Phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi giao xe máy cho con đi học
Dù đã được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về luật giao thông đường bộ, thế nhưng nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn vi phạm. Sự buông lỏng của một số gia đình cho các con điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định… là một trong những nguyên nhân của tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông như hiện nay.
Đầu giờ buổi sáng, mỗi lần đi làm qua khu vực các cổng trường THPT, tôi thường loay hoay khá lâu mới qua được bởi học sinh tập trung đông trước cổng. Nguy hiểm hơn là những trường hợp học sinh thản nhiên phóng nhanh, vượt ẩu. Chỉ cần một vụ va chạm nhẹ đã khiến đoạn đường tắc khá lâu. Trong Tháng An toàn giao thông (tháng 9) năm nay và đặc biệt là đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh (bắt đầu từ ngày 1/10 đến 31/10), tình trạng học sinh vi phạm đã giảm đáng kể do có lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuyên truyền và xử lý cạnh khu vực cổng trường.
Hiện nay, để tiện cho việc đến trường, nhiều phụ huynh đã sắm cho con em mình xe gắn máy. Theo quy định học sinh THPT không được sử dụng xe máy từ 50cc trở lên (xe mô tô). Để đảm bảo học sinh tuân thủ quy định này, ngay từ đầu năm học các nhà trường có văn bản yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đoàn thanh niên của nhà trường thường xuyên triển khai, đặc biệt trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, giúp học sinh nâng cao nhận thức và chấp hành quy định. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự phối hợp của gia đình và toàn xã hội. Thực tế đa phần gia đình học sinh chấp hành nhưng cũng có trường hợp vì lý do nào đó vẫn cho con em mình sử dụng xe mô tô đến trường.
Trước thực trạng này, trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường phải giáo dục học sinh khi các em tới lớp, ra đường là trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của CSGT. Trách nhiệm lớn nhất là thuộc về gia đình bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình cũng là đóng vai trò quyết định trao cho con điều khiển phương tiện giao thông như thế nào. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật cho con trẻ.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông ngay từ trong nhà. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể đạt được khi mà chính các bậc phụ huynh nuông chiều, không cùng với nhà trường và xã hội giáo dục, xây dựng ý thức cho con em mình. Những thói hư, tật xấu của con trẻ sẽ bắt nguồn chính sự nuông chiều, bỏ bê, lơ là của gia đình, nơi các em sinh sống.
Thực tế, vẫn có nhiều bậc phụ huynh giao xe mô tô cho con em mình điều khiển mặc dù con em họ chưa đủ tuổi. Việc các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe mà điều khiển phương tiện phân khối lớn tham gia giao thông là rất nguy hiểm bởi các em chưa được trang bị các kiến thức, quy định, nhất là kỹ năng xử lý tình huống an toàn… Trong khi đó, ở lứa tuổi này, tay lái của các em còn “non”, tính khí lại bốc đồng, thường chạy với tốc độ cao nên rất dễ gây tai nạn. Trường hợp xảy ra tai nạn thường để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả bản thân các em cũng như làm liên lụy tới những người khác đang cùng tham gia giao thông.
Trên thực tế, đã từng xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan tới việc người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Mặc dù các nhà trường đã kết hợp với các ngành chức năng nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tuân thủ pháp luật về giao thông. Thế nhưng, tình trạng học sinh vi phạm vẫn cứ diễn ra. Học sinh điều khiển phương tiện đến gửi vào các cơ sở tư nhân gần trường, thế nên nhà trường không thể quản lý được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận phụ huynh quá nuông chiều con, giao xe máy cho con đi tới trường.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các em chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT. Ngoài ra, nhiều gia đình còn thiếu quan tâm kiểm soát, để con em điều khiển xe mô tô tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi.
Từ thực trạng nguy hiểm và đáng báo động như trên, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nói riêng và những người lớn trong các gia đình nói chung cần tuyệt đối không nuông chiều trong quản lý con em tham gia điều khiển các phương tiện giao thông. Kể cả khi con em mình đủ 18 tuổi và đã có giấy phép lái xe thì người lớn cũng đừng quên việc luôn nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và những người khác…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...