Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:55 (GMT +7)

Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

(Tham luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029)

Trong thời gian qua, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực xây dựng văn hóa, xây dựng con người ở tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kế thừa và phát triển các truyền thống quý báu của dân tộc, nhiều giá trị văn hóa, giá trị con người được chấn hưng, khôi phục, đề cao và phát huy hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống của Nhân dân. Góp phần làm nên những thành tựu đó có những đóng góp bằng tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI

Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các quy định khác của pháp luật nhà nước. Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên là một trong những tổ chức hội được giao chỉ tiêu biên chế, được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hội hiện có 312 hội viên hoạt động tại 11 Chi hội chuyên ngành (gồm: Văn xuôi, Thơ, Âm nhạc, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình, Điện ảnh và Phát thanh truyền hình) và 10 Hội thành viên (Hội VHNT các huyện Đại Từ, Phú Bình, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, TP Phổ Yên, TP Sông Công, TP Thái Nguyên và Hội Kiến trúc sư tỉnh).

Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng với sự giúp đỡ của các ngành, các cấp trong tỉnh, sự đoàn kết, đồng thuận của các thành viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, sự nhiệt tình sáng tạo và cống hiến của đội ngũ cán bộ, hội viên,... hoạt động văn học nghệ thuật của Hội ngày càng được đổi mới và phát triển đa dạng, phong phú, góp phần tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Bên cạnh những thuận lợi, Hội VHNT cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Cơ chế, chính sách về lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; nhiệm vụ chính trị được giao ngày càng nhiều lên để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng tổ chức bộ máy và biên chế trong cơ quan thường trực Hội thu hẹp lại nên hoạt động rất khó khăn; nhiều cấp hội cơ sở không có kinh phí hoạt động, không có biên chế, không có phụ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội nên chưa phát huy được tiềm năng của lực lượng văn nghệ sĩ ở cơ sở. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông, do những giới hạn về trình độ, năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin nên việc tiếp cận và hội nhập của đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương có nhiều hạn chế.

Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ tỉnh, phát huy năng lực sáng tạo của một Hội ở một địa phương là trung tâm vùng miền núi và trung du phía Bắc, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước, như Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm; tổ chức các cuộc thi và trại sáng tác online; đăng cai các hoạt động quy mô khu vực... 

Trong 5 năm (2020 - 2024) Hội đã tổ chức 9 cuộc thi sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật và báo chí (gồm 4 cuộc thi sáng tác văn học, 2 cuộc thi sáng tác nghệ thuật - nhiếp ảnh và mỹ thuật, 1 cuộc thi bút ký - phóng sự, 2 cuộc thi phát thanh trên nền tảng số) thu hút hàng nghìn lượt người tham gia và cổ vũ, qua đó có được hàng trăm tác phẩm có chất lượng phục vụ công chúng, đồng thời phát hiện tài năng về văn học nghệ thuật để bồi dưỡng. Tổ chức xuất bản và hỗ trợ hội viên xuất bản gần 200 tập sách văn học nghệ thuật, 15 triển lãm nghệ thuật (gồm Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc). Hỗ trợ hàng trăm lượt hội viên tham gia các kỳ Liên hoan, Triển lãm nghệ thuật toàn quốc và khu vực, giành nhiều giải thưởng về cho tỉnh Thái Nguyên. Tham mưu cho tỉnh Thái Nguyên đăng cai tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc với hai loại hình triển lãm trực quan và triển lãm online 3D, thu hút hàng chục nghìn lượt công chúng thưởng lãm trong một thời gian dài, được Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao.

Hội tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Vận động văn nghệ sĩ hưởng ứng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, Giải thưởng báo chí “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”... đoạt nhiều giải thưởng. Tổ chức vận động sáng tác và xuất bản tác phẩm VHNT về Đại đội TNXP 915 Đội 91 Bắc Thái, với nhiều tác phẩm đi vào đời sống, được trưng bày triển lãm và sử dụng trong các sự kiện đặc biệt kỷ niệm và tri ân Đại đội TNXP 915 anh hùng.

Báo (nay là Tạp chí) Văn nghệ Thái Nguyên phát triển mạnh, trở thành một trong 3 tuần báo văn nghệ địa phương trong cả nước, có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ. Với hai loại hình báo in và báo điện tử, Tạp chí tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động; khai thác thế mạnh của báo điện tử như audio, video, bài multimedia… để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Việc xây dựng hệ thống Hội Văn học nghệ thuật từ tỉnh đến cấp huyện nhằm nâng cao khả năng tập hợp, đoàn kết, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và tính chủ động, tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc trở thành nòng cốt đối với các hoạt động văn học nghệ thuật quần chúng ở địa phương, cơ sở. Đến nay,  9/9 huyện thành phố có Hội VHNT, khoảng 400 hội viên. Một số Hội cấp huyện đã phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống văn hóa ở địa phương thông qua việc chủ động thành lập các câu lạc bộ VHNT, thu hút lực lượng nòng cốt trong hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn tham gia công tác Hội. Tiêu biểu như các Hội VHNT huyện Định Hóa, Phú Lương, TP Phổ Yên, ... Hội VHNT huyện Định Hóa đã thành lập được câu lạc bộ VHNT ở 18/23 xã, thị trấn. Hoạt động này đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực ủng hộ và ghi nhận. Cùng với các Hội cấp huyện, cơ quan thường trực Hội cũng quản lý 5 Câu lạc bộ với hơn 500 hội viên. Các CLB hoạt động tự nguyện, tự quản, được Hội hỗ trợ về địa điểm sinh hoạt, hỗ trợ về chuyên môn khi cần, góp một lượng công chúng ổn định cho các hoạt động Hội.

Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (thứ 4 từ trái sang) được nhận Bằng khen của Uỷ ban MT TQ tỉnh tại Đại hội

Bên cạnh các hoạt động chung của Hội, nhiều hội viên của Hội đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển đời sống văn nghệ quần chúng bằng các công việc cụ thể như mở lớp dạy năng khiếu, truyền nghề, huấn luyện, biên đạo, dàn dựng tiết mục chương trình: Tham gia bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, tiêu biểu là Nghệ sĩ nhân dân Lê Khình, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Luận, các nghệ sĩ Hà Văn Quang, Xuân Bách, Trần Bình Dưỡng, Thương Mến, Nguyễn Thị Gái…; Tham gia bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho trẻ em, huấn luyện các nhóm, câu lạc bộ, trung tâm nghệ thuật, tiêu biểu là nhạc sĩ Ngọc Tuyết, nghệ sĩ Tú Ngọc, các họa sĩ Dương Văn Chung, Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Thị Thành,...; Tham gia biên đạo, dàn dựng, làm giám khảo cho các chương trình, tiết mục trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng, đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh, tiêu biểu là NSƯT Mai Thanh, NSƯT Hoàng Thiện Thực, NSƯT Dương Thị Nhị, nghệ sĩ Lưu Phong Lan, nghệ sĩ Trần Tú Nam,...; Tham gia mở lớp, giảng dạy kiến thức, kỹ năng sáng tác VHNT cho cộng đồng, tiêu biểu là  có các nhà văn Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Kiến Thọ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa, họa sĩ Nguyễn Gia Bảy, ...; Tham gia tổ chức và là nòng cốt trong các câu lạc bộ văn học nghệ thuật trên địa bàn, tiêu biểu là  các nhà thơ Nguyễn Hữu Bài, Trần Đình Vinh, Lã Thị Thông, Nguyễn Việt Bắc, ...

Có thể khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa với vai trò là hạt nhân, nòng cốt trong việc sáng tạo, thẩm định và góp phần nâng cao chất lượng thẩm mỹ các hoạt động văn hoá của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ở Hội VHNT tỉnh vẫn có hiện tượng văn nghệ sĩ chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, xa rời thực tiễn, xa rời đời sống nhất là đời sống văn hóa cơ sở. Chưa cống hiến được nhiều tác phẩm, hình tượng nhân vật, xứng tầm với quê hương cách mạng và kháng chiến, đặc biệt là về công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phồn vinh, hạnh phúc hôm nay.

Trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng; tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, chú trọng đề cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân hội viên trong lời nói, tác phẩm nghệ thuật và hành động xây dựng văn hóa, xây dựng con người Thái Nguyên. Xây dựng nền văn hóa phát triển là nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn và tiến bộ bắt đầu từ cộng đồng dân cư, để văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị, tạo ra những sức mạnh nội sinh tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa, sự gắn kết văn hóa cộng đồng.

Từ diễn đàn này, Hội VHNT tỉnh trân trọng đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho phát triển văn hóa, trước hết là văn hóa cơ sở. Có những việc làm rất cụ thể như: tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Quan tâm phối hợp phát triển các câu lạc bộ sở thích nghệ thuật, các điểm sinh hoạt văn hóa theo lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc. Đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, khu thể thao... để người dân bộc lộ năng khiếu, sở thích, tự sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, có sự tôn vinh, ghi nhận thỏa đáng đối với những cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Hội VHNT tỉnh luôn sẵn sàng phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận để cùng hợp tác thực hiện những việc làm cụ thể, tạo ra những công trình ,tác phẩm văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, sân khấu,… gắn với sự phát triển của các cấp ngành, địa phương trong tỉnh, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của các cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội của chúng ta, cùng nhau hiện thực hóa chủ trương của Đảng, phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy