Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:53 (GMT +7)

Phép nhiệm màu từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân chủ động đầu tư hệ thống công nghệ điều khiển tự động phục vụ sản xuất, chế biến. Và bằng máy vi tính, hoặc chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản của bà con được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội, thậm chí kết nối trực tiếp với người tiêu dùng trên khắp hành tinh…

Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, sản phẩm nấm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) được bạn hàng trong, ngoài nước tin dùng.


Hơn 20 năm trước, hình ảnh về người công nhân “áo trắng cổ cồn” chỉ xuất hiện trong giấc mơ của người Việt Nam. Với người Thái Nguyên lại càng xa lạ, thậm chí chưa từng mơ. Tại các vùng nông thôn thì đó còn là chuyện không tưởng. Bởi các vùng quê như Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ và các xã vùng ven thành phố Thái Nguyên, cán bộ, nhân dân phải vật vã làm việc mới đạt được kết quả sử dụng đất chừng 100 triệu đồng/ha/năm. Nhưng cũng từ hồi bấy giờ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nuôi ý tưởng thu tiền tỷ mỗi năm trên diện tích đất 1ha.

Song để ý tưởng đi vào cuộc sống, các thế hệ cán bộ Thái Nguyên luôn thể hiện cao trách nhiệm của mình, trăn trở đưa ra nhiều giải pháp để mời gọi doanh nhân trong, ngoài nước đến hợp tác đầu tư. Nhờ có chính sách tốt, các khu công nghiệp của tỉnh nhanh chóng phủ kín các dự án. Giấc mơ người công nhân “áo trắng cổ cồn” trở thành hiện thực. Và một lẽ tự nhiên là bao quanh các khu công nghiệp đã nhanh chóng hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn tại chỗ cung cấp cho bếp ăn khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động nông thôn. Rồi sau hết hợp đồng lao động, họ mang theo tác phong công nghiệp trở về địa phương, và sử dụng những đồng tiền tích lũy của mình đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Họ là một thế hệ nông dân mới, đồng thời là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nông dân tìm được đáp án của bài toán kinh tế nông nghiệp bằng hiệu quả sử dụng đất. Minh chứng cho lời giải của bài toán kinh tế là nhiều vùng đất một thời các cụ bảo “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nay trở thành đất vàng, mang lại hàng tỷ đồng/ha/năm. Chủ yếu từ các trang trại, gia trại, HTX, tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông minh.

Nói chuyện nông dân thời công nghệ 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phấn chấn: Công nghệ thông minh và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại cho người nông dân chúng tôi một phép nhiệm màu. Làm thay đổi tư duy sản xuất, tác phong lao động và có trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Hiện trong Hội có không ít nông dân thu tiền tỷ/năm mà không phải “đầu tắt, mặt tối” như một thuở “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Thông qua mạng internet, cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn cho hội viên mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn.

Ông Nguyễn Văn Đường, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình là một minh chứng. Từ mô hình trang trại chăn gà, ấp trứng, ông đạt doanh thu hơn 30 tỉ đồng/năm. Ông là 1 trong 63 tỷ phú chân đất được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen: “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông chia sẻ: Cuộc sống không quan trọng là giàu hay nghèo. Nhưng sống chân thành sẽ tạo được mối quan hệ bền vững quanh mình, nhất là trong làm kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đường, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) điều khiển lò ấp trứng gia cầm tự động.

Mất chừng 30 phút ngồi xe ô tô thì đến trang trại. Nếu gặp lần đầu sẽ không ai nghĩ ông chủ trang trại là một nông dân chính hiệu, ít năm trước còn chân trần nuôi vịt chạy đồng, nửa đêm vợ chồng mò mẫm khắp đồng trên ruộng dưới nhặt ốc, bắt nhái làm thức ăn chăn vịt. Nhớ lại tháng ngày hàn vi, ông tự hào vì đã “rũ bùn đứng dậy” trở thành chủ một trang trại bề thế ngay trên đồng đất quê mình. Để có mấy chục tỷ đồng tiền vốn liếng như bây giờ, ông đã phải gom góp từng đồng bán quả trứng, con gà, con vịt. “Tích tiểu thành đại”, mở rộng sản xuất, làm ăn lớn dần. Nay không phải đạp xe thồ hàng, vì xe ô tô nhà mua vài cái. Cái đi chơi, cái chở thức ăn chăn nuôi. Ông phấn chấn: Nông dân chúng tôi càng làm lớn, càng nhàn thân. Này nhé, hàng triệu quả trứng gia cầm được ấp nở bằng lò ấp công nghệ hiện đại. Đứng một chỗ tôi cho hàng nghìn con gà ăn, uống nước cùng lúc mà không phải lấm chân tay. Máy nó làm đâu ra đấy ông ạ.

Tháng Bảy, đồng đất Thái Nguyên vừa đi qua một mùa vàng bội thu. Đất được cày lật chuẩn bị cho khung thời vụ mới. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ma Thịnh Giáp, Chủ tịch UBND xã Định Biên, huyện Định Hóa tâm đắc: Nông dân thời 4.0 không phải cặm cụi đi sau con trâu nhẫn nại kéo cày. Làm đất, cấy lúa, thu hoạch mùa vụ đều do máy làm thay sức người và sức trâu... Đấy là chuyện ở một xã miền núi xa lắc lơ với trung tâm tỉnh lị. Còn kề với các khu công nghiệp của tỉnh cũng đang từng bước hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Đó là sự phát triển tất yếu theo quy luật vận động, phát triển xã hội. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng đã đặt mục tiêu nhanh chóng phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Coi đó là giải pháp tối ưu của tỉnh trong chủ trương nâng cao mức sống cho nông dân ở gần các khu công nghiệp.

Ở mọi giai đoạn phát triển của đất nước, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp luôn đồng hành sát cánh cùng nông dân. Nhất là ở thời đại số hóa, các cơ quan chức năng Nhà nước, trực tiếp là ngành nông nghiệp đã tổ chức các hoạt động định hướng cho nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao. Mọi thông tin về quy hoạch, cơ chế hỗ trợ cho nông dân được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của Sở, trên ứng dụng C-ThaiNguyen. Hiện phần mềm quản lý dữ liệu của Sở đang hỗ trợ cho hơn 500 doanh nghiệp, HTX quảng bá về quy mô, quy trình sản xuất và công bố sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT nhấn mạnh: Nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực then chốt được tỉnh tập trung nguồn lực triển khai thực hiện. Việc chuyển đổi số thành công sẽ tạo dựng được môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, tạo vị thế cho nông sản địa phương và thay đổi được tư duy sản xuất của người nông dân. Từ xác định rõ lợi ích chuyển đổi số mang lại, Sở tập trung vào việc ứng dụng chuyển đối số để phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh.

Đương nhiên không phải người nông dân nào cũng có thể thực hiện được giấc mơ nông nghiệp thông minh. Bởi muốn thực hiện được phải có điều kiện cần và đủ, đó là kiến thức, kinh nghiệm, tiền vốn và bản lĩnh dám làm đến cùng. Tôi đã suy nghĩ như thế trên suốt dọc đường về Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Công ty chuyên về sản xuất, tiêu thụ nấm các loại. Để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhiều công đoạn sản xuất chế biến đều được Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc tự động điều khiển bằng máy vi tính. Nhờ có hệ thống này, công việc ươm tạo, chăm sóc, thu hái, chế biến nấm đạt năng suất, chất lượng cao. Nhìn từng bịch nấm đẹp mắt tựa những giò hoa, bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Sản lượng nấm của Công ty đạt hơn 100 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu đến các thị trường ngoài nước. Với số lượng đơn hàng khủng, nhưng hầu hết các giao dịch, kể cả thanh toán tiền hàng đều được thực hiện thông qua mạng internet.

Phú Gia là đơn vị đầu tiên trong ngành nấm Việt Nam được cấp chứng nhận hệ thống HACCP. Nông trại được chứng nhận Canh tác hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Organic hữu cơ EU (Liên minh châu Âu). Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản, Anh, Úc. Điều ai cũng có thể nhìn thấy trong việc số hóa hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp chủ nông trại giảm nhân công, giảm thời gian đi lại thực hiện giao dịch, song mang lại cho chủ nông trại nhiều lợi ích hơn về kinh tế. Hơn nữa, đó còn là giải pháp xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm.

Đến nông trại của ông Nguyễn Tiến Anh, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, chúng tôi như lạc vào một miền quê huyền thoại, với các loại cây trồng bắt mắt, như: dâu tây, cà chua, dưa hấu, dưa lê, dưa chuột… được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ông Anh bộc bạch: Công nghệ sản xuất không chỉ mang lại cho tôi nhiều lợi ích hơn, mà tôi còn có nhiều thời gian đi làm việc khác. Giản đơn như việc dùng tấm nilon che phủ trên mặt đất, tôi không phải mất công làm cỏ. Rồi hệ thống tưới tự động công nghệ Isarael - hệ thống tự tưới theo phương pháp nhỏ giọt, vừa đủ lượng nước cần thiết cho từng cây trồng… Thực tế đã có nhiều nông hộ Thái Nguyên đầu tư công nghệ và ứng dụng số hóa trong sản xuất, nhưng mới ở một công đoạn nhỏ. Điển hình như các hộ trồng chè, trồng cây ăn quả và trồng hoa đều biết cách Livestream (phát trực tiếp) các công đoạn sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, rao bán sản phẩm của mình trên mạng xã hội - đó là số hóa. Nhiều nông hộ lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cây trồng, chế biến sản phẩm bằng máy móc hiện đại - đó là công nghệ.

Bên ấm trà dậy hương trời, vị đất, bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Hương, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ nói vui: Tôi có thói quen là chia sẻ toàn bộ các hoạt động của HTX lên mạng xã hội, thực hiện giao dịch bán hàng qua mạng xã hội... Mạng xã hội đã giúp bà con nông dân, nhất là các trang trại, HTX, tổ hợp tác quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm của mình. Ví như trang cá nhân của HTX Tuyết Hương, vào đó người tiêu dùng biết đến sản phẩm chè của Hợp tác từng được Ban tổ chức Hội nghị APEC Việt Nam tháng 11-2017 tại Đà Nẵng lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ và đại diện đến từ 21 nền kinh tế thành viên.

Các thành viên HTX Tuyết Hương, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) trao đổi kinh nghiệm thu hái, chế biến chè đặc sản.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn trực tiếp tạo sức đột phá lớn trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên tâm đắc: Ngay trên địa bàn thành phố đã và đang tiếp tục hình thành các vùng chuyên canh như: Vùng chè đặc sản Tân Cương; vùng trồng hoa tươi chất lượng cao ở các xã Huống Thượng, Thịnh Đức, Linh Sơn… với 30/60ha diện tích đất trồng hoa ứng dụng công nghệ cao; vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao tại các xã Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch làm giá trị sản phẩm tăng, nhiều vùng đặc sản chè và cây ăn quả hiện đạt doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm.

Nông nghiệp hiện đại, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Thành quả số hóa sản xuất giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, giá thành hạ, nhưng chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Kinh tế xã hội (Hội Nông dân tỉnh) đúc kết: Nông dân số, hiểu giản đơn như việc người nông dân sử dụng máy điện thoại có kết nối internet. Họ sử dụng để quay phim, chụp ảnh về quá trình sản xuất; giao bán sản phẩm trên mạng xã hội. Nhưng phổ biến nhất hiện nay là khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm, hộ nông dân có thể chia sẻ bằng hình ảnh toàn bộ các quy trình, công đoạn sản xuất chính xác đến từng giây để bạn hàng yên tâm hợp tác. Còn bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ cho biết: Sau mỗi ngày làm việc, các thành viên của HTX phải ghi chép nhật kí sản xuất vào sổ sách. Nhưng đó là chuyện trước đây, còn hiện chúng tôi đã cập nhật trực tiếp trên điện thoại hoặc máy vi tính. Khi cần chúng tôi có thể chia sẻ lập tức trên không gian mạng.

Hơn 90% hộ nông dân của tỉnh đã có điện thoại thông minh. Ngoài gọi, nghe, nhắn tin bà con đã biết ứng dụng một số tiện ích của máy điện thoại vào việc chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, về sản phẩm nông sản của gia đình cần bán qua mạng xã hội. Đây là một thuận lợi trong công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mì, bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai tâm đắc: Nhờ mạng xã hội, sản phẩm của chúng tôi được quảng bá đến với người tiêu dùng trên nhiều miền đất nước. Hội Nông dân tỉnh cũng biết đến chúng tôi, và lựa chọn sản phẩm bún khô của HTX là 1 trong 20 sản phẩm nông sản Thái Nguyên tham dự Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại tỉnh Sơn La vào trung tuần tháng 5 vừa qua.

Để giúp nông dân thuận lợi trong chuyển đổi số, từ trung tuần tháng 5, hầu hết các xã của tỉnh đã thành lập được tổ chuyển đổi số. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho hơn 60.000 nông dân, trong đó gần 55.000 nông dân được cung cấp tài khoản thanh toán số, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn. Để bắt mắt, ấn tượng, Hội Nông dân hướng dẫn các đơn vị cung cấp thông tin sản phẩm, tư vấn, định hướng phát triển kinh doanh trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Hỗ trợ chụp ảnh sản phẩm, niêm yết sản phẩm, tư vấn bán hàng, bảo quản, lưu kho, vận chuyển. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Rau An toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên cho biết: Toàn bộ quy trình sản xuất, kể từ khâu làm đất chăm sóc đến thu hoạch đều được các thành viên trong tổ quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Giờ thành thói quen, mọi công việc đồng áng đều được đưa lên zalo, facebook. Chuyển đổi số đã làm người sản xuất và người tiêu dùng xích lại gần nhau hơn.

Phép nhiệm màu của ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã giúp Thái Nguyên có một cuộc lột xác thành công. Và sẽ tiếp tục có sự thay đổi lớn theo chiều hướng tích cực trong những năm tiếp theo. Đặc biệt có một cú hích quan trọng tiếp tục tạo sự thay đổi nhanh trong ngành nông nghiệp của tỉnh, đó là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên. Xã Tiên Phong (TP. Phổ Yên) là địa phương được tỉnh lựa chọn thực hiện sứ mệnh này.

Thái Nguyên sẽ là một vùng đất màu mỡ thu hút các doanh nhân mang công nghệ sản xuất thông minh đến hợp tác, phát triển. Đồng thời đào tạo nên một đội ngũ nông dân “áo trắng cổ cồn”, làm chủ khoa học, kỹ thuật, góp phần làm nên diện mạo mới cho một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước