Nước mắt Ngọc Dung – Truyện ngắn. Nguyễn Trọng Văn
VNTN - 1.
Mùi nhãn chín theo làn gió ban chiều đã giúp Ngọc Dung tỉnh lại. Cảm giác được tiếp thêm sinh khí thôi thúc Ngọc Dung, nàng ưỡn ngực, chun hai cánh mũi hít một hơi thật sâu rồi buông một tiếng “hờ” dài mãn nguyện.
- Con tỉnh rồi à?
Một giọng nói đủ nghe và dễ chịu, nó không hề khiến Ngọc Dung thấy đột ngột hay nghi ngờ đó là do ảo giác. Nàng co chân gượng xoay người về phía phát ra giọng nói để xem đó là ai. Vô ích, mọi sự cố gắng đều không có hiệu quả. Ngọc Dung không thể xoay xở được.
- Con nghỉ thêm đi.
Nắng chiều soi nghiêng. Gió thổi là là cuốn từng chiếc lá khô bay lẹt xẹt. Gió đưa mùi nhãn chín tỏa khắp của cánh đồng. Trên lùm cây, đôi chim chào mào quyệt mỏ hù nhau “chích chích”.
- Con từ đâu tới?
Ngọc Dung cuối cùng cũng xoay người được, nàng hướng mắt về phía cửa. Hình như người vừa hỏi đã đi ra ngoài, bỏ lại câu nói “bị cảm nắng đấy mà” như muốn để nàng yên tâm? Hình như người đó đã cố tình không khép chặt cửa để cho nàng tận hưởng mùi nhãn chín thơm nồng thơm ngọt. “Chuyện xẩy ra với mình chỉ có thế” Ngọc Dung thở nhẹ nhõm, nàng mở to mắt để nhìn bao quát. Qua khe cửa khép hờ ánh sáng bên ngoài rọi vào và in xuống nền nhà một vệt trắng. Vệt trắng không mảy may co giãn đủ làm Ngọc Dung vững dạ. Nó báo hiệu đây chắc là một nơi chốn bình yên.
Lỏng người để đầu óc được thư giãn, Ngọc Dung dần nhớ lại. Từ lúc nàng xuống kiệu, đuổi bọn thị nữ quay về và lội bộ theo con đường đất liên tổng thì mọi thứ đều như mới bắt đầu. Đây là lần đầu tiên Ngọc Dung đi tới một nơi xa lạ chỉ có một mình và lại là lần đầu tiên nàng đi chân trần trên những đoạn đường khó đi đến vậy. Khi quyết định đi và đến nơi này Ngọc Dung đang nghẹn trong lòng bởi một xúc phạm. Sự xúc phạm ấy không hiểu sao lại kích thích nàng phải đến tận nơi để tìm rõ nguyên cơ. Một người với thân phận đường đường như nàng mà lại phải gánh hứng sự xúc phạm như vậy thật không thể tưởng tượng được.
- Con dậy được rồi à?
Người vừa trở vào nhà và lên tiếng là một lão bà. Ngọc Dung dịu người. Lão bà bước lại gần chỗ Ngọc Dung nằm, dưới vành khăn thâm vấn mỏ quạ là một vầng trán nhăn nhăn lòa xòa những lọn tóc trắng cước nhưng đó lại là một gương mặt phúc hậu. Lão bà không ngồi xuống vỗ về nhưng cách nói và cử chỉ lại tỏ ra hết sức gần gũi. Ngọc Dung thầm đoán trong nhà chỉ có mình lão bà. Bằng chứng là sự gọn gàng ngay từ cách ăn vận. Người ở một mình thường kín đáo chứ không phơi bầy như người ở nơi có đông người.
***
Tuy đã cải trang theo lối của một thôn nữ nhưng dáng dấp đài các vẫn khó che giấu, nghĩ vậy nên Ngọc Dung bèn rẽ vào đoạn bờ ruộng chỉ đặt vừa bàn chân. Nàng nhắm chặt mắt khi mỗi lần đặt chân. Lần đầu tiên trong đời nàng đi trên đoạn đường bùn nhớp lầy như thế này. Lần đầu tiên trong đời nàng đi mà không có người đỡ hầu bên cạnh. Những bước đi cực hình mà mỗi bước chân là mỗi lần Ngọc Dung phải cố gắng. Chưa bao giờ nàng lại tự đặt mình vào một hoàn cảnh vất vả như bây giờ.
Ngọc Dung đã đến được đích đến, đó là một chòm nhỏ mà thoạt trông đã thấy sự quạnh vắng. Không tiếng người, không tiếng gia súc đòi ăn, không cả những bước chân thậm thịch. Ngọc Dung đâm hoảng, nàng toan tính quay lui thì nhận ra có một căn nhà núp dưới lùm cây xum xuê lá. Nhìn quanh để thăm chừng, nàng tưởng như căn nhà đó có vẻ như một căn nhà hoang. Một căn nhà đến phát ngại tới gần bởi sự im ắng của nó nhưng nàng không còn sự lựa chọn nào khác bởi chòm này chỉ có duy nhất một căn nhà. Một căn nhà chỉ có một gian nhà nhỏ được lợp bằng lá mía nằm như trong cõi tịch không. Ngọc Dung lo lắng ngước mắt nhìn lên, trên vòm cây có rất nhiều những con ong đang bay tới bay lui. Từ những đôi cánh mỏng của những con ong đang cất lên tiếng chém gió xào xào.
Ngọc Dung đi tới bên căn nhà, nàng với tay tì tựa vào vách. Đến đây dường như bao mệt mỏi trong người mới bộc lộ. Chân run lẩy bẩy. Ngọc Dung đã gồng hết sức lực. Chặng đường một mình lội bộ vừa qua đối với nàng là một thử thách lớn nhất trong đời. Nó thực sự là một điều lạ lùng nhất mà cả trong giấc mơ của mình nàng cũng chưa khi nào nghĩ tới. Ngọc Dung không lý giải được vì sao mình lại tới nơi đây. Nàng không biện minh được vì sao mình lại có hành động liều lĩnh nếu như không muốn nói là dại dột đến như vậy.
Nước mắt trào khóe mắt, chặng đường đi vất vả, tinh thần mệt mỏi và sức lực như bị cạn kiệt. Những trạng thái đó càng làm cho Ngọc Dung đớn đau. Sẵn ôm mối nghẹn trong lòng, một nỗi hận vì bị khước từ, nỗi hận đó giờ lại dâng lên xa xót. Ngọc Dung đã thề sẽ không tha thứ cho hành động đó nhưng nàng lại tự ép lòng mình sẽ bỏ qua mọi chuyện. Những cảm xúc tình cảm trái ngược đang thi nhau giằng xé con tim thiếu nữ của Ngọc Dung.
Cứ để tay tì tựa vào vách nhà cho khỏi ngã, Ngọc Dung chưa biết làm gì tiếp theo thì bỗng nàng thấy sa sẩm mặt mày. Muôn vàn những đốm sáng nhẩy nhót trước mặt.
***
Bát nước lá nhọ nồi quả tình hiệu nghiệm. Ngọc Dung đã qua được cơn cảm nắng nhưng mình mẩy chân tay của nàng râm ran đau nhức. Nàng bắt đầu thấy phân vân giữa đi và ở. Đi thì biết đi đâu vào giờ này bây giờ? Mà ở lại đây thì ở như thế nào?
- Đêm nay ngủ lại am phật cùng ta. Sáng ra rồi tính. - Lão bà lên tiếng phá tan nỗi phân vân.
- Am phật? - Ngọc Dung nghi ngờ hỏi lại.
- Am phật này dựng ở đây cũng đã lâu. Ngặt nỗi người làng nghèo quá chưa làm sang được.
Ngọc Dung nhẹ người. Thì ra đây là một vãi già trông coi am phật. Nhưng nàng ngài ngại. Từ bé đến giờ đã khi nào nàng qua đêm ở một nơi tịch nghiêm như thế này đâu. Nó làm nàng cảm thấy mắc lỗi hơn là nỗi sợ. Lão bà vừa châm cây nến vừa an ủi.
- Phật không chê kẻ khó. Phật chỉ trách những ai tránh xa phật mà thôi.
Màn đêm buông rất nhanh. Từ trong màu đen kịt ấy vang lên những tiếng loạt xoạt loạt xoạt. Đó là khi những con dơi bắt đầu bay ra, chúng đập cánh sục sạo khắp tán cây cành lá, chúng cất lên những tiếng kêu “chin chít” để bay lượn sục sạo khắp mọi ngóc ngách mà thực hiện cuộc săn mồi muôn thuở của mình. Ngọc Dung hơi hoảng, nàng chưa thể làm quen được với những âm thanh chờn rợn đó.
Như một phản xạ tự nhiên, Ngọc Dung xoay nghiêng người, nàng cố rúc mái tóc của mình vào bên vai lão bà. Người vãi già dường như đọc được nỗi sợ hãi đó, bà trở người quàng tay qua lưng Ngọc Dung. Lão bà kéo nàng nằm vào sát người mình. Ngọc Dung thấy được sự chở che trên chiếc giường tre khẽ cựa mình là kêu õng ẹo. Có lẽ sự chất phác đến chân thành của người vãi già đã tạo cho Ngọc Dung cảm giác tin cậy. Không một chút e ngại. Không một chút so sánh hay mặc cảm về thân phận. Khoảng cánh giữa hai người đã không còn bất cứ một ranh giới nào. Nàng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.
2.
Ngọc Dung mơ mơ giấc ngủ. Nàng chợt nhận thấy có một làn gió man mát. Làn gió tựa như có ai đang ngồi bên đầu giường mà phe phẩy quạt. Dịu êm và thân ái.
- Con đang có phiền muội trong lòng phải không?
Câu hỏi nhè nhẹ bên tai. Ngọc Dung đưa tay dụi mắt, mập mờ hình bóng một người. Người đó đứng đối diện với Ngọc Dung và thong thả hỏi với giọng nói thân tình mà từ chiều đến giờ nàng đã từng nghe nhiều lần.
- Con gái à…
Người đó chưa nói xong câu định nói thì Ngọc Dung đã bừng tỉnh ngủ, nàng bật người ngồi dậy. Rất kinh ngạc, ngay trước mặt nàng là một người đàn bà đẹp một cách cao sang. Mái tóc đen dầy được vấn búi trên đỉnh đầu làm tôn thêm vẻ uy nghiêm. Nhưng sự tin cậy lại toát lên qua gương mặt sáng. Một gương mặt với đôi mắt đen mở to và đôi môi đỏ như son làm nàng phải thầm ghen tỵ. Người ấy mặc một chiếc áo lụa dài trắng như tuyết. Chiếc áo chảy như dòng suối đổ suốt từ bờ vai xuống xòe che kín đôi bàn chân.
- Con có thể nói cho ta biết con đang phiền muội điều gì không?
Người đàn bà đó cúi xuống, bà nhìn sâu vào mắt Ngọc Dung để hỏi lại lần nữa. Ngọc Dung không thể cất nổi thành lời, nàng sững sờ khi nhận ra đó là Quán thế âm Bồ tát. Nốt ruồi đỏ tròn xoe như một đồng tiền ngự nổi bật ngay chính giữa hai vệt lông mày của người đàn bà đó đã nói với Ngọc Dung rằng nàng đừng có nghi ngờ. Phật bà hiện rõ ràng trước mặt nàng và đang nhìn nàng bằng ánh mắt từ bi và nụ cười nhân hậu. Ngọc Dung vội chỉnh lại tư thế. Nàng ngồi thẳng người, tay chắp trước ngực, mắt mở chân thành.
- Có phải là chuyện luyến ái không?
Ngọc Dung thấy không cần giấu giếm. Nàng đang mong có ai đó hiểu thấu cho nàng. Mười bảy tuổi tròn, lần đầu tiên trong đời con tim nàng run rẩy. Nó run rẩy trong sự rung động của cõi lòng chơm chớm biết yêu. Và chính lần rung động đầu đời này nàng đã phải nhận quả đắng. Chát xót trong lòng, Ngọc Dung cảm thấy mọi cái đều như phản lại nàng, thấy mọi thứ đều xa lánh nàng, thấy mọi vật đều bỏ rơi nàng. Buồn đau quặn thắt, Ngọc Dung không tài nào lý giải được đó là vì sao.
- Vì sao con lại yêu chàng trai ấy?
- Vì con…con…
- Con khó nói rằng, chàng trai ấy rất đáng yêu đúng không?
- Vâng.
Ngọc Dung đáp lí nhí. Nàng nhớ lại bữa nàng được tới dự lễ Triều đình ban thưởng cho những người đỗ đạt. Kỳ thi Đình năm Đinh Mùi này (1727) thật lắm kẻ sĩ có tài, có tới những mười vị đỗ “Đệ nhất giáp đồng Tiến sĩ”. Ngọc Dung háo hức vì đây là lần đầu tiên nàng được vua cha cho phép được dự một buổi lễ trọng vọng đến như vậy. Trong số mười vị tân khoa mũ áo xênh sang đứng chắp tay cung kính trước nhà vua, Ngọc Dung bỗng nhiên bị cuốn hết tâm tình của mình vào vị tân khoa đứng ngoài cùng ở phía bên phải theo hướng nhìn của nàng. Vị tân khoa này khác hẳn chín vị tân khoa kia. Vẻ mặt chàng không hoan hỉ mà vô cùng nghiêm cẩn. Dáng người không bạch diện thư sinh mà vô cùng tráng kiện. Ngọc Dung thấy trái tim mình đập loạn nhịp. Nàng tưởng như con tim sắp làm vỡ tung lồng ngực của mình. Nàng thẫn thờ nhìn đắm đắm tân khoa Nguyễn Đình Bá. Chàng hình như cũng cảm nhận được tình cảm của Ngọc Dung. Một nụ cười dành cho nàng, nụ cười ấy có lẽ đến suốt đời mình Ngọc Dung cũng không quên nổi.
- Con yêu chàng trai đó vì lẽ đó?
- Vâng
- Con đã chọn cái bên trong hay chọn vẻ bên ngoài của chàng trai đó?
- Cả hai. Nhưng…
- Còn nhưng điều gì hả con gái?
- Vua cha đã ban cho chàng... được cưới con làm vợ.
- Vậy vì sao con phải phiền muộn?
Ngọc Dung ghì chặt ngực. Câu hỏi của Phật bà như cứa thêm vào nỗi đau của nàng. Im lặng lát lâu. Ngọc Dung nhớ lại nét mặt cương nghị của Tiến sĩ Nguyễn Đình Bá cùng câu trả lời của chàng. Chàng đội ơn nhà vua đã ban cho mình vinh hạnh nhường ấy nhưng chàng cúi đầu xin nhận tội vì chàng đã có vợ ở quê nhà. Chàng không thể “tham vàng bỏ ngãi” được.
- Con phiền muội vì lẽ đó. Nhưng con có hiểu được nỗi lòng của chàng trai đó không? Nỗi lòng mà chàng phải dứt lòng nói lời từ chối?
- Thưa….
Ngọc Dung ấp úng. Chừng vài giây lưỡng lự nàng mới ngước đôi mắt ngân ngấn nước lên để hỏi.
- Sao Phật bà không hỏi con là ai?
- Con muốn nói rằng: Con là công chúa đương triều có đúng không? Một công chúa đương triều ngời ngời xuân sắc như vậy mà lại bị một kẻ sĩ mới nổi danh nói câu từ chối hôn nhân?
- Con không sao hiểu được chàng khước từ ân huệ là vì lẽ gì?
- Con gái ạ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc được. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực được. Con không hiểu được vì trong tình yêu không có chỗ dành cho danh phận. Danh phận sang hay hèn không quyết định được tình yêu. Vậy là con yêu chàng nhưng chưa hiểu về chàng. Như vậy không thể nói là yêu được.
- Thưa Phật bà. Tại sao trong tình yêu cứ phải hiểu mới được ạ?
- Vì hiểu mới chính là nền tảng của tình yêu.
- Phật bà không hiểu con.
- Ta hiểu chứ. Mỗi người đều có nỗi niềm riêng, khổ đau riêng. Đã là con người thì đều có giận hờn, trách móc và đôi khi lại còn làm khổ nhau. Không hiểu sẽ làm người mình thương yêu đau khổ thêm. Con đang tự làm đau mình và làm khổ người con yêu.
- Còn người trai kia?
- Đơn giản thôi. Đó là một chàng trai biết giữ nghĩa.
- Biết giữ nghĩa?
- Đúng vậy. Con biết đấy, có được tình đã là chuyện khó nhưng giữ trọn được nghĩa thực còn khó hơn. Nguyễn Đình Bá đã làm được cả hai việc đó với người vợ của mình.
- Thế còn lời thề phải giữ đạo trung quân của một quân thần?
- Dĩ nhiên con người ta không thể cùng lúc làm được cả hai việc.
- Chàng phải chọn.
- Đừng vội ngắt lời ta. Giữa đạo trung quân và nghĩa vợ chồng của người ấy con xem điều nào có trước?
- Con…
Ngọc Dung lại ấp úng. Nàng đã hiểu ra lẽ đương nhiên, đó là cái gì đến trước thì nó có trước. Phật bà chừng như cũng nhận thấy Ngọc Dung đã hiểu, bà mỉm cười nhìn nàng khích lệ.
- Con còn trẻ. Rồi con sẽ có được luyến ái như con mong muốn.
- Thưa Phật bà.
- Con nói đi.
- Nhưng con không… không quên được chàng.
- Và đấy là lý do để con lặn lội về đây?
- Không ai có thể thay thế được chàng trong con.
- Ta biết. Tình đầu thật khó xa. Ta hỏi lại nhé. Con bây giờ có còn yêu chàng không?
- Con… con có.
- Đã yêu thì hãy làm điều tốt cho nhau.
Ngọc Dung ngậm ngùi. Nàng chợt nhận ra lâu nay mình đã sai lầm. Nỗi đau hay như suy nghĩ của nàng, ôm mối hận không chỉ làm cho chính lòng nàng mang phiền muội mà vô tình nàng đã khiến cõi lòng tân khoa Nguyễn Đình Bá cũng thấy bất an.
Ngọc Dung thấy tâm mình tỉnh hẳn, những lời nói của Phật bà đã đánh thức trong nàng điều tốt đẹp lâu nay ẩn giấu. Thật hú hồn. Nếu Vua Lê Dụ Tông không vì quá trọng một con người thông minh học giỏi, văn võ song toàn, chính thể liêm bình thì có lẽ tân khoa Nguyễn Đình Bá đã bị khép vào tội chết. Nếu không có những giọt nước mắt van xin vì không muốn nhìn thấy người mình đem lòng yêu thương bị tước mạng sống của Ngọc Dung thì Vua Lê Dụ Tông đã không ban chỉ dụ tha tội chết cho Nguyễn Đình Bá nhưng chàng bị đầy đi trấn ải biên thùy.
- Con thấy trong tâm bây giờ thế nào?
- Con thấy tâm đã yên bằng trở lại.
- Tâm có bằng thì trí mới an. Tâm còn nóng giận thì khác nào mình uống thuốc độc mà trông chờ người khác chết.
- Thưa Phật bà.
- Con còn điều gì chưa hiểu?
- Xin Người cho con được theo hầu Người để giữ trọn nghĩa với chàng.
- Con đã nghĩ kỹ chưa?
- Lòng con đã hướng.
- Con hãy bắt đầu từ chính nơi con đến.
3.
- Ni cô. Con đang khóc đấy ư?
Ngọc Dung giật mình làm mái tóc đen dài tuột kim gài bung xuống buông kín bờ vai. Nàng lúng túng quờ tay với tìm tấm khăn nâu trùm đầu nàng mới vừa đặt trên ghế. Tuy đã quy y theo hầu cửa Phật nhưng Ngọc Dung còn luyến tiếc mà chưa xuống hẳn tóc.
- Ngoài kia xong chưa vãi?
- Nửa canh nữa mới tới giờ Tỵ, mới vào giờ hoàng đạo. Ni cô cứ thư thả.
Người vãi già nói xong thì tất tả quay đi, còn lại một mình Ngọc Dung trong trai phòng tịnh vắng, nàng chợt mang mang một nỗi nhớ không tên. Tiết trời sáng nay lành lạnh. Chút lạnh của những làn mưa phùn cuối xuân rất dễ làm lòng người xao động. Ngọc Dung đứng dậy bước lại gần cửa, nàng trông sang chùa chính. Từ bên đó mùi hương trầm theo gió lan sang tỏa hương ấm nồng bên mùi sơn hăng hắc từ chiếc bàn gỗ mới. Ngọc Dung im lặng thẫn thờ. Nàng không ngờ thời gian trôi đi nhanh đến vậy. Mới đó đã ba năm, chính xác là hai năm sáu tháng, thời gian đủ để làm thay đổi nhiều điều suy nghĩ trong mỗi con người.
Ngọc Dung đã quấn xong tấm khăn trùm đầu, nàng nghiêng nghiêng đầu soi bóng mình trong gương. Một gương mặt trái xoan của một cô thanh nữ với đôi mắt màu hạt nhãn cùng hàng mi cong vút rất kiêu sa nhưng toàn bộ gương mặt ấy lại như đượm buồn dưới vành khăn nâu. “Mình cũng ra dáng một ni sư đấy chứ”. Mỉm cười tự an ủi mình, Ngọc Dung cảm thấy đây là lúc của khoảng thời gian chờ đợi dài nhất. Nàng đang bồn chồn bước lần nữa ra đứng bên ô cửa.
Hóng tai ra phía ngoài nghe ngóng, sự náo nức được thể hiện trong những âm thanh rộn rã. “Chắc mọi người mừng lắm đây” Ngọc Dung cũng cảm thấy mọi sự đúng như một giấc mơ. Mới ngày nào nơi đây u tịch một am phật nhỏ chìm khuất dưới lùm cây mà giờ đã hiện diện một ngôi chùa bề thế.
Ngọc Dung trở lại ngồi bên bàn nước. Nàng nhớ lại những phút giây hiếm hoi nàng được sánh vai cùng Tiến sĩ Nguyễn Đình Bá. Đó là một sáng giữa thu năm nào, bữa đó hoa bạch trà đua nhau nở trắng đầu cành. Ngọc Dung đang đi dạo mà không một bóng dáng thị nữ theo hầu. Thực ra Ngọc Dung vẫn thường làm thế. Nàng đi dạo đâu chỉ dạo chơi, nàng bước những bước chân mà trong lòng vấn vương những ý thơ vừa lóe. Thói quen làm thơ trong lúc đi dạo đã đem đến cho nàng những cảm giác thư thái.
“Bạch trà. Bạch trà. Lại bạch trà…”.
Câu thơ đầu tiên vụt tới đã khiến Ngọc Dung hứng chí đọc to thành tiếng.
“Trắng đến lòng ta cũng sững sờ…”
Giọng ai đó đọc nối vào câu thơ mà nàng vừa ứng tác.
“Có phải nắng thu vừa đọng lại…”
Ngọc Dung thong thả tiếp lời thơ.
“Hay hồn trinh nữ tự ngàn xưa”
Giọng ai đó lại vang lên trầm ấm.
Ngọc Dung sững người, nàng dừng lại nhưng chưa buồn ngẩng mặt lên. Câu thơ cuối đã khép lại một bài thơ họa hoa mà chính nàng cũng không ngờ nó lại được làm ra một cách nhanh chóng đến vậy.
- Hoa bạch trà trắng đến tinh khôi.
Câu nói như thể một câu ví von về con người hơn là một câu nói về một loài hoa. Ngọc Dung đã nhận ra câu nói khen hoa chính là để khen nàng. Một câu khen không trực diện, nó vừa tránh được sự khiếm nhã lại cũng vừa tránh phạm vào điều kiêng cấm của triều đình.
- Quan thám đến từ khi nào vậy?
- Công chúa thứ lỗi. Thần tới vừa hay công chúa đọc thơ.
- Quan thám đừng cười. Thiếp đâu biết làm thơ.
- Công chúa khiêm tốn nên nói thế thôi. Chứ thần thấy thơ của công chúa có hồn lắm.
- Có hồn.
- Thơ là người mà. Thưa công chúa. Nàng …
Tiến sĩ Nguyễn Đình Bá không nói hết câu. Chàng cúi đầu vẻ tư lự nhưng thực ra là để che giấu cảm xúc của mình. Sáng nay, triều đình cho vời Nguyễn Đình Bá tới. Xong việc chẳng hiểu xui khiến thế nào mà chàng lại chọn lối đi ngang qua lầu công chúa. Vậy nên mới có chuyện tình cờ gặp và tình cờ cùng làm thơ.
- Chàng có cho rằng chuyện chúng mình gặp nhau là duyên không?
Khi hai người sánh vai nhau cùng bước đi Ngọc Dung mới hỏi. Nàng mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt tiến sĩ Nguyễn Đình Bá. Cái nhìn của nàng cứ như họ đã quen thân với nhau lâu lắm rồi vậy. Nguyễn Đình Bá lại cúi đầu, chàng đang cảm thấy câu hỏi đó đang hướng mình vào một tình huống khác. Nhớ bữa Triều đình làm lễ ban thưởng cho các tân khoa và tình cờ bốn mắt chạm nhau, Nguyễn Đình Bá đã linh cảm thấy có một điều hệ trọng sắp xẩy ra. Rồi khi Đức Lê Dụ Tông ra chỉ dụ ban gả Ngọc Dung cho mình, Nguyễn Đình Bá hình dung ra chuyện khó của mình. Sáng nay tình cờ gặp Ngọc Dung bên vườn bạch trà quả tình như có điều gì giống như một sự sắp đặt.
- Chàng …
- Công chúa thứ lỗi. Thần e là mình không có phận.
- Chàng…đúng thật là…
Ngọc Dung ôm mặt tức tưởi. Động thái của nàng đã khiến Nguyễn Đình Bá rối bời. Chàng lại sát gần bên công chúa, bàn tay Nguyễn Đình Bá run run đặt lên vai Ngọc Dung. Từ bàn tay người trai ấy truyền sang người Ngọc Dung một luồng khí ấm đến lạ lùng. Thoáng ngập ngừng đôi chút rồi bất ngờ Ngọc Dung choàng tay ôm vòng qua cổ Nguyễn Đình Bá. Trong nháy mắt hai gương mặt của họ chạm vào nhau bên những hơi thở hổi nóng.
- Chàng có cưới thiếp không?
- Tiếc là thần gặp công chúa khi đã quá muộn.
- Chàng vẫn có thể làm thay đổi điều quá muộn ấy.
- Nhưng lòng thần sẽ luôn bất an.
- Bất an?
- Lòng bất an. Dạ cũng bất an. Thưa công chúa. Như vậy thần sẽ không làm được trọng trách mà Triều đình trao cho.
- Thiếp không hiểu.
- Công chúa mãi mãi sẽ là bông bạch trà tinh khôi trong lòng thần.
- Hoa đẹp rồi cũng úa tàn?
- Đó là chuyện của muôn hoa. Còn chuyện của hai ta thần nghĩ nó sẽ…
- Sẽ?
- Sẽ có phúc với nhau.
***
Tiếng trống rền vang thôi thúc. Ngọc Dung thảng thốt trở về hiện tại, nàng bấy giờ mới thấm thía điều Nguyễn Đình Bá đã nói. Đúng là con người có có phúc với nhau nên phúc mới đến. Chữ phúc làm nên điều tốt cho nhiều người nó gấp ngàn lần chữ duyên hay chữ phận chỉ dành cho một người.
- Ni cô.
- Đến giờ rồi hả vãi?
- Vẫn còn thư thả. Ni cô. Vừa rồi Ngài Ngự cho người đem ban chỉ tới.
- Hay quá. Cha con ban chỉ nói gì hả vãi?
- Ngài Ngự ban tên cho chùa.
Ngọc Dung mừng muốn khóc. Nàng không ngờ Vua cha lại thấu đáo thấu lẽ đến như vậy. Vua cha đã ban tên cho chùa tức là Vua cha đã hoàn toàn yên tâm với sự chọn lựa của mình. Ngọc Dung cười thành tiếng. Tiếng cười chen lẫn những giọt nước mắt mừng vui.
- Ngài Ngự xử sự thâm thúy đúng là một minh quân.
Người vãi già nói xen vào như một lời nhắc, Ngọc Dung gật gật đầu xác nhận. Đức Lê Dụ Tông sau khi biết tin con gái không trở lại kinh thành mà tự nguyện đi tu đã không khỏi kinh ngạc. Ngài không ngờ đứa con gái mà ngài hết sức yêu chiều ấy lại dễ dàng rời khỏi vòng tay của mình? Ngài lại càng sửng sốt bởi sự “lụy tình” đến “mông muội” ấy?
Đức Lê Dụ Tông thân chinh cưỡi voi về tổng Bình Dân thuộc phủ Khoái Châu. Ngài cho buộc voi ngoài đầu làng rồi tự tìm tới am phật. Chuyện với con gái chưa đâu vào đâu đã nghe ầm ĩ. Thì ra con voi của ngài đã dứt dây sổng cọc, nó dẫm nát những mảnh ruộng rau gần đó. Nó lội ngang lội dọc những thửa ruộng lúa chưa kịp gặt gần đó. Vì quá xót của mà người dân trong làng đã giận dữ đánh chết voi.
Vua Lê Dụ Tông cả giận nhưng không phạt làng mà bắt làng đền voi. Khốn nỗi làng nghèo lấy đâu tiền mua voi đền lại cho vua. Thế mà vua ra hạn trong vòng một năm phải lo đủ tiền bằng cách người làng đan một con voi bằng tre to đúng như con voi thực. Dân làng phải bỏ đầy tiền vào mình con voi tre ấy.
Đúng tròn một năm, vua Lê Dụ Tông lại về làng. Ngài nghe chuyện biết số tiền dân làng gom góp chỉ bỏ đủ đầy bốn cái guốc voi. Nó thật ít ỏi. Ngài cho tập hợp dân làng lại. Ngọc Dung nước mắt lên nước mắt xuống. Nàng ra sức xin vua cha tha tội cho dân làng. Xin vua cha mở đức từ bi. Đức Lê Dụ Tông không nói chỉ cười. Ngài sai người đổ tiền cho vừa đầy mình con voi tre. Rồi ngài về kinh chẳng một câu dặn lại.
Ngọc Dung thấy vậy thì mừng lắm. Nàng đã hiểu ý của vua cha. Thương con và thương dân làng nghèo khó. Đức Lê Dụ Tông khéo léo cho tiền để làng xây chùa. Thật đúng ý ngài thâm thúy mà rộng lượng.
- Cha con ban tên cho chùa là gì hả vãi?
- Ngài Ngự ban tên “Hồng Chung Tự”.
“Phúc đức cho chúng dân. Những bậc quân tử bao giờ cũng có lý” Ngọc Dung thầm nói. Nàng đứng dậy, mắt còn ngân ngấn nước mà vui chân theo sau người vãi già. Bên ngoài rộn ràng tiếng trống tiếng đàn tiếng nhị. Đã tới giờ đẹp cho lễ khánh thành chùa mới.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...