Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:12 (GMT +7)

Nói gì qua Thời cách ngăn trống rỗng?

(đọc tập thơ Thời cách ngăn trống rỗng của Lữ Mai. Nxb Hội Nhà văn, 2019)

mọi tưởng tượng đều có thật

vỡ từ trong mất mát vời xa

(Lữ Mai)

Thông thường, khi tâm đắc về một bài/tập thơ, người đọc hay lần tìm những thông tin bên lề về tác giả, nhất là những cảnh huống riêng tư, nhằm cắt nghĩa, lí giải người thơ ấy, cũng từ đó mà đưa ra những phẩm bình. Tôi lại thích một hành trình ngược lại, ấy là lần theo thơ mà tìm ra người, đúng hơn là hình dung ra chân dung tinh thần và con người bản thể của nhà thơ.

Điều này thật ra không dễ và không phải bao giờ cũng thành công. Nó cần một yếu tố, như một điều kiện tiên quyết, là nhà thơ phải có được bản thể thơ của riêng mình, một thứ vân tay để định dạng, một căn cước để du hành được vào cõi thơ. Và như một tình cờ hạnh phúc, tôi gặp được và nhận ra điều đó qua Thời cách ngăn trống rỗng. Tập thơ như một bức ngăn mỏng mảnh và huyền thiêng, mỏng mảnh như không hề có và huyền thiêng đến độ, không có cơ duyên thì không dễ bị nó ám dụ, như một thứ bùa ngải của chữ.

 

Bìa tập thơ Thời cách ngăn trống rỗng

Thời cách ngăn trống rỗng dễ dàng đánh lừa người đọc bởi cảm giác về sự thờ ơ trễ nải trong cuồn cuộn, náo nhiệt của đời sống thơ đương đại (khi người ta luôn túc trực sự quan tâm của mình cho những đại tự sự, hoặc khuếch trương sự phì đại bằng cách ních đầy (các bài) thơ vào một khuôn kích nhằm áp đảo thị giác người đọc). Nó co lại, mỏng mảnh và khiêm nhường trong khổ 12,5 x 20,5cm; cũng chỉ vẻn vẹn có 28 bài thơ thả kí tự lên 100 trang in. Bằng cách đó, người thơ đang kín đáo nhắn đi một thông điệp, chị đang chọn thơ như chọn tuổi mình.

Tập thơ được in vào năm 2019 và hình như đến thời điểm đó, Lữ Mai cũng mới chỉ là một thiếu phụ vừa kịp chạm ngưỡng 30. Vậy mà, cảm giác về sự già dặn của những trải nghiệm, đôi khi là những triết lí, những thông điệp giàu chất nhân văn, cứ nhỏ nhẹ, trầm tư mà hiện hữu. Thơ Lữ Mai trở thành “thơ của nỗi niềm” vừa giản dị, vừa sâu sắc. Nó dắt ta đi lạc vào cõi huyền mê của vô thức để từ đó hiện sinh những duyên thầm ma mị.

Lữ Mai tách mình khỏi đại lộ chữ nghĩa ồn ào và xô bồ. Chị chọn đi một mình trên một lối riêng, mượn thơ để tự sự với mình, để giãi bày mình. Ai đó có thể thấy một Lữ Mai hoạt nhiên ngoài đời nhưng đó là Lữ Mai trong thế giới của công việc, của phận sự, nó tách biệt với thế giới nội tâm dường như vốn không thích phơi bày trong con người chị. Chị đắm mình trong cõi riêng bằng một “cách ngăn trống rỗng”, trong suốt đến vô hình. Thì đấy, hãy nghe lời rủ rỉ:

làm sao thấy được em

ngày xuân tuyết trinh kỳ trăng quên hẹn

những đôi mắt tự tìm mình

những gót giày nhỏ xinh lười bách bộ

(Mắt sưa)

Cõi riêng của Lữ Mai bao chứa nhiều bí mật. Nó giấu chị thật kĩ trong những hoan mê của quan sát và chiêm nghiệm. Nó vô thanh trong ồn ào trống rỗng của cuộc sống đầy bất ổn và nhiễu nhương, của những “nhạc rót lanh canh cơm áo/người ta vừa quên nhau xôn xao”. Trong cõi riêng đầy mê hoặc ấy, chỉ còn thế giới riêng của chị - thế giới hiện hữu những yêu thương vô lượng chị dành cho gia đình và những người bạn tri âm.

Đó là khi chị “xem tranh con vẽ” rồi đằm mình trong mĩ cảm thưởng ngoạn, cố lãng quên những gì vô nghĩa:

sau tiếng động không ai vào đây cả

ta cũng quên ta sau chỗ ta ngồi

bức tranh con vẽ bắt đầu lay động

(Xem tranh con vẽ)

Đó là khi chị đối diện trước sự đơn điệu buồn tẻ đằng sau sự bức bối, chật chội của nhịp sống phố thị:

thành phố lại người xe nghèn nghẹt

đêm thì vẫn trong

đến nỗi chúng ta buồn

khi bên cạnh mình - đều đều - nhịp thở

(Khai bút).

Thơ Lữ Mai chất chứa những tâm sự. Có điều, đó không phải là sự bộc bạch, giãi bày mang tính hướng ngoại để cầu vịn một sự đồng cảm. Nó là những lời riêng chị nói với mình và nói cho mình, như một cách giải tỏa ẩn ức. Ta nhận ra điều đó trong cả những bài thơ chị viết về bạn bè. Viết về bạn bè cũng không phải để dành cho bạn bè mà chính là cho chị. Chị lặng lẽ quan sát, ngẫm ngợi và cố gắng cắt nghĩa, lí giải hiện tượng bằng cách hình dung về những cảm nhận, như một mâu thuẫn, giữa cái bản thể được ẩn giấu và cái hình thức được phô diễn, để rồi nhận ra cái cô đơn khủng khiếp đến tội nghiệp của con người. Viết cho Nguyên, Sinh nhật Vũ là những bài thơ như vậy:

Nguyên dỗi hờn Nguyên khuyên can Nguyên lo toan

không cứu nổi chuyến đi thuộc về tưởng tượng

một trong số chúng ta quên mất chân dung mình

đành trông ngóng vào tàn tro bản thể

(Viết cho Nguyên)

Khi nhận ra bất lực của sự hữu hạn, con người ta càng biết trân quí nhau hơn. Những tri âm cần vô ngôn để hiện hữu. Cảm nhận sự bất lực là cảm nhận nỗi đau cùng tận:

Lồng ngực Vũ chẳng có gì ngoài khói

và đỉnh núi mù xa

nơi Vũ hát đồng dao một mình

bỏ rơi những cuộc hẹn hò sóng sánh

(…)

lồng ngực Vũ chẳng có gì ngoài khói

lênh loang vương vất kiếp người

(Sinh nhật Vũ)

Lảng xa cái đường biên của tả thực, lại vượt qua cả cái ngăn giới của thị giác, thơ Lữ Mai tròng trành ẩn hiện trong cảm thức bằng những liên tưởng xa xăm. Trong tâm thế ấy, chị nhận ra một chiều đông Vĩnh Phúc phố nâu trầm/ ở đó nhà sàn tượng đồng xám lạnh/ đôi điều giá buốt lanh canh (Sinh nhật); một Linh Đàm nắng đục hơn sương/ lăng mộ đá vẳng lời sân hận/…/hồn sen thơm người bán dạo yểm bùa/ phảng phất chén trà xưa bi lụy (Gần giống một khúc rời), hay Trẻ miền Trung vượt lũ bè bằng chuối/ khi biết đau nước mắt đã chìm/ những chiếc bè là mảnh tim thoi thóp/ trong xa vời tháng năm (Sau lũ)…

Bản năng thi sĩ thường dẫn dụ Lữ Mai lần hồi trên những con đường nước mắt. Nước mắt lăn qua những mảnh đời, những phận người khốn khó. Trực giác của trái tim đa cảm giúp chị nhận ra đằng sau hiện thực ở cả hai phía bình lặng hay xô bồ đều là thế giới của nước mắt, những gì hiện hữu chỉ là một nửa: nửa còn lại trốn phía sau mặt nạ/ không phải mình nước mắt mới tìm ra (Halloween đỉnh núi). Chẳng hạn, đằng sau cuộc sống của người Mông tưởng chừng như đầy thi vị và đậm đặc bản sắc là sự đói khổ, là những kiếp người mỏi mòn. Và thay vì hút vào không gian mơ mộng, nhà thơ lại “nhìn nhau mà khóc” khi vọng theo người người bóng nhòa lưng núi/ váy xòe theo đuôi ngựa cuối thung xa (Mưa Đồng Văn). Cứ thế, nhận dạng sự mong manh của kiếp người đồng nghĩa với cảm nhận sự đau khổ “soi vào đâu cũng gặp mặt người”.

Thế giới trong thơ Lữ Mai đẹp mà buồn, thấm đẫm tâm trạng. Từ “những bông hoa nức nở gọi tên mùa/ những giọt mưa đóng băng từ ý nghĩ” (Không đề) đến “bức tượng an vui đêm nào phẫn nộ/ mắt trùng khơi bờ cõi chân mây/ mi ướt ken dày mưa lũ/ ta bắt đầu nghi hoặc mọi cơn mơ” (Những bài giả dụ). Tất cả “vết dấu mọi khổ đau ngột ngạt” đều “lăn qua khóe mắt trở về…” (Không đề 2). Tôi cứ hình dung người thơ đang phải đấu vật với một sự cô đơn khủng khiếp. Khát vọng về một sự bình yên quá lớn trong một thế giới đầy bất ổn kích hoạt bản năng phòng vệ trong con người chị. Người phụ nữ lãng mạn và duy mĩ ấy hình như đã tự tạo cho mình một bản lĩnh, cá tính đủ mạnh để chị dị ứng với những hoa mĩ tầm phào, những bông đùa cợt nhả.

Cảm giác chị sợ tất cả những gì thái quá, ngay cả tình yêu:

người ta chết vì yêu nhau quá mức/

chỉ buồn đau lặng lẽ đâm chồi

(Những khúc rời tháng Tám).

Thế giới tâm hồn chị đầy những dự cảm âu lo:

Trong tĩnh mịch u minh

dự cảm không thể nào khác được

sợ đêm về sáng

sợ vùng trời lam.

Chị không khoác mặt nạ cho mình mà lựa chọn một sự phân thân rạch ròi giữa con người thơ và con người chức năng, bổn phận. Con người thơ giam mình trong thế giới của những suy tư, liên tưởng trùng điệp trong khi con người chức phận luôn điềm tĩnh và chừng mực, thậm chí mau mắn và chu toàn. Không gian giao tiếp của con người thơ là thế giới của cái tôi bản thể lấy vô ngôn để hiển thị trong khi không gian giao tiếp của con người chức phận luôn được phủ kín bằng một thế giới đầy ắp những đối thoại và ràn rạt những ngôn từ trang kim:

ai cũng nói ngôn từ quá mới

tấc lòng độ lượng mồ côi

tận cùng mọi cuộc đối thoại

là chiếc gai đau nhói chôn vùi

(Những bài giả dụ)

Lữ Mai hay tự phát vấn và phản biện, như một cách để cảnh tỉnh chính mình:

người ta đối thoại với nhau

sao mình đau

thấy như tim ngừng đập

thấy đón đầu cửa ngực một dòng sông

(Những bài giả dụ)

Có cảm giác Lữ Mai là người ưa quan sát. Quan sát không chỉ để “thấy” mà còn để “cảm”, không phải để “nhận ra” mà còn để “suy ngẫm”. Tôi cứ hình dung người thơ như một mặt hồ tĩnh lặng. Ở đó, mỗi viên sỏi rơi đều tạo ra những vòng sóng. Thậm chí, chỉ một tiếng lá rơi cũng gây nên những xao động. Lữ Mai lắng nghe những xao động ấy, ghi lại bằng một thứ ngôn ngữ của “giấc mơ”, thứ ngôn ngữ của hình dung và tưởng tượng. Bởi theo chị, “bất cứ điều gì ngoài giấc mơ/đều mục rữa”. Xuất hiện rất nhiều trong Thời cách ngăn trống rỗng là hình ảnh “đôi mắt” gắn với “cái nhìn” và “điểm nhìn”, nhưng đó là điểm nhìn bên trong, là “những đôi mắt tự tìm mình” để nhận ra ý nghĩ một cách thẳng thắn và trung thực. Bằng cách đó, chị nhìn ra đôi mắt của cô con gái bé bỏng, ngây thơ và hồn nhiên đến độ “đôi mắt ấy chồi non bật sẵn”. Nhiều khi, đó lại là những “mắt người đã khô”, “mắt người lầy lội”, “mắt trùng khơi bờ cõi chân mây”; rồi những “môi thắm mắt buồn”, những “miền mắt ướt” và rất nhiều “nước mắt”.

Cứ hình dung thế giới này, dưới con mắt của Lữ Mai, là một thế giới đắm chìm trong mưa, trong sương và trong những giọt nước mắt. Ủy mị quá chăng? Không phải thế. Lữ Mai nhận ra một thế giới thấm đẫm nước mắt không phải để bi lụy, mà để đồng cảm, để càng thêm trân quí những giá trị của từng hơi thở, của cuộc sống đôi khi còn quá nhọc nhằn, của hạnh phúc như một lằn ranh mong manh những thái cực vui buồn. Khao khát và đam mê, Lữ Mai yêu đến cuồng nhiệt những gì mình đang có.

Thơ Lữ Mai, trong cách đọc của ai đó, có thể dông dài một cách sốt ruột. Những liên tưởng của chị, có thể xa vời đến độ mong manh. Những trực cảm hình dung, những ngẫm ngợi suy tư, có khi mơ hồ như không hiện hữu. Nhưng đó mới chính là chị. Một Lữ Mai của thơ, của đời, của những kí âm sự sống trong Thời cách ngăn trống rỗng. Thơ chị có hơi hướng của trường ca với thế mạnh của những quan sát và suy nghiệm, với cách tạo dựng và đặc tả những chi tiết, đặc biệt là thứ ngôn ngữ giản dị mà tinh tế, thứ ngôn ngữ của tâm trạng. Vượt lên tất cả, ta nhận ra một Lữ Mai bao dung và nhân hậu, đắm say cõi người và yêu thương cuộc đời; một thứ pha lê trong suốt soi thấu tất cả những gì là giả-chân của một “thời cách ngăn trống rỗng”.

Nguồn ảnh: vanchuongthanhphohochiminh.vn

Nhà thơ Lữ Mai:

Tên khai sinh là Lữ Thị Mai, sinh năm 1988, quê Thanh Hóa;

Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam;

Hiện sống và làm việc tại Hà Nội;

Tác phẩm chính: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010); Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngăn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội nhân dân, 2019), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Văn học, 2021)

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy