Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
06:15 (GMT +7)

Nồi cơm đương sôi – Truyện ngắn. Phạm Thuận Thành

VNTN - Mấy năm nay tôi đều dậy sớm theo tiếng kẻng tập quyền của các cụ trong làng. Làm mấy động tác của hai bài thể dục quân đội, đi thêm bài quyền Thái cực, tôi ngồi xuống chiếu mải miết gấp vuốt, gấp vuốt đến lúc ăn sáng. Ăn xong con trẻ đi học, tôi lại gấp vuốt, gấp vuốt đến lưng buổi mới vươn vai đi dạo cho đỡ mỏi. Đường làng đã trải bê tông sạch sẽ. Trục đường chính bây giờ như một đại lộ với phong trào nhà nhà làm dịch vụ. Nhưng vào lúc lưng buổi này đường vắng ngơ vắng ngắt. Chẳng còn ai đánh kẻng phân việc mà người đi đâu hết. Họ đang làm tiền cả đấy. Ai cũng có việc làm, hết rồi cái thời nhàn cư. Nhàn cư vi bất thiện, các cụ lo lắm mà vẫn không tạo được việc. Bây giờ nhàn cư bí tiền tiêu, công việc vô khối. Một cái làng nghề hàng mã mà tạo việc làm cho hàng chục xã lân cận. Nhà tôi cũng là một trong số vệ tinh làng mã. Cả nhà tôi trở thành “xưởng in Tiến Bộ” lúc nào cũng bề bộn giấy mực. Không biết nhà khác thế nào, chứ nhận việc làm mướn này ở nhà tôi phải đấu tranh ghê lắm mới đổi mới được tư duy. Tôi không muốn làm mướn vì đã được đọc “Tư bản”, tường tận chân tơ kẽ tóc rằng đem thân đi làm mướn là tự nộp mạng cho cá mập tư bản bóc lột thặng dư giá trị. Vợ tôi không muốn làm mướn chỉ vì muốn rảnh rang chân tay, có nhiều thời gian đi du lịch xóm làng. Cứ nói làm nghề phụ là nàng giãy nảy lên nào bận rộn, nào không biết làm, nào công thấp. Đến khi làng xóm đều làm mướn hàng mã cả, người già trẻ em có việc làm vừa sức, tha hồ buôn dưa lê có lãi, vợ tôi mới xăng xái đi tìm việc. Nào sản xuất bitit, nào sản xuất nón quai thao (các cụ âm cũng chạy theo mốt đấy), cuối cùng nhà tôi ổn định ở nghề in. Không biết có hiệp hội in không, nếu có tôi hoàn toàn có thể được gia nhập lắm chứ. Tôi có thói quen quan tâm chính sự nên thường mở đài nghe. Tin tức cập nhật 24/24 tôi nắm khá chắc. Hôm nay đài phát mấy bài tranh luận “Dân dĩ thực vi tiên” hay “Dân dĩ thực vi thiên” đúng? Chỉ một câu nói cửa miệng tưởng thế nào cũng được, té ra muốn nói đúng, nói có sách cũng rắc rối lắm. Đấy, các học giả đang phồng mang trợn mắt tranh luận kia kìa. Nào sách cổ, nào sách kim, thế mà tôi nghe ông nào cũng đúng. Vậy biết ăn nói thế nào cho phải đây. Vợ tôi cũng tham gia tranh luận với mấy ông, và tôi coi như đại diện của mấy ông, nàng nói thế này:

- Đúng là mấy ông vô điền trống trôn. Nói theo người Trung Quốc thì cứ hỏi xem người Trung Quốc nói thế nào đúng là được, cãi nhau phí cả giờ đài mà chưa chắc đã ngã ngũ đâu.

- Cô đâu biết giá trị của tranh luận mà cũng đòi. Thế theo cô “vi tiên” đúng hay “vi thiên” đúng nào?

- Coi miếng ăn như người đẹp, vứt. Coi miếng ăn như trời, mà trời thì không ăn được, vứt nốt. Miếng ăn là miếng ăn, ai no rồi thì dửng dưng, ai đói thì thèm, thì tìm cách có để ăn cho no, thế thôi. Đói thì thèm thịt thèm xôi/Đã no cơm tẻ thì thôi mọi ư... ử... ư... đường.

Cải lương liền. Một câu đổ dài tưởng hết hơi. Thằng cu Quý Thư đi mẫu giáo về, thấy mẹ hùng hồn nói về cái ăn liền vỗ tay kiểu Tam quốc nói:

- Bố mẹ cãi nhau gì thế. Con đang đói rồi đây này, có gì cho con ăn với.

- Mẹ đang nấu cơm rồi. Cơm đang sôi đấy.

Thằng bé hít hà mùi cơm thơm sực hỏi tiếp:

- Trưa nay nhà mình ăn cơm với gì?

- Ăn cơm với cơm.

- Eo ôi, thế thì con không ăn đâu.

- Thế Quý Thư thích ăn gì, với ngô, hay khoai, hay sắn, hay trạch đít?

- Thế thì con nhịn.

Bất giác tôi nhìn lên bàn thờ. Cha tôi đã ngồi trên đó từ lâu. Đôi mắt cha mờ đi chứ không sáng như khi ông còn sống. Lạ thật, cũng vẫn một bức ảnh thế mà khi chết mắt trong ảnh lại mờ đi chứ không sáng nữa.

Cha tôi cao to, hoạt bát, nhanh ý. Hồi trẻ từng đi đấu vật đấu cờ ăn giải thiên hạ. Nhưng sức vóc ấy, cơ mưu ấy cả đời không bới đủ mồi nuôi con. Lúc sống ông được gọi là “ông bách nghệ”. Nghề mộc lợp nhà gianh trát vách dậu đất đắp tường từng làm. Đắp đập cắm đăng thả lưới đơm đó riu tôm từng làm. Thịt lợn thịt chó bán chợ quê chợ phố từng làm. Nướng bánh mì tráng bánh đa xay đậu phụ từng làm. Tát vét chăn vịt đóng gạch từng làm. Cha xoay chong chóng để ăn nay lo mai. Biết rằng một nghề thì sống đống nghề thì chết cha tôi vẫn phải xoay bằng mọi giá không để cả đàn đứt bữa. Không đứt bữa nhưng vẫn phải ăn cháo ăn rau. Bữa nào có cơm phải chia định suất. Tuổi mười lăm đang lớn, bụng tôi không bằng lòng với ba lưng cơm cứ biểu tình tuần hành liên tục. Tôi thường giành phần nấu cơm. Chẳng phải tôi chăm chỉ gì đâu, mà nấu cơm sẽ được gặm đũa cái kiếm thêm mấy hạt cơm chín dở lúc ghế. Đấy là số cơm vượt chuẩn tôi khôn khéo giành được của cả nhà, cướp kín mỗi người vài hạt mà không ai biết. Có điều, tổng số cơm được ăn và ăn vụng vẫn chưa bõ bèn gì. Học tối xong tôi xếp bút nghiên vác vợt ra đồng quay châu chấu. Đồng hợp tác cấy thứ lúa còi cọc, hạt thóc chẻ ra làm nghìn mảnh điều hòa cho dân trách chi chẳng đói. Thế mà bọn châu chấu còn phá lúa. Ta quay bắt chúng bay ăn trừ nợ đây. Châu chấu nhảy lục bục trong vợt nilon rất vui tai. Đó là tiếng của miếng no tôi đang đi kiếm. Được ít thì để ăn. Được nhiều bán đong gạo. Châu chấu là tôm bay. Rang khéo ăn như đặc sản, dân quê tôi rất khoái khẩu. Vào thời lúa đông sữa, ngoài món châu chấu tôi còn món cốm tẻ đặc sản của riêng tôi. Cốm Vòng tôi chưa có hân hạnh được nếm thử nhưng đặc sản cốm tẻ của tôi chắc chắn không kém. Tôi đâm nghiện món tôm bay cốm tẻ. Và đã gặp hạn về cái sự nghiện này. Hôm ấy tôi cả gan vượt bãi tha ma Đường Thang sang đồng làng Hến thuộc xã khác kiếm ăn. Trước đây tôi chưa lần nào dám đến gần Đường Thang vì nhìn vào bãi thấy người ngồi lù lù hàng dãy mà sởn tóc gáy. Thấy bảo đồng làng Hến nhiều châu chấu hơn đồng nhà mà tôi đánh bạo vượt ma một chuyến. Ma Đường Thang quả là biết điều ẩn sạch xuống đất mở lối cho tôi đi. Có lẽ bên làng Hến không có người quay châu chấu nên rất dễ kiếm. Mỗi một lượt quay vợt nặng tay hẳn. Tôi kiếm mải mê không biết từ làng Hến người ta đang rùng rùng chạy ra, vừa chạy vừa hô hoán bắt trộm. Khi nhận thấy dòng người tiến thẳng đến chỗ tôi đang quay châu chấu mới ngã ngửa người mình chính là kẻ trộm người ta cần bắt. Tôi hoảng hốt ù té chạy. Chẳng hiểu tôi di chuyển thế nào mà đâm sầm vào một đầm sen đành cứ nhảy bừa xuống rẽ sen mà chạy. Hương sen tỏa thơm ngào ngạt tôi không nhận thấy. Gai sen cứa rách thịt rớm máu tôi cũng không nhận thấy. Uổng thay, phía bờ đối diện người ta đã đứng đợi sẵn rồi. Từ kẻ trộm quay châu chấu bây giờ tôi mắc thêm tội trộm sen là cái chắc. Tôi đành khẽ khàng lui dần vào giữa đầm hi vọng rừng sen che đậy thoát hiểm. Ở trong đầm tôi nghe người bàn:

- Rõ ràng có bóng người chạy mà.

- Nhưng làm gì có ruộng nào bị cắt lúa đâu.

- Có vợt quay châu chấu làm bằng, cứ lùng bắt được người là được thưởng đấy.

Với lòng căm thù kẻ ăn bớt mồ hôi nước mắt, dân làng Hến ken thành hàng ngang lội vào đầm sen lùng bắt tôi. Vừa đi họ vừa phang gậy bừa xuống nước kiểu dọa đuổi cá. Tôi như con cá đang bị úp càn lùi dần lùi dần. Nhưng tôi đã bị một gậy phang trúng đầu, buột mồm kêu ối một tiếng. Và bị người ta túm cổ xách lên bờ như một tên trọng tội.

- Bắt được rồi. Hơ hơ...!

- Đâu đâu, xem mặt mũi nó thế nào nào.

Một que diêm lóe lên dí vào mặt. Tôi rũ lá héo phó mặc số phận.

Ồ, non choẹt thế mà đã đi trộm cắp phá hoại. Mang về nộp đội trưởng lĩnh thưởng thôi.

Làng Hến được phen xáo động. Người ta đổ xô đến nhà đội trưởng xem mặt tên phá hoại. Tôi bị trói giật cánh khuỷu ngồi trước cây đèn tọa đăng để người ta coi dung nhan và để đội trưởng chuẩn bị thẩm vấn. Tôi nghe thấy tiếng “ối” đầy ngạc nhiên ở đâu đó và cảm thấy ánh mắt nhìn cứ khoan vào tôi vẻ dò hỏi. Vừa cảm được vậy tôi đã phải trả lời khai cung.

- Họ tên?

- Lưu Thúc Cần.

- Học lớp mấy?

- Lớp 9.

- Quê?

- Làng Ngô.

- Ai xui đi phá lúa hợp tác?

- Tôi tự đi. Quay châu chấu ở làng tôi không bị coi là phá lúa vì châu chấu mới là kẻ phá lúa.

- Tại sao trong vợt có dính thóc?

- Chắc là chẳng may quệt vào.

- Ngoan cố. Thiếu thành khẩn. Giải ngay lên công an cho tù mọt gông đi.

- Cháu nói thật mà. Cháu quay được bao nhiêu châu chấu thế tránh sao khỏi quệt vào vài bông thóc.

- Vẫn ngoan cố. Hãy giam lại cho nó tự suy nghĩ, sáng mai thẩm vấn tiếp.

Tôi bị nhốt vào nhà ngang. Quần áo ướt, chân tay lấm bùn bê bết bây giờ tôi mới cảm thấy. Sáng mai lấy đâu quần áo đi học đây. Tôi lo đứt buổi học mà không cả ngủ được. Gần sáng mới thiếp đi. Nhắm mắt là mơ màng. Một mình một mâm cỗ. Ăn. Ăn mãi. Ăn mãi. Cơm ngọt lừ. Thịt béo ngậy. Tôi cứ tóp tép mãi không muốn thôi. Tôi nghe thoang thoảng giọng nói:

- Khổ thân, thằng bé đang mơ ăn kìa.

Tôi choàng dậy và ý thức ngay được hoàn cảnh. Trước mặt tôi là bà đội trưởng.

- Cháu ra giếng rửa ráy mặt mũi chân tay rồi vào ăn cơm.

Tôi nghe lệnh như một cái máy.Từ lúc bị bắt tôi đã là cái máy phục tùng. Nước giếng rửa đi hết bùn nhơ cho tôi thành người trong sạch. Mấy chậu nước đục, ghê quá. Đấy là chưa kể bùn ở quần áo đã khô tôi không dám vã nước sợ ướt lạnh.

Mâm cơm đợi sẵn. Xoong cơm kênh vung, cơm cười người no, chủ nhà có ý nấu thêm gạo vì có người lạ cùng ăn. Cơm trắng ăn với thịt rang mặn, ngon quá. Loáng cái tôi đã lùa hết bát cơm đầy, lượng cơm ngang bằng bữa cơm chuẩn ở nhà tôi. Bà đội trưởng đón ngay bát xới tiếp và gắp sẵn cho mấy miếng thịt sợ tôi làm khách không dám gắp. Ông đội trưởng gọi với vào buồng:

- Con Lý đâu ra ăn cơm rồi đi học kẻo muộn, hơn sáu giờ rồi đấy.

Lý à? Lớp tôi cũng có Lý, liệu có phải Lý này không? Ông đội trưởng giục mấy lần mới thấy Lý ra, mặt cúi xuống đất. Nhác trông thấy bóng Lý, đúng là Lý lớp tôi, miếng cơm nghẹn ngang họng, tôi vội buông bát đứng dậy lúng búng chào Lý. Ông đội trưởng (chắc là đã được Lý cho biết rồi) khẽ khàng bảo:

- Cháu Cần cứ ăn no đi, mau nữa bác đưa về đi học vẫn kịp.

- Thế cháu không phải lên công an huyện ư?

- Không, bác đã giải quyết xong hết rồi.

- Vậy cháu xin phép bác, cháu tự về được.

- Ơ, thế ăn nốt bát cơm đã chứ.

Tôi không nghe vội vàng đi ra như chạy dù bụng vẫn tiêng tiếc bát cơm đầy vừa mới ăn được một miếng.

Hôm ấy tôi bỏ buổi học chỉ vì không có quần áo thay. Và tôi cạch không đi quay châu chấu nữa, chấp nhận bỏ mất một nguồn làm no để không muốn lặp lại cảnh bị bắt lần nữa.

Cha tôi giật được vốn xoay ra buôn sắn. Ông đem về sắn khô miếng, sắn khô duôi, đủ cho cả nhà ăn chục ngày rồi lại đi ngay. Sắn duôi thổi cơm thay gạo. Sắn miếng phải giã nhỏ, giần lấy bột. Bữa sáng mẹ tôi quấy cháo bột sắn với rau. Bữa chính có bánh sắn áp chảo. Đây là kiểu bánh rán không dầu mỡ do mẹ tôi sáng tác ra. Với thực đơn khá phong phú này bước chân đi đến trường của tôi cứ nặng trịch đá đeo dần. Tôi tỉ mẩm đếm từng bước. Bước thứ mười nghìn là đến cổng trường. Đầu óc tôi mê muội mà phát tiết thành thơ thế này:

Tôi đi học đủ mười nghìn bước

Cát sỏi nào bụi dưới chân tôi

Sách vở sờn thấm đẫm mồ hôi

Buổi học dài hun bụng đến sôi

Bát canh sắn không đủ bài

đồng hóa

Quỹ tích đường về sao

xa xôi quá

Chuyển động tôi

mang gia tốc chậm dần.

Có lẽ năng lượng dự trữ trong cơ thể chuyển hóa thành thơ hết mất rồi nên vào giờ học tôi bị lả ngay trên lớp. Thêm một buổi học nữa bị nhỡ mặc dù tôi đã lê được thân mình đến lớp. Giá như sáng nay tôi được ăn một miếng bít tết thì đời nào phải nhỡ buổi học. Nhưng cha không thể xoay nổi miếng bít tết cho tôi. Ông vẫn còn xuôi ngược trên những chuyến tàu lèn người đâu đó vùng Phú Thọ, Yên Bái. Thấy tôi bị xỉu, cô giáo cuống cuồng giục người đưa tôi đi bệnh viện. Mươi phút sau tôi đã tỉnh lại và từ chối đi viện vì tôi bị bệnh đói cần ăn chứ đâu cần thuốc kháng sinh. Tôi xin phép về sợ học đến trưa sẽ không còn sức để đếm bước thứ mười nghìn nữa. Ra đến cửa lớp tôi cảm thấy có một đôi mắt hoe đỏ nhìn theo. Tôi thầm cảm ơn giọt nước mắt bị kìm nén ấy. Trong lúc hoạn nạn người ta mới thấy quý sự cảm thông chia sẻ với mình. Có điều con người ta vốn vô tình, có mấy người đã dừng lại chốc lát bày tỏ thái độ với người hoạn nạn trên đường đời đâu.

Ra đến cổng trường tôi nghe tiếng gọi khẽ:

- Cần ơi đợi đã.

Lý đấy. Không ngoảnh lại tôi cũng nhận ra. Lý chạy đến giúi vào tay tôi một đồng.

- Bạn mua cái bánh mì ăn rồi vào học, chỉ mất một tiết thôi.

Tôi không thể từ chối đơn thuốc bác sĩ đã kê. Lúc này nó là một đồng, nhưng với tôi nó là đồng vàng, và sau này nó có thể là lá vàng nữa kia. Một đồng mua được hai cái bánh mì hai miếng bít tết, giúp tôi trụ được hai buổi học. Ăn xong cái bánh mì tôi cảm thấy ngay sức lực dồn về. Nhưng tôi không đủ dũng khí quay lại học tiếp.

Cả nhà nóng lòng chờ cha về bởi hai bao sắn đã hết mấy ngày rồi. Mẹ tôi đi vay gạo mòn chân mà không được dù chỉ một nắm nấu cháo. Cả làng làm ruộng ra thóc gạo mà cả làng thiếu gạo ăn. Chỉ có nhà ông Đần phó may không làm ruộng là có gạo ăn và có gạo cho vay. Vay tháng ba đến tháng năm một thành ba. Nhưng không phải ai cũng vay được. Người ta lõi đời lắm, phải trông giỏ bỏ thóc. Mẹ tôi đến nhà ông Đần đã mấy lần rồi mà đều về không. Hơn ai hết tôi mong thời gian đi thật nhanh, chạy thật nhanh để xa rời thời điểm kết thúc ba mươi năm chiến tranh và đến thật nhanh đích kế hoạch 5 năm để cả nước có hai mốt triệu tấn lương thực, ai cũng no đủ. Nhưng than ôi, bây giờ mới đang là năm đầu kế hoạch, lương thực còn đang trốn kĩ ở đâu đó trên Tam Đảo, Ba Vì, bói không ra tìm không thấy. Trong lúc cùng quẫn, tôi đến chùa làng cầm dùi gõ năm tiếng. Gõ xong thì chờ. Chờ mãi không thấy thóc gạo xuất hiện. Hóa ra “ngũ cốc” ở cửa Phật cũng chẳng ứng nghiệm. Tôi vác cái bụng lép về tạm bằng lòng với rau muống rau lang để nghiền ngẫm đạo hàm, quỹ tích.

Tháng tám đói qua tháng ba đói chết. Nhà tôi chưa đói chết nhưng cha tôi, nguồn sống của nhà tôi đã gục ngã trên vùng rừng Văn Chấn xa xôi. Tôi không đủ sức lê thân đến trường học nốt năm lớp mười mà làm đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội. Từ đó tôi và Lý mỗi người một đường đi riêng. Năm đầu ở quân ngũ Lý vẫn gửi sách vở cho tôi học thêm. Nhờ Lý động viên tôi đã thi đỗ cấp 3 và được cử đi học sĩ quan. Lý thì thi đỗ đại học sư phạm. Nhưng con đường đã chia tách từ trước đưa chúng tôi đi xa nhau dần, mỗi ngày một xa, xa mãi.

Nồi cơm vẫn đang sôi ình ịch, cu Quý Thư cũng sôi ình ịch đòi mua thức ăn. Cha thấy đấy, vừa mới ngày nào nhà ta mong chỉ có cơm ăn no thôi, bây giờ có cơm rồi bọn trẻ lại đòi mua thức ăn cơ. Cha tôi nháy mắt bảo:

- Con người là thế đấy. Đói rách thì mong ăn no mặc ấm. No ấm rồi lại mong ăn ngon mặc đẹp và bao nhu cầu khác nữa. Trước đây cha làm hết cách cho các con bằng người, bây giờ đến lượt các con lại làm hết cách cho các cháu bằng người, chiều nó đi.

- Vâng, con nghe lời cha. Nhưng cũng nên để nó nhịn một bữa để thấy vị ngọt hạt cơm, cha thấy được chăng?

Cha tôi đã lại lặng im trên bàn thờ nhìn chúng tôi gấp vuốt, gấp vuốt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 13 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước