Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:51 (GMT +7)

Phương Nokiano và “Khép lại nỗi đau”

VNTN - Phương vừa đi phượt cùng nhóm “Auto Fun” trở về. Tóc húi cua, người đen nhẻm, cánh tay trần còn bong tróc lớp da cáy do dãi nắng nhiều ngày. Cái nhìn thẳng và vẻ thoải mái khi tiếp xúc với người hơn tuổi khiến tôi lần đầu gặp mà không bợn chút khó chịu. Anh khoe với tôi một lô ảnh vừa chụp được trong chuyến đi, phần đa là ảnh kỷ niệm với bạn bè mình, xen kẽ là những bức ảnh anh thấy “sướng” là chụp. Rồi cuộc trưng bày ảnh của nhóm thainguyenphotoClub mà anh làm chủ nhiệm. Lại được mời tham dự vài buổi sinh hoạt CLB… Tất cả cứ toát nên nét vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát và vô tư như đúng với cái tuổi trẻ mà họ đang sở hữu.

Cái tên húy “Phương Nokiano” được bạn bè gán cho từ thủa còn học trung học, đến khi học đại học và tới giờ, tuy chỉ để phân biệt với những người bạn cùng tên khác. Nay nó đã thành “thương hiệu” mà chính Phương cũng không muốn bỏ. Là con một, nên được gia đình chiều chuộng, bởi thế cả lớp khi đó chỉ mình Phương được sở hữu cái điện thại Nokia “cục gạch”. Phương luôn hãnh diện giữ kè kè nó bên mình. Và cái ham muốn về công nghệ có lẽ cuốn Phương theo từ thủa ấy…

Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Phương đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 8 tại Việt Nam. Một trái quả đến kỳ hạn nhất định, thì nó sẽ chín và Phương Nokiano cũng vậy. Nó là phần thưởng tất yếu, bù đắp cho những cố gắng của anh. Nhưng tôi quả đã bị bất ngờ, khi biết anh đoạt giải ở đề tài tĩnh vật. Bởi đây là đề tài rất “hóc” cho mọi người cầm máy. Những mảng đề tài mà nhà nhiếp ảnh săn được, thì nội dung thông thường luôn đi sau công đoạn ghi hình… Còn để có một tác phẩm ảnh tĩnh vật, thì người chụp ảnh phải làm ngược lại cái quy trình ấy. Có nghĩa trước khi chụp, nhà nhiếp ảnh đã có sẵn nội dung cho tác phẩm của mình và công việc còn lại là sắp đặt, bố trí ánh sáng, sử dụng trang thiết bị cần thiết, căn đặt góc máy ghi hình…, nhằm tạo ra hình thức, bố cục, khiến tác phẩm nổi bật lên, theo đúng với ý tưởng mong muốn mà người chụp theo đuổi. Những yếu tố như “ăn may” dường như không tồn tại trong mảng đề tài tĩnh vật.

Trong tiếng Đức, mảng tranh, ảnh tĩnh vật người ta viết là Stillleben tương tự tiếng Anh là Still life. Nếu dịch đầy đủ, thì phải là “cuộc sống tĩnh lặng”. Trong vũ trụ thì vạn vật luôn ở trạng thái vận động. Những thứ ta nhìn thấy nó đứng yên, tại vị chẳng qua cũng chỉ là khái niệm tương đối. Nhưng phạm trù về tranh tĩnh vật, hay ảnh tĩnh vật nó còn sống động hơn bội phần, nhờ trí tưởng tượng phong phú của con người. Và điều thú vị, là đôi khi nó bay xa hơn cả ý tưởng của tác giả. Những người tạo ra bức tranh hay ảnh tĩnh vật thường có cuộc sống gắn chặt với những quan điểm, tập quán, văn hóa, tôn giáo của một thời, một vùng miền nhất định. Ví dụ như: cũng là hoa nhưng loài này gợi đến những khái niệm lành mạnh, nhưng loài khác thì gợi đến những góc khuất dung tục, đen tối của con người. Hoa hướng dương thể hiện sự trung thành, tình yêu với chúa; hoa tulip: quý tộc; hoa hồng: tình yêu. Violet: sự khiêm tốn. Con bươm bướm: biến đổi, phục sinh. Con chuồn chuồn: sự ngắn ngủi, thoảng qua… Người nghệ sĩ hay dựa vào những ý nghĩa tượng trưng như thế, để tạo ra nội dung cho tác phẩm mỹ thuật hoặc nhiếp ảnh thuộc đề tài tĩnh vật.

Ảnh tĩnh vật kế thừa những quan niệm từ tranh tĩnh vật. Mà tranh tĩnh vật lại đã có bề dày phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ mười sáu ở châu Âu. Thậm chí người ta còn phát hiện ra ở thời La Mã, những bức họa vẽ hoa quả rất được các gia đình La Mã giàu có yêu thích. Và xa hơn, trên bức tường trong những ngôi mộ của Ai Cập cổ đại, người ta cũng đã vẽ những vật phẩm như là quà tặng gồm những của ngon, vật lạ mà thế gian đang dùng để hiến tế cho người sang thế giới bên kia thụ hưởng.

Phương tâm sự với tôi, rằng không nghĩ Ban giám khảo đánh giá cao tác phẩm của mình như thế. Anh cũng đã xem rất nhiều những tác phẩm ảnh thuộc đề tài này, đặc biệt ở châu Âu người ta chụp quá hay và hàng ngàn những bức ảnh xem mà chỉ thấy bái phục và… mê ly. Những cuộc chơi hiện nay, dù ở lĩnh vực nào, thì người chơi luôn thấy mình bị cạnh tranh quyết liệt. Cái hay là Phương biết mình thiếu gì và đang đứng ở đâu. Anh dám bỏ 120 triệu đồng chỉ để mua một cái thân máy 1DX, còn bộ ống kính đi theo thì tôi biết cũng chẳng phải loại tầm thường.

Bạn bè anh trong nhóm thainguyenphotoClub thấy Phương chi ra mấy trăm ngàn để mua một cái vỏ quả đạn cối, rồi lẩn mẩn vào mấy hiệu sửa chữa đồng hồ lật tung ba thứ đồ đã bỏ đi của họ để kiếm tìm…, Phương chỉ cười khi họ trêu anh như một kẻ lẩn thẩn, đang bị giời hành.

Phương gửi một bức duy nhất thuộc đề tài ảnh tĩnh vật đến dự thi. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm được Ban giám khảo trao số điểm cao nhất và nó nghiễm nhiên đoạt Huy chương Vàng của cuộc triển lãm.

“Khép lại nỗi đau” của Nguyễn Lê Phương chụp một nửa dưới của cái cửa sổ. Trên bậu cửa là một lọ hoa đồng nội được sấy khô. Cái đồng hồ kiểu cũ hẳn đã mệt mỏi với tuổi tác của mình. Tuy người xem như vẫn cảm thấy vẳng đến tai họ tiếng tích tắc rời rạc, quen thuộc hiện về từ thẳm sâu trong ký ức. Nhưng người ta thậm chí không còn muốn nhìn vào vị trí của mấy cái kim, vì họ không còn muốn tin vào độ chính xác của nó nữa.

Tác phẩm “Khép lại nỗi đau” đoạt Huy chương Vàng chủ đề “tĩnh vật”

Vỏ quả đạn cối một thời gây nỗi ớn lạnh cho con người, nay được gia công để biến thành cái bình hoa. Cành hoa sấy nối mạch liên tưởng về thời quá khứ, khiến người ta không khỏi nghĩ về tiếng xào xạc của tàu lá chuối khô, giữa những đêm gió bấc tràn về, làm lay động giấc ngủ lẻ bóng của biết bao người mẹ, người vợ thời giặc giã.

Trong ảnh của Phương không có những ẩn ý mang tính thách đố người xem. Anh khai triển ý tưởng rất trực quan và đơn giản. Cánh cửa bên trái mơ hồ như vạt áo khép lại, cố che gió cho cành hoa ướp khô. Kín đáo biểu hiện rằng nỗi đau có thể đã liền sẹo, tuy vậy không thể nói cơ thể đã lành. Chiếc đồng hồ cũ là biểu tượng về thời gian xa lắc của quá khứ, nó có tác dụng như thứ thuốc giảm đau, làm dịu dần những vết thương. Khi nỗi đau được kìm nén thì nỗi hận thù sẽ loãng phai. Người xem nhìn sang phải thì chợt thấy: cánh cửa bên ấy đang có xu hướng mở ra. Và khi cửa vừa mới hé, thì ánh sáng đã ùa vào. Thứ ánh sáng trong vắt, khao khát, chực chờ như đã được tích tụ, dồn ép tự lâu, lâu lắm rồi… Cánh cửa ấy khiến người ta ngẫm về một trái tim. Trái tim độ lượng, bao dung đang mở và dang rộng mãi ra…

Cuộc chiến đi qua đã lâu, lớp người trải nghiệm những thời khắc khốc liệt của chiến tranh giờ muốn ghi chép lại còn thấy khó khăn. Vậy mà Nguyễn Lê Phương, một thanh niên mới lớn thuộc thế hệ hậu sinh thời 8x lại miêu tả bằng hình ảnh về nỗi đau của chiến tranh và lòng độ lượng của con người thật xuất sắc. Những người cũ cầm máy như chúng tôi thấy rất vui, khi đang chứng kiến một lớp trẻ của Thái Nguyên như Nguyễn Lê Phương, có học thức, có điều kiện, dám nghĩ, dám làm, lại đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh như thế. Tôi tin Phương và lớp bạn bè mình trong tương lai gần sẽ tạo ra một diện mạo mới cho nhiếp ảnh Thái Nguyên.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy