Oai linh đám ma của thầy cúng Sán Dìu
VNTN- Người Sán Dìu ở Nam Hòa (Đồng Hỷ) còn giữ được nhiều phong tục độc đáo. Với đức tin, lòng hiếu thuận, tinh thần tôn sư trọng đạo, thì khi một thầy cúng mất, cả cộng đồng phải làm một đám ma long trọng cùng rất nhiều nghi lễ, bởi thầy sẽ vẫn tiếp tục có quyền lực, ở thế giới bên kia… Và như lời đồn tôi đã đến một đám ma như thế - đám của thầy Lý Văn Chân, hiệu Tiên Sư Miêu Vượng Lục Lang (thọ 86 tuổi), có 70 năm làm nghề thầy cúng.
Lạ kỳ đám ma khô
11h đêm, trời tối đen, khi vừa đặt chân đến đất Nam Hòa, hỏi thăm đường đến nhà thầy Chân, thì ai cũng biết. Nhà thầy nằm sâu phía cánh đồng xóm Cầu Đất, nhưng từ xa đã thấy sáng bừng.
Từ ngoài ngõ người ra người vào tấp nập. Đám ma thầy Chân là một trong những đám ma rất hiếm của Nam Hòa, vì thầy vốn là một thầy cúng uy tín và nhiều đệ tử nhất của đất này. Thầy Chân mất cách đó không lâu và đã được chôn cất, nhưng hôm tôi đến mới làm đám chính cho thầy (đám ma khô). Theo quan niệm người Sán Dìu, ngày đưa người chết về thế giới bên kia cực quan trọng nên phải chọn ngày tốt. Thân thể có thể chôn trước nhưng chờ được ngày tốt mới làm lễ tang chính.
Từ ngõ nhìn vào, nhà đám dựng hai chiếc rạp. Rạp ngoài vườn để ăn uống kê vài chục bộ bàn ghế, cạnh đó là đội ngũ nầu bếp luôn chân luôn tay bên những bếp ga công nghiệp để nấu nướng phục vụ đám.
Phía trước sân, sau những cây tiền lấp lánh là dàn voi giấy, ngựa giấy đứng chen chân, con nào con nấy đều cao tới gần hai mét, sặc sỡ, oai nghiêm nhưng cũng hơi có nét giống các con vật trong bộ đồ chơi của trẻ.
Mọi người đang tập trung đông đủ ở rạp nhỏ trước sân, nơi lập đàn cúng. Đàn cúng thầy được trang trí hết sức công phu, bốn phía là những vách ngăn treo rất nhiều hoa văn, hình nhân phong phú cùng hệ thống tranh thờ, cờ quạt, câu đối... Đàn có bốn ban thờ, giữa là ban thờ chính và một ban thờ thầy Chân nhỏ hơn ở bên cạnh, còn lại là hai ban thờ tả, hữu. Trên mỗi ban thờ đều có hoa quả, chuối, oản và một con gà chặt sáu đĩa. Riêng ban thờ thầy Chân không có gà. Và theo từng mục của đám, các ban thờ có thể được bày cả lợn. Hàng chục thầy tập trung hành lễ phía trong, nơi gần ban thờ chính. Phía dưới ban thờ thầy Chân, con cháu vận đồ tang ngồi đông đủ.
Sau khi thầy Từ Văn Đức, pháp danh Từ Vạn Cửu Lang - thầy “chỉ huy” chính của đám đồng ý, tôi mới được vào chứng kiến đám tang. Ông Hồ Trung Tiến (80 tuổi), xóm Hoàng Gia, Nam Hòa, người nhà thầy Chân nói nhỏ: Phần “cực hay” làm từ chiều rồi, còn phần rước vong qua cầu sắp tiến hành đấy! Phần đặc biệt mà ông Tiến vừa nhắc là phần Du doanh treo bảng, một trong những bước đầu tiên của lễ. Không giống đám của người dân, đám ma thầy cúng Sán Dìu rất công phu và có nhiều nhiều bước. Các bước làm đám của như: Lập đàn, Làm chay, Du doanh treo bảng, Thỉnh Thánh Sư, Tấu cầu (qua 12 phương cầu), Quy tông nhập tổ, đều rất trang trọng, linh thiêng…
Cũng theo lời ông Trung kể thì phần Du doanh treo bảng là để rước vong người mất ra đồng, nơi có mộ người mất. Đám của thầy Chân đi thành một đoàn dài, cờ quạt chiêng chống rất hoành tráng, linh đình. Thầy cúng đi trước, theo sau thầy ít nhất phải có sáu thầy nữa thì mới chỉnh “đội hình”, để lúc làm lễ, thầy thì đọc bài cúng, thầy thì nhảy và thổi tù và, thầy thắp hương, đánh thanh la, nhảy cờ, đánh nạo bạt (chũm chọe),… Đi cùng các thầy có đông đủ những người thân trong gia đình, các học trò, bà con làng xóm, và đội hình voi, ngựa, hình nhân, cây tiền, cờ… (đây là đội hình cõi âm của người chết). Trước khi ra đồng, phải cúng thánh sư từ ở nhà, rồi mới đưa vong ra mộ để treo bảng (bảng “vàng”- chức danh của thầy mất). Những người đàn ông học nghề làm thầy thì phải làm như vậy. Và để thực hiện những mục này, phải là những ông thầy cao tay, bằng vai với người chết, hoặc chức to hơn mới làm được. Ở mục này thầy Diệp Nhâm, hiệu Diệp Nhâm Nhất Lang, xóm Đồng Chốc, Nam Hòa, được giao đảm nhiệm chính.
Trung tâm của đoàn rước là nhà táng bên trong có vong và lệnh bài do con cháu khiêng. Thầy Nhâm vừa đi vừa làm phép dẫn vong ra đồng. Sau khi xong các thủ tục treo bảng có thánh chứng giám, thầy Nhâm lại làm phép để dẫn, chiêu vong về.
Về đến nhà, các thầy lại tiếp tục làm các phần mới để tỏ lòng thành kính của người thân cùng các đệ tử, và siêu độ cho người mất để người mất thanh thản về trời, với tổ tiên như: mở Yến tiệc để chiêu vong, Sám hối, Tấu sớ…
Tiễn thầy về trời
Quá nửa đêm sau khi người làng dựng xong chiếc cầu bằng tre, nứa có dán giấy màu rất đẹp, thầy Đức trang phục gọn ghẽ ra hiệu cho các thầy chuẩn bị tiến hành bước quan trọng đưa thầy qua 12 phương cầu.
Trước khi lên cầu, thầy Đức làm lễ mở yến tiệc khao quân. Quân binh ăn xong để cho người mất đi chầu Thánh sư. Yến tiệc này chủ yếu để thết đãi âm binh của người chết cùng các vị có chức sắc và ảnh hưởng lớn đối với thầy như: Tổ sư, Bản sư, Gia bổ sư và Tổng xuyến sư.
Tiệc cúng âm binh ngoài oản, chuối gà, phải có dê, gạo và muối. Cúng dê trước cửa 12 phương cầu là một nghi thức bắt buộc, bởi gia truyền như vậy. Con dê - một lễ vật rất linh thiêng đối với các thầy, làm đám cho thầy cúng phải có nó. Ngoài dê thì chó cũng là con vật linh với thầy Sán Dìu. Theo truyền thuyết thì chó là ân nhân với thầy cúng nên thầy nhất định không được ăn thịt chó. Nếu thầy phạm vào điều cấm ấy sẽ phản thầy - mọi phép thuật của thầy sẽ bay biến và bị cộng đồng coi thường. Còn gạo, muối tượng trưng cho lương thực để âm binh ăn.
Sau khi kết thúc tiệc, thầy Đức bắt đầu làm nhiệm vụ. Xin âm dương xong, thầy cho vong người mất vào chiếc là (hoặc chiếc rá đong gạo) rồi tay thầy bắt quyết (động tác quan trọng quy định của thầy cúng) đưa vong lên đầu cầu để làm lễ tấu cầu. Thầy tấu từ phương cầu một đến phương cầu sáu, rồi bắt đầu chia binh. Tới mỗi một phường cầu sau khi ngâm đọc xong lời trong sách cổ thầy Đức lại tung đồng xu xin âm dương, nếu thuận thì sẽ hóa các lễ vật như: gà, ngựa và hình nhân…và tiếp tục tấu những phương cầu tiếp theo. Nếu không thuận thầy phải làm lại thủ tục. Trong khi thầy ngâm đọc có hai thầy là đệ tử đứng cạnh nâng tù và sẵn sàng. Khi thầy ra dấu đã xin được âm dương lập tức tiếng tù và rúc lên báo hiệu sẽ chuyển vong người mất qua phường cầu mới. Chiếc tù và sừng trâu để thổi là vật bất ly thân của các thầy cúng khi đi hành lễ, mọi người tin rằng với âm thanh đó tà ma sẽ sợ và chạy bạt đi nơi khác.
Cứ qua mỗi một phương cầu, con cháu đều khóc, thậm chí với tay sờ vào vong như sờ vào thân thể của chính người mất vậy. Trong đám của thầy Chân, đến phương cầu thứ sáu, những tiếng khóc thảm vang lên mọi người đổ xô sờ vào vong như sờ vào quan tài như phút hạ huyệt vậy?
Thấy tôi ngạc nhiên thầy Nhâm giải thích. Ở phương cầu này người mất hầu như vĩnh viễn không còn quay lại được nữa vì thầy Đức sẽ làm lễ chia quân gọi là “Vương mẫu phân quân”. Thầy Đức sẽ làm phép thu âm binh của mình, số âm binh còn lại của người mất sẽ được chia cho người đó mang lên trời để tiếp tục phục vụ thầy.
Trong 12 phương cầu thì phương cầu một và phường cầu thứ sáu là làm khó nhất. Ở phương cầu một thầy cúng sẽ nói rất khéo với người mất - khuyền bảo, thậm chí dỗ dành, nếu không sẽ trục trặc, người mất không chịu bước lên cầu. Ở phương cầu thứ sáu những thầy cúng cao tay, có kinh nghiệm sẽ dùng phép chặt đứt đoạn cầu này để người chết và âm binh không thể quay lại được nữa. Thấy tôi còn chưa hiểu thầy Nhâm giải thích: Có khác gì tiễn người thân ra nước ngoài đâu, từ đây sẽ chia lìa, người mất phải tự lập ở nơi xa nên người thân thường rất xót thương. Ở những phương cầu cuối, người mất trông lại hàng xóm còn không thấy, người thân cũng chẳng thấy ai. Đã qua được phương cầu sáu thì cực dễ vì có còn đường nào quay được nữa đâu.
Qua cầu xong là đến mục Quy tông nhập tổ. Thầy Đức làm phép cùng một lễ cúng tổ tiên, rồi tiếp dẫn vong lên ban thờ tổ tiên, nhập tổ xin đài. Từ giờ trở đi cụ Chân được ngồi cùng các cụ: ông tổ ông vải, bà cô ông mãnh, sơn thần thổ địa… có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Cứ con cháu thắp hương ở đâu là cụ được ăn ở đó. Xong xuôi thầy Đức làm phép đưa vong ra sân. Ở sân các con cháu đã quỳ sẵn hình vòng tròn, thầy Đức đứng giữa tay bắt quyết cầm vong. Trong âm thanh của tiếng tù và thầy Đức vừa nhảy vừa hất. Mỗi lần thầy hất đến ai, người đó thành kính đưa vạt áo ra đón - gọi là đón phúc đón, phần của cụ Chân để lại. Hết tiết mục này sẽ hóa linh vị, bài vị, cùng voi, ngựa, tiền vàng, thê thiếp, cây tiền, hình nhân… để thầy Chân được hưởng. Theo quan niệm của người Sán Dìu, khi một sinh mạng từ bỏ cuộc sống sẽ về thế giới bên kia với một cuộc sống mới gần giống với hiện thực. Bởi vậy, con cháu sẽ tiễn đưa thầy Chân đi với những vật phẩm, đồ dùng…, của một vị quan cai quản tâm linh, tin rằng cụ sẽ nhận được… Đám của thầy Chân rất nhiều đồ, chỉ riêng ngựa và voi đã hơn 80 con, khi đem hóa những vật đó, lửa cháy lớn sáng rực một vùng.
Tôn vinh sức mạnh cộng đồng
Một đám ma thầy cúng có lớn hay không chỉ cần nhìn vào số lượng dê phúng cho các thầy. Người không học thầy thì không được phúng dê. Con dê rất giá trị, một con dê nhỏ còn giá trị hơn một con lợn lớn. Một đám ma thầy cúng theo quy định chỉ cần một con dê và ba con lợn. Thầy Chân là một người rất có danh vị, uy tín và sức ảnh hưởng, nên đám của thầy rất lớn, có đông đệ tử đem lễ đến phúng. Ngoài ra phần phúng góp của người thân và người dân xóm, trong xã cũng rất nhiều. Trong đám của thầy Chân đã sử dụng sáu con dê - bốn con để tế cụ, hai con để khao binh và tế vong; hơn một tấn lợn và hơn tám mươi con gà.
Việc phúng cho thầy cũng không bắt buộc, các đệ tử, học trò cũng tùy điều kiện, hoàn cảnh kinh tế để mang lễ tới. Người không có dê thì dùng lợn, gà, ngựa, voi giấy… hoặc chỉ cần đến tay không - có tâm là được. Hiện nay ở Nam Hòa người Sán Dìu phát triển kinh tế rất tốt nên mọi người mới có điều kiện phúng thầy Chân nhiều như vậy.
Đám của thầy Chân linh đình là vậy nhưng thực tế gia chủ không tốn kém nhiều. Mọi việc trong nhà đám cũng không phải thuê, làng xóm đều tự cắt cử nhau làm răm rắp. Sau khi kết thúc, nhà chủ sẽ tạ lễ, biếu thầy Đức một con lợn, ba con gà chín, một con gà sống, một gói khăn ấn và hai chục triệu đồng tiền công.
Thầy Đức giải thích: Số tiền này không phải thầy mang về mua vàng cất đi đâu! Nghe thì ghê lắm nhưng về đến tay người đứng ra làm có khi chỉ được một vài triệu, nhiều đám còn không được đồng nào. Cầm tiền thầy sẽ chia lại cho gia chủ một phần nhỏ, phần còn lại theo vai vế “quân hàm” chia đều cho các thầy làm lễ trực tiếp. Lợn cũng chia mỗi người vài cân, còn bao nhiêu thầy lại làm một bữa để tạ gia tiên.
Đám ma của thầy Chân kéo dài một ngày một đêm (20 tiếng) kèm theo nhiều thủ tục, nhiều giấy sớ nên phải cần tới 20 thầy trực tiếp làm. Trong thời gian đó các thầy thay nhau hành lễ, nếu chỉ một vài thầy thì không thể đủ sức làm được liên tục và có thể đủ chân tay để thực hiện đồng loạt các mục.
Đối với người Sán Dìu, từ xưa đến nay, thầy cúng luôn có vị thế quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Không quá bi thương, đám ma của thầy Chân dường như không chỉ là tấm lòng hiếu thuận người thân với thầy mà còn như một nghi lễ linh thiêng và nhân ái tôn vinh sức mạnh cộng đồng của dân tộc Sán Dìu ở Nam Hòa.
Với kiến thức dân gian uyên thâm, thầy Chân và các thầy cúng khác là chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng để họ vững tin, có ý thức bảo tồn văn hoá của dân tộc, từ đó góp phần phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Đám ma thầy cúng Sán Dìu ở Nam Hòa là một nghi lễ rất đáng trân trọng, cần được bảo tồn, gìn giữ.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...