Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
14:09 (GMT +7)

Nốt nhạc Xuân bay lên

Bố tôi là một trí thức tây học lịch lãm, ông từng sống ở Đức hơn 10 năm nhưng lại rất thích Hán học. Ông học chữ Hán trên các trang mạng xã hội, ban đầu chỉ viết các chữ đại tự đơn giản. Sau này, ông mua sách về và ngồi một mình tĩnh lặng nghiên cứu như thể đang tìm kiếm một cái gì cổ kính và thiêng liêng. Mỗi dịp Tết đến Xuân về ông đều tự tay soạn các chữ Hán cổ tặng cho con cháu và những người bạn thân quý. Với ông, cái đẹp của những bức thư họa không chỉ được cảm nhận bằng trực giác, bằng mắt thường qua những nét “Rồng bay Phượng múa” mà còn ở những ý tứ sâu xa. Cái bàn gỗ ép bé nhỏ của ông vừa đủ chứa đựng niềm đam mê, một bộ đồ nghề gồm nghiên mực, gác bút và những tập giấy nhung màu đỏ tươi lấp lánh ánh mực.

Nốt nhạc Xuân bay lên
Tục xin chữ đầu xuân đang được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Thanh Lên

 Hơn 3 năm rồi, kể từ ngày bố tôi bước vào thế giới của những “Người muôn năm cũ”, tôi vẫn giữ thói quen treo tranh chữ trong phòng mỗi khi những cơn mưa lất phất gọi Xuân về. Trước là tưởng nhớ bậc sinh thành, sau là để chiêm ngưỡng, ngẫm nghĩ và răn lòng.

***

Từ hàng ngàn năm trước, chơi chữ (chơi thư pháp) được coi là nghệ thuật dành cho tao nhân mặc khách, trí thức phong kiến. Đó là cách sử dụng bút lông để tạo hình chữ viết trên tấm lụa trắng, trên phên giấy hồng điều, trên phiến gỗ sơn son thếp vàng. Người cho chữ phải là các nhà Nho đạo cao, đức trọng hoặc những thầy đồ uyên bác về chữ nghĩa. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với sở nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Những con chữ bay bổng và mềm mại đó không còn là tín hiệu ngôn ngữ đơn thuần mà trở thành bức thư họa chứa đựng trong đó triết lý cao siêu, được đặt trang trọng ở tiền sảnh, ở thư phòng để mọi người cùng ngưỡng vọng tư tưởng đẹp.

Trong số những bậc thức giả thời trước, tôi nhớ đến Nguyễn Khuyến - một nhà nho khoa danh đã dệt lên nhiều giai thoại thú vị về việc xin chữ, cho chữ. Ngôi nhà cụ ở “Vườn Bùi chốn cũ”, luôn rộng cửa đón nhận mọi niềm vui, sướng khổ của các tầng lớp nhân dân, từ quan lại giàu có cho đến những học trò nghèo, những người nông dân một nắng hai sương, thậm chí cả phường buôn bán. Tết đến, Xuân về họ đến cửa nhà cụ để xin chữ và câu ca được lưu truyền trong dân gian “Kiếm một cơi trầu thưa với cụ/ Xin đôi câu đối để thờ ông”, chính là để nói về Nguyễn Khuyến và văn hoá trọng chữ trọng nghĩa của người xưa.

Tôi cũng từng đến khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát ở Gia Lâm - Hà Nội, nguyên mẫu trong những trang văn tài hoa của Nguyễn Tuân khi viết về thú chơi “Vang bóng một thời” của dân tộc. Tương truyền, Chu Thần được người đời xưng tụng “Thánh Quát”, một nhà Nho tài hoa, tài tử, người mà nhân dân quanh vùng thường tới nhà ông xin câu đối về treo để mong đợi điều tốt lành như ý. Xin chữ, cho chữ từ xa xưa đã là thuần phong mỹ tục thể hiện nét đẹp tâm hồn người dân Việt và phong vị cốt cách Á Đông. Qua bao dời đổi, qua bao thăng trầm của các triều đại, phong tục đó đã lắng lại thành phù sa, thành trầm tích văn hóa trong sâu thẳm tâm hồn dân tộc.

Thế nhưng, khi thời kì vàng son của các triều đại phong kiến qua đi, khi chữ nghĩa thánh hiền không còn được coi trọng, nhiều ông đồ Nho bỗng thành kẻ lạc thời. Tôi nhớ đến một “Ông đồ” của một nhà văn danh tiếng, nhà văn Thạch Lam, với câu chuyện “Ông đồ Nho” được đăng trên báo Phong Hóa số 171, 21/1/1936. Ông đồ Nho là nhân vật chính trong chuyện, ông cụ viết chữ đẹp lắm và rất đắt khách nhưng kể từ khi người ta bày bán tranh Tàu vẽ những cô gái tân thời xinh đẹp và mũm mĩm thì không ai mua chữ của cụ nữa. Tôi xin lược trích đoạn văn rất xúc động của nhà văn khi viết về tình cảnh của cụ đồ Nho: “…Cụ ngồi suốt buổi chợ mà không bán được tí gì. Cụ thu xếp bút nghiên gọi tôi đến ẵm vào lòng rồi bảo rằng: “Năm nay không có xu nào cho em ăn quà em ạ!”. Tôi ngẩng lên thì thấy ông cụ rơm rớm nước mắt. Ðến tối, thầy tôi ra đòi tiền thuê hiên, ông cụ không có, thầy tôi bắt ngay cái bút và hai vế câu đối rồi đuổi ông cụ đi. Từ năm sau, tôi không thấy cụ đem bán chữ nữa. Hỏi người vú tôi thì vú bảo nghe đâu ông cụ nghèo túng đã chết từ tháng Giêng kia rồi và không có con cái gì cả”.  Tôi thích cách dựng truyện như không có cốt truyện của Thạch Lam, thích giọng văn từ tốn, nhẹ nhàng mà da diết, mà khiến lòng người bận bịu vô hạn. Những ông đồ Nho một thời từng là “lãnh tụ tinh thần” của xã hội tựa như những chiếc lá cuối Thu đứt cuống lìa cành. Càng đọc, càng ngẫm, càng xót xa cho một nét văn hóa cổ kính của dân tộc đã trở thành hoang phế trước cơn lốc Âu hóa.

***

Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, hương vị Tết cổ truyền đang dần phai nhạt nhưng những phong tục tập quán đã đi qua bao thăng trầm thời thế, đã chứa đựng bao thổn thức của ông cha vẫn như mạch nước ngầm âm thầm chảy trong đời sống dân tộc. Khoảng 20 năm gần đây, thú xin chữ - cho chữ đã quay trở lại với người Việt và có xu hướng trẻ hóa. Tôi từng đưa nhiều thế hệ học sinh của mình đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các bậc phụ huynh. Mỗi chữ viết như một tâm nguyện để các em kì vọng và phấn đấu chuẩn bị cho một kì thi mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Từ sáng mùng Một Tết Nguyên Đán, khu Văn Miếu đã kín đặc người xếp hàng xin chữ, chủ yếu là học sinh, sinh viên, những người trung tuổi. Tôi hỏi một người phụ nữ có vẻ từ tỉnh khác đến, chị vui vẻ trả lời: “Mình người Lai Châu, năm nay cậu ấm thi, đến đây xin chữ”. Tôi xem bức thư pháp thấy chữ Hán là “Đăng khoa”. Chị hạ giọng thì thầm: “Chữ thánh hiền thiêng lắm, mình xin cho “quý tử”, mong cậu ấm vượt vũ môn thành công”. Càng về trưa khuôn viên nhà Thái Học càng nhộn nhịp. Những ông đồ, “anh đồ” khăn xếp, áo the ngay ngắn, vừa lướt Facebook, Zalo, vừa giải thích ý nghĩa từng chữ cho người xin. Nếu muốn được ông Tơ, bà Nguyệt xe duyên thì xin chữ “Phúc”, “Duyên”; biếu cha biếu mẹ xin chữ “An”, chữ “Thọ”… Tất cả những ước vọng đẹp đẽ cho một năm mới được thổi hồn trong nét cọ mềm mại. Điều đặc biệt của thú chơi thư pháp là cảnh người viết và người xin đều chăm chú nhìn theo nét mực như áng mây bay trên giấy lụa. Người sáng tạo ra cái đẹp hay người thưởng lãm cái đẹp đang lan tỏa giá trị cổ học trở về trong đời sống đương đại.

 Ở thành phố Thái Nguyên, thú chơi tao nhã này đã trở thành món quà bình dân. Các nơi thờ tự như chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng… từ chiều mùng Một Tết các ông đồ đã mài mực tàu chờ người đồng điệu. Tùy hoàn cảnh, nguyện ước của từng người mà các ông đồ lựa chữ để viết. Trong số đó, thư pháp chữ Việt những năm gần đây được nhiều người đón nhận hơn cả.

Tôi có cậu học trò đã ra trường hơn 10 năm nhưng Tết nào cũng về thăm và tặng tôi một bức tranh thư pháp chữ Việt. Món quà đơn sơ mà chứa đựng trong đó bao ân tình, nhân nghĩa, bởi tự tay em lựa giấy, mài mực và viết. Em tâm sự khi vào Đại học Xây dựng năm thứ hai thì bắt đầu làm quen với chữ thư pháp, ban đầu là Hán Nôm, sau đó chuyển sang thư pháp Việt. Với em, ngồi viết thư pháp là để rèn luyện tâm tính, để thấu hiểu hơn đạo lý, tình người, lời hay ý đẹp qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ rất gần gũi với hầu hết người Việt Nam. Con đường lập nghiệp của em hẳn có nhiều thử thách, nhưng tôi tin rằng, một người biết yêu, biết quý, biết trọng chữ nghĩa sẽ là người biết tu dưỡng sự điềm tĩnh và thành công nhất định đến với em. 

Một mùa Xuân nữa lại về. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được các thế hệ gìn giữ và phát huy. Tôi bỗng nghĩ đến Thạch Lam, người đã xót xa tưởng nhớ người bạn già của mình bằng cách mỗi năm mua một câu đối về treo trong nhà. Tôi nghĩ đến ông đồ Nho cuối mùa thất thế trong bức tranh xuân u hoài của Vũ Đình Liên. Tôi nhớ bố tôi, lúc người còn sống, trên bàn làm việc luôn có bức tranh chữ để tự răn mình. Tôi muốn vọng lời thầm thì đến thế giới của những “người muôn năm cũ” rằng:  Sau bao thăng trầm, bao dời đổi mạch ngầm văn hóa từ bao đời cha ông tích lũy nay đã nảy mầm xanh mới. Những câu đối đỏ, những bức thư pháp, những con chữ của tiền nhân, thứ nghệ thuật tôn quý của dân tộc sẽ lại hồi sinh như nốt nhạc xuân bay lên trong cuộc sống hôm nay.

Camanh Pham

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy