Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:34 (GMT +7)

Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật thưởng Trà tại Thái Nguyên

VNTN- Ngày 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức buổi trao đổi với chủ đề “Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật Thưởng Trà”.

Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật thưởng Trà tại Thái Nguyên
Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng

Dự buổi trao đổi có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các địa phương; các Hội, Hiệp hội. Buổi toạ đàm còn thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ nhân và những người yêu trà trên địa bàn tỉnh. Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đồng hành cùng chương trình.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự buổi trao đổi

Điểm nhấn của sự kiện là sự hiện diện của Nghệ nhân trà, Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Sướng - nhà sáng lập không gian Hiên Trà Trường Xuân tại Hà Nội. Ông được biết đến như một người tiên phong trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa trà Việt.

Trong buổi tọa đàm, Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ về giá trị của văn hóa trà. Theo ông: Trà không chỉ là một thức uống, mà còn là biểu tượng giao thoa văn hóa và nghệ thuật sống của người Việt.

Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trà trong việc kết nối con người với thiên nhiên và tái tạo sự cân bằng trong đời sống hiện đại. Theo ông, điều làm nên sự khác biệt của trà Việt nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng không chỉ nằm ở hương vị mà còn ở tinh thần và nghệ thuật pha trà - một nét đẹp văn hóa đã được gìn giữ qua bao thế hệ.

Thái Nguyên từ lâu đã khẳng định vị thế là vùng đất sản xuất chè chất lượng cao trên cả nước. Những đồi chè xanh bạt ngàn ở Tân Cương, La Bằng, Trại Cài hay Phú Lương không chỉ mang đến những sản phẩm chè thơm ngon mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa của người dân Thái Nguyên.

Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật thưởng Trà tại Thái Nguyên
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi trao đổi

Sự kết hợp hài hòa giữa khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đặc biệt và nguồn nước tinh khiết đã tạo nên hương vị trà Thái Nguyên không thể nhầm lẫn. Đó là vị chát dịu nơi đầu lưỡi, hậu ngọt lắng sâu và hương cốm đặc trưng. Những sản phẩm từ vùng chè Thái Nguyên đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Nguyên, đồng thời cũng là món quà quý giá, đại diện cho văn hóa Việt Nam.

Phát huy thế mạnh là vùng đất sản xuất chè lớn nhất trong nước, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa trà truyền thống, Thái Nguyên đã và đang khai thác tiềm năng từ những hoạt động như tham quan làng chè, trải nghiệm hái chè và tham gia lễ hội trà nhằm thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Tại buổi trao đổi, Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã chia sẻ những ý tưởng mới mẻ để nâng tầm văn hóa trà. Trong đó, ông đề xuất xây dựng các không gian thưởng trà đậm tính văn hoá truyền thống, bởi văn hóa trà hoàn toàn có thể trở thành cầu nối để quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Buổi trao đổi đã diễn ra trong không khí ấm cúng và đầy cảm xúc, với những câu chuyện sâu sắc về trà và văn hóa thưởng trà của Việt Nam cũng như các nước Trung Quốc, Nhật Bản.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng cũng đã trực tiếp hướng dẫn các đại biểu cách pha trà, cách ướp trà sen và phân tích một các sâu sắc về nghệ thuật thưởng trà, giúp mọi người cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của văn hóa trà Việt.

Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật thưởng Trà tại Thái Nguyên
Buổi trao đổi với sự góp mặt của trên 300 đại biểu

Trong phần thảo luận, ông Sướng nhấn mạnh rằng trà Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa cần được nâng tầm. Bên cạnh đó, Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đề nghị cần khơi dậy tiềm năng của các văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh trong việc kể chuyện về trà, truyền tải giá trị văn hóa trà thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Theo ông, các văn nghệ sĩ chính là những người có khả năng lan tỏa hình ảnh trà Thái Nguyên tới đông đảo công chúng một cách sống động và giàu cảm xúc nhất.

Ông cho rằng: Khi những câu chuyện về trà được kể bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ, giá trị văn hóa và tinh thần của trà sẽ được nâng tầm, giúp trà Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn trở thành biểu tượng của sự kết nối, sáng tạo và tự hào dân tộc.

Phát triển Văn hóa Trà và Nghệ thuật thưởng Trà tại Thái Nguyên
Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT HTX chè La Bằng phát biểu tại buổi trao đổi

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh một số giải pháp nhằm phát triển giá trị và nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên, trong đó chú trọng đến sản xuất sạch, sản xuất an toàn; đẩy mạnh công tác truyền thông và tạo ra những sản phẩm mới bên cạnh những sản phẩm truyền thống hướng tới phục vụ cho những nhóm đối tượng chuyên biệt…

Buổi tọa đàm khép lại với sự đồng thuận cao từ các đại biểu. Với sự đồng lòng từ các nghệ nhân, nhà quản lý và người dân, Thái Nguyên quyết tâm không chỉ xứng danh “đệ nhất danh trà” mà hướng tới sẽ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch trà hàng đầu Việt Nam, góp phần đưa trà Việt vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.

Kim Ngân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục