Phán quyết PCA: Trung Quốc không thể cố tình bác bỏ luật pháp quốc tế
VNTN - Bằng kết quả cuối cùng đưa ra ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã tuyên bốTrung Quốc “không có cơ sở pháp lý” để đòi “chủ quyền lịch sử” trong vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. Đây không chỉ là một thắng lợi của luật pháp quốc tế, mà còn là bằng chứng cho thấy quá trình Trung Quốc đổ tiền bạc vận động, gây sức ép chính trị với nhiều bên nhằm ngăn cản phiên tòa đã thất bại.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức tuyên bố, “không tiếp nhận”, và “không công nhận phán quyết”. Tuy nhiên, việc chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ càng khiến yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thiếu cơ sở theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên chính thức.
Trước đó, ngay từ tháng 10/2015 khi Tòa tuyên bố có thẩm quyền giải quyết vụ kiện theo đề nghị của Philippines, ngay lập tức Trung Quốc đã tìm mọi cách để ngăn chặn vụ việc. Ngoài chỉ trích Philippines, bác bỏ thẩm quyền của Tòa, phê phán các bên ủng hộ Tòa ra phán quyết, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ chỉ đàm phán song phương trực tiếp, cũng như theo đuổi phương châm “bốn không”: không tham gia, không ủng hộ, không chấp nhận, cũng như không thực thi phán quyết. Bên cạnh các tuyên bố này, Trung Quốc còn tiến hành một chiến dịch vận động ngoại giao ráo riết với quy mô lớn nhắm vào nhiều nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng tuyên truyền rầm rộ, rằng lập trường của họ “được ủng hộ”, và “tán thành rộng rãi” bởi nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, và nhân vật chính trị.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ quá trình vận động của Trung Quốc, vấn đề lại không hoàn toàn như họ tuyên truyền. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã cố ý cắt ghép ngôn từ, đánh tráo khái niệm nhằm thay đổi sự thật rằng đã có rất ít bên ủng hộ cho lập trường và hành động của họ.
Chiến dịch vận động của Trung Quốc
Để ngăn chặn Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã kết hợp nhiều phương thức trong một chiến dịch vận động ngoại giao rộng lớn tại cả khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Á, và các đảo quốc Thái Bình Dương để tìm kiếm sự ủng hộ.
Trước hết, cùng với việc lần đầu công bố bản “Chính sách với các quốc gia Ả rập”, cuối tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến đi Trung Đông nhằm vận động hai nước lớn trong khối là Iran và Ai Cập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới Iran sau 14 năm, và tới Ai Cập sau 12 năm. Chỉ riêng tại Ai Cập, cùng với tuyên bố thúc đẩy hợp tác song phương theo sáng kiến "Một vành đai, một con đường", Trung Quốc đã ký 21 thỏa thuận hợp tác có trị giá tới 15 tỷ USD. Ông Tập Cận Bình còn tuyên bố với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi tại Cairo, rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho các quốc gia Trung Đông một gói tín dụng ưu đãi trị giá 35 tỷ USD, và xây dựng một Quỹ Đầu tư chung với Qatar và các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, có giá trị tới 20 tỷ USD.
Tiếp theo, để thuyết phục hai nước lớn Nga và Ấn Độ đưa vấn đề ủng hộ giải quyết song phương tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vào tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ba bên lần thứ 14 (ngày 20/4 tại Moskow), Trung Quốc đã đưa ra tới 12 sáng kiến. Trong đó có việc lần đầu tổ chức tham vấn ba bên về các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương, triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, hải tặc, tìm kiếm cứu nạn trên biển v.v. Đối với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đã tung ra nhiều hoạt động ngoại giao con thoi và các hứa hẹn lợi ích kinh tế để lôi kéo các thànhviên ASEAN không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, hoặc không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc.
Cuối tháng 4/2016, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm cấp tốc tới Brunei, Campuchia, và Lào (từ 20-23/4) để vận động tình hình. Trong một hướng khác, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cũng có chuyến đi chỉ kéo dài trong hai ngày (09-10/5), nhằm “tăng cường hợp tác chiến lược” với Indonesia, và thúc đẩy “quan hệ phát triển ổn định, lâu dài” với Malaysia. Có thể nói trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Trung Quốc hiện là nước viện trợ nhiều nhất cho Campuchia, và còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Indonesia, Malaysia, và Lào. Trong khoản phê duyệt cho vay đầu tiên ngày 24/6 vừa qua, Ngân hàng AIIB mà Trung Quốc nắm sở hữu nhiều nhất cũng đã cho Indonesia vay tới 216 triệu USD.
Ngoài Đông Nam Á, Trung Quốc cũng tích cực vận động các quốc gia châu Phi. Ngoài chuyến đi “chớp nhoáng” của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tới Senegal và Cộng hòa Chad (từ 06-07/5), Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Nghiêm Tuyển Kỳ cũng thăm Djibouti trong bốnngày (từ 09-13/5). Djibouti được xác định là nơi Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài. Trong tháng 5/2016, Trung Quốc còn đón Tổng thống Philippe Jacinto Nyusi của Mozambique để ký các thỏa thuận hợp tác, trong đó có việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng dành nhiều hoạt động trong chiến dịch vận động này để nhắm vào các quốc gia thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương như Samoa, Tonga, Papua New Guinea, và Vanuatu với cùng một mụcđích nêu trên.
Những gì Trung Quốc cho rằng đạt được sau các hoạt động cấp tập, Trung Quốc đã tổ chức tuyên truyền rầm rộ, rằng Nga và Ấn Độ đã đồng ý khi đề cập, tất cả các tranh chấp cần được giải quyết “thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên có liên quan”. Trung Quốc cũng cho rằng đã đạt được đồng thuận bốn điểm với Brunei, Lào, và Campuchia, trong đó khẳng định “quyền tự lựa chọn” phương thức giải quyết, và “thông qua hiệp thương đối thoại” để giải các quyết tranh chấp lãnh thổ, quyền và lợi ích biển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn liên tục “cập nhật” số lượng các quốc gia, được cho là đã “ủng hộ” lập trường của Trung Quốc dưới “hình thức này” hoặc “hình thức khác”.
Ngày 26/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai đã ủng hộ tranh chấp lãnh thổ "phải được giải quyết dựa trên những bằng chứng văn hóa và lịch sử". Tiếp theo, Người phát ngôn Lục Khảng còn khẳng định ngày 14/6, rằng không phải 40 quốc gia mà ngoài Sierra Leon và Kenya, trước đó là “gần 60 quốc gia” đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Gần nhất là ngày 11/7, chỉ trước khi Tòa ra phát quyết có một ngày, Lục Khảng tiếp tục tuyên bố, gần đây “có thêm nhiều nước”, ngoài Campuchia còn có Angola, Liberia, Madagascar, Senegal.. đứng ra “bảo vệ cho lẽ phải”?!
Thực chất của vấn đề
Đằng sau tất cả các tuyên bố mơ hồ này, có phải Trung Quốc đang là “nạn nhân” trong vấn đề Biển Đông như tuyên bố của nguyên Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc tại Washington ngày 05/7 vừa qua? Hoặc liệu sau các hành động thay đổi nguyên trạng khi bồi lấp biển với quy mô lớn, hay phô diễn sức mạnh quân sự bằng tập trận bắn đạn thật trái phép (từ 02/7) tại khu vực Hoàng Sa mà Trung Quốc vẫn được nhiều bên ủng hộ?
Trên thực tế, ngoài các tuyên bố như của Hội nghị Thượng đỉnh G7 (ngày 26/5), kêu gọi tránh “sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để củng cố tuyên bố chủ quyền”, tại Đối thoại Shangri La (ngày 05/6) Trung Quốc cũng bị phê phán khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định, để tránh bị cô lập, Trung Quốc cần tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Một số quốc gia nằm trong “danh sách ủng hộ tự nhận” của Trung Quốc cũng bày tỏ, tuyên bố của họ là nhằm kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp nhưng đã bị thay đổi câu chữ, đánh tráo khái niệm khi trích dẫn. Lần lượt là Fiji và Papua New Guinea đã khẳng định, tuyên bố của họ là ủng hộ việc “tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt luật pháp quốc tế”, cũng như “tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế” chứ không như những gì Trung Quốc khẳng định. Đặc biệt, các tờ báo lớn như Diplomatic và Wall Street Journal ngày 16/6 còn trích nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ khẳng định, thực chất chỉ có 8 quốc gia nhỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc khi cho rằng, “phán quyết của Tòa là không hợp pháp”. CSIS cũng cho biết, đây đều là các quốc gia nhỏ như Afghnistan, Gambia, Kenya, Niger, Lesotho…. Một số quốc gia nằm trong số này còn hoàn toàn không có biển, hiển nhiên họ sẽ ít quan tâm tới Công ước Luật biển (UNCLOS) và dễ bị Trung Quốc lợi dụng.
Lời kết
Là một nước lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc cần có cách hành xử thể hiện tính minh bạch, có sự cam kết, và có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Việc cắt ghép ngôn từ, đưa tin thiếu cơ sở xác thực đã không giúp Trung Quốc ngăn chặn được việc Tòa bác bỏ các yêu sách thiếu cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã được công bố và được nhiều bên lên tiếng ủng hộ, với vai trò là một thành viên đã phê chuẩn Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS), nếu Trung Quốc đơn phương bác bỏ cơ sở pháp lý quốc tế sẽ chỉ càng khiến họ thêm mất uy tín, bị cô lập. Đồng thời, hành động ngang nhiên này của Trung Quốc còn khiến cho quá trình giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông thêm gặp nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng không chỉ tới an ninh, ổn định của khu vực, mà còn cho chính môi trường phát triển Trung Quốc.
5 thẩm phán giải quyết vụ kiện của Philippines Ảnh: RAPPER
Dương Đăng - Phan Linh (Học viện Ngoại giao)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...