Phim cổ trang Việt Nam và sự đa sắc màu của nghệ thuật
VNTN - Điện ảnh Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển sáng tạo, và một trong những xu hướng nổi bật là sự quay trở lại của thể loại phim lịch sử. Những tác phẩm này không chỉ làm tươi mới di sản văn hóa, mà còn mang lại cơ hội cho các đạo diễn, biên kịch và diễn viên thể hiện sự đa dạng và chất lượng của điện ảnh Việt Nam.
Xu hướng làm phim của tương lai
Xu hướng làm phim lịch sử cũng đồng nghĩa với sự đầu tư cao vào kỹ thuật và chất lượng hình ảnh, theo đó các bộ phim ngày nay không chỉ là những tác phẩm mang tính chất giáo dục mà còn là những trải nghiệm tuyệt vời về mặt hình ảnh và âm thanh, tận dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những bức tranh sống động về quá khứ. Xu hướng làm phim lịch sử đang trở thành một phần quan trọng của sự đa dạng và sáng tạo trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Việc này không chỉ giúp khôi phục và giữ gìn giá trị văn hóa mà còn mang lại cơ hội cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng và đóng góp vào sự phồn thịnh của nền điện ảnh quốc gia.
Việc phát triển dòng phim lịch sử (còn gọi là phim cổ trang), khai thác những vỉa tầng trầm tích của lịch sử dân tộc, danh nhân văn hóa… hứa hẹn làm phong phú thêm bức tranh điện ảnh Việt Nam và mở ra những cơ hội mới cho các nhà làm phim, diễn viên, và người xem trong quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, từng bước đưa nền điện ảnh nước nhà trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam nói chung. Với sự sáng tạo và đầu tư mạnh mẽ, xu hướng làm phim lịch sử đã góp phần đưa điện ảnh Việt Nam phát triển cùng nhịp với quốc tế.
Có nhiều yếu tố quan trọng làm nên một bộ phim lịch sử tráng lệ, một trong số đó là sự đầu tư về phục trang. Phục trang trong phim có thể tạm chia làm ba nhóm, bao gồm: phim về các thời đại cổ xưa, phim về các thời kỳ lịch sử cận đại và thời kỳ đương đại. Trong những phim cổ xưa, một trong những cái hay của trang phục là khi chỉ cần nhìn vào chất liệu vải, màu sắc, họa tiết trên trang phục, ta có thể đánh giá được địa vị và giai cấp của người mặc chúng.
Lấy ví dụ, ở Việt Nam, từ những sử liệu ít ỏi có được từ triều Nguyễn, người ta có thể mường tượng được sơ lược về trang phục các vua, chúa, quan chức trong triều đình đến những người giàu có và những người nghèo khổ, bần cùng nhất trong xã hội.
Nhìn chung, tất cả con người thời ấy đều mặc áo dài, khăn đống từ đàn ông đến đàn bà, song sự khác nhau lại chính là ở chỗ chất liệu vải, màu sắc và hình tượng trong các họa tiết được thêu trên trang phục họ mặc. Đây là dấu hiệu để người xem phân biệt được từng tầng lớp, cấp bậc trong xã hội đương thời mà bộ phim đề cập đến.
Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, việc chuyển tải thông tin về nhân vật, thời đại qua phục dựng (tái hiện) trang phục không phải ai cũng hiểu được, kể cả người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình. Do sử liệu ghi chép lại của từng giai đoạn lịch sử không nhiều, nhất là thời kỳ cổ xưa, cận hiện đại. Bên cạnh đó, trang phục cũng nói lên được mức độ chỉnh chu của một tác phẩm điện ảnh cổ trang, quan trọng hơn nhiều so với bối cảnh.
Lấy ví dụ về bộ phim đang dần dần thống lĩnh phòng vé trong thời gian gần đây, “Đêm Tối Rực Rỡ”, đạo diễn Aaron Toronto, đa phần các nhân vật đều gắn chặt với bộ đồ tang hay chiếc khăn tang đeo trên trán. Tuy đơn giản như vậy, nhưng chúng cũng chứa đựng rất nhiều những ý nghĩa bên trong. Tuy không có một đoạn nào lý giải vai vế cụ thể trong gia đình, nhưng nhìn vào khăn tang mà họ đeo, người xem có thể xác định được địa vị, vai vế của các thành viên. Sự kỹ lưỡng và tỉ mỉ trong khâu phục dựng trang phục đã góp phần khiến phim vô cùng thành công.
Sự hài hòa về trang phục với bối cảnh trong phim vốn vẫn luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng vì thực chất nó góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng phong cách, tiến trình bộc lộ cảm xúc cho nhân vật và cả hồn cốt của bộ phim.
Một vài ví dụ điển hình khác nữa để thấy được sức ảnh hưởng của trang phục trong phim ảnh phải kể đến “Người vợ cuối cùng”, của Victor Vũ. Từ trang phục quan, tầng lớp thượng lưu, dân thường… dưới thời Nguyễn đều được tái hiện vô cùng chân thực, không chỉ toát lên phong thái, địa vị của từng nhân vật, mà còn giúp người xem thấu hiểu được tài năng và sự sáng tạo của người thợ dệt, may dưới thời Nguyễn. Những cố gắng trong phục dựng nói trên đã giúp người xem nảy sinh cảm xúc hết sức tự nhiên, xác định tầng lớp của từng nhân vật trong phim cũng hết sức dễ dàng.
Sự cộng hưởng giữa nguyên tác và sáng tạo
Bối cảnh cổ trang thường đặt trong một thời kỳ lịch sử cụ thể, giúp khán giả hiểu rõ hơn về văn hóa, tập tục, và sự phát triển của xã hội trong quá khứ, việc này tạo ra một trải nghiệm học thuật về giáo dục, đồng thời mang lại sự hiểu biết sâu sắc về một thời kỳ nhất định.
Song song với việc phục dựng bối cảnh, trang phục là âm nhạc. Đây cũng là một phần quan trọng làm nên sự thành công của phim. Thông thường, bất kỳ một bộ phim cổ trang, lịch sử nào, sự kỹ lưỡng về âm thanh sẽ mang lại cảm giác lãng mạn và huyền bí, tạo nên một thế giới đặc biệt và lôi cuốn khán giả. Tiếp đến là những trang trí, kiến trúc và sự sáng tạo của đạo diễn làm sao để tái hiện được cảnh đẹp tự nhiên của thời đại cổ trang, lịch sử độc đáo, làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm.
Tuy nhiên, không phải bộ phim cổ trang, lịch sử nào cũng thành công, trước “Tro tàn rực rỡ” hay “Người vợ cuối cùng” các phim “Huyền sử vua Đinh”; “Long thành cầm giả ca”, “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Khát vọng Thăng Long”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”… hiện được cho là còn nhiều “sạn” trong phục dụng bối cảnh, trang phục… nên không thu hút được khán giả.
Hiểu lịch sử để làm phim lịch sử không chỉ là đòi hỏi mà là mệnh lệnh bất khả kháng đối với đạo diễn, biên kịch làm phim về đề tài lịch sử. Bởi đây chính là cái khách quan không thể thay đổi, sau đó mới phản ánh nhận thức lịch sử qua nghệ thuật. Đồng thời đưa ra quan điểm lịch sử cụ thể (không tô hồng cũng không làm quá lên ...).
Như vậy, đứng trước một dự án phim về đề tài lịch sử, cổ trang, khoan bàn đến sự sáng tạo, thì trước tiên yếu tố lịch sử phải được tôn trọng. Sau đó là cái Tâm và Tầm của người đạo diễn để có thể sáng tạo trong khuôn khổ cho phép thông qua cách thức làm phim và kể câu chuyện lịch sử qua từng vai diễn.
Theo PGS-TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), từ trước tới nay, chúng ta có nhiều bộ phim về đề tài lịch sử nhưng hay thì chưa nhiều, do công nghệ và sự đầu tư chưa tới. Thực tế có nhiều vấn đề để mình khai thác, đặc biệt là các triều đại, các nhân vật lịch sử và kể cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Chất liệu thì nhiều nhưng cách thức khai thác còn hàn lâm, mang tính chất tuyên truyền nên chưa thu hút được giới trẻ.
Sự sáng tạo nói trên có thể thấy rất rõ trong phim “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh. Khi bộ phim ra mắt đã nhận không ít lời khen chê, thậm chí phải tiến hành chỉnh sửa do mắc lỗi lời thoại, phong thái của các nhân vật chính… được cho là không phù hợp…
Tuy nhiên, trên tất thảy vẫn là quan điểm cần phải tạo cho điện ảnh những khoảng trống cần thiết cho sự sáng tạo. Nhất là ở khâu chọn lựa bối cảnh được xem là nền tảng để phản ánh xã hội và tâm lý nhân vật. Thông qua việc thể hiện cuộc sống hàng ngày, quan hệ xã hội, và áp lực của thời kỳ đó, bối cảnh giúp xây dựng nhân vật và câu chuyện một cách độc đáo và sâu sắc.
Đôi khi điều này đặt ra những thách thức sáng tạo, từ việc tái tạo chính xác đến việc hiện đại hóa kỹ thuật, đạo cụ, âm thanh… để thu hút khán giả hiện đại. Sự chấp nhận của khán giả được thể hiện ở lượng tương tác, lượng khán giả đến rạp ủng hộ bộ phim và ở lượng doanh thu sau mỗi suất chiếu.
Nắm bắt được xu thế quay trở lại và làm mới lịch sử của văn học nghệ thuật đương đại, nhiều đạo diễn đã chọn lịch sử và coi lịch sử như một vỉa quặng để thử thách tay nghề của mình như Trần Hữu Tấn với loạt phim “Tết ở làng địa ngục”; “ Kẻ ăn hồn”; đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với “Phượng khẩu”… Hầu hết những dự án phim này bên cạnh sự thành công thì cũng đều nhận được những góp ý cụ thể xung quanh quan điểm cụ thể của đạo diễn, biên kịch về lịch sử khiến cho bộ phim trong một chừng mực cụ thể bị coi là mang dáng dấp của phim Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, vượt qua những “sạn” trong làm phim lịch sử, đời sống điện ảnh vẫn đem lại những thành tựu lạc quan trong năm 2023 và mở ra hướng tiếp cận lịch sử vô cùng mới mẻ. Đây chính là lựa chọn và là hướng đi khai mở cho đời sống điện ảnh của năm 2024, hứa hẹn những trải nghiệm mới, sâu sắc và đặc biệt hơn ở đề tài này. Bởi đó không chỉ là điện ảnh với sự tôn vinh cổ trang Việt Nam mà còn là nghệ thuật của đa sắc màu.
Nguyễn Hà Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...