Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:54 (GMT +7)

Ở bên kia thị trấn mù sương

VNTN - Khi lòng giông bão, tôi thường nhớ một nơi tôi từng đến, xứ sở của sương mù. Nơi ấy sương mù giăng trắng trời trắng núi, giữa trưa còn chưa rạng mặt trời.

Lúc ấy vào mùa mưa. Người ta bảo không nên đi vùng núi cao sông sâu vào mùa mưa, thứ nhất sợ sạt đường, thứ hai lũ ống, thứ ba là… buồn. Mưa triền miên không dứt, chưa ngớt cơn này đã đổ dồn cơn khác. Người ta cứ ở nhà nhìn mưa giăng trắng trời như thế, nên buồn.

Nhà bạn ở bên này núi, ở bên kia là thị trấn nằm bên bờ một con sông dài, nước cuồn cuộn đỏ. Không biết tên sông, chỉ thấy nó ra sức gầm gào, ra sức chảy. Kì thực, thị trấn nằm bên… bờ vực của sông. Từ phố núi nhìn xuống dòng sông, thấy nó sâu hút và đầy hăm dọa.

Có vài cây cầu nhỏ bắc qua dòng chảy ấy. Những cây cầu nhỏ, treo lắt lẻo hai bên bờ xa thẳm, như một lằn chỉ mong manh, luôn chìm khuất trong sương mù từ dưới thung lũng ùn lên sau mỗi cơn mưa. Đứng trên cây cầu rung nhịp bồng bềnh, cảm giác mình biến mất khỏi thế gian, chìm vào cõi mộng, không bao giờ có thực.

Dù vậy, dân thị trấn vẫn sống bình thản như thế, như bao mùa mưa khác, như muôn ngày sương mù giăng trắng khác, như những cô gái Mông váy áo xập xòe bên những chú ngựa nhỏ màu trắng thồ trên lưng những bao măng tươi, dưa chuột tươi đang chầm chậm qua cầu kia. Đêm ấy có một phiên chợ họp trong lòng thị trấn.

Bạn bảo chợ phiên họp mỗi tuần một lần, vào chủ nhật, và cũng như bao phiên chợ vùng cao khác, người dân từ những thung lũng, những sườn núi xa xôi đến chợ từ hôm trước. Họ phải đi qua những quãng đường rất dài, qua nhiều cây cầu nhỏ chênh chao vắt vẻo, mà không phải quãng đường nào cũng đi được xe máy.

Tôi đứng trên một cây cầu chờ những người xuống chợ đi qua tôi. Một hàng trẩu mọc dài ven lối đi, uốn khúc theo dáng núi. Phía xa những sườn núi xanh trước mặt, khi mưa ngừng rơi và sương mù đã tan, những nếp nhà hiện ra rõ như một bức tranh 3D. Từng cụm khói lam mỏng mảnh bay lên, như vội vã, sợ sương mù thình lình cuộn mất. Những cây gạo khẳng khiu đứng giữa trời cô độc. Những người đi chợ phiên chủ nhật bước qua tôi với những bóng áo chàm xanh của người Nùng, áo hoa quần lụa của người La Chí, váy xòe điệu đàng khỏe khoắn của những cô gái Mông. Những thiếu nữ hai má ửng hồng, những chàng trai nửa e dè nửa táo bạo. Bạn bảo nếu tôi đến nơi này vào tháng Ba, khi hoa trẩu nở trắng các cung đường, hoa gạo đỏ thắm các sườn núi và những người đàn ông, những người phụ nữ, những chàng trai cô gái kia, vẫn những trang phục ấy, họ đi dưới trời đầy hoa, thật là sẽ khiến người ta mê mải quên lối về.

Có phiên chợ nào gọi là chợ tình ở xứ này không? Bạn cười: Ở xứ này, phiên chợ nào cũng là phiên chợ tình. Những người dân xuống núi đến chợ để mua một món đồ nho nhỏ, bán một vài quả cà, quả dưa hái trên nương, đôi khi họ đi chợ chẳng để mua gì. Họ đến chợ để uống rượu và say nhau? Say nhau ư? Rồi họ sẽ làm gì khi trót say nhau, mà không có cách nào đến với nhau, không có cách nào ăn đời ở kiếp với nhau được nữa?

Bạn không trả lời tôi. Bạn không thể trả lời tôi được. Chúng tôi lặng lẽ theo dòng người đổ về phiên chợ chủ nhật. Trời chiều sập xuống một cơn mưa. Những người đi chợ ríu vào nhau dưới những mái che. Bây giờ những lán chợ được đổ nền bê tông và mái lợp fibroximen, không còn hoang sơ như trước nữa.

Nhưng người đi chợ, họ có thể già đi, họ có thể lớn lên, họ có thể không, hoặc không bao giờ đến chợ được nữa, thì họ vẫn mang bán những thứ “quà quê”, họ vẫn mua về những phút say nồng cháy, ngủ vật bên đường, hoặc được người bạn đời ân cần nhẫn nại đưa về trên lưng con ngựa trung thành, một hình ảnh quen thuộc về những phiên chợ vùng cao mà người ta đã phổ biến trên báo chí.

Qua đêm ấy trời sẽ rạng, chợ phiên chủ nhật sẽ chính thức họp. Đêm ấy, nếu trời không mưa, thì sương mù vẫn giăng kín mặt người. Người ta có thể phải lòng nhau mà không bao giờ biết mặt. Họ có thể tương tư cả đời một giọng nói, một tiếng cười, một hơi rượu bên tai, hoặc họ không tương tư gì hết.

Có một câu chuyện về một người đàn bà, suốt sáu mươi năm trời, phiên chợ nào cũng đến, nhưng bà không bao giờ vào chợ, bà chỉ đứng trên đỉnh dốc nhìn phiên chợ chìm trong sương mù, vì bà biết rằng năm nào cũng có một người đàn ông đợi mình ở đó. Cho đến một ngày kia, bà quyết định sẽ đến chợ để gặp ông, nhưng phiên chợ ấy, ông không đến.

Ông đã chết ở phiên chợ tình năm trước, mãi mãi không gặp được bà.

Tôi không sao nhớ được ai đã kể tôi nghe câu chuyện ấy, mà hình ảnh người phụ nữ đứng trên đầu dốc nhìn phiên chợ trong sương mù cứ thao thiết trong lòng.

Và tôi không đợi được chợ đêm thị trấn chìm trong sương. Tôi sợ sự xa cách và tan vỡ. Tôi sợ gặp một câu chuyện tình yêu buồn, không hồi kết.

Nhưng những phiên chợ chủ nhật ở bên kia thị trấn sương mù luôn là những phiên chợ tình, họ không cần truyền thuyết thêu dệt, và họ vẫn có thể tìm thấy nhau, tìm thấy tình yêu của mình giữa biển người vô tận.

Phạm Thanh Thúy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước