Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
21:37 (GMT +7)

Nữ chiến sĩ điệp báo Hà Thành và mối tình với Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Thái Nguyên

VNTN- Cách mạng tháng Tám 1945, Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên được thành lập gồm các đồng chí: Nhị Quý, Lê Trung Đình, Hoàng Thế Thiện, Đào An Thái và Nguyễn Thị Tâm. Riêng đồng chí Hoàng Thế Thiện, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, sau này được phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội còn có một mối tình đẹp với nữ chiến sĩ điệp báo Hào Kim Oanh trên đất Thái Nguyên.

Tháng 8 năm 1995, bà Hào Kim Oanh đã kể lại cho con trai út Hoàng Anh Thi câu chuyện về công tác điệp báo và mối tình với đồng chí Hoàng Thế Thiện.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019), Văn nghệ Thái Nguyên xin giới thiệu đến bạn đọc.

Thiếu nữ Hà thành nhận công tác điệp báo

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức nhỏ gốc Hoa ở Hà Nội. Cuối năm 1944, khi còn là cô nữ sinh 16 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời - tôi đã sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia Thanh niên Cứu quốc do anh Vũ Quang (sau này là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Trưởng ban Tôn giáo Trung ương) phụ trách. Lúc đó tôi lấy bí danh là Lan. Đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi được chuyển sang công tác ở Hội Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu (tên gọi của Hà Nội lúc đó - PV). Tại đây tôi được tuyển vào Trung đội Nữ tự vệ Nguyễn Thị Minh Khai do chị Đàm Thị Loan (sau này là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái) và chị Cầm (bà Lê Minh Cầm - nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên khu Việt Bắc, Đại biểu Quốc hội khóa II - PV), hai chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân từ Cao Bằng về trực tiếp huấn luyện. Cùng được tuyển vào Trung đội Nữ tự vệ lúc này có chị Hoàng Diệu Tiếp (sau này là Đại tá Lê Song Toàn, vợ anh Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Công an). Chị Tiếp sinh trưởng trong một gia đình công chức, bản thân chị cũng sớm được giác ngộ cách mạng. Tôi quen chị Tiếp khi cả hai đi dự những cuộc mít-tinh ở Hà Nội. Kể từ đó, tôi và chị Tiếp trở thành đôi bạn thân mặc dù chị lớn tuổi hơn tôi.

Vợ chồng ông bà Hoàng Thế Thiện - Hào Kim Oanh tại Vĩnh Yên, tháng 10-1947
Vợ chồng ông bà Hoàng Thế Thiện - Hào Kim Oanh tại Vĩnh Yên, tháng 10-1947

Lúc đó, do yêu cầu công tác, tôi thường lui tới trụ sở Xứ ủy Bắc Kỳ ở số 51 phố Hàng Bồ (đồng thời là tòa soạn báo Lao động). Tại đây, tôi đã gặp gỡ các anh trong Xứ ủy như anh Trần Danh Tuyên, anh Nguyễn Văn Trân. Tôi còn nhớ vào một buổi sáng, anh Trần Danh Tuyên gọi tôi lên và nói: “Lan ạ! Cách mạng vừa thành công, nước ta vừa giành được độc lập, nền kinh tế nước ta đang kiệt quệ, giặc đói, giặc dốt đang hoành hành khắp nơi thì đã phải đối phó với mối đe dọa của họa thù trong giặc ngoài hòng đè bẹp chính quyền cách mạng còn non trẻ. Đảng ta - đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra nhiệm vụ quan trọng cho toàn dân là phải đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ của nhân dân. Vì vậy, Đảng rất cần những thanh niên có lòng trung thành tuyệt đối, mưu trí, gan dạ, có ý thức kỷ luật cao, không quản ngại hy sinh gian khổ và đã kinh qua thử thách để đảm nhiệm công tác đặc biệt”.

Tôi ngạc nhiên hỏi anh: “Công tác gì mà đặc biệt vậy, anh?”. Anh Tuyên nhìn thẳng vào tôi và chậm rãi nói: “Đó là công tác điệp báo - chuyên đi thu thập, điều tra tin tức và tình hình của địch để chúng ta có kế hoạch đối phó lại những âm mưu đen tối của chúng. Xét thấy cô có đủ điều kiện làm công tác này nên tôi có ý định giới thiệu cô vào Ban Trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ do anh Nguyễn Văn Trân phụ trách. Cô thấy thế nào?”.

Nghe anh Tuyên hỏi, tôi còn đang phân vân chưa biết trả lời ra sao thì anh Tuyên đã nói tiếp: “Bây giờ cô chưa cần phải trả lời ngay. Cô về suy nghĩ kỹ rồi sáng mai cho tôi biết câu trả lời”. Tôi chào anh và ra về. Tối hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, tâm trạng vừa mừng vừa lo lẫn lộn trong tôi. Mừng vì được tổ chức tin cậy giao cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lo vì mình còn quá trẻ, kinh nghiệm công tác chưa bao nhiêu lại nhận lãnh một nhiệm vụ đặc biệt như vậy sẽ khó hoàn thành. Tôi suy nghĩ rất lâu. Càng suy nghĩ thì nhiệt huyết tuổi trẻ và ý thức cách mạng lại càng bùng lên mạnh mẽ trong tôi, thôi thúc tôi… Tôi quyết định sẽ nhận nhiệm vụ đặc biệt này.

Sáng hôm sau, tôi đến trụ sở Xứ ủy để gặp anh Trần Danh Tuyên như đã hẹn. Tôi vào phòng làm việc của anh Tuyên thì thấy anh và anh Nguyễn Văn Trân đã ngồi chờ sẵn. Thấy tôi đến, các anh niềm nở mời tôi ngồi. Anh Tuyên nhìn tôi nói vui: “Cô tiểu thư Hà Nội đã suy nghĩ kỹ chưa? Cho chúng tôi biết ý kiến đi chứ!”. Tôi ngại ngùng đáp: “Em rất mừng khi được giao nhiệm vụ quan trọng nhưng vẫn lo…”. Tôi chưa kịp nói hết câu thì anh Nguyễn Văn Trân đã ngắt lời tôi: “Cô lo không hoàn thành nhiệm vụ chứ gì? Cô cứ yên tâm! Khi giao nhiệm vụ cho cô, cấp trên đã đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng. Cô đã tham gia cách mạng từ trước năm 1945, rồi tham gia Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Trung đội Nữ tự vệ Nguyễn Thị Minh Khai. Ngoài ra, chúng tôi còn biết cô đã từng làm qua nhiệm vụ này khi là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc trong thời kỳ bí mật”.

Nghe anh Trân nhắc, tôi mới nhớ ra là lúc trước tôi đã được tổ chức giao nhiệm vụ đi điều tra, theo dõi và thu thập tin tức, tình hình của tên Hương Thiên Nga - một nữ Việt gian nguy hiểm, một tên chỉ điểm đắc lực của bọn Nhật. Anh Trân lại nói tiếp: “Cô mới 17 tuổi, còn rất trẻ. Điều này sẽ làm cho kẻ thù không nghi ngờ cô trong khi làm nhiệm vụ. Hơn nữa thành phần gia đình, ngoại hình và mưu trí của cô sẽ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cô trong công tác. Chúng tôi tin rằng cô sẽ làm được nhiệm vụ này”.

Thế là tôi đã được cấp trên tín nhiệm giao phó nhiệm vụ đặc biệt. Tôi còn vui mừng hơn khi được anh Trân cho biết chị Tiếp cũng được tuyển vào Ban Trinh sát đặc biệt và cùng công tác với tôi.

Chân dung bà Hào Kim Oanh (1928-2008)
Chân dung bà Hào Kim Oanh (1928-2008)
Bà Hào Kim Oanh (1928 - 2008) tức Trần Lệ Trinh; bí danh: Lan, Mai, Hương; sinh tại Hà Nội trong một gia đình công chức yêu nước, quê ở Thái Bình. Bà tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh bí mật từ tháng 12-1944, tại Hà Nội. Tháng 9-1945, bà là nhân viên Ban trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ. Tháng 11-1945, là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc thị xã Thái Nguyên phụ trách thiếu nhi thị xã. Tháng 3-1952, Trung ương Đảng điều bà vào Nam Bộ công tác. Sau ngày đất nước thống nhất, bà về công tác tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 rồi Văn phòng Tổng cục Xây dựng kinh tế - Bộ Quốc phòng. Bà Hào Kim Oanh đã được Đảng và Nhà nước công nhận là Cán bộ lão thành cách mạng và được tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Ban trinh sát đặc biệt

Sau đó, tôi và chị Tiếp được anh Trân hướng dẫn làm quen với những công việc của một nhân viên trinh sát. Nhận công tác mới, tôi và chị Tiếp phải thôi hoạt động ở Hội Phụ nữ Cứu quốc để bảo đảm bí mật. Anh Trân giao cho chúng tôi nhiệm vụ điều tra, thu thập tin tức và tình hình của những tổ chức Việt gian phản động như Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) do Nguyễn Tường Tam đứng đầu, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt cách) đứng đầu là Nguyễn Hải Thần.

Ở miền Bắc lúc đó, ngót 20 vạn quân Tưởng tràn vào. Theo chân bọn này là các con bài tay sai người Việt như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… thuộc hai tổ chức phản động là Việt quốc và Việt cách... Chúng là những tên Việt gian bán nước cầu vinh nhưng lại nấp dưới danh nghĩa những nhà yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia. Bọn chúng lập ra những tổ chức phản động hàng ngày tiến hành các vụ gây rối, tống tiền, ám sát, bắt cóc cán bộ của ta với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong số các tổ chức phản động đó, có tổ chức mang tên “Những nhà cách mạng hải ngoại” do Nguyễn Hải Thần cầm đầu. Tôi và chị Tiếp được chỉ thị tiếp cận tổ chức này.

Trong số các tên phản động chóp bu của đảng Việt cách có tên Nha. Là ủy viên trung ương đảng Việt cách lại là bí thư cho Nguyễn Hải Thần, tên Nha nắm mọi hoạt động và các cơ sở của Việt cách. Đặc biệt, hắn còn là tên chỉ huy các vụ bắt cóc, ám sát các cán bộ cách mạng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi đã làm quen được với nhiều thanh niên là đảng viên Việt cách và trong số này có những tên có sẵn mối quan hệ với tên Nha. Qua đó, từng bước một, chúng tôi đã tiếp cận và làm quen với tên Nha. Lúc này, chị Tiếp lấy bí danh là Tuyết, tôi lấy bí danh là Mai. Chúng tôi đã tạo cho mình một vỏ bọc khá vững chắc: là hai chị em họ từ tỉnh lẻ lên Hà Nội trọ học nhưng do tình hình bất ổn nên phải nghỉ học mà chưa về quê được nên rất lo lắng, hoang mang. Lúc này chị Tiếp đã dọn đến nhà tôi ở để tiện bề hoạt động.

Sau nhiều lần tiếp cận tên Nha, chúng tôi biết được hắn quê ở Huế, đang học dở đại học y khoa thì sang Trung Quốc và gia nhập đảng Việt cách của Nguyễn Hải Thần ở Liễu Châu. Tên Nha có vóc người to cao, vạm vỡ, giỏi võ, thông thạo tiếng Hoa và tiếng Pháp. Bản tính của tên Nha rất đa nghi, nham hiểm. Qua nhiều lần gặp gỡ, chúng tôi thường mời hắn đến chơi nhà tôi ở số 16 phố Đường Thành mà tôi nói dối là nhà bà cô của tôi. Qua những lần nói chuyện với tên Nha, chúng tôi đã tìm hiểu được khá nhiều âm mưu và thủ đoạn đen tối của kẻ thù. Sau nhiều lần theo dõi và thử thách, tên Nha đã bắt đầu tin tưởng chúng tôi. Hơn nữa, hắn còn có cảm tình đặc biệt với tôi. Hắn thường kể cho tôi nghe về quê hương hắn và còn hứa khi nào bọn hắn lật đổ được chính quyền cách mạng, hắn sẽ đưa tôi về Huế thăm nhà hắn.

Tên Nha thấy chúng tôi còn trẻ, là đối tượng dễ lôi kéo, lợi dụng nên hắn thường tuyên truyền, vận động chúng tôi vào đảng Việt cách. Thậm chí hắn tin tưởng chúng tôi đến mức mời chúng tôi đến thăm trụ sở trung ương của đảng Việt cách ở số 80 phố Quán Thánh. Lối sinh hoạt bên trong trụ sở của bọn chúng rất bừa bãi, lộn xộn. Trong đó, bọn chúng tiến hành in truyền đơn, tài liệu… nhằm chống phá cách mạng. Có điều kiện ra vào trụ sở của bọn chúng, tiếp cận với những tên quan trọng nguy hiểm nên chúng tôi đã điều tra, thu thập được nhiều thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động, đặc điểm, quy luật sinh hoạt của những tên phản động đầu sỏ để báo cáo với tổ chức kịp thời phục vụ cho cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Có lần, tên Nha còn mời tôi và chị Tiếp đến nhà riêng của hắn ở phố Lò Đúc. Tại đây chúng tôi đã lấy được một số tài liệu quan trọng rất có giá trị.

Tuy rất tin tưởng chúng tôi nhưng với bản chất của một tên đầu sỏ phản động, tên Nha vẫn luôn cảnh giác cao độ. Mỗi khi đến nhà tôi, hắn thường đi một mình bằng xe đạp để tránh bị chú ý. Trước khi ra về, hắn thường ra cửa sổ để quan sát kỹ tình hình dưới phố.

Vì tên Nha rất nguy hiểm và đã gây ra nhiều tội ác với cách mạng, với nhân dân nên Sở Liêm phóng Bắc Bộ đã tổ chức bắt cóc hắn mấy lần nhưng đều thất bại. Nguyên do là hắn rất cảnh giác, nhiều thủ đoạn nham hiểm, hơn nữa hắn to khỏe lại giỏi võ nên bắt cóc hắn không dễ. Tôi còn nhớ có lần tên Nha nói với tôi: “Bọn Việt Minh định bắt cóc tôi nhiều lần nhưng không được. Muốn bắt được tôi còn khó lắm!”. Tôi vờ khuyên hắn nên cẩn thận. Bị bắt hụt nhiều lần, như con thú động rừng, hắn càng trở nên tinh khôn, nham hiểm hơn. Có 5 trinh sát làm nhiệm vụ theo dõi hắn thì 3 người đã bị hắn bắt cóc. Trước tình hình đó, Sở Liêm phóng Bắc Bộ quyết định một kế hoạch táo bạo. Theo chỉ thị của anh Nguyễn Văn Trân, tôi và chị Tiếp sẽ phối hợp với Tổ trinh sát đặc biệt do anh Hồng phụ trách để bắt cóc tên Nha. Phương án hành động của chúng tôi đã được cấp trên thông qua.

Cán bộ chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên tại trụ sở Tỉnh bộ Việt Minh, tháng 12-1945. Ông Hoàng Thế Thiện (số 1), bà Hào Kim Oanh (số 2). Lúc này bà mới từ Hà Nội lên Thái Nguyên, hai người chưa yêu nhau. Trong ảnh có bà Lê Song Toàn (số 3).
Cán bộ chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên tại trụ sở Tỉnh bộ Việt Minh, tháng 12-1945. Ông Hoàng Thế Thiện (số 1), bà Hào Kim Oanh (số 2). Lúc này bà mới từ Hà Nội lên Thái Nguyên, hai người chưa yêu nhau. Trong ảnh có bà Lê Song Toàn (số 3).

Bắt cóc bí thư của Nguyễn Hải Thần

Tôi còn nhớ hôm ấy là một ngày cuối năm 1945. Bầu trời Hà Nội trở nên ảm đạm vì giá rét. Tôi phải tìm cách lừa ba mẹ tôi vào Hà Đông chơi để ở nhà chúng tôi tiện hành động. Chúng tôi lại mời tên Nha đến nhà chơi. Như thường lệ, hắn đi xe đạp tới một mình. Sau khi dựng xe dưới chân cầu thang, hắn theo tôi và chị Tiếp lên gác. Chúng tôi chủ động mời hắn ngồi quay lưng lại gian buồng có 3 trinh sát đang ẩn nấp. Tôi và chị Tiếp ngồi hai bên hắn. Trong khi nói chuyện, chị Tiếp kiếm cớ xuống dưới nhà chọc thủng lốp xe đạp của hắn và chốt cửa chặt chẽ rồi quay lên nói chuyện tiếp. Tôi kiếm chuyện hỏi tên Nha: “Khi nào anh Nha đưa em về Huế chơi? Chắc Huế đẹp lắm? Em đã nghe nói nhiều về Huế nhưng chưa được đi. Đường vào Huế chắc là xa lắm phải không anh?...”. Tên Nha nghe vậy liền hứng chí lấy giấy bút ra vẽ đường đi Huế cho chúng tôi xem.

Hắn còn huyên thuyên miêu tả nhiều cảnh đẹp Huế như sông Hương, núi Ngự, cố đô… Thấy hắn sơ hở, mất cảnh giác, chúng tôi ra ám hiệu cho các đồng chí trinh sát hành động. Ngay lập tức, Tổ trinh sát lao ra, cùng lúc chúng tôi xô ghế đứng dậy. Đồng chí Hồng tay cầm khăn tẩm thuốc mê áp vào mặt hắn trong khi hai đồng chí trinh sát kia giữ chặt hai tay hắn bẻ quặt ra sau lưng. Tưởng rằng mọi chuyện xong xuôi nhưng không ngờ do thuốc mê kém hiệu quả, tên Nha lại có sức khỏe tốt nên hắn không mê man ngay mà còn vùng vẫy mạnh và ú ớ kêu lên vài tiếng: “Cứu tôi với! Việt Minh bắt cóc tôi!”. Hắn nhìn tôi và chị Tiếp nghiến răng nói: “Thì ra chúng mày là hai con Việt Minh”. Thấy vậy, đồng chí Hồng liền lấy dùi cui đập liên tiếp vào đầu hắn cho đến khi hắn ngất đi. Chúng tôi vừa cho hắn vào bao tải thì bất ngờ có một toán lính Tưởng kéo đến bao vây nhà tôi với súng ống lăm lăm trong tay. Thì ra một tên Quốc dân đảng người Hoa trẻ tuổi ở ngay bên cạnh nhà tôi đã báo tin. Ngày thường hắn ít khi có nhà, nhưng không may hắn lại ở nhà hôm đó và nghe thấy tên Nha kêu cứu nên đi báo cho lính Tưởng đến giải cứu. Đây là thiếu sót của chúng tôi đã không dự phòng đến tình huống này.

Thật quá bất ngờ, không có đường thoát, xe ô-tô lại để ở đầu đường, tôi nhanh trí gom tất cả súng của mọi người lại rồi vứt lên nóc tủ cao, nơi này bọn lính Tưởng ít để ý tới. Sau đó tôi kéo chị Tiếp đứng bên cửa sổ, giả vờ như đang run sợ vì bị Việt Minh uy hiếp. Vừa xong, thì bọn lính Tưởng đã phá cửa ập lên. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa rồi đưa tên Nha đi bệnh viện. Chúng khám xét mọi người rồi bắt 3 đồng chí trinh sát đưa đi. Chúng cũng khám xét tôi và chị Tiếp nhưng không bắt vì thấy chúng tôi là con gái còn quá trẻ lại ăn mặc đàng hoàng, hơn nữa vẻ mặt chúng tôi lúc ấy cũng hơi tái đi (do lạnh và do gặp phải tình huống bất ngờ) nên chúng nghĩ là chúng tôi đang run sợ khi thấy Việt Minh bắt cóc tên Nha. Tôi còn nhớ khi khám xét, bọn lính Tưởng đã lấy đi thanh kiếm cổ của ba tôi và cây bút máy Pi-lốt trong túi áo khoác của tôi.

Sau khi bọn chúng bỏ đi, tôi vội nhìn xuống đường xem chúng đưa 3 đồng chí trinh sát đi về hướng nào để kịp thời báo với tổ chức cho người đến giải cứu vì nếu không biết đích xác nơi chúng giam người của ta, bọn chúng sẽ chối và không chịu thả. Tôi thấy bọn lính Tưởng đưa 3 đồng chí trinh sát về nhà tên Tây đá ở xế trước mặt nhà tôi - một cơ sở của bọn chúng. Sau đó, tôi vội vàng cho tất cả súng vào một cái làn nhỏ, bên trên ngụy trang vài bộ quần áo rồi cùng chị Tiếp thoát ngay ra khỏi nhà vì biết rằng khi tên Nha tỉnh lại sẽ cho người đến bắt chúng tôi.

Mối tình trên đất Thái Nguyên

Chúng tôi về trụ sở Xứ ủy báo cáo ngay với anh Trần Danh Tuyên nơi chúng giam 3 trinh sát của ta. Anh Tuyên liền gọi điện thoại báo ngay cho Ban Liên hiệp để cử người đến chỗ chúng đòi người của ta. Sau đó, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Trân để báo cáo kết quả công việc. Vẻ mặt anh Trân rất căng thẳng khi nghe chúng tôi báo cáo. Trong lúc chúng tôi đang lo lắng vì không làm tròn nhiệm vụ thì thật ngạc nhiên là anh Trân đã không tỏ vẻ bực tức mà còn nhẹ nhàng an ủi chúng tôi: “Các cô đừng nên lo lắng quá như vậy! Các cô không có lỗi trong chuyện này. Nguyên nhân thất bại do thuốc mê kém hiệu quả. Các cô làm việc khá lắm, đã cố gắng hết sức mình rồi! Tuy chưa bắt được tên Nha nhưng những tài liệu mà Lan và Tiếp thu thập được từ hắn rất quan trọng và có giá trị”. Thấy chúng tôi vẫn chưa hết áy náy, anh Trân cười động viên: “Đúng là hai cô tiểu thư Hà Nội đi làm điệp báo có khác. Mới thất bại lầu đầu mà đã quá lo lắng như vậy. Thôi, hai cô uống chén trà cho ấm người rồi ở lại đây một thời gian chờ nhận công tác mới. Các cô tuyệt đối không được về nhà. Bây giờ mà về là bị bọn chúng bắt ngay!”.

Đúng như dự đoán, chiều hôm đó tên Nha tỉnh lại đã dẫn một toán lính Tưởng đến bắt chúng tôi, đúng lúc ba mẹ tôi từ Hà Đông về nên bọn chúng đã bắt trói ba tôi dẫn đi. Gia đình tôi phải nhờ một Hoa kiều quen biết vốn là thông ngôn cho quân Tưởng đến bảo lãnh, hơn nữa ba tôi cũng có gốc Hoa nên bọn chúng mới thả cho về. Hậu quả của vụ bắt cóc là tên Nha bị chột một mắt do bị dùi cui đánh trúng. Vì vậy, hắn rất căm hận tôi và chị Tiếp. Hắn cho người luôn giám sát nhà tôi để rình bắt chúng tôi. Có lần hắn hằn học đe dọa mẹ tôi: “Con Mai và con Tuyết là Việt Minh. Chúng nó định bắt cóc và làm mù mắt tôi. Tôi mà bắt được chúng nó thì tôi giết chết”. Mẹ tôi phải lừa hắn rằng chúng tôi là hai đứa cháu họ xa đến ở nhờ, giờ đi đâu rồi không biết, gia đình không liên quan gì. Một lần, hai người chị họ của tôi từ Hòn Gai lên chơi, vừa vào nhà một lát thì bọn chúng ập đến đòi xem mặt có phải là tôi và chị Tiếp không.

Một thời gian sau, khi tình hình bớt căng thẳng, chúng tôi được cấp trên điều lên Thái Nguyên công tác vào cuối năm 1945. Tại đây, tôi được tổ chức phân công làm công tác Phụ nữ thị xã nên thường xuyên gặp gỡ anh Hoàng Thế Thiện (khi đó là Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên) để nhận nhiệm vụ. Từ mối quan hệ công tác, tôi và anh đã nảy sinh tình cảm với nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. Và rồi tình yêu của chúng tôi đã đến ngày đơm hoa. Được sự tác thành của tổ chức và ba mẹ tôi, chúng tôi đã cưới nhau vào ngày 7-4-1947 tại Vĩnh Yên bằng một đám cưới giản dị, thắm tình đồng chí.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995) tên thật là Lưu Văn Thi, sinh tại Hải Phòng, quê gốc ở Duy Tiên, Hà Nam. Ông là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm cấp tướng năm 1974.

Ông được bầu Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV (1976); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1976-1982); Trưởng ban Ban B.68 Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (1982-1989).

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (2002). Tên ông được đặt cho đường phố tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hà Nam…

Tháng 3 năm 1945, Hoàng Thế Thiện vượt ngục Sơn La và được cử về Thái Nguyên hoạt động. Tháng 4 năm 1945, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Trên cương vị là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân Võ Nhai, Hoàng Thế Thiện đã lãnh đạo cuộc biểu tình trên 5.000 người tuần hành vũ trang thị uy tiến vào nội ô thị xã Thái Nguyên vào chiều ngày 19-08-1945, uy hiếp quân phát xít Nhật đóng ở đây, uy hiếp và làm tan rã chính quyền tay sai của Nhật, kêu gọi sự đầu hàng của lính bảo an. Lực lượng do ông dẫn đầu đã tiến vào thị xã Thái Nguyên trước ngày 20-08-1945 một ngày và tổ chức đón Giải phóng quân từ Tân Trào tiến vào bao vây đồn binh Nhật, đưa tối hậu thư và tước vũ khí của lính bảo an, tấn công quân Nhật… Tháng 9-1945, Hoàng Thế Thiện làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 10 năm 1946, ông là người phụ trách công tác tuyên truyền và công tác vận động thanh niên (công tác thanh vận) của tỉnh Thái Nguyên.

Kiều Mai Sơn giới thiệu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy