Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:38 (GMT +7)

 “Phát triển Báo Văn nghệ Thái Nguyên phù hợp với xu thế báo chí hiện đại”

VNTN - Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm được tổ chức vào sáng nay (9/10) tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh với sự tham gia của các nhà báo, nhà văn, nhà quản lý giàu kinh nghiệm của trung ương và địa phương, cùng các cộng tác viên tích cực - những người góp phần vào sự ổn định, phát triển của tờ báo.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong kế hoạch công tác năm 2018 của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, nhằm nhận diện và định hướng phát triển Báo Văn nghệ Thái Nguyên trong thời kỳ mới.

 Toàn cảnh Tọa đàm

Phát biểu mở đầu Tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã bày tỏ những trăn trở và mong muốn được tiếp nhận những ý kiến đóng góp để tờ báo có thể phát huy thế mạnh, bù đắp những khuyết thiếu, kiến tạo cái mới, bước đi trên con đường xây dựng tờ báo văn nghệ ngày càng chuyên nghiệp hơn, bắt kịp với báo chí hiện đại.

Buổi Tọa đàm đã diễn ra hết sức cởi mở, thẳng thắn với nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các chủ đề: Phát triển báo mạng, hướng đi tất yếu cho sự phát triển của báo chí; Làm thế nào để báo văn nghệ hay hơn, hấp dẫn hơn; Phát triển đội ngũ cộng tác viên - chiến lược phát triển của tờ báo; Chỗ đứng của Văn nghệ Thái Nguyên trong lòng bạn đọc; Báo Văn nghệ Thái Nguyên với kinh tế báo chí và xã hội hóa báo chí…

Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam

Tại Tọa đàm, nhà báo Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam - đã ghi nhận những nỗ lực phát triển về mọi mặt của báo Văn nghệ Thái Nguyên trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ các vấn đề của báo chí hiện đại, trên cơ sở đó đề xuất những nội dung mà Văn nghệ Thái Nguyên cần tập trung khai thác, đặc biệt là phát huy thế mạnh về việc khai thác thông tin từ chính vùng đất Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã phát biểu tham góp: “Một tờ báo văn nghệ thì luôn luôn phải có chất văn nghệ. Viết về các vấn đề chính trị xã hội không chỉ viết mang tính chất thông tấn báo chí mà phải viết dưới góc độ văn chương nghệ thuật. Văn nghệ Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển trong chặng đường tới khi chú trọng nâng cao chất văn nghệ của mình”.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam

Tiếp mạch làm sao để tờ báo văn nghệ hay hơn, hấp dẫn hơn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Một tờ báo hay không chỉ phụ thuộc vào người làm báo mà còn là người viết báo. Tức là phải viết được những thứ người đọc cần, động được vào sâu thẳm những vấn đề thiết yếu của đời sống”.

Nhà lý luận phê bình văn học Cao Thị Hồng

Cùng quan điểm trên, nhà lý luận phê bình văn học Cao Thị Hồng bày tỏ: “Văn nghệ Thái Nguyên là tờ báo mang đặc thù riêng của văn học nghệ thuật, nên tờ báo phải hướng đến những gì là bản thể, nhân bản nhất của con người, khi đó tự khắc nó sẽ thu hút người đọc”.

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam

Đóng góp ý kiến cho sự phát triển của tờ báo, nhà báo Nguyễn Hoài Nam (Truyền hình Nhân dân) chia sẻ: Thực tế cho thấy, ở địa phương nào lãnh đạo tỉnh quan tâm tới văn học nghệ thuật thì tờ báo văn nghệ của địa phương đó phát triển. Vì vậy, cần hết sức tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh.  Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhận định: Để Văn nghệ Thái Nguyên phát triển không nên có rào cản người trong tỉnh hay người ngoài tỉnh; các chuyên trang chuyên mục phải mang đậm tính nhân văn, nghệ thuật, tính thời cuộc, sức lan tỏa, đặc biệt cũng phải thể hiện được tiếng nói của Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, thể hiện được hồn cốt của tỉnh Thái Nguyên, của vùng Việt Bắc.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng: phát triển cộng tác viên là sự sống còn của một tờ báo, cần trân trọng và phát huy trí tuệ, nhiệt huyết của cộng tác viên, những chuyên gia ở mọi lĩnh vực để tờ báo trở nên sắc nhọn hơn.

 Bàn về báo Văn nghệ Thái Nguyên với kinh tế báo chí và xã hội hóa báo chí…, nhiều đại biểu cho rằng: Cần phải thay đổi tư duy của một tờ báo bao cấp sang tư duy của một tờ báo tự chủ; Bên cạnh làm tốt nội dung cũng cần có một tổ, một bộ phận chuyên về mảng kinh tế báo chí…

Đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc Tọa đàm, đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Báo Văn nghệ Thái Nguyên cần phát huy nội lực và tăng cường hội nhập, tức là phát huy được sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm báo tỉnh Thái Nguyên cùng với những cây bút hàng đầu cả nước để nâng tầm chất lượng tờ báo. Từ Tổng Biên tập đến các cán bộ, nhân viên Tòa soạn đã tâm huyết, trách nhiệm, tài năng, cần hết sức quan tâm tới tính cầu thị và đoàn kết để Văn nghệ Thái Nguyên giữ vững được vị trí như hiện nay trong đời sống báo chí văn nghệ cả nước, và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

Khép lại cuộc Tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý giá, thực sự hữu ích đối với việc hoạch định chiến lược phát triển mới cho báo Văn nghệ Thái Nguyên trong thời gian tới.

Bích Hồng – Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy