Ông tổ chè ngon ở Tân Cương và lòng biết ơn
Dân gian huyền ảo dành cho vùng đất Thái Nguyên những câu danh ngôn khá là độc đáo và kỳ thú. Nào là: “Chè Thái gái Tuyên”, “Tân cương Đệ nhất danh trà”, “Thái Nguyên Đệ nhất danh trà”… Đây có thể là sự thừa nhận, sự khẳng định, sự so sánh ngẫu nhiên; có thể là một lời khen, lời bình phẩm. Nhưng nó tạc vào thời gian, tạc vào lòng người như những viên ngọc quý sáng lấp lánh. Vậy thì những câu này có từ bao giờ? Dân gian ngẫu hứng sáng tạo ra hay một tác giả nào đó cao tay bút, nghiện uống trà viết ra? Ai là người nói đầu tiên hay nghe đầu tiên? Thái Nguyên biết ơn họ hay họ biết ơn Thái Nguyên?
Tôi đem chuyện này hỏi một vị giáo sư đáng kính. Cụ trợn tròn mắt nhìn tôi chằm chằm như nhìn một sinh vật lạ rồi cụ cao giọng quát vào mặt tôi: “Cái anh này lạ nhỉ, lòng biết ơn là phẩm chất cao quý nhất của con người. Ai cũng có lòng biết ơn. Còn sống là còn biết ơn”. Nói xong cụ thủng thẳng bỏ đi. Rồi cụ cố hắng giọng ho một vài tiếng như cười nhạo vào mặt tôi. Tôi định thần lại, cảm thấy hình như cụ nói cũng đúng. Nhưng chuyện này to tát quá, cao thâm quá, sức hiểu biết nho nhỏ của tôi không với tới được. Tôi chợt nảy ra một ý là xem xem người đời bàn luận vệ chuyện này như thế nào.
Từ năm 1960, tại hội thảo các nhà khảo cổ học ở Paris (Pháp) đã công bố tìm thấy những vỏ hạt chè hoá thạch có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm tại hang “Con moong” thuộc nền văn hoá Đông Sơn, Hoà Bình (Thanh Hoá). Trong sách “Vân Đài loại ngữ” nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã chỉ ra một số loại chè và cách uống chè của người Việt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã ghi chép tỉ mỉ về chè. Ở Việt Nam hiện nay, có hơn một triệu cây chè shan tuyết cổ thụ mọc rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhờ sự phong phú, đa dạng, các giống chè, loại chè có ở khắp nơi trong cả nước. Từ đó cũng xuất hiện ở xứ ta có nhiều cách uống chè hay, uống chè lạ. Xuất hiện nhiều nhân vật từ vua chúa, các vị thiền sư, các danh sĩ, quan lại, nho sinh, phú hộ, những nhà trí thức đến những người bình dân áo vải đều ham mê uống chè.
Nổi tiếng nhất là danh nhân Nguyễn Trãi. Cụ coi trăng, thơ và trà là ba thứ không thể thiếu được trong cuộc sống. Cụ Cao Bá Quát uống trà ung dung tự tại như một đạo sĩ. Cụ Phạm Đình Hổ trong sách “Vũ trung tuỳ bút” viết về cách uống trà tinh tế. Nhà văn Nguyễn Tuân coi thưởng trà như thú chơi cầu kỳ tao nhã. Còn nhiều, nhiều lắm những người uống chè độc đáo, khác lạ, đơn giản hay cầu kỳ mà ta không thể nào kể ra cho hết được.
Đến đây sẽ có vài câu hỏi nhỏ được đặt ra như sau: Ở Việt Nam ta từ xưa đến nay ai là người tự tay trồng chè, chăm sóc tưới tắm chè? Ai tự tay thu hái, sao sấy để chế ra chè ngon nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam? Chúng ta thử nhìn lại lịch sử ngành chè Việt Nam thời hiện đại xem sao. Năm 1890 Công ty Thương mại Pháp (Cha ttanzon) lập đồn điền chè hơn 60ha ở xã Tính Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Sau đó Công ty mở thêm nhà máy chế biến chè. Chè đen được xuất khẩu sang Luân Đôn và Antécdam. Chè xanh xuất khẩu sang châu Phi được đánh giá cao. Người Pháp lập ra trạm nghiên cứu chè ở Phú Hộ (Phú Thọ), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai). Họ mở phòng thí nghiệm về sinh hoá, thổ nhưỡng và kiểm tra chất lượng chè xuất khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Năm 1931, họ xây dựng nhà máy chè ở Cầu Đất (Lâm Đồng), Biển Hồ (Gia Lai) và vườn ươm có 27 giống chè mới ở Phú Thọ. Trước tháng 8 năm 1945, cả nước ta có khoảng 15.585ha chè. Hàng năm sản xuất được hơn 6.000 tấn chè búp khô. Chủ yếu là chè đen, chè xanh, chè hương và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Sau năm 1954, nhà nước ta thành lập nhiều nông trường quốc doanh trồng chè và nhà máy chế biến chè như: Vân Lĩnh, Vân Hùng (Phú Thọ); Sông Cầu, Quân Chu (Thái Nguyên); Cửu Long (Hoà Bình); Mộc Châu (Sơn La); Mỹ Lâm (Tuyên Quang). Có một số công ty chè nước ngoài như Phú Đa, Phú Bền (Phú Thọ). Hay ở miền Nam sau ngày giải phóng có chè ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng); Công ty chè ở Biển Hồ (Gia Lai). Một số công ty chè của Đài Loan, Nhật Bản ở Tây Nguyên sản xuất ra chè xanh, chè đen và chè Ô Long.
Ở tỉnh Thái Nguyên, theo niên giám hành chính Đông Dương, thống kê năm 1938 có một số nơi trồng chè như sau: (1). Đồn điền người Pháp An hem Guillaume (1898) ở Phú Bình, Phổ Yên có tổng diện tích canh tác là 7.596ha, trong đó có 30ha trồng chè. (2). Đồn điền người Pháp Keppler (1923) ở Quang Trung - Thịnh Đán có diện tích canh tác 1.605ha, có 4ha trồng chè. (3) Đồn điền người pháp Nagi (1928) ở Đu (Phú Lương) có diện tích canh tác 1.290ha, có 100ha trồng chè và trồng cafe. (4) Đồn điền cụ Nguyễn Đức Mai (1937) ở Hoá Trung (Đồng Hỷ) có diện tích canh tác 300ha, có 22ha trồng chè. Về sau này có Nông trường chè Bắc Sơn ở Phổ Yên (1957), Nhà máy chè Định Hoá (1966), Công ty chè Trung Nguyên (2001), Nhà máy chè Tân Cương Hoàng Bình (2002).
Theo dư luận, hầu hết những đồn điền chè, nông trường chè, công ty chè, nhà máy chè ở Thái Nguyên đều hoạt động ở mức tầm tầm. Rồi thời gian phôi phai và họ cũng lặng lẽ trôi vào dĩ vãng. Nhiều người trong số họ cũng đã tự lăng xê, tự đồn thổi, tự huyễn hoặc về tầm vóc doanh nhân làm chè và chất lượng vàng sản phẩm chè của họ. Dân gian và những người ưa uống chè chỉ còn biết nhìn họ mà lắc đầu ngao ngán.
Từ đầu thế kỷ 20, ông R. Du Pasguier người Pháp là Giám đốc Trại Nghiên cứu chè Phú Hộ và Viện trưởng Viện nghiên cứu Chè Đông Dương. Sau 20 năm nghiên cứu chè, ông kết luận: “Ở Đông Dương (Việt Nam) là một nước thuộc loại số một để trồng chè và người ta có căn cứ đúng để trồng chè”. Tiềm năng to lớn là vậy. Tuy cũng đã đạt được một số thành quả như diện tích trồng chè ngày một lớn. Có nhiều người tham gia vào việc trồng, chế biến và buôn bán chè, xuất khẩu chè. Phần nhiều là xuất khẩu thô. Con đường chè Việt cũng gian nan, gần như giậm chân tại chỗ. Cứ như điệu nhảy sạp của bà con, cứ nhảy tiến lên, rồi nhảy lùi lại.
Xin được kể vài nét tiêu biểu về cuộc đời của cụ Đội Năm Vũ Văn Hiệt. Cụ quê ở Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên. Lớn lên cụ làm thợ mộc nổi tiếng khéo tay. Khi đi lính sang Pháp, cụ được giao đóng khuôn đúc các chi tiết máy bay. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) cụ từ Pháp trở về. Là lính thợ có tay nghề và có uy tín cụ được chính quyền pháp ở Đông Dương cấp cho một khoảng đất 15 mẫu ở chân núi Guộc thuộc làng Tân Cương, Thái Nguyên. Từ lâu cụ Đội Năm Vũ Văn Hiệt được người đời mệnh danh là ông tổ chè Tân Cương. Gần 100 năm nay, cụ chỉ được xem như ông tổ của một làng nghề chè Tân Cương xưa nhỏ bé mà thôi. Còn ngày nay tỉnh Thái Nguyên có hơn 200 làng nghề chè truyền thống, hàng trăm hợp tác xã chè, cơ sở sản xuất chế biến chè, vài trăm gia đình và cá nhân làm chè, liệu họ có coi ông là ông tổ của những cơ sở sản xuất và những làng nghề chè truyền thống hay không?
Tôi có dịp hỏi nhiều người làm chè, hầu như họ không biết cụ là ai. Còn ở Việt Nam hiện nay có đến hàng ngàn làng nghề chè và hàng chục triệu người trồng chè, chế biến và buôn bán chè. Vậy ông tổ nghề chè của họ là ai? Liệu họ có thừa nhận cụ Đội Năm là ông tổ nghề chè ngon hay không? Có thể sẽ có người không muốn thừa nhận quá khứ, không muốn thừa nhận lịch sử. Có lẽ họ chỉ thừa nhận cái trí khôn và túi tiền của họ mà thôi. Hình như lòng biết ơn đối với một số người làm chè hầu như chẳng có ý nghĩa gì cả? Thử hỏi nếu không có cụ Đội Năm làm rạng danh chè Thái Nguyên, rạng danh chè Việt Nam thì liệu có sự phát triển nghề chè như ngày nay không? Từ đó chúng ta sẽ thấy cụ Đội Năm là một nhân vật lớn và đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành chè Việt. Có thể nói không quá rằng cụ thực sự vĩ đại. Cụ đã biến vùng đất hoang vu, gần như ít người sinh sống, sau gần chục năm thành vương quốc chè ngon nổi tiếng. Đất Tân Cương từ chỗ không ai biết đến thành vùng đất huyền thoại lừng danh. Cách đây gần 100 năm để làm được điều này thật không dễ dàng gì. Có thể khẳng định rằng: cụ Đội Năm Vũ Văn Hiệt không chỉ là ông tổ chè Tân Cương, Ông tổ Chè ngon Thái Nguyên, mà có thể còn là ông tổ Chè ngon ở nước Việt ta!
Cụ là người đầu tiên làm ra chè “Móc câu”, “chè Tôm”, “chè Nõn”. Vào thời ấy, người uống chè trong và ngoài nước đều thừa nhận là chè của cụ ngon tuyệt đỉnh, chẳng kém gì chè Tàu, chè Nhật. Chè của cụ ngày xưa tinh khôi, thanh khiết, không lấm bụi trần. Dân gian kể lại rằng cụ uống chè cao đạo lắm, vừa công phu vừa cầu kỳ mà thanh nhã. Có thể nói người làm ra chè ngon phải là người biết uống chè ngon. Chỉ có như thế khi làm chè mới thẩm định được chè ngon hay không ngon. Đây là kỹ năng cao mà không phải người làm chè nào cũng có được. Chè ngon không phải do người làm ra tự khen ngon, tự tâng bốc, tự quảng cáo là ngon. Mà phải do nhiều do nhiều người uống chè ưa chuộng, rồi tự tay bỏ tiền túi ra mua về uống.
Cụ Đội Năm bắt đầu trồng chè vào khoảng năm 1925. Thời đó trồng chè bằng hạt chè. Từ khi trồng đến khi thu hái lứa đầu phải mất khoảng ba năm, thu hái rộ thì mất khoảng trên dưới 5 năm. Vậy mà chỉ trong vòng 10 năm, cụ vừa trồng chè, vừa thu hái và chế biến ra chè ngon, vừa mở tiệm buôn bán chè rất thành công ở thị xã Thái Nguyên và một số phố thị trong Nam ngoài Bắc. Năm 1935, chính quyền Pháp ở Đông Dương tổ chức thi chè ngon ở Nhà Đấu xảo Hà Nội. Đây là cuộc thi đầu tiên và có quy mô lớn. Cuộc thi có sự tham gia của nhiều nước có chè, nhiều hãng chè, nhiều đồn điền chè và nhà máy chè. Nhãn hiệu chè mang tên “Cánh Hạc” của cụ đoạt giải Nhất. Từ đó nhiều hãng buôn ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc… mua chè của cụ đi buôn bán khắp nơi trên thế giới.
Có thể những câu danh ngôn về chè Thái Nguyên, về vùng đất Thái Nguyên xuất hiện từ đó. Dân gian yêu mến cụ mà đặt ra? Những người trồng chè, chế biến và buôn bán chè ở Thái Nguyên không thể không nhớ ơn cụ. Có dịp tác giả sẽ xin kể chuyện về cuộc đời kỳ lạ của cụ. Cụ đã mở mang đồn điền chè như thế nào, lấy chè ở đâu về trồng, những tuyệt kỹ làm chè ngon do con cháu cụ kể lại. Đặc biệt là câu chuyện tình của cụ với bà vợ ba của cụ là “bà Ba Thổ”. Bà là một mỹ nhân tài hoa, đẹp vào loại bậc nhất xứ Thái Nguyên thời ấy. Còn bài viết này tác giả chỉ xin được nói về chè ngon và lòng biết ơn mà thôi.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...