Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
15:58 (GMT +7)

Nồng say hơi lửa

Truyện ngắn. Bùi Thị Như Lan

1. Ngọn lửa bếp ngun ngút, âm ỉ cháy nhả ra những viên than đỏ nhưng nhức mắt, tỏa hơi ấm áp khắp gian nhà sàn vắng vẻ. Từng làn khói trắng đục mỏng manh bay lên mái ngói âm dương, nhẹ nhàng thoát ra ngoài không gian rộng lớn. Cũng có khi khói cao hứng, lôi tàn lửa lốm đốm đỏ, vun vút thốc lên trên bếp, quẩn quanh sà vào gương mặt màu đồng, chi chít vết khứa thời gian của ông nội đang chẻ lạt giang bên bếp. Sau một hồi vờn vít bên ông, khói nhẩn nha len lỏi giữa vách bưng bằng gỗ, tản mát ra ngoài trời đêm ù ù gió chạy.

Bao năm qua rồi, năm nào cũng thế, vào giữa tháng Chạp, khi gió bấc giá lạnh cuối mùa đông lồng lên cứa cắt thịt da, khứa nẻ gót chân, ông nội của Dần đeo nắp dao lên rừng chọn chặt hơn chục cây giang bánh tẻ, gióng dài về chẻ lạt. Thường thì ông tranh thủ chẻ lạt buổi tối. Ban ngày, ông nội bận làm việc ở xã Phù Nếnh.

Mỗi khi cầm dao chẻ lạt, ông dạy Dần, người trên núi tay phải biết pha chẻ giang rừng, không bao giờ để trong nhà hết lạt. Những sợi lạt mềm, mỏng nhẹ chẻ theo mặt phẳng của cây giang, để cuối tháng Chạp gói bánh chưng, bánh gai đón tết. Vô số sợi lạt chẻ nghiêng ống giang, theo chiều dày của cây để buộc mái chuồng lợn, chuồng bò, chuồng dê. Nếu lạt chẻ nghiêng hoặc chẻ phẳng từ hai đến ba, bốn gióng giang thì buộc lại những cột kèo cho chắc chắn… Lạt chẻ xong để lên gác bếp. Lạt ngấm hơi lửa, ăn bồ hóng nên chắc bền. Lạt gói bánh dùng ngay trong dịp tháng Chạp, còn những loại lạt khác trên gác bếp dùng cả năm.

Ông dạy thì Dần nghe. Nhưng đầu thằng trẻ con say sưa với trò chơi con cù, con quay, mê mải cùng lũ trẻ túm tụm chạy nhảy… thì lời ông thoảng qua như gió thổi, mây trôi. Tay Dần học cầm dao chẻ lạt lóng ngóng, không ít lần ngón tay bập vầm chảy máu. Lúc ấy ông khẽ lắc đầu, nghiêm khắc nhắc:

- Dần à, cái tay học làm việc nhà phải để tâm vào. Mày học chữ nhanh, nhưng học làm việc dở nhiều đấy!

Bà nội nghe ông nói thế thở dài, bảo: - Ô! Nó còn bé mà, lớn lên khắc làm tốt thôi! – Sau giây phút ngưng tiếng như ngẫm nghĩ điều gì, bà nội thả lời khó nghe: - Dạy chẻ lạt a? Cũng cần đấy, nhưng ông bảo nó, cách làm ra sợi lạt trói được lòng người mới tốt!

Lời bà nội có mật đắng, có vị chát và nỗi đau dằn vặt. Thế nhưng, ông lặng im thở dài. Mà Dần không biết vì sao bà thi thoảng lại lôi chuyện trói buộc lòng người ra nói, đến nỗi Dần nghe mãi quen tai. Dần bé quá, chưa đủ hiểu lời nói đau của bà nội. Dần không biết có chuyện gì mà bà thỉnh thoảng lại hấn giận, trách cứ vô cớ.

Quanh năm, suốt tháng ông bận việc xã, không giúp bà nhiều việc nhà. Hạt thóc, hạt đỗ, củ khoai, bắp ngô, con gà, con lợn… do bà làm thôi. Mấy năm nay bà không khỏe nữa, thế nên thóc trong nhà không nhiều. Ngô đu vít trên xà ngang, xà dọc ít đi. Tụi lợn trong chuồng chỉ có đôi con. Đàn gà trước đây hàng trăm con lốc nhốc, bây giờ còn vài chục con. Bà muốn nuôi thêm cũng khó vì sức bà không kham nổi. Ông dạo này thường can ngăn bà, ông bảo:

- Bà cả đời vất vả rồi, giờ để tay nghỉ ngơi thư giãn, làm ít thôi! Lương xã của tôi tằn tiện cũng đủ. Nếu thiếu thì có tiền của thằng Diên gửi về để trong ngân hàng, lấy ra một chút mà tiêu.

Bà lắc đầu, thủng thẳng: - Ông thằng Dần à, biết thế nào cho đủ? Nhiều việc trong họ, ngoài bản, việc cháu đi học phải lo, phải dùng đến tiền. Tôi không động đến tiền thằng con. Công sức, mồ hôi, nước mắt của nó. Vả lại tôi làm việc quen rồi, chân tay nghỉ thì buồn bực phát bệnh thôi.

***

2. Ông Thào chẻ xong mớ giang thì trời cũng trôi về đêm khuya. Gió cuối đông ù ù hú rít, lôi sương lạnh lùa từ dưới gầm sàn, thốc lên qua khe gỗ, phả hơi buôn buốt như kim châm vào da thịt. Gió thổi lửa bếp túa ra những ngọn nhỏ bập bùng. Thằng cháu Dần học xong bài đã chúi vào chăn ngủ. Bà vợ ông ngâm gạo nếp từ chiều, giờ cặm cụi vo đãi, để hôm sau rang gạo, làm bánh khảo, chuẩn bị đón xuân.

Mới đấy mà hết năm đến nơi rồi. Ông rót nước lá chè xanh ướp gừng, ủ trong ấm tích ra hai cốc, đưa cho bà: - Bà uống đi cho nóng. Làm bánh khảo ít thôi. Nhà mình không nhiều người.

Bà trầm ngâm thở dài: - Đấy, nghe ông sinh hai mụn con. Con Diệp xuống phố học rồi lấy chồng miền biển. Xa xôi cách trở. Giờ mới sinh đứa thứ hai, tết này sao về được? Chả hiểu thằng chồng nó có nghĩ đến các cụ nhà ngoại mà về thắp hương không?

Chiêu ngụm nước, ông chép miệng thưởng thức hương thơm của trà xanh vị gừng, thủng thẳng bảo: - Mong cho vợ chồng con cái Diệp khỏe mạnh là mừng rồi, trông gì thằng rể nó về hả bà? Nó còn đi làm. Lại trực tết nữa. Năm nay dịch Covid hạn chế đi lại! - Sau phút ngưng lời dụi gộc củi vào bếp, ông bảo: - Đấy, thằng Diên đi một lèo, bảy năm rồi chưa ló mặt về. Tiền nhiều làm gì. Tiền có mua nổi tình cảm không? Chiều nay nó gọi điện, bảo đang đợi máy bay về nước, dịch Covid thì không ở nước ngoài nữa, về thôi.

- Ô, ông bảo nó đi nước ngoài cho biết đây, biết đó, bằng chúng bằng bạn, giờ ca thán gì? Ầy, khi nào nhìn thấy nó về mới tin ông ạ! - Bà nhẹ nhàng trách ông trong hoài nghi.

Ừ, bà vợ ông nói đúng, tại ông thôi. Nó học xong trường đại học công nghiệp, lẽ ra ông không nên cho nó bay nhảy xa, giờ biết cũng muộn rồi. Bảy năm qua đi là bảy năm thằng Dần ngày một khôn lớn. Thằng bé thật ngoan. Mỗi lần nhìn đôi mắt ngây thơ, nhưng đượm buồn của thằng cháu, ông xót xa trong bụng. Nó còn bé quá, chưa biết chuyện. Ông thầm mong thằng con về để nói với thằng bé câu chuyện éo le năm ấy, vào những ngày cuối năm, người bản hối hả chuẩn bị đón tết…

***

3. Dần từ bé quen cảnh nhà có ba người. Ngày này qua ngày khác, Dần lớn lên trong vòng tay bà nội. Ông bận việc xã, thế nên ngày nào bóng chiều nhập nhoạng, chiếc xe máy kêu ình ình mới cùng ông về nhà.

Là Dần buộc phải quen như vậy. Dần muốn ông nội về từ sớm để bám vạt áo ông, đòi ông công kênh trên đôi vai vững chắc. Điều này thì bà nội không làm nổi.

Dần không biết pa mé đi đâu vắng nhà. Nhìn tụi bạn được pa mé chăm nom, săn sóc và dắt đi chơi chợ tết, Dần thèm lắm. Có lẽ điều ao ước nhỏ nhoi, được cuộn tròn người trong sự ủ ấm của mé khi trời trở lạnh, được nhong nhong ngồi trên lưng pa cười khanh khách… là ước mơ viển vông đối với Dần.

Nhưng Dần không dám hỏi ông bà về pa mé. Dần sợ bị mắng. Thế nên cái buồn cứ tích tụ, vón sẹo trong bụng Dần.

Thường thì vào lúc tắt nắng, lũ trẻ con lau nhau chơi cùng Dần tản mát về nhà, nơi tụi nó có pa mé cùng hơi cơm chín tỏa ra từ bếp lửa. Chờ tụi trẻ không còn đứa nào, Dần xuống bờ suối Nậm Ruổi lổm ngổm đá cuội to nhỏ nằm đan xen giữa dải rau dớn, bốn mùa xanh mướt mát. Lặng lẽ nhìn mặt nước lấp loáng bóng hoàng hôn, Dần vớt một viên sỏi trắng mang về nhà. Viên sỏi ấy Dần đặt giáp bếp lửa, chỗ tảng đá đỏ thờ thần bếp. Dần chắp tay lầm rầm: “Con mong ông thần lửa gọi pa mé về giúp con…”.

Sáng sớm, sương giăng trắng bản phả hơi ẩm ướt. Qua đêm, viên sỏi được thần bếp chứng giám, nồng hơi người, ấm hơi lửa. Dần mang sỏi ra bờ suối, khẽ khàng thả xuống nước, thầm thì: “Suối ơi, tao thả viên sỏi có thần bếp chứng giám, mày chảy đến nơi xa, biết chỗ nào có pa mé thì dẫn lối, để pa mé nhớ Dần mà về…”. Dần làm thế vì học theo ông nội. Nhiều lần, ông nội dắt Dần xuống suối, đứng bên bờ suối ngổn ngang đá, ông trầm ngâm như suy nghĩ nhiều lắm. Dần không hiểu có chuyện gì mà mặt ông buồn rượi, Dần giật gấu áo thì ông sực tỉnh, khẽ cười, cúi xuống khỏa nước, nhặt viên sỏi về đặt bên nơi thờ thần lửa, hôm sau mang thả xuống suối.

Dần thắc mắc vì sao thỉnh thoảng ông lại làm thế? Ông trả lời qua quít: - Để người đi xa nóng bụng, nhớ lối về nhà.

Ô! Vậy thì Dần cũng phải học theo ông để pa, mé Dần về nhà thôi. Dần mong lắm ngày được ngồi trong lòng mé, bám lưng pa. Dần sẽ được pa, mé dẫn đi chơi chợ xuân dưới thị trấn như lũ trẻ trong bản. Và còn chuyện, có những bài toán cộng, trừ… nhiều con số khó hiểu, Dần sẽ hỏi pa mé. Dần tin chắc, pa mé giúp Dần học giỏi, để cô giáo khen nhiều như mấy đứa bạn ở lớp.

Nhiều ngày tháng trôi qua, Dần làm việc vớt sỏi, thả sỏi xuống suối mà sao pa mé Dần không về? Dần giấu cái buồn vào sâu trong bụng để ông bà không biết. Thế nhưng, khi đi học ở trường, tụi bạn khoe được pa, mé sắm cho thứ này, thứ nọ vào năm học mới và dịp tết là Dần rất buồn.

Phải chăng, pa mé quên Dần? Nếu không quên thì đã về nhà. Giờ thì Dần bảy tuổi rồi. Dần biết giúp ông bà nội nấu cơm canh, băm rau lợn, chăn gà, cùng bà trồng rau, tra hạt ngô… Bà nội khen Dần học chữ sáng dạ, làm việc nhà chăm chỉ, hơn pa của Dần hồi xưa. Đấy, bà lại nhắc đến pa làm Dần muốn khóc. Nhưng, không biết có chuyện gì mà Dần chả thấy ông bà nhắc đến mé nhỉ? Mé là người thế nào? Cao hay thấp, có đẹp như cô giáo của Dần không? Nhiều câu hỏi nén chặt trong đầu Dần. Không hiểu từ khi nào Dần biết giấu kín suy nghĩ.

Có lẽ chỉ có những đám mây lang thang lửng lơ bay ngang bầu trời, tụi cây rừng xào xạc lá gọi lũ chim bay về tổ lúc chiều tối, hay con suối róc rách thủ thỉ là thi thoảng chứng kiến nỗi buồn cùng dòng nước mắt buồn tủi của Dần thôi. Dần bấp bênh, âu lo trong cuộc sống của đứa trẻ thiếu tình thương, hơi ấm của pa mé. Nhưng bù lại, Dần được ông bà nội chăm chút, dạy dỗ thành thằng trai cứng cỏi.

***

4. Ký ức bồi hồi đưa nếp nghĩ của ông Thào ngược dòng hồi tưởng.

…Chiều hai mươi sáu Tết. Gió cuối đông thả từng đợt lạnh buốt hoang hoải, những cây mận trong vườn nhà hé mắt, tách vỏ nẩy vô vàn những chiếc nụ chúm chím trên cành khẳng khiu. Cây đào già trước cổng năm nay trổ hoa sớm. Những bông màu hồng rực, rung rinh tỏa hương thơm nhẹ nhàng. Ông Thào cho nắm lạt giang chẻ từ những hôm trước vào trong chậu gỗ hương, đựng nước lá chanh, lá gừng âm ấm. Lạt trắng xanh mềm mại được tắm nước lá thơm, gói bánh chưng ngày tết mới chay tịnh. Việc tắm lạt trước khi gói bánh trong dòng họ Lý có từ lâu đời.

Cách đây ba ngày, thằng Diên gọi điện thoại về khoe, nó thi lấy bằng giỏi tiếng Hàn rồi. Sang năm mới, qua xuân nó sang nước ngoài làm việc. Ừ nó giống như con chim, bay đến những nơi rừng lạ cho tốt cái thân. Việc thằng Diên đi xa là chuyện lớn của nhà này. Thế nên, ông nói với bà gói hai loại bánh để dâng lên cúng tiên tổ. Bánh chưng nhân đỗ xanh với thịt gọi là pẻng ben. Bánh chưng nhân cá, lá gừng gọi là pẻng hó.

Bà Thào trải mâm gỗ xuống sàn nhà gói bánh, chép miệng nói: - Ông à, tết xong thằng con đi xa. Giục mãi mà nó không đưa đứa gái nào về làm dâu.

Vừa bê rá gạo nếp thơm phức đến bên mâm gỗ để gói bánh, ông Thào hồ hởi: - Bà lúc nào cũng nóng bụng, thằng Diên mới ngoài đôi mươi. Cứ sang bên Hàn làm việc vài năm, kiếm tí vốn kha khá rồi về lấy vợ chưa muộn.

Nghe ông chồng nói thế bà giãy nảy: - Ông không giục nó thì thôi, lại còn đồng tình. Nhà đông đàn dài lũ gì đâu. Thêm người thêm vui. Nhìn nhà người ta mà thèm…

- Ôi dà! Bà cứ từ từ, sau này nó về, mang đứa dâu ngoan vào nhà, sinh liền mấy đứa cháu, tha hồ bế bồng! – Ông nói thế rồi cười khà khà, tiếng cười của ông át tiếng gió.

Bất chợt, ông Thào giỏng tai lên nghe ngóng, mắt nhìn xuống con đường mờ mịt sương chiều lạnh buốt. Dường như có tiếng bước chân chắc nịch đang vang lên trên đường đá, rẽ vào ngõ. Ông nhận ra đó là nết đi của thằng Diên. Nhưng mọi khi nó bước chậm hơn, vậy sao hôm nay hối hả, gấp gáp đến thế? Ông nhao ra cầu thang.

Từ ngoài gốc cây đào, thằng Diên đã gọi ời ời: Pa mé à, con về rồi! - Giọng nó vui đấy nhưng sao nghe âm sắc là lạ.

Mắt ông nhìn sững vào đôi tay trước ngực nó. Ô! Nó đang bê bọc chăn hoa gì thế kia?

Diên lên nhà, mang theo cái lạnh ập vào. Nó xuýt xoa ào đến bên bếp đang đỏ lửa, hít hà hơi ấm. Ông bà Thào tròn mắt sững người. Từ trong chăn bông hoa của trẻ con trên tay Diên, tiếng khóc váng lên “oa…oa…oa” phá vỡ sự tĩnh lặng thường ngày.

Diên cuống quít: - Mé à, chắc nó đói, mé… mé giúp con!

Buông tay gói bánh, bà Thào đón tay bế đứa bé. Bà ngạc nhiên quá đỗi, tại sao đứa bé này lại cùng Diên về nhà? Lẽ nào thằng Diên đã giấu ông bà chuyện tày trời?… Bà nặng giọng: - Mé thằng bé đâu? Sao… như thế hả Diên?

Ông Thào tuy trong bụng như có chảo mỡ đang sôi, nhưng ông nén chặt, lụi cụi tiếp tục gói bánh. Ông chưa cất tiếng hỏi thằng con về chuyện lạ. Cứ từ từ không vội vàng. Nhiều khi nóng giận hỏng việc.

Diên biết trả lời mé thế nào đây? Chuyện đến với Diên đường đột như thể có đá đè người anh. Diên thở dài, loay hoay lục trong chiếc túi đựng đầy tã lót. Anh thầm nghĩ, người mẹ này chuẩn bị nhiều thứ trước khi bỏ con. Phía trên tã lót, bỉm trẻ con là ba hộp sữa Anpha dùng cho trẻ từ một đến ba tháng, chiếc bình nhựa bú sữa be bé…

Diên xem nhanh công thức pha sữa trên vỏ hộp, vội vàng cho sữa vào bình cùng nước ấm lắc đều, để bé bú. Chắc nó đói lắm mới khóc ngằn ngặt thế.

Vừa ru rím à ơi, bà Thào vừa giở chiếc chăn ra, miệng nựng khéo: - À, à, bà xem nào. Ừ, chiếc bỉm nặng rồi đây, để bà thay rửa cho bé nhỉ. À, ừ… à, ừ…! Bất chợt, bà mỉm cười: - Ông à, thằng bé con… Gớm, to mồm thế, chắc thằng bố nó để em đói hả?

Diên sững người lẩm bẩm: - Có phải bố đâu mà mé nói vậy?

- Ô, vậy thì ở đâu ra thằng bé này? - Bà Thào hỏi giật giọng.

Là Bí thư xã nên ông Thào nhạy cảm. Vội dừng gói bánh, ông cầm tờ giấy Diên vừa để cạnh hộp sữa. Mắt ông vẽ hoa, nhảy múa trước những con chữ tròn trịa, rất đẹp nhưng đôi nét nhòe mờ bởi nước loang, ông cất tiếng đọc rõ ràng để bà vợ cùng thằng con nghe:

“…Ngàn lần xin lỗi anh (chị). Vì hoàn cảnh em và bố cháu còn trẻ, mới là sinh viên năm thứ hai, trót dại dột nhỡ nhàng… bố mẹ em không biết chuyện này. Gia đình bố cháu không thừa nhận cháu. Bố cháu dù có tình cảm với thằng bé con, nhưng sống phụ thuộc nên không dám trái lời gia đình… Em không có khả năng nuôi cháu. Xin anh (chị) rủ lòng từ bi nuôi cháu nên người giúp em. Em ngàn lần tạ tội… Cháu sinh ngày 10 tháng 11 năm…”

Sao mà xa xót đến thế? Tụi trẻ bây giờ chỉ cần mấy dòng chữ này để chối bỏ con mình hay sao? Nó có còn là người không? Tụi người nhiều chữ này, ở trong góc tối của xã hội hiện đại! Chữ nhiều mà không có đạo đức thì vứt đi rồi! - Ông Thào thầm nghĩ.

Bà Thào sững người luống cuống, chếnh choáng.

Gió lạnh ào ạt hú gọi tối. Tiếng nước dưới dòng suối Nậm Ruổi rì rầm.

Thằng bé được bú no đã ngủ. Bà giục Diên lấy cái chăn của anh hồi bé trong chiếc hòm gỗ, trải xuống sàn cạnh bếp, nhẹ nhàng đặt thằng bé ở đấy cho ấm.

Bỗng nhiên nhà ông được lộc người. Lộc người có phải ai muốn mà được đâu. Thôi thì có phúc, có phần. Các cụ từ xa xưa nói như thế.

Nồi bánh chưng được Diên cùng cha bắc lên bếp vuông đang tí tách reo. Tết tỏa hương nồng nàn trên khắp bản.

***

Giữa trưa tháng Chạp. Mặt trời trên núi thả những lọn nắng vàng nhè nhẹ, xua cái lạnh, kéo tụi sương lên núi.

Lửa bếp ngun ngún tỏa hơi ấm. Bên mâm gỗ, bà nội thoăn thoắt gói từng phong bánh khảo bằng giấy xanh đỏ. Ông nội sắp bánh vào đĩa, dâng lên ban thờ tổ tiên và phiến đá nơi thờ “thần lửa”. Dần lón cón giúp bà xếp từng chiếc bánh khảo vào khay gỗ. Hơi lửa thổi má Dần hồng rực. Bà nội cười tủm tỉm: - Thằng cháu tôi gương mặt nồng say hơi lửa!

Bất chợt, Dần đưa tay lên ôm má, nghiêng nghiêng, lúc lắc đầu trong tiếng cười vang sảng khoái của ông nội. Dần vui quá đi! Hương bánh khảo gọi Tết đến đấy. Không biết pa mé Dần có biết lối về vui xuân với ông bà cùng Dần không? Nghĩ thế, Dần đưa đôi mắt trong veo ngóng ra ngoài cổng.

Ô! Mắt Dần sáng rỡ. Cây đào già trước cổng hé mắt nảy lộc non xanh, trổ hoa gọi Tết về. Sắc hoa rạng rỡ như từng đốm lửa hồng nhảy nhót, sống động. Trên những cành đào, tụi chim sẻ đá nhảy nhót, bay lượn hót véo von, vang âm giữa vòm trời vời vợi nắng vàng.

Minh họa. Dương Văn Chung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước