho chị mày chứ. Cô con gái che miệng cười tủm tỉm, chẳng là cô ta bị vẩu, hình như bánh nghệ có độc đấy mẹ ạ. Bà mẹ khoặm mặt: tiên sư cha nhà cô, cứ trêu người ta mãi.
***
Còn một thứ bánh cũng bày bán rất nhiều ở chợ quê tôi. Đó là bánh trùng. Bánh trùng nặn như bánh chay nhưng nhân đỗ xanh cho muối và hạt tiêu. Người ta nặn bánh xong thì đặt lên tấm lá chuối hơ lửa có xoa một ít mỡ lợn cho khỏi dính rồi hấp chín trong chõ. Mỗi tấm lá chuối khoảng năm cái bánh dính chặt vào nhau như một chùm trứng ếch khổng lồ. Ai thích đồ nếp thì ăn giỏi lắm ba cái là no kễnh bụng. Bà tôi lại kể rằng, có ông Xã Độ nhà ở thôn Thượng mới sắm được đôi guốc mộc nhuộm then quai da thuộc. Nghe đâu ông bán đi mười thùng thóc tám xoan rồi lặn lội lên tận phố để đặt thợ đo chân rồi mới làm vì chân ông là chân Giao Chỉ chẳng xỏ vừa guốc mộc thợ làng. Hôm đầu tiên thử guốc, ông dậy thật sớm mặc bộ quần áo lụa mỡ gà, đầu đội mũ cát trắng, tay chống ba-toong để đi chơi chợ. Trông cũng ra dáng thầy thừa, thầy lục có học dù ông chẳng biết chữ tác, chữ tộ nó ra làm sao.
Vừa qua hàng bánh trùng bà Phiêu, ông mải vênh mặt lên với thiên hạ thì chân guốc giẫm ngay phải miếng bánh trùng đứa bỏ mẹ nào đánh rơi. Miếng bánh dính chặt như keo dán luôn một cái guốc xuống nền gạch Bát Tràng khiến chân ông không thể nào nhúc nhích. Ông Xã Độ phải bỏ một cái guốc còn lại cắp nách, rồi cứ thế tấp tểnh chân đất về nhà. Ông sai hai thằng con lực điền tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu mang xà beng ra cạy cái guốc bị dính bánh trùng. Hai thằng ranh con cạy khoẻ quá làm cái guốc bị sứt mất một miếng. Ông Xã Độ tiếc đứt ruột, chửi càm ràm cả đêm. Thế mới biết gạo nếp cái hoa vàng trồng trên cánh đồng quê tôi dẻo đến thế là cùng, không thể dẻo hơn được nữa.
***
Còn nhiều thức quà chợ quê mà tôi không thể nào nhớ hết, hay đã vô tình quên đi trong ký ức bộn bề và chật hẹp như bánh dập, bánh rán, kẹo bột, cơm nếp mật, bánh đa vừng,... Những thức quà được những người đàn bà làng tôi làm bằng cả bàn tay đảm khéo và tấm lòng nhân hậu. Bà tôi đã mua những yêu thương cho tôi bằng từng đồng bạc lẻ thấm đẫm những giọt mồ hôi lam lũ cần lao. Và tôi đã ngóng những yêu thương với nỗi niềm khắc khoải suốt cả tuổi thơ mình. Tôi ước gì tôi trở lại tuổi lên ba và chạy ra gốc hòe ngoài ngõ để ngóng bà về chợ. Bà tôi đã về kia rồi. Bà lại đặt cái thúng lau xuống và lật tấm vỉ buồm ra, trong đó vẫn cất giấu bao điều bí mật như cổ tích. Tôi đã ăn quà chợ quê và khôn lớn thành người...
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...