Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:49 (GMT +7)

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

VNTN- Tết, ai cũng có nhà để về. Nhưng có rất nhiều trường hợp không thể về nhà. Tôi đã đến Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh và Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Lao Động - TB&XH) để thăm những mảnh đời như thế.

Sưởi lửa, một thú vui đối với nhiều bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh
Sưởi lửa, một thú vui đối với nhiều bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh

Tết ở xứ “người điên”

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài”... Giọng hát “ma mị”, quyến luyến pha chút day dứt được cất cao từ một nữ bệnh nhân tâm thần khiến tôi thảng thốt: Chất giọng “ngang ngửa” với ca sĩ Khánh Ly. Thấy tôi tán dương, cô gái ấy nhoẻn cười vô tư: Em đang tập lại bài hát để chuẩn bị tham gia chương trình văn nghệ đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn đấy.

Tôi đang băn khoăn: Đẹp thế, khôn thế mà lại điên (?), thì cô gái hồn nhiên bảo: Em bị “điên xịn” đấy. Vì trước đây học chưa hết lớp 12 em trốn nhà theo bạn đi vũ trường, làm nhân viên quán karaoke, làm chỗ để người thiên hạ “gác tay”. Có tiền, em tập hút, hít, bay, lắc rồi nghiện lúc nào không biết. Do sử dụng nhiều chất gây nghiện nên bị bệnh tâm thần, em được bố mẹ đưa vào đây chữa bệnh. Tết này đăng ký tham gia mấy tiết mục văn nghệ cho đỡ nhớ “nghề”.

Anh Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh cho biết: Trung tâm tổ chức cho bệnh nhân ăn Tết Nguyên đán 5 ngày, trong đó 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết. Các chế độ về dinh dưỡng cho bệnh nhân được cấp phát theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Khẩu phần ăn của từng bệnh nhân tăng hơn so với ngày thường, đương nhiên không thể thiếu bánh chưng, hương vị của ngày tết truyền thống. Trung tâm còn tổ chức cho bệnh nhân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, như: kéo co, thi đấu cầu lông, cờ tướng, đập niêu, tung còn và giao lưu văn nghệ. Các hoạt động này cũng là một liệu pháp điều trị quan trọng giúp bệnh nhân không bi quan, tự ti, sống hòa nhập với mọi người xung quanh.

Tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, các bệnh nhân nhàn tản, tán gẫu qua ngày
Tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, các bệnh nhân nhàn tản, tán gẫu qua ngày

Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng tâm thần kinh cho 253 người, trong đó 209 người theo quyết định tập trung, 1 người theo quyết định khẩn cấp và 43 người là đối tượng tự nguyện. Thương nhất là các trường hợp bị tâm thần mãn tính kèm theo nhiều bệnh nền khác như: đái tháo đường, huyết áp, tim mạch. Đặc biệt có một số bệnh nhân phải chăm sóc cấp độ 1. Công việc vất vả, nhiều khi không an toàn vì bệnh nhân có thể lên cơn kích động bất cứ lúc nào. Có thể ở ngoài đời, ngay cả gia đình họ cũng ruồng rẫy, chối bỏ trách nhiệm, song với chúng tôi thì họ luôn là con người. Họ cần được tôn trọng như tất cả mọi người.

Trung tâm trở thành mái ấm che chở cho bao phận đời bất hạnh. Ở đó họ không bị giam cầm bằng xích sắt, không phải gào thét vì bị xua đuổi. Họ được ăn đúng bữa, ngủ đúng giấc và được nói những câu chuyện của mình. Họ là bệnh nhân, nên cần được điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần kinh đúng như cái tên của Trung tâm. Một sự trân quý đáng ghi nhận là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở đây đã hiện thực được hy vọng mang lại cho người bệnh một đời sống tinh thần tỉnh táo. Đó là khoảng thời gian người bệnh được sống có ý nghĩa với chính mình. Anh Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm phấn chấn: Trung tâm vừa được Nhà nước đầu tư 70 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang lại cơ sở vật chất. Toàn bộ các hạng mục công trình mới hoàn thiện, kịp đưa vào sử dụng phục vụ bệnh nhân.

Bệnh nhân Phan Đức Trung bảo: Tôi có hơn 30 năm ăn Tết ở Trung tâm. Tết nào cũng có bánh chưng ăn thoải mái. Ngồi cạnh, ông Hoàng Văn Quân kẻ cả: Mày đã là gì, tao 40 năm ăn Tết ở các trung tâm tâm thần. Tao chuyển về Trung tâm này từ năm 1993. Lúc ấy Trung tâm mới thành lập, toàn đồi guột mà tao không trốn lần nào. Vì ở đây tao mới có cơm ăn, chỗ ngủ. Tết nào tao cũng giấu đi một ít bánh chưng để làm quà cho người thân, nhưng chẳng có ai thăm. Tao lại phải ăn hết.

Cụ Dương Thị Bài, 107 tuổi (áo đen) đã mấy chục năm đón tết ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội
Cụ Dương Thị Bài, 107 tuổi (áo đen) đã mấy chục năm đón tết ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội

 Ông Quân dừng lời, mắt ứa nước xúc động: Nhớ nhà lắm mà không có ai đón. Ai cũng sợ. Tao đã đập phá nhà cửa, đánh anh trai ruột đến nay vẫn còn mang tật. Tao bị nhốt trong cũi sắt, bị xích chân tay. Vừa lúc đó một bệnh nhân trung tuổi đến gần, không khảo mà xưng: Bận đó, tôi thấy một con quỷ rất hung dữ. Tôi dùng dao chém một nhát đứt cổ, chết tại chỗ. Sau này tôi mới biết đó là mẹ đẻ của mình… Hỏi người quản lý Trung tâm, tôi biết bệnh nhân đó là Trần Tuấn Tú, năm đó anh đang học năm thứ 2 Trường Đại học Nông - Lâm (Đại học Thái Nguyên). Một bệnh nhân nữ “sán lại” góp chuyện: Tôi là một trong những bệnh nhân đầu tiên được vào đây điều trị, rồi ở hẳn cho đến nay. Vì mỗi lần về nhà được ít hôm lại “lưu lạc giang hồ”, bị bọn nghiện hút hãm hiếp.

Nếu ở bên ngoài bờ rào Trung tâm, sẽ không ai biết đây là những bệnh nhân tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên khoa I Tâm thần, chia sẻ: Được như vậy là bởi những năm gần đây Trung tâm thực hiện phác đồ điều trị phù hợp. Do tâm bệnh, nên ngoài thuốc, chế độ dinh dưỡng, lao động trị liệu, quan trọng là liệu pháp tâm lý tạo cho người bệnh thấy mình được tôn trọng, chí ít là giảm cơn, sau đến ổn định tâm thần…

Thấy chúng tôi trở ra ngoài khu nội trú nữ, cô gái nhận mình là “điên xịn” lại gần, hồn nhiên cất cao giọng hát trong trẻo: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”… rồi đột ngột dừng câu hát, bảo: Ở đây, đi đâu loanh quanh làm gì cho mệt anh nhỉ?.

Mỗi bệnh nhân một bệnh án, có người bị tâm thần bẩm sinh, suốt cuộc đời khóc cười trong vô thức. Nhưng nhiều người mắc chứng tâm thần vì thất bại trong cuộc sống, suy nghĩ quá nhiều đến phát điên. Những năm gần đây có thêm bệnh nhân do nghiện games, nghiện ma túy… Nên ở “xứ người điên” có bệnh nhân trước lúc vào đây là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, học sinh, sinh viên… Những lúc tỉnh táo, tất cả họ đều biết mình không may mắc phải căn bệnh… giời đày. Họ khát khao trở về với gia đình, xã hội. Nhưng họ cũng biết chỉ có ở Trung tâm mới thật sự là mái nhà đủ lớn, có những con người chia sẻ, chở che, chăm lo cho họ từ bữa ăn, giấc ngủ… và đón những mùa Xuân an lành.

Mỗi đối tượng một suất ăn theo chế độ dinh dưỡng khác nhau (tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội)
Mỗi đối tượng một suất ăn theo chế độ dinh dưỡng khác nhau (tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội)

Tết của yêu thương

Gần gũi, ân cần như đối với cha mẹ mình, cử chỉ ấy chỉ có ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên. Tôi nghĩ như thế khi chứng kiến các anh, chị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Trung tâm bấy nay tận tâm với công việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội.

Chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Chúng tôi coi các cụ như cha mẹ mình; coi các cháu như con đẻ của mình. Thậm chí còn hơn thế, vì chúng tôi bảo đảm chăm sóc cho đối tượng 24/24 giờ/ngày… Hiện trung tâm đang quản lý nuôi dưỡng, chăm sóc 60 người cao tuổi và trẻ em. Nhiều cụ có thể trạng yếu do bị tai biến mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, liệt và mắc chứng bệnh hoang tưởng. Còn với trẻ em phần nhiều mắc các bệnh bẩm sinh như não úng thủy, trí tuệ phát triển kém và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nên ngày Tết chúng tôi động viên nhau cố gắng bù đắp cho các cụ, các em những gì tốt nhất có thể.

Qua trò chuyện chúng tôi được biết thêm: Trong năm 2023 vừa qua Trung tâm đã tổ chức khám, điều trị tại chỗ cho 1.127 lượt đối tượng; đưa 322 lượt đối tượng đi khám tại bệnh viện tuyến trên; 6 đối tượng nằm điều trị tại bệnh viện. Cùng với đó là sự học cho con trẻ, trong năm có 1 cháu hoàn thành chương trình học tập cấp THCS. Hiện 2 trẻ học mầm non, 5 trẻ tiểu học và 1 trẻ học nghề… Trở lại với câu chuyện Tết Nguyên đán. Theo chế độ của Nhà nước các đối tượng ở Trung tâm được chế độ ăn Tết 5 ngày. Nhưng ở Trung tâm, Tết thường về sớm hơn, có khi từ sau ngày Tết ông Công ông Táo đã có đoàn đại diện cho cơ quan Nhà nước, các đoàn thiện tâm đến tặng quà. Hương vị Tết sớm gợi lòng người nuối nhớ về những tháng năm họ có một cái Tết yên vui, sum vầy. Nhưng vì một lý do nào đó họ trở thành người cô đơn, không nơi nương tựa, trở thành công dân của Trung tâm.

107 tuổi, cụ Dương Thị Bài còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ bảo: Gần suốt cuộc đời tôi sống ở Trung tâm này nên tôi được ăn ở đây mấy mươi cái Tết. Ngoài chế độ theo tiêu chuẩn Nhà nước, chúng tôi còn có các nhà hảo tâm đến tận giường tặng quà, mừng tiền... Mấy năm gần đây cụ đã yếu, mọi sinh hoạt cá nhân đều do cán bộ Trung tâm hỗ trợ. Có mặt ở đó, chị Trịnh Thị Lan Phương, phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng cho biết: Bản thân các cụ cũng luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Như tham gia các hoạt động thể dục buổi sáng, đánh cờ, xem ti vi, tự dọn dẹp phòng ở, cùng cán bộ tăng gia trồng thêm rau xanh cải thiện bữa ăn. Bà Long Thị Định là một tấm gương. Bị cụt 2 tay nhưng bà vẫn tích cực trồng rau, giúp các cụ đau yếu gấp chăn màn, khâu vá quần áo, cùng cán bộ Trung tâm giúp các cụ, các cháu ăn Tết vui vẻ.

Chơi cờ tướng cũng là một thú vui của các bệnh nhân
Chơi cờ tướng cũng là một thú vui của các bệnh nhân

Tôi nhìn ra khoảng sân trước dãy nhà, các cháu đang hồn nhiên nô đùa với trò “xồ cô la cô nề” - trò chơi con mực. Một nhóm khác chơi cầu lông, đá cầu… Không khí Tết ngập tràn Trung tâm. Các bé em tươi tắn với quần áo mới, gặp ai cũng chào hỏi lễ phép. Song phía sau nụ cười hồn nhiên con trẻ, tôi nhận ra có gì đó vời vợi một niềm đau thân phận. Ví như Hoàng Thị Yến, 17 tuổi, bố mẹ chết do căn bệnh AIDS. 8 tuổi, em thành trẻ mồ côi. Rồi Nguyễn Văn Khánh, 16 tuổi. Khánh bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện khi mới sinh. Một gia đình hiếm con đã nhận em về nuôi. Nhưng sau 2 năm em bị cha mẹ nuôi từ chối, giao lại cho Trung tâm nuôi dưỡng.

Mỗi “thiên thần” ở Trung tâm mang một cảnh ngộ éo le, nhưng có chung một may mắn là được Trung tâm đón nhận vào nuôi dưỡng. Trừ các em nhỏ bị bại não, bị thiểu năng trí tuệ, còn tất cả đều được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên cấp dưỡng cho biết: Công việc của nhà bếp đương nhiên là nấu ăn. Nhưng có rất nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau: Cơm thường, cơm nát, cháo, bột; thức ăn có thịt băm, thịt kho tàu, thịt luộc, chả lá lốt. Mỗi người một sở thích, lại nữa là rất nhiều người ăn kiêng khác nhau như bệnh tiểu đường, xương khớp… Vào dịp Tết, công việc có vất vả hơn, bởi chiều theo ý đối tượng. Đơn giản như bánh chưng cũng có người thích luộc, rán hoặc nướng. Đồ ăn không hết, các cụ mang về treo đầu giường làm của riêng. Đến bữa lại mang xuống nhà ăn, sẻ chia cho mọi người cùng thưởng thức.

Trước Tết Nguyên đán 2024, Trung Bảo trợ và Công tác xã hội đón nhận thêm thành viên mới (em bé đang bế trên tay)
Trước Tết Nguyên đán 2024, Trung Bảo trợ và Công tác xã hội đón nhận thêm thành viên mới (em bé đang bế trên tay)

Những ngày Tết đầy tình người ấm áp, mọi người chúc nhau vui vẻ, bình yên. Trước Tết Giáp Thìn 2024, Trung tâm đón nhận thêm một em bé hơn 2 tháng tuổi. Từ nay các cụ ở Trung tâm sẽ là ông, bà của bé; cán bộ, công chức viên chức, người lao động ở Trung tâm là bố mẹ của bé; các trẻ mồ côi lớn hơn là anh chị của bé. Bé đang ngủ ngon trong vòng tay yêu thương của các mẹ.

***

Đã bao mùa xuân nay, đội ngũ những người làm công tác bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên, lớp sau theo gương lớp trước kiên trì làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp… Họ là những người mang trái tim thiện tâm trong sáng. Ngay cả dịp Tết đến, xuân về đều nguyện gác lại hạnh phúc riêng để làm nhiệm vụ chăm lo cho các đối tượng được bảo trợ xã hội.

Phóng sự. Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy