Phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên: Bài 1- Vì sao du lịch thành phố Thái Nguyên chưa "hút" khách?
VNTN- Thái Nguyên được biết đến với tiềm năng phát triển du lịch nhờ cảnh quan thiên nhiên phong phú, di tích lịch sử đa dạng, và nền văn hóa giàu bản sắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành du lịch của thành phố vẫn chưa đạt được những thành tựu tương xứng. Các điểm đến như hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương và những di sản văn hóa quý giá dường như chưa đủ sức lôi cuốn để níu chân du khách ở lại lâu hơn.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành du lịch tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng trong việc quảng bá hình ảnh của mình. Trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên đã từng bước hiện diện trên bản đồ du lịch của cả nước. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, ngành du lịch của thành phố đã có những khởi sắc đáng kể.
Năm 2021, thành phố Thái Nguyên đón khoảng 650 nghìn lượt khách. Con số này đã tăng lên 785 nghìn lượt vào năm 2022, và tiếp tục gia tăng lên hơn 900 nghìn trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, thành phố đã đón trên 500 nghìn lượt khách và dự kiến lượng khách sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Tuy lượng khách đến Thái Nguyên đã tăng đáng kể, nhưng phần lớn du khách vẫn chỉ "đến nhanh và đi vội".
Hiện nay, TP. Thái Nguyên có khoảng 200 cơ sở lưu trú, bao gồm hơn 30 khách sạn với 898 phòng và 160 nhà nghỉ với 1.767 phòng. Ngoài ra, một số điểm du lịch cộng đồng như Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Yasmin Farm và điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương cũng cung cấp dịch vụ homestay. Thế nhưng công suất sử dụng buồng, phòng còn khá thấp.
Theo ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn hiện chỉ đạt khoảng 40%. Khách lưu trú chủ yếu ở Thái Nguyên là những người đến công tác. Lượng du khách đến Thái Nguyên đông nhất là du khách đến trải nghiệm. Nhưng họ thường chỉ ở lại trong ngày. Những đối tượng khách có tiềm năng phát sinh chi tiêu cao như khách du lịch nghỉ dưỡng, hiện rất ít người lựa chọn lưu trú lâu dài tại Thái Nguyên. Có chăng cùng lắm họ cũng chỉ ở lại với thời gian 1-2 ngày. Khách du lịch quốc tế lại càng hiếm hoi.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ chính lợi thế địa lý của thành phố. Thái Nguyên nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 52 km, và được kết nối bởi các tuyến quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Với sự thuận tiện về giao thông như vậy, du khách dễ dàng di chuyển trong ngày giữa Thái Nguyên và các địa phương lân cận, nên nếu TP. Thái Nguyên không có dịch vụ hấp dẫn, họ sẽ chọn quay trở về Hà Nội sau khi kết thúc công việc hoặc chuyến tham quan ngắn.
Việc thiếu vắng khách lưu trú hiện đang là vấn đề gây khó khăn cho hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. Khách sạn Kim Thái, một trong những khách sạn 3 sao được bình chọn là tốt nhất Việt Nam cũng không ngoài lệ.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Lưu trú (Hiệp hội Du lịch tỉnh), đại diện khách sạn Kim Thái chia sẻ: Dù Kim Thái có vị trí đắc địa (phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) và hệ thống phòng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chúng tôi cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách lưu trú.
Để cải thiện tình hình, cùng với Hiệp hội Du lịch tỉnh, chúng tôi đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, kèm theo các giải pháp ưu đãi như hạ giá phòng. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.
Một thách thức nữa đến từ việc thiếu sự liên kết giữa các điểm du lịch nhỏ lẻ, dẫn đến việc du khách ít lựa chọn ở lại Thái Nguyên qua đêm. Bởi, dù thành phố chưa phát triển mạnh các sản phẩm du lịch về đêm, nhưng một số cơ sở du lịch trên địa bàn đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm văn hóa, văn nghệ phục vụ du khách. Nhưng vì không có sự kết hợp chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhu cầu của khách không gặp được mong muốn cung cấp dịch vụ của cơ sở kinh doanh.
Chưa kể, một thực trạng phổ biến hiện nay, tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở TP. Thái Nguyên lượng khách khá đông, đặc biệt vào cuối tuần. Thậm chí, tại nhiều địa điểm, nếu du khách không đặt chỗ trước, rất khó để tìm được chỗ trống.
Mặc dù đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch của thành phố, nhưng nó cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Nhiều thời điểm, một số cơ sở chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách, quá tải không còn khả năng phục vụ, nhưng lại không kết nối được với các cơ sở khác để giới thiệu cho du khách. Điều này không chỉ gây bất tiện cho du khách mà còn để lại những ấn tượng không tốt về ngành du lịch nói chung của thành phố.
Ngoài ra, yếu tố con người cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Theo nhận định của nhiều thành viên trong Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh, đội ngũ làm du lịch tại Thái Nguyên vẫn chưa đạt được mức độ chuyên nghiệp cần thiết. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách, đồng thời cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong khu vực.
Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á, chia sẻ: Với kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, chúng tôi luôn đặt ưu tiên vào việc đào tạo nhân viên của công ty. Trong suốt ba năm qua, kể từ khi tiếp quản Khách sạn May Plaza, công ty tôi đã triển khai chương trình đào tạo bài bản cho đội ngũ nhân viên.
Tuy nhiên, bà Ngọc Anh thừa nhận rằng mức độ đáp ứng yêu cầu của nhân viên vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đáng chú ý, tỷ lệ thay đổi nhân viên buồng phòng của công ty trong ba năm qua lên đến 80%.
Theo bà Ngọc Anh, sự chuyên nghiệp và thái độ phục vụ tận tâm của nhân viên là yếu tố cốt lõi để phát triển ngành du lịch. Thậm chí, đây có thể là lý do quyết định việc du khách có quay lại thành phố du lịch lần nữa hay không.
Bên cạnh yếu tố con người và cơ sở vật chất, nhiều công ty lữ hành tại Thái Nguyên cũng nhận định, thành phố vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của mạng xã hội trong việc quảng bá du lịch.
Trong thời đại số hóa, khi nhiều điểm đến du lịch đã thành công nhờ các chiến lược truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, Thái Nguyên vẫn còn thiếu sự hiện diện đáng kể.
Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, việc xây dựng các kênh truyền thông số chuyên nghiệp và tận dụng mạng xã hội để tạo ra những chiến dịch quảng bá hấp dẫn, nhắm đúng đối tượng khách hàng tiềm năng là vô cùng cần thiết.
Cùng với những hạn chế đã nêu, TP. Thái Nguyên vẫn chưa tạo ra được một hình ảnh nhận diện đồng bộ và những câu chuyện sâu sắc cho các sản phẩm du lịch của mình.
Đây là yếu tố quan trọng để có thể tạo nên dấu ấn mạnh mẽ, khắc sâu vào tâm trí du khách. Một hình ảnh thương hiệu rõ ràng, cùng với những câu chuyện mang tính biểu tượng, sẽ giúp du khách nhớ đến Thái Nguyên không chỉ là một điểm đến mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ, thúc đẩy họ quay lại và lan toả những thông điệp đó rộng rãi.
Mặc dù du lịch TP. Thái Nguyên hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận rằng thành phố đang sở hữu những tiềm năng du lịch vô cùng quý giá. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú và các làng nghề truyền thống, Thái Nguyên có nền tảng vững chắc để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Những nỗ lực hiện tại và những bước đi tiếp theo sẽ là yếu tố quyết định trong việc định hình tương lai của ngành du lịch TP. Thái Nguyên.
Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những kho tàng du lịch chưa được khai thác hết và những cơ hội để du lịch TP. Thái Nguyên có thể chuyển mình.
(còn nữa)
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...