Nỗ lực kết nối và sẻ chia
VNTN - Thành lập từ tháng 4/1996, song đến tận năm 2013 Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Nguyên mới đại hội lần II kiện toàn lại tổ chức. Củng cố và phát huy ngày càng hiệu quả hoạt động bảo trợ của Hội, dù thành quả còn khiêm tốn, song đã góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh nhà.
Trụ sở của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Nguyên nằm trên tầng 4 của Trung tâm xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh. 3 phòng làm việc dành cho 4 cán bộ, nhân viên cơ quan với trang thiết bị hết sức tối giản. Ông Lê Đình Cường, Chủ tịch Hội cho biết, từ khi tổ chức đại hội lần II (nhiệm kỳ 2013 - 2018) đến nay, cơ quan đã 3 lần chuyển chỗ. Ban đầu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (phường Quang Trung, TP Thái Nguyên), sau chuyển sang Trung tâm Dịch vụ việc làm (đường Chu Văn An, phường Hoàng Văn Thụ). Từ tháng 9/2018 mới chuyển về đây. Nhân lực mỏng, mỗi lần di chuyển là lại thất thoát, hư hỏng thứ này thứ kia, quỹ Hội thì eo hẹp nên cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc còn chưa đầy đủ.
Hằng năm, Hội đề xuất lên Trung ương Hội, đồng thời vận động các nhà tài trợ trao tặng xe lăn cho người khuyết tật.
Hỏi chuyện về những kết quả mà Hội đã làm được trong nhiệm kỳ qua, ông Cường cười hiền: Thành quả cũng còn khiêm tốn lắm. Đặc thù của một tỉnh trung du miền núi đang trên đà phát triển, Thái Nguyên ta còn nhiều khó khăn. Sự hiểu biết cũng như tư duy về việc hỗ trợ các đối tượng, hoàn cảnh thiếu may mắn của người dân nói chung còn chưa cao. Vì vậy việc đi kêu gọi nguồn quỹ ủng hộ còn gặp nhiều trở ngại. Trên địa bàn tỉnh không chỉ có mỗi tổ chức Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, mà còn có rất nhiều Hội khác như: Hội Cựu chiến binh, Hội Chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học… cũng thường xuyên đi vận động hỗ trợ cho các đối tượng thuộc Hội mình. Trong khi đó, các đối tượng vận động là những cá nhân, tiểu thương, đơn vị doanh nghiệp cũng có rất nhiều loại quỹ họ được huy động như: quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ ủng hộ lũ lụt thiên tai… Vì đã có nhiều khoản phải ủng hộ, đóng góp, nên khi thấy các Hội tìm đến, không ít người/nơi thấy phiền hà, khó xử…
Khó là khó vậy, nhưng nhìn vào những kết quả đạt được trong 5 năm qua, chúng tôi phần nào hiểu được sự nỗ lực, tận tâm của những người trực tiếp làm công tác Hội. Phát huy vai trò là cầu nối, vận động những cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm, sẻ chia đến cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vơi bớt khó khăn, vươn lên sống đẹp hơn, lạc quan hơn. Chăm lo đời sống tinh thần, Hội phối hợp tổ chức tọa đàm “Tỏa sáng nghị lực Việt” để các tấm gương khuyết tật vượt qua khó khăn được trao đổi, chia sẻ tâm tư, ý chí của bản thân với người cùng cảnh ngộ. Rồi những cuộc giao lưu “Tiếng hát Người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên” trong các năm 2014 và 2017 đã mở ra sân chơi lý tưởng để những mảnh đời bất hạnh được tỏa sáng, thể hiện tài năng và nhận về sự yêu thương, quý trọng nhiều hơn từ cộng đồng xã hội. Thay đổi và tác động nhận thức của người khuyết tật, Hội đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về Luật Người khuyết tật, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe gia đình và trẻ bị khuyết tật… Được tiếp cận, nắm chắc các quy định pháp luật cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đó là cơ hội để người khuyết tật trang bị kiến thức và tự tin hơn trong cuộc sống. Những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ mồ côi, trẻ em nghèo, người khuyết tật đang điều trị tại các bệnh viện…, trong những dịp lễ, tết như: Tết Nguyên đán, ngày Người khuyết tật (18/4), ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, Ngày hội tiếp sức em đến trường… đều được các nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp tặng quà. Từ những hộp mỳ tôm, chiếc bánh chưng, tấm áo ấm, hay suất quà từ 300 nghìn - 1 triệu đồng… Tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng dành cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, nhiệm kỳ qua Hội đã kết nối và trao tặng 1.548 suất quà trị giá gần 630 triệu đồng. Đề xuất xin sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tổ chức sứ mạng xe lăn, tiếp nhận và trao tặng 685 xe lăn cho người khuyết tật trong tỉnh. Vận động công ty Samsung tại Thái Nguyên, tổ chức IDEA trao tặng hơn 500 xe lăn cho trẻ em và người khuyết tật.
Chăm lo cho thế hệ măng non, đặc biệt là đối tượng trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo hiếu học, Hội đã đề xuất với Trung ương Hội, vận động các nhà tài trợ trao tặng gần 400 xe đạp cho các em (trị giá hơn 628 triệu đồng đồng). Cùng với Quỹ Bảo trợ trẻ em (Sở Lao động Thương binh & Xã hội), Hội Chữ Thập đỏ trao hơn 1.500 suất học bổng, từ 500 - 1 triệu đồng/suất. Ngoài ra, công tác kết nối, giới thiệu địa chỉ cần sự trợ giúp để các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp tài trợ trực tiếp tìm đến sẻ chia cũng được Hội thực hiện rất hiệu quả. Từ những chiếc giường cho đơn vị trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú, bàn ghế học sinh, cho đến các nhu yếu phẩm như bột giặt, thực phẩm, quần áo… Dù ít dù nhiều cũng đã giúp sức cho cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bớt vất vả.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến chương trình thí điểm hỗ trợ sinh kế tại xã xây dựng nông thôn mới mà Hội đã thực hiện. Theo kế hoạch thì sẽ triển khai tại 3 xã thuộc thị xã Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ và TP. Thái Nguyên. Song vì nguồn kinh phí vận động còn hạn chế nên chỉ mới triển khai được tại một xã là Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Đầu tư được 9 máy sao, 9 máy vò chè cho 9 hộ gia đình người khuyết tật, xe lăn (12 cái), xe đạp (4 cái) cho các đối tượng là người khuyết tật và trẻ mồ côi, với tổng trị giá 183 triệu đồng. Chương trình này triển khai trong 2 năm (2014, 2015) đã giúp 14 hộ thoát nghèo và cận nghèo. Đây là hoạt động hết sức thiết thực, nhưng theo ông Lê Đình Cường, cái khó nhất Hội gặp phải hiện nay là vấn đề kinh phí. Muốn thực hiện một dự án thường phải có từ 200 đến 300 triệu đồng, và thực hiện theo nhóm hộ. Trong khi đó quỹ Hội ít ỏi, công tác vận động hỗ trợ chưa đảm bảo, vì thế thời gian tới Hội có thể sẽ chuyển hướng giúp đỡ đến từng trường hợp. Khoản kinh phí được chia nhỏ, mỗi hộ 15 - 20 triệu đồng sẽ dễ hơn.
Để sự quan tâm, sẻ chia được đúng và đủ, khâu xác định đối tượng cũng được Hội đặc biệt chú trọng. Thông tin các trường hợp được Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động thương binh cấp huyện, xã; các trường học… trong tỉnh cung cấp. Sau khi nhận danh sách tổng hợp có xác nhận của chính quyền địa phương, các cán bộ Hội tiến hành rà soát, chọn lọc, rồi về tận cơ sở để tìm hiểu cụ thể, xem nhu cầu cần thiết của họ là gì, sau đó mới bắt đầu đi vận động, kêu gọi sự hỗ trợ. Nhưng như chia sẻ từ đầu về những điều bất cập trong chuyện “xin - cho”, vận động bằng tiền mặt không thuận lợi, Hội đã chủ động chuyển hướng tổ chức kết nối, xác định địa điểm cần tài trợ sau đó tìm nhà tài trợ, tổ chức tiếp nhận tài trợ và chuẩn bị tất cả các yếu tố cần thiết để đơn vị hỗ trợ trao tặng đúng đối tượng, số lượng, không thất thoát. Cá nhân ông Cường cũng như các cán bộ của Hội phải thuyết trình làm sao cho các đối tượng được vận động hiểu đúng và tin tưởng. Mặt khác, phải nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng hoạt động từ thiện của doanh nghiệp để đưa ra phương án, giúp họ thay đổi hình thức thực hiện.
Từ năm 2017, Hội được UBND tỉnh Thái Nguyên giao bổ sung nhiệm vụ “Bảo vệ quyền trẻ em”. Thêm nhiệm vụ, thêm trọng trách, kỳ Đại hội nhiệm kỳ III (diễn ra trong năm nay) Hội sẽ thảo luận và thống nhất tên gọi mới là Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em. Nhiệm kỳ mới với nhiều dự định và cũng không ít thách thức, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, mong rằng hoạt động của Hội thời gian tới sẽ ngày càng mang lại hiệu quả sâu rộng hơn nữa.
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...