Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
14:49 (GMT +7)

Ông giáo Mộc

VNTN - Đã ba đêm ông giáo Mộc ngồi trông đèn đến sáng. Ông ngồi bên bàn viết nhưng không phải để sáng tác.

Đêm tĩnh mịch. Bản Leo vẳng tiếng chim gù. Không gian núi rừng thêm mênh mông huyền bí. Đêm nay ông giáo đi ngủ sớm. Nhưng đi nằm đã lâu mà đôi mắt ông cứ chong chong, thao thức mãi. Ông thấy bụng dạ bồn chồn không yên. Tiếng gió thổi quẹt qua những tàu lá chuối khô loạt soạt như có ai kéo rào trong ruột gan ông. Vừa cố nhắm mắt lại thì hình ảnh cuốn truyện ngắn “Nắng sân trường” lởm nhởm, hoen ố nằm chơ vơ giữa đám giấy vụn lại hiện trong đầu. Ông hốt hoảng choàng dậy. Trong căn phòng tối bưng ông giáo liếc mắt nhìn xung quanh, mọi thứ im lìm. Không có vật gì động đậy. Ông hiểu mọi thứ chỉ là ám ảnh.

Ông lại bước khỏi giường, bật đèn ngồi vào bàn viết. Ông lại mở ngăn kéo lấy cuốn truyện ra mân mê. Đứa con tinh thần của ông, đứa con duy nhất ông dồn toàn bộ tâm lực cả đời vào nó. Khi cuốn “Nắng sân trường” xuất bản xong, ông không còn ý định in thêm cuốn nào nữa. Bao nhiêu tinh túy, bao nhiêu trải nghiệm khúc mắc trong đời người giáo viên ông đều gửi gắm trọn cả vào đấy. Giờ có viết cũng chỉ để giải tỏa ngọn bút. Chính vì thế “Nắng sân trường” là toàn bộ lẽ sống, là niềm tự hào của ông. Ông coi nó như bảo bối. Ông dành dụm tiền lương cả năm trời mới in được hai trăm cuốn. Sách mang về ông không bán mà chỉ để biếu tặng các bạn văn. Ngay cả con trai và con dâu, người thân nhất ông cũng không cho. Trong đầu các con ông chỉ nhăm nhăm đến tiền. Mọi thứ đều quy ra tiền. Đến những cuốn sách kinh điển của thế giới chúng còn chả thèm ỏ ê. Chúng nhìn đống sách ông mang về thì xuýt xoa tiếc rẻ “Ôi bao nhiêu tiền đổ vào thứ văn chương vớ vẩn. Chừng ấy tiền mà đầu tư vào dự án thì đẻ ra cả đống tiền. Phí phạm quá!...”. Nghe chúng nói thế ông có vẻ buồn. Nhưng ông mặc kệ. Việc ông thích ông cứ làm. Mỗi người một lẽ sống, một cách hưởng thụ riêng. Ông không áp đặt sở thích của mình lên cuộc sống của các con. Ông đã sống gần cả cuộc đời vì gia đình, đã làm trọn mọi trách nhiệm của người làm chồng, làm cha. Khi các con đã phương trưởng, là lúc ông muốn sống cho bản thân, cho những sở thích của riêng mình. Văn chương mang lại cho ông nhiều cảm hứng. Cho ông sự thanh thản giữa cuộc đời đầy những bon chen. Mỗi tác phẩm viết ra ông đều rất trân trọng. Mặc dù nó không mang nhiều giá trị tiền bạc, nhưng nó có khả năng chữa lành những vết thương  trong lòng ông. Nó trở thành người bạn tâm giao giúp ông đỡ cô đơn, quạnh vắng. Ông là một thầy giáo bản. Ông không có nhiều bạn bè. Sống giữa núi rừng hoang vu, ngoài giờ lên lớp ông chỉ quẩn quanh với vườn lan rừng. Chính những giò lan mang lại cho ông cảm xúc. Từ cảm xúc vẩn vơ ấy ông bén duyên với nghiệp văn chương. Ban đầu ông chỉ viết để cho lòng bớt cô đơn. Viết mãi thành quen. Vợ ông mất sớm. Con cái bôn ba mỗi đứa một nơi. Chúng lập gia đình và sống ở thành phố. Không đứa nào chịu về quê sống cùng ông. Nghỉ hưu ông sống một mình. Ông thích thế để có thời gian dành cho nghiệp viết. Nhưng sức khỏe tuổi già không cho ông được nhiều tự do. Bệnh tật buộc ông phải sống cùng con cháu. Sau đợt cảm bất thường, ông phải rời bản Leo về thành phố sống với anh con cả. Gần con cháu nhưng ông như người thừa. Vì danh vọng và tiền bạc, các con ông quay cuồng trong vòng xoáy của công việc. Sáng mở mắt ra là mỗi đứa một phương. Tối đêm chúng mới trở về. Cơm nước quếnh quáng xong là vào phòng riêng. Mỗi ngày chúng chỉ nói với ông vài câu dặn dò nhạt thếch. Cả ngày ông ở nhà một mình. Ăn một mình. Ngủ cũng một mình. Ở với chúng ông không lo bị đói. Nhưng ông buồn. Ông thấy mình chẳng khác gì con bò già bị cột dưới gầm sàn nơi bản Leo. Cả ngày chỉ có ăn với ngủ. Tù túng và bí bách. Ông không nghĩ cuộc sống khi về hưu lại thế này. Không có cháu quấn quýt ông đành làm bạn với những cuốn sách. Ngày nào ông cũng mày mò với sách báo. Đọc mãi thành ham. Bỗng nhiên nhu cầu đọc - viết trở thành nguồn sống của ông trong nỗi cô đơn. Ngày còn làm thầy giáo trên bản Leo, thi thoảng ông cũng viết, nhưng chỉ viết theo cảm xúc bột phát rất ngẫu hứng chứ không hề nghĩ sẽ sáng tác để trở thành nhà văn, nhà thơ. Từ ngày về sống cùng con cháu nơi thành phố, ông đâm mê văn chương hơn hẳn. Nhiều hôm ông viết như người bị thôi miên. Cảm xúc lóe lên thôi thúc ông cầm bút. Sau tám năm nghỉ hưu, ông đã sáng tác được khá nhiều. Cạnh nhà có bác cũng viết văn làm báo. Hai ông thường đem tác phẩm của mình ra trao đổi. Thấy ông viết tốt, bác nhà báo liền mang tác phẩm của ông gửi đi vài nơi. Bài gửi đi không lâu thì báo biếu trở về. Ông giáo Mộc cầm chúng phấn khởi ra mặt. Dần dần mật độ bài ông được in ngày càng nhiều. Tên tuổi ông giáo được nhiều người trong giới văn nghệ sĩ biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà chơi. Nhờ những lời khen chê, mổ xẻ của mấy ông bạn ông Mộc viết lên tay hẳn. Nghe lời khuyên của mấy ông bạn văn, ông chọn lọc những truyện tâm đắc đem in thành tập để làm kỷ niệm. Cuốn truyện ra đời được khá nhiều người khen. Chả hiểu theo kênh thông tin nào mà các anh chị phóng viên của Đài truyền hình trung ương tìm về tận nhà xin phỏng vấn ông. Sau khi lên ti vi trong chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách mới”, ông bỗng nhiên nổi tiếng. Nhiều nhà văn trong tỉnh đến chơi và luận bàn văn chương với ông. Họ khuyên ông gửi truyện cộng tác với các báo. Từ đó ông có mối quan hệ khá thân tình với giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Tên tuổi của ông nổi dần trong làng văn, làng báo. Ông thường xuyên nhận được lời mời đặt bài viết cho tờ tạp chí của tỉnh. Nhờ vậy ông có cơ hội giao tiếp với nhiều người, được đọc nhiều tác phẩm, có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong sáng tác.

Mối quan hệ của ông với giới văn nghệ sĩ càng được mở rộng hơn khi đột nhiên Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc liên hệ xin được tái bản tập truyện “Nắng sân trường” của ông với số lượng hàng nghìn cuốn. Họ trả nhuận bút cho ông bằng sách, vài trăm cuốn sách. Nhờ thế ông lại có sách để tặng mọi người. Lần này ông cũng không bán mà đem tặng tất cả cho bạn văn, bạn thơ. Để tăng thêm phần trân trọng, mỗi khi tặng ai ông đều ghi rõ tên tuổi của họ và ký vào trang đầu cuốn sách. Mỗi cuốn sách tặng đi ông lại hồi hộp chờ đợi phản hồi, chờ đợi những góp ý của mọi người về tác phẩm của mình. Ban đầu ngày nào cũng có người gọi điện đến khen, chúc mừng khiến ông rất phấn khởi và hào hứng viết. Những tác phẩm ông viết sau này đều được in trên báo, trên các tạp chí địa phương. Có điều khi xuất hiện nhiều trên báo ông lại thấy ít có bạn thân tình đến chơi và trò truyện văn chương hơn.

Từ ngày có tiếng trong làng văn tỉnh nhà, ông bận rộn hơn với những đơn đặt hàng. Cả đời làm nghề giáo, nên tác phẩm ông viết chủ yếu liên quan đến chuyện trường lớp học trò. Ông ít viết những vấn đề nóng của xã hội. Nhưng vì nhiều lý do, đôi khi ông vẫn nhận lời viết bài trái với sở trường ở một số lĩnh vực ông ít quan tâm. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân vì sao một số tác phẩm sau này của ông nhạt nhẽo và mau chóng bị quên lãng như vậy.

Đêm nay cũng thế. Ông đã nhận lời với cô phóng viên trẻ viết về đề tài “Nông thôn mới” ở mấy xã vùng cao. Trời đất. Nông mới nông cũ ở đâu chẳng nói, chứ ở cái bản Leo mà ông sống hơn nửa đời người thì bao năm nay vẫn cứ nghèo. Cái nghèo mạt kiếp. Nghèo ngay cả trong suy nghĩ. Cái sự thay đổi mà người ta rầm rộ ca ngợi thành này tích nọ chỉ là việc bản có một con đường. Một con đường vừa to vừa đẹp. Cái con đường chít kín bưng những ổ voi tồn tại cả vài chục năm. Sau nữa là việc bà con thôi kiểu sống du canh du cư mà ở cố định một nơi rồi sống bám vào rừng trám. Mà cũng phải công nhận, từ ngày bà con dân bản trồng trám kinh tế khấm khá hơn hẳn. Tuy chưa có điện, nhưng cũng ối nhà mua được ti vi chạy ắc quy. Rồi tới đây còn xây cả nhà văn hoá. Thay đổi đấy. Nông thôn mới đấy. Nhưng dân còn nghèo lắm. Không biết bao nhiêu lần nông thôn mới nữa dân bản Leo mới bớt nghèo. Ông xa bản ba năm nay, khi được đặt viết bài ông đã về bản chơi cả tuần. Ông phải xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết. Nhưng vì sự kỹ lưỡng ấy mà ông mới dằn vặt như thế. Ông phải viết thế nào với bài viết theo xu hướng ca ngợi. Mà thực tế thì chưa được đến mức ấy. Những mâu thuẫn cứ bóp nghẹt cảm xúc trong ông. Đã ba đêm liền ông ngồi vào bàn nhưng chả được chữ nào. Đề tài này với ông cũng không khó. Nhưng tinh thần ông đang bị sốc.

Ông sốc từ khi bắt gặp tập truyện ngắn của mình trong đống giấy vụn của bà đồng nát bữa trước. Còn gì đau đớn hơn khi vật mà mình yêu quý, trân trọng cả đời bị người ta ném vào thùng rác. “Đứa con tinh thần” mà ông coi như bảo bối bị vứt ra đường, tàn tạ, hoen ố, khiến ông có cảm giác như ai đó cắt đi một phần máu thịt trên cơ thể mình. Khi mua lại cuốn sách từ tay bà đồng nát, ông như đón một nỗi đau về mình. Đôi tay xương xẩu run run sờ nắn từng vết hoen ố vàng khè trên cuốn sách. Cổ ông nghẹn cứng. Tim ông loạn nhịp. Có thứ gì đó đang cào xé lòng ông. Lật trang sách đầu tiên, ông thấy mắt mình nhoè đi khi đọc những dòng chữ mình đã ký tặng. Dòng chữ nghiêng “Mến tặng nhà văn Xuân T, ngày.. tháng.. năm…” nhảy nhót trước mặt. Ông không ngờ cuốn sách mình ký tặng người ấy lại trở nên như vậy. Người được ông đề tặng cuốn sách ấy thường gọi điện chúc mừng và không ngớt lời ca tụng mỗi khi tác phẩm của ông in trên báo. Có lần đến chơi, thấy chồng báo biếu in truyện ngắn của ông, người bạn ấy còn nằng nặc xin mượn báo về đọc để học hỏi thêm cách viết. Nể bạn ông lại biếu tặng. Nay cầm cuốn sách nhàu nát của mình trên tay, ông giáo bỗng thấy nghi ngờ về những lời khen ngon ngọt ngày nào. Hẳn như cuốn sách ấy được ký tặng ai đó không thân thiết thì tim ông có lẽ không đau đến thế. Đằng này lại là người ông trân quý, tin tưởng. Ông băn khoăn lắm, không hiểu lý do gì cuốn sách của mình lại thành ra thế! Hàng ngàn câu hỏi dày vò ông. Chân tay rụng rời, đầu óc quay cuồng ông chả thiết viết lách gì hết. Ông buồn. Ông chán mọi thứ…

Không gian chìm sâu vào đêm. Vòm trời như chùng xuống thấp hơn. Mọi thứ như ngưng lại bởi lớp sương mù tháng tám giăng kín trời. Ông giáo Mộc thấy lưng mỏi rã, đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ vẫn chăm chăm nhìn vào vết loang hoen ố trên cuốn sách. Câu hỏi “Lý do tại sao?” đã vang lên trong đầu ông cả nghìn lần mà vẫn chưa tìm ra đáp án.

 Đêm nay ông ngồi mở từng trang, từng trang của cuốn sách. Ông cố giương đôi mắt mỏi mệt lên xem xét kỹ từng trang. Ông mong muốn nhìn thấy một nét bút gạch xoá, một nếp gấp đâu đó trong cuốn sách. Ông nín thở lần giở từng trang chậm chạp. Mỗi lần phải lấy con dao nhỏ rạch đôi tờ giấy do Nhà xuất bản xén chưa đứt ông lại thấy tim mình đau. Đến trang cuối ông vẫn không tìm ra dấu hiệu gì là cuốn sách đã được đọc. Ông buồn bã tựa lưng vào chiếc ghế cũ kỹ nghĩ ngợi.

Ông bỗng nghiệm ra nhiều điều, về những được mất trong cuộc sống. Hào quang và những danh vọng chỉ tồn tại như tia chớp đầy ảo ảnh. Ông thấy giận bản thân đã có lúc chạy theo thứ hư danh hão huyền ấy. Ông thấy hổ thẹn bởi đôi khi vì nể nang mà gò mình viết ra thứ văn chương chẳng ra gì. Ông bị chìm vào những lời khen chê đầy thị phi mà không hề biết những cái dở mình viết ra? Lạ là bản thân ông có lúc còn thấy hãnh diện vì điều đó. Ông tự hào vì thứ tài năng thánh thiện ấy. Nhưng giờ đây ông cay đắng nhận ra đó chỉ là những hạt sương buổi sớm. Sương sẽ tan biến vào đất trời khi bình minh thức dậy. Mọi thứ chỉ là ảo ảnh. Nhưng nó có thể giết chết tâm hồn trong sáng của ông. Nó lấy đi những thứ ông vun đắp xưa nay. Nó có thể hủy hoại mọi thứ giống như cuốn sách này. Ngồi nghĩ ngợi cả đêm, bỗng ông cầm cuốn sách giơ lên trước mặt tự nhủ với lòng: “Không thể trượt mãi theo con dốc hư danh. Ta sẽ dừng lại. Sẽ phải viết cẩn thận. Sẽ không để bất cứ thứ gì điều khiển ngòi bút và tâm hồn ta. Ta sẽ khiến đứa con tinh thần của ta sống lại bằng chính tài năng và cảm xúc tự đáy lòng. Sẽ là như thế!...”.

Hơn lúc nào hết ông muốn được sống yên bình, muốn được như xưa. Nghỉ ngơi và viết. Viết những gì mình thích, mình tâm đắc. Viết để xoa dịu những cô đơn, quạnh vắng trong cuộc sống của chính mình. Viết để tâm hồn ông thanh thản hơn. Ông sẽ không viết theo đơn đặt hàng. Không viết theo bóng dáng một ai khác. Ngày mai ông sẽ gọi điện từ chối lời đặt hàng của cô phóng viên kia. Ông sẽ không để cho bất kỳ thứ gì có thể làm hoen ố tâm hồn mình như “cơn mưa vô tâm” đã làm hoen ố cuốn sách kia. Bỗng nhiên ông giáo thấy mình tỉnh táo lạ. Ông bước ra ban công, hướng cặp mắt đỏ ngầu về khoảng trời phía đông đang rạng hồng. Ông thả lòng theo những giọt sương đang sà xuống mặt sân, những giọt sương trong lành, mát mẻ…

Truyện ngắn. Thanh Hoàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 22 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước