Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?
VNTN - Sự bùng nổ của thể loại video ngắn những năm gần đây cộng với trào lưu sản xuất clip, phim ngắn trên YouTube, TikTok, Facebook, Zalo... theo hướng nghiệp dư, khai thác những chủ đề “gây sốc” để câu view, câu like thậm chí dụ người xem làm theo… đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của nhà quản lý trước lỗ hổng trong tiếp nhận văn hóa trên mạng xã hội hiện nay
Thực trạng đáng buồn
Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội và bật ứng dụng phát video trực tuyến, không khó để người dùng bắt gặp những phim ngắn, mẩu video ngắn có nội dung xung đột giữa các mối quan hệ trong xã hội như “mẹ chồng nàng dâu”, “tiểu tam”, “ngoại tình”,… Sở dĩ xu hướng sản xuất nội dung kiểu này lên ngôi là bởi chúng dễ dàng thu hút được lượng người xem khổng lồ dựa theo tâm lý chuộng “drama” của người Việt. Từ đó, thay vì được xem những tác phẩm khai thác những mặt tích cực, có giá trị cho xã hội thì hầu hết công chúng lại được tiếp cận một lượng lớn nội dung phản cảm và vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Đó là sự xoáy sâu vào những xung đột thế hệ, vạch rõ ranh giới giữa giàu và nghèo, sự sa đọa, thực dụng trong tình yêu; những mối quan hệ chằng chéo, phản cảm giữa anh chị em dâu, rể trong một gia đình sống chung nhiều thế hệ… được đẩy lên cao trào thông qua những lời lẽ dung tục và cơ chế “trả thù” nhận “quả báo”. Điều đáng nói trong nội dung của những phim ngắn này chính là sự vô lý và những cái cái kết có hậu khiến người xem có được cảm giác thỏa mãn tức thì.
Nhưng nếu nghĩ chậm một chút, thì sự quay ngoắt 180 độ, thậm chí 360 độ của nhân vật chính trong các phim ngắn không thực sự truyền tải được nhiều ý nghĩa hay nội dung nhân văn nào. Chưa kể, nó còn đi ngược lại với quyền và phá hoại hình ảnh phụ nữ và con người Việt Nam khi phần lớn các video ngắn này có phiên dịch tiếng Anh và được đăng tải rộng rãi không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện Việt Nam có hơn 80 triệu người dùng Facebook, và theo thống kê từ Statista, độ tuổi trung bình sử dụng TikTok từ 12 - 24 tuổi. Bên cạnh đó, có 71% người dùng đánh giá nền tảng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ, còn theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày; nhưng chỉ 36% trẻ em được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Một vài con số cũng đủ cho thấy: Đảm bảo môi trường số lành mạnh là yêu cầu bức thiết hiện nay, không kém gì việc giữ cho bầu khí quyển không bị ô nhiễm.
Về mặt lý thuyết, chủ trương và quyết tâm là vậy, nhưng thực tế lại khác. Thay vì sản xuất ra những phim ngắn có nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục cao, thì thay vào đó, nhiều ê kíp đã liều mình sáng tạo nội dung phản cảm nhằm tăng tương tác, tăng lượng người theo dõi để tìm kiếm lợi nhuận từ việc quảng cáo, bán hàng. Họ chọn “lối đi tắt” thông qua những bộ phim ngắn phản cảm với lượng diễn viên không nhiều, bối cảnh đơn giản, ngập ngụa trong “sốc, sếch, sến”… và để lại hậu quả khôn lường, nhất là đối với khán giả trẻ.
Cần có những giải pháp căn cơ
Việc chia sẻ, đăng tải các nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội tuy là việc làm không mới, nhưng để ngăn chặn những tác dụng xấu đến công chúng thì lại chưa có những chế tài đủ mạnh và mới chỉ dừng lại ở phạt hành chính. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, hành vi đăng tải video nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin. Đến nay, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính do đăng tải nội dung xấu lên mạng Internet. Đồng thời, theo yêu cầu trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình, siết chặt khâu kiểm duyệt để phần nào hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến từ những nhà sáng tạo nội dung không lành mạnh.
Có thể điểm qua một số vụ việc, và một số cá nhân, đơn vị đã bị xử phạt khi đăng tải các nội dung không phù hợp. Đơn cử, cơ quan chức năng đã xử phạt trang web http://lifetv.vn đăng tải phim “Vụ thảm sát số 6” số tiền 25 triệu đồng và buộc gỡ bỏ; phim “Căn hộ số 69” vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép, bị phạt 10 triệu đồng... Tuy nhiên, rất hiếm cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài cho những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong luật, bằng chứng là tỷ lệ gỡ nội dung sai phạm đạt trên 90% khi có yêu cầu trên các trang mạng lớn như Facebook hay Youtube. Hiện tại, trách nhiệm tự kiểm duyệt của người làm nội dung cần phải đặt lên hàng đầu, tuy vậy, rất khó để kiểm soát hoàn toàn những nội dung này khi lợi nhuận từ view và quảng cáo của các nhãn hàng hiện nay là rất lớn.
Nếu như trước đây, việc kiểm duyệt nội dung xuất bản nói chung trên mạng xã hội chỉ giao cho một bộ phận nhỏ trong nội bộ nhà cung cấp dịch vụ, và một bộ phận làm công tác hậu kiểm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền quy định. Thì nay, còn có thêm sự kiểm duyệt chung của xã hội, nội dung nào không tốt, không được xã hội chấp nhận thì chắc chắn sẽ khó tồn tại. Nhưng, dẫu là vậy thì tốc độ lan truyền trên không gian mạng của nội dung xấu thì thật sự không có giới hạn. Và dù được gỡ bỏ, cấm phát sóng, thì nội dung đó đã tác động đến một lượng người xem nhất định, chưa kể nó còn được chia sẻ trên nhiều nền tảng khác.
Chia sẻ về các giải pháp cho vấn nạn này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, trong bối cảnh mạng xã hội thống lĩnh đời sống tinh thần hiện nay, khó tránh khỏi việc nhà sản xuất chạy theo thị hiếu câu view tầm thường vì lợi nhuận và sự nổi tiếng. Dung lượng ngắn, các nhà làm phim thường xuyên chọn đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp đi ngược giá trị văn hóa chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống thiếu lành mạnh…
Trước thực trạng này, nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh cũng đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý các phim chiếu mạng có nội dung độc hại, phản cảm. Vì vậy, để hạn chế sự ảnh hưởng của phim chiếu mạng độc hại, cũng như những sản phẩm văn hóa phản cảm, cần có sự vào cuộc và phối hợp của các bộ, ban, ngành, đồng thời khuyến khích những sản phẩm sáng tạo có giá trị, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng.
Phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng cho biết tất cả các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Hiện đã có quy định buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng.
Sáng tạo nội dung số đang là xu hướng của tương lai, khi ngày càng có nhiều người tiếp cận với mạng xã hội nhiều hơn. Song, để có thể hạn chế tối đa các phim ngắn, video ngắn có nội dung phản cảm trên mạng, các bộ, ban, ngành cần chú trọng phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài; đồng thời có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng.
Thảo Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...