Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
09:00 (GMT +7)

Phía sau người đàn bà

VNTN - Tôi sợ cơn bệnh lạ làm con người ta đổ gục bất ngờ, càng không chịu nổi dư âm của nó ngang với sự tàn phá của siêu bão tràn qua. Mấy tuần nay, màu đen bủa vây căn phòng nhỏ bé ngột ngạt. Tôi giam mình trong đó. Khi khóc cạn niềm tin, đặt chữ kí vào tờ giấy trên tòa án, toàn thân mềm nhũn như cọng bún thiu. Một kẻ thua cuộc trong ván bài ái tình. Anh ta đã theo người đàn bà hoàn hảo và quyến rũ. Mẹ tôi không rơi một giọt nước mắt nào khi con gái tự tử hai lần bất thành.

Con bé Na lên bốn tuổi ngoan ngoãn chơi ở ngoài thi thoảng dòm vào phòng xem tôi còn sống hay đã làm điều dại dột lần thứ ba. Khốn nạn! Sáu năm trời cung phụng nhà chồng, tránh mọi điều tai tiếng, công việc kiểm tra hàng hóa ở nhà máy may tạo thu nhập đều đặn, vậy mà giờ tôi trắng tay. Bé Na giống đặc bên nội, lắm lúc thấy nó lũn cũn chạy vào, ôm lấy cổ tôi và thì thầm bên tai: “Mẹ ngoan nào, măm nhiều cơm, ba Huy sẽ về thôi. Ba không bỏ mẹ con mình đâu”. Tôi giận dữ trừng mắt lên:

- Mày biến theo ba mày luôn đi, đừng lảng vảng trước mắt tao!

Con bé tái xanh mặt, nức nở chạy đi tìm bà ngoại. Tôi như con thú dữ muốn đập phá mọi thứ xung quanh mình. Mối hận tình ngày một lớn lên mọc đầy gai chĩa ra làm tổn thương cả người thân, bè bạn. Cô độc - căn bệnh đáng sợ nhất trong tháng ngày giông bão.

Chị tổ trưởng xưởng may giục đi làm. Nhà máy đang thiếu người. Tôi sợ, sợ những câu hỏi móc vào nỗi đau chưa lành, sợ ánh nhìn ái ngại hắt lên khuôn mặt từng đạt giải Nữ sinh thanh lịch của trường Cao đẳng cách đây sáu năm, sợ lời nói buông lơi của anh quản lí gợi về cán cân chọn lựa giữa anh chàng dân tộc học giỏi đẹp trai trên phố núi và gã chồng sau này cao, to, đen, nhà mặt tiền thị xã để tôi chọn lầm đường. Đấu tranh mãi, tôi ra khỏi phòng chuẩn bị đồ nhưng nghĩ rằng mình chỉ đến điểm danh thôi rồi xin nghỉ mấy hôm. Làm việc mà hồn để đâu thì chỉ có nghe chửi. Mẹ đưa tôi xuống thị xã. Xe tạt qua cái tổ ấm ấy, thoáng bóng người chen chúc cười vui. Tôi nhắm mắt vội để ngăn thêm ý đồ xấu xa nổi lên. Đúng như tôi đoán, các chị xúm xít vào hỏi, tôi lại khóc. Họ không ngừng thương hại người đàn bà bị ruồng bỏ và nhiếc móc, nguyền rủa gã chồng bội bạc chạy theo ả tình nhân. Tôi hả dạ lắm. Giá như nhà chồng nghe được, họ sẽ không im lặng, phớt lờ như lúc con dâu chìa bằng chứng buộc tội con trai họ.

- Em khóc hôm nay nữa thôi. Mai trở đi, em hãy sống sao cho là người đàn bà.

Trong dòng nước mắt, một người phụ nữ nhỏ bé còn khá trẻ kéo chiếc khẩu trang và đứng trước mặt tôi. Tôi càng làm vẻ sầu não, thổn thức.

- Hai tuần trôi qua rồi mà em vẫn vậy thì anh ta bỏ đi cũng đúng thôi. Chị ta lên tiếng.

 Chắc định trêu tiết mình đây, có khi là quân Ngô nhà chồng cũng nên, tôi lau vội nước mắt, mím chặt môi. Chị ta tiếp:

- Ai nhìn bộ dạng em lúc này mà không phát ớn kia chứ. Coi kìa! Tóc tai rối bù, mắt sưng húp, quần áo xộc xệch, đứng còn không vững thì làm sao làm việc kiếm tiền nuôi sống bản thân được, chứ chưa tính chuyện nuôi nổi con? Sống thế thì thà chết đi còn hơn!

Lập tức, chị kéo tay tôi vào nhà vệ sinh. Trước gương, khuôn mặt lạ hoắc nhạt như kẻ chết trôi kề sát mặt chị, hồng hào. Cặp mày hiền từ không một chút gợn. Chị đưa cho tôi chiếc khăn và bảo:

- Em giận cũng được, khi nào ổn hãy vào làm. Nghỉ nhiều không có tiền đâu. Tiền giúp được nhiều thứ lắm đấy.

Và tôi đứng dậy như thế. Miệng ít cười hơn hồi chưa li hôn. Công việc bây giờ đi theo guồng quay ca kíp. Con bé Na ở quê ít xuống chỗ tôi trọ, nó sợ bị hắt hủi. Lắm lúc, muốn ôm con vào lòng nhưng khuôn mặt gã đàn ông khốn khiếp ấy tạc lên con bé nhìn lâu chỉ muốn cào cấu thôi. Một ngọn bấc khô khốc được tẩm dầu, xòe diêm, trước khi xóa sổ đống cỏ thì đã thiêu chính nó thành tro. Chị Mai mắng tôi nhiều. Cảm xúc không thể gượng ép được. Dần dần, tôi biết chị cũng từng có giai đoạn như tôi bây giờ. Tệ hơn, biết con trai ngang nhiên bồ bịch, gia đình chồng chị còn đánh đập con dâu. Để anh có bằng lái xe loại F, chị bỏ tiền nuôi chồng ăn học, nuôi con. Anh ta đuổi chị ra khỏi nhà trong đêm mưa gió với hai bàn tay trắng, giành nốt quyền nuôi con trai. Chị nén buồn, gắng làm việc thật chăm chỉ, xin làm thêm cuối tuần với mơ ước mua được căn nhà nhỏ, đợi thằng bé tròn mười hai tuổi sẽ đệ đơn ra tòa để mẹ con đoàn tụ. Cứ nghĩ cảnh thằng bé sáu tuổi co quắp trong phòng, bố nó mải mê hết cô này cô nọ, bà bận rộn bán hàng khuya dù gia sản kếch sù thì chị càng đạp máy nhanh hơn, đường may chuẩn xác hơn. Tay nghề chị lên một lúc hai bậc. Hai chị em không biết từ bao giờ cứ như hình với bóng. Tôi không thấy chị phàn nàn về cuộc sống hiện tại. Mỗi khi giãn ca, chị hay bảo tôi như thế này:

- Vân được lương nếu có tiết kiệm cũng phải mua quà cho bé Na nhé! Thi thoảng đón con bé xuống chơi công viên. Cuối tuần mẹ về kèm con bé học, thế là kín lịch, hết ngồi nghĩ lung tung. Bận hẹn hò thì gửi cháu chị trông, miễn phí.

Và chị lại kể về bé trai, con của chị:

- Nó bênh mẹ lắm, vì thế mà ghét nội. Trẻ con, mình không trách được. Chỉ lo để lâu, nó căm thù cuộc sống xung quanh, thì mình có lỗi lớn.

Tôi không cam tâm chấp nhận bản thân kém cỏi. Học chị, tôi lao vào làm việc để đạt thành tích. Sáu tháng sau, ẵm giải nhất Bàn tay vàng, tôi gửi về cho mẹ số tiền bằng ba tháng lương, sắm ít quần áo, thỏi son môi và ngủ đủ giấc. Trong môi trường tập thể, có ánh mắt dễ dàng trao gửi nỗi niềm tạo động lực đứng dậy trước khi gục ngã.

Gã chồng vẫn sống với người đàn bà nọ. Và tôi vẫn chưa gần gũi con gái được.

Chủ nhật, chị Mai mời tôi đến nhà dùng bữa. Căn nhà mượn tạm bà dì nằm hun hút cuối con gõ, ghếch mép sân ra rìa sông. Gió đưa ánh nắng và hương lúa trên đồng xa vào nhà, dìu dịu. Chị vừa đi chợ về, bộ váy trắng khéo léo làm nổi bật những đường cong hấp dẫn, mồ hôi nhễ nhại, chị cười:

- Em ngồi quạt cho mát, kem dâu trong tủ, tự túc nhé!

Tôi gật đầu. Nhanh nhẹn, chị sắp mâm quả đặt lên bàn thờ nhỏ xíu, thắp hương và đi đặt cơm. Tôi nhẩm ngày, hôm nay rằm. Đưa mắt nhìn xung quanh, tất cả gọn gàng, xinh xắn. Chợt, tấm bìa sơn đen kẻ chữ trắng trên bàn thờ đập vào mắt tôi: “Con của mẹ, mười hai tuần”. Chị ta dám lừa dối mình. Tôi đọc lại thêm một lần nữa. Không! Ngần ấy chuyện phản bội đủ lắm rồi. Trò chơi cần có điểm dừng và tôi sẽ là người kết thúc. Chị từ bếp lên, tôi kéo chị lại ban thờ hỏi dồn:

- Ai vậy chị? Đừng nói không biết gì cả! Sao chị dám?

Chị gật đầu:

- Nó là em của Hùng Anh. Cái đêm bị đuổi đi, chị bị chồng đạp vào bụng, lết về với mẹ thì không còn biết gì nữa và giờ bé con vẫn chỉ mười hai tuần tuổi.

Tôi thốt lên:

- Vậy mà, Hùng Anh, anh ta cũng cướp luôn?

- Nó nhớ về mẹ qua những giấc mơ. Bây giờ, chị nhẹ nhàng bao nhiêu, con trai chị là người gánh nỗi đau này nặng nề bấy nhiêu. Khi người lớn chia tay, trẻ con là người thiệt thòi nhất. Nó phải tự tạo vỏ bọc cho mình. Chị sợ lắm. Sợ nhất là từng ngày, nó bị đánh cắp dần tuổi thơ. Em ơi, bác sĩ bảo chị vĩnh viễn không thể sinh con được nữa. Trong tình trạng mất máu quá nhiều, tháng ngày địa ngục căng thẳng cộng với việc mất đi đứa con, chị đã phải cắt bỏ những thứ làm nên thiên chức người đàn bà. Mai này, có một người yêu thương, chị sẵn lòng nuôi những đứa bé mà mẹ chúng đã bỏ rơi.

Lần đầu tiên tôi thấy chị rơi nước mắt. Một thân thể tuyệt mĩ mà tạo hóa đã ban cho lại phải chịu đựng chiếc bóng đè nặng đằng sau lưng. Chị thương cho bé Na nhà tôi lũn cũn tìm đôi tay mẹ vỗ về, nựng nịu trên chiếc võng đòng đưa và khe khẽ hát gọi con cò chở cơn buồn ngủ về khép giùm đôi mắt nó. Tay tôi đã lật qua bao nhiêu tờ lịch của con thơ? Trời ơi!

Tôi ôm lấy chị nức nở. Hai người đàn bà đứng không vững không thể dựa vào nhau để sống, tôi sẽ về với con gái tôi. Khuôn mặt nó dù có giống bố nó như tạc đi chăng nữa thì tôi cũng vịn vào nó mà bước đi.

Truyện ngắn. Hoàng Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước