Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:17 (GMT +7)

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề

VNTN- Trong khuôn khổ chương trình “Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch Thái Nguyên năm 2023”, ngày 1/12 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm “Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề tỉnh Thái Nguyên”.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Hội thảo được tổ chức tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên

Tiền đề để phát triển

Không chỉ là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên, Thái Nguyên còn hội tụ nhiều di sản văn hóa, 277 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây chính là tài nguyên giá trị để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Các đại biểu tìm hiểu một số sản phẩm OCOP tham gia chương trình

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thái Nguyên đã có nghị quyết về định hướng phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030. Trong đó xác định quan điểm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.

Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá Trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”.

Với những tiền đề quan trọng đó, những năm qua, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ) là một trong những đơn vị đã gắn sản phẩm OCOP của mình với các hoạt động du lịch trải nghiệm

Minh chứng cụ thể là đến thời điểm hiện tại của năm 2023, tỉnh đã đón 2.498.200 lượt khách (trong đó khách quốc tế 20.100 lượt; khách nội địa 2.478.100 lượt); tổng thu từ khách du lịch đến tỉnh Thái Nguyên đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ và bằng 71,48% so với chỉ tiêu đạt 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2025.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động du lịch Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tính cạnh tranh chưa cao, chưa có sự gắn kết, bổ trợ, hỗ trợ nhau giữa phát triển du lịch và phát triển sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề.

Bởi vậy những ý kiến tâm huyết xuất phát từ thực tiễn họat động của các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm sẽ là những căn cứ quan trọng góp phần xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn trong thời gian tới.

Bài học và kiến nghị từ thực tiễn

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Đại diện HTX chè Hảo Đạt phát biểu tham luận 

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đại diện cho các hợp tác xã, các làng nghề, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay cùng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch thực chất, hiệu qủa.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Các đại biểu tham dự hội thảo

Các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định, thực tiễn các mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên. Thông qua cơ chế chính sách linh hoạt và định hướng dài hạn, kết hợp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển du lịch nông nghiệp, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có các hoạt động phong phú, khai thác thế mạnh và sự khác biệt riêng. Có thể kể đến như điểm du lịch cộng đồng ở Tân Cương, La Bằng, Mỏ Gà…

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Bên cạnh việc khai thác các thế mạnh về nông nghiệp cùng với các chính sách, giải pháp phát triển du lịch đã được tỉnh triển khai hiệu quả trong thời gian qua, việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề

Hiệu quả hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp của tỉnh còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nhìn lại, chúng ta chưa có mô hình du lịch nông nghiệp kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, quảng bá, tiêu thụ và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển du lịch bền vững. Các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng chưa được đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch. Đặc biệt là hạ tầng, nhân lực du lịch tại các điểm còn rất yếu và thiếu.

Là sản phẩm thế mạnh của tỉnh, nhưng hiện nay hầu hết các hoạt động du lịch trải nghiệm vùng chè trên địa bàn tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Các mô hình mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.

Trước thực trạng trên, tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội chè của tỉnh đề nghị nên xây dựng bộ bách khoa toàn thư về Chè Thái Nguyên để tài liệu hóa lịch sử hình thành và phát triển chè Thái Nguyên một cách khoa học, đồng bộ và chuẩn xác, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và hoạch định chính sách phát triển kinh tế ngành chè Thái Nguyên.

Một thực tế khác, hiện nay nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa tiếp cận được nguồn vốn, năng lực, kỹ năng về quản trị sản xuất, kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo một số Ban quản lý làng nghề, làng nghề truyền thống còn hạn chế; Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng; Công nghệ sản xuất ở các làng nghề còn thô sơ; các sản phẩm của các làng nghề có chất lượng chưa đồng đều,…

Bởi vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các tổ chức cá nhân và xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống là vô cùng cần thiết.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia Hội thảo

Các đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển làng nghề cần gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia. Đặc biệt cần phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, cần thiết rà soát, đánh giá, phân loại, giải thể những làng nghề không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Đại diện các địa phương có ý kiến tại buổi Hội thảo, lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiến nghị tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai chương trình đầu tư xây dựng Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy kết nối cung cầu; Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng…

Một nội dung khác được hầu hết đại diện các điểm du lịch, hợp tác xã mong muốn đó là cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn cụ thể, để khi triển khai thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng các cơ sở không vi phạm những quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo vệ môi trường…

Phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được Ban Tổ chức lắng nghe, tiếp thu và chia sẻ

Kết thúc buổi Hội thảo, Ban Tổ chức đã ghi nhận 15 ý kiến tham luận thể hiện tình cảm, sự quan tâm, ý kiến thẳng thắn và sâu sắc của của đại diện các hợp tác xã, làng nghề, điểm du lịch cộng đồng, lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề.

Những ý kiến tại hội thảo được hình thành từ thực tiễn hoạt động nên sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp du lịch Thái Nguyên tiếp tục phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục