Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:14 (GMT +7)

Pháo đất nổ vang rền mùa xuân

Xuân về, mưa bụi giăng mắc trên những cung đường làng quê mềm mại, con người lại cảm thấy phấn khởi rạo rực, trong nhịp sống rộn ràng ấy, quê tôi không thể thiếu trò chơi pháo đất. Mở đầu một năm mới với bao nhiêu ước mong những điều may mắn, kỳ diệu. Và tiếng pháo nổ vang rền trong tiết xuân góp phần làm cho mùa xuân càng thêm tươi vui, căng tràn sức sống.

Nguồn gốc của trò chơi pháo đất gắn liền với công cuộc giữ gìn chủ quyền đất nước và cũng luôn là những câu chuyện hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi. Theo các cụ cao niên trong làng thì pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng. Cũng có thuyết truyền rằng: Voi chiến của Trần Hưng Đạo Đại Vương đi đánh trận bị sa lầy nên nhân dân đã ném đất xuống để cứu voi. Dù là xuất hiện ở thời kì nào thì với cả người lớn và bọn trẻ trâu, pháo đất là một trò chơi gần gũi, giản dị nhưng vô cùng hấp dẫn, có sự gắn kết mạnh mẽ. Nó gắn liền với công việc vất vả lam lũ của nhà nông. Chỉ cần nắm đất nhỏ là chúng tôi có thể làm pháo chơi cả buổi. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi chơi pháo đất ở bất kỳ nơi đâu, từ ngõ nhà, bờ ruộng, mặt đê hay dưới gốc đa đầu làng trong những lúc rảnh rỗi. Phần đất chia bằng nhau, mỗi đứa nặn một cái pháo nhỏ bằng cái bát gọi là "pháo đền", đặt trong lòng tay. Nặn xong, hà hơi thổi mấy cái vào lòng pháo rồi giơ tay cao, miệng nói: "Pháo nổ pháo nang, cả làng nghe tiếng". Nói xong ném pháo úp chụp xuống đất nổ. Đứa nào pháo nổ to, khoảng trống là lỗ thủng của trôn pháo rộng thì được đền vào nhiều đất. Đứa nào thua là phải đền hết đất cho đứa thắng. Cũng có đứa thì nặn pháo to hơn để gieo.

Ảnh minh họa. Nguồn: http://lehoi.cinet.vn

Với người lớn, việc chơi pháo đất lại đòi hỏi quá trình chuẩn bị công phu. Địa điểm chọn để lấy loại đất đó cũng không phải dễ dàng, thường những người già, giàu kinh nghiệm của làng mới biết chỗ, sau truyền lại cho lớp con cháu. Trước mỗi mùa lễ hội, các đội pháo đều phải thăm chọn đất và làm lễ xin phép thần linh, thổ địa. Ban đầu là khâu chọn đất làm pháo. Đó phải là đất triều củ có màu nâu sẫm, mềm mịn, quánh, dẻo có độ kết dính cao và gói bọc trong lá cây hoặc bao tải để giữ ẩm. Gần ngày thi pháo, người thi quê tôi quen gọi là pháo thủ lại tiếp tục dùng liềm cắt đất theo những lớp mỏng nhằm loại bỏ những tạp sạn nằm bám trong đất và phơi đất trong sương đêm. Hôm sau, đất lại được người thợ dùng bàn chân giẫm, quyện kỹ càng cho đến khi đất dẻo mềm, cầm trên tay không bị dính là đạt. Các bước thì cơ bản giống nhau song mỗi đội, mỗi làng đều có bí quyết chọn, làm đất, làm pháo theo kiểu riêng.

Làng mở hội, các đội vào cuộc chơi, các pháo thủ giẫm lên miếng đất cho thành hình bầu dục rồi dùng tay nặn. Bước tiếp theo làm manh (viền mép pháo) cũng cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước, rồi vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo cho đều. Tiếp đó dùng dao bằng cật tre khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn rồi lại dùng đất phủ kín vết cắt đó. Phần đầu pháo, pháo thủ rạch một đường ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra... Mỗi đội tùy vào sức khỏe của pháo thủ mà đăng kí cân nặng của pháo. Có năm pháo to nặng đến 60kg đến 70kg.

Làm pháo xong thì công đoạn gieo pháo là bước quyết định quan trọng nhất. Khi gieo, pháo được giao cho một người khỏe, có kinh nghiệm gieo nhưng vẫn cần có thêm vài người khác nữa nâng cao vì quả pháo to, nặng. Tư thế người gieo pháo phải chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, xoay nhẹ rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, pháo thủ phải rèn luyện rất công phu cả về sức khỏe và kinh nghiệm.

Hào hứng nhất là công đoạn gieo pháo. Chiêng trống hòa tiếng reo vang của các pháo thủ và người xem tạo nên không khí vô cùng hào hứng. Mọi sự mệt nhọc tan biến, tất cả hòa chung niềm phấn khởi hi vọng vào thành quả vừa mới tạo ra. Rồi đột nhiên tĩnh lặng, giây phút hồi hộp chờ đợi đến thót tim. Trong gang tấc pháo liệng xuống. Và giây phút vỡ òa khi pháo ra, tiếng đùng nổ vang, manh pháo ra thẳng dẵng, manh nẩy lên mông pháo. Tất cả lại cùng hò reo sau tiếng nổ vang rền. Kết quả được tính bằng tổng chiều dài của manh pháo (đo theo đường thẳng từ đầu này đến đầu kia). Cũng có pháo gieo xuống, manh văng ra nhưng bị đứt đoạn gọi là pháo bị bổ thì không được tính điểm, pháo gieo xuống nằm im gọi là pháo xịt, không bung được manh ra, mỗi người lại tản ra tiếc nuối. Rồi lại hào hứng hy vọng vào pháo tiếp theo. Cứ thế các lượt thi được gọi là dây pháo diễn ra liên tục trong niềm vui phấn khởi của cả người thi và người cổ vũ. Đi xem pháo hay chơi pháo đều xen lẫn tâm trạng chờ đợi, hồi hộp, vỡ òa vui vẻ và hy vọng. Đó chẳng phải là những cung bậc cảm xúc tuyệt vời sao!

Đã có một thời pháo đất quê tôi chìm lắng ít được tổ chức do người dân mải miết làm ăn. Lũ trẻ con thì bận học nên cũng ít chơi hơn. Gần đây, trò chơi pháo đất đã được phục dựng lại. Trong lễ hội mùa xuân tiếng pháo lại nổ rền vang. Những ngày nông nhàn, khi công việc đồng áng đã vơi, pháo đất lại được các xóm tổ chức và thi đấu giao lưu giữa các làng, các xã với nhau tạo nên không khí đầm ấm, vui tươi và sự gắn kết hòa đồng. Lũ trẻ lại có dịp vui chơi và làm pháo đầy hứng khởi. Hội chơi pháo đất, dù pháo nổ to hay nhỏ, các dây pháo dài hay ngắn, không phải là điều quan trọng nhất, mà là sự gắn kết và rèn luyện sức khỏe, nó chứa đựng trong đó những nét văn hóa dân gian đặc sắc của quê tôi.

Tản văn. Lệ Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước