Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:57 (GMT +7)

Nỗ lực để cái tên “Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên” ngày càng định vị vững chãi trong cuộc sống này

(Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên)

Thưa nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, vậy là năm 2023 đã qua đi với rất nhiều nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao cho Hội Văn học nghệ thuật. Tôi muốn biết, cảm xúc của nhà thơ hiện giờ ra sao trước những kết quả công tác của Hội trong năm qua?

Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Lên
Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Lên

Vâng, quả thật là những ngày này, nhìn lại một năm đã qua, tôi thật sự cảm phục đội ngũ cán bộ, hội viên, cộng sự của mình. Trong cuộc họp Ban Chấp hành Hội tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa mới đây, nhiều đồng chí Ủy viên BCH có cùng cảm xúc như tôi. Chúng ta đã thực hiện được một khối lượng công việc đồ sộ, bao gồm 9 nhiệm vụ do UBND tỉnh giao và rất nhiều hoạt động, sự kiện phát sinh trong năm. Có những lúc tưởng chừng không thể hoàn thành được vì đột ngột bị thay đổi nguồn kinh phí đã bố trí, thậm chí có lúc cán bộ khuỵu trên sân sự kiện,… Nhưng cuối cùng thì chúng ta đã hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao.

Xin điểm tên những việc lớn nhất mà Hội đã thực hiện trong năm 2023 thôi chứ khó mà liệt kê hết được. Đó là: Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021. Tổ chức các hoạt động nhân 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X. Tổ chức Lễ hội Thơ Nguyên tiêu năm 2023 với chủ đề “Nhịp điệu mới”, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật tại Lễ chính và Cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới” diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức các hoạt động nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” (15/3/1953 - 15/3/2023). Tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi Bút kí - Phóng sự năm 2021 - 2023. Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hoa Núi” 2023. Triển khai các hoạt động Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật. Duy trì xuất bản Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, nâng cấp giao diện Tạp chí điện tử theo hướng đa phương tiện đa nền tảng, đáp ứng yêu cầu làm báo chí hiện đại, Tổ chức thành công Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...

Trong số những nhiệm vụ kể trên thì nhiệm vụ nào nặng nề nhất và nhiệm vụ nào mang lại cảm hứng nhất khi lãnh đạo cơ quan triển khai và thực hiện? Xin phép được dùng từ “cảm hứng” ở đây, bởi tôi nghĩ, chúng ta là những người làm văn học nghệ thuật, đã là văn nghệ sĩ thì “cảm hứng” rất được coi trọng, kể cả là cảm hứng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đó là nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng đó luôn là nhiệm vụ lớn nhất và khó nhất trong mỗi nhiệm kỳ. Lớn nhất, vì đó là việc lớn của tỉnh -  Giải thưởng VHNT là giải truyền thống và lớn nhất trong các giải thưởng của tỉnh chúng ta, liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành, đối tượng,…  Hội chỉ là cơ quan thường trực Giải thưởng. Khó nhất, vì đây là kết quả được định lượng của việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên tôn vinh những thành quả lao động nghệ thuật đích thực của văn nghệ sĩ, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ vượt trội. Nhưng kết quả này lại được xác định bởi một quá trình đánh giá mang tính định tính về chất lượng tác phẩm, công trình VHNT, với những khác biệt nhất định về tư duy, phương pháp sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật từ các thành viên Hội đồng giám khảo, cũng như sự tiếp nhận và phản hồi từ phía người dự giải, công chúng và giới truyền thông quan tâm.

 Rồi cái khó trong công tác tổ chức, làm thế nào để một cơ quan thường trực Hội với một nhóm nhân viên rất trẻ, chưa từng có kinh nghiệm phục vụ các kỳ xét Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (5 năm một lần) lại đảm nhận rất chuyên nghiệp từ việc nhỏ như soạn gửi giấy mời họp đến việc lớn là giúp việc cho Ban Tổ chức Giải thưởng điều hành mọi việc đúng Quy chế, Thể lệ.

Thật may mắn vì mọi nỗ lực của Ban Tổ chức Giải thưởng và các ban ngành hữu quan (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ  - trực tiếp là Ban Thi đua khen thưởng, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch,… sát cánh cùng Hội VHNT tỉnh), sự khách quan, công tâm của Hội đồng giám khảo gồm các văn nghệ sĩ do các Hội VHNT chuyên ngành trung ương giới thiệu, đều đã được giới văn nghệ sĩ và công chúng ghi nhận thông qua việc đánh giá cao kết quả Giải thưởng.

Và một buổi lễ trao thưởng trang trọng, xứng tầm với Giải thưởng, tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng của năm 2023, khép lại một năm nhiều nhọc nhằn nhưng cũng thật nhiều cảm xúc đẹp. Cuối cùng thì việc lớn nhất, khó nhất đã đem lại niềm vui lớn nhất cho tất cả chúng tôi.

Tôi hình dung, với một người nhiệt thành và tâm huyết như nhà thơ thì việc tìm được niềm vui trong công việc không có gì là lạ. Vậy nhưng, có nỗi buồn nào không? Một nỗi buồn khó gọi tên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nào đó?

Nói không có thì không đúng, nhưng tôi thấy áp lực nhiều hơn. Đó là áp lực trước những yêu cầu của đời sống xã hội và khả năng đáp ứng của đội ngũ trong đó mình gánh trách nhiệm là người đứng đầu. Có những giới hạn không tự mình vượt qua được. Như số lượng cán bộ nhân viên làm việc tại Hội chẳng hạn; một tổ chức bộ máy của ba mươi năm trước nay đang thực hiện một khối lượng công việc gấp hàng chục lần. Nhìn vào tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên là thấy ngay, một Tòa soạn 5 người, trước đây chỉ sản xuất 8 trang báo/tháng nay sản xuất 88 trang. Thêm được 2 người nữa thì lại vận hành cả một tạp chí điện tử đa phương tiện, đa nền tảng. Công tác Hội thì mọi người thấy đấy, năm sau luôn nhiều việc hơn năm trước.

Có người nói: ít người thì làm ít việc đi, sao phải làm nhiều để mà khổ từ lãnh đạo đến nhân viên? Nghe như vậy cũng hơi buồn một chút đấy.

Chúng tôi mong mọi người hiểu rằng, bây giờ không còn cái thời cứ làm cho xong để đếm đầu việc đưa vào báo cáo. Chất lượng và tần suất hoạt động VHNT quyết định sự tồn tại và vị thế của Hội trong các cộng đồng, từ cộng đồng dân cư địa phương đến cộng đồng văn nghệ sĩ và công chúng cả nước. Sống trong một xã hội phát triển từng ngày, bất cứ ai cũng có thể là người sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (như ChatGPT đấy) đang làm thay rất nhiều việc của con người, nên công chúng có quá nhiều lựa chọn khác nếu chúng ta tụt hậu, không đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của họ. Hệ thống chính trị cũng không chấp nhận một tổ chức Hội VHNT yếu kém và lạc hậu. Cùng với đó, kinh phí nhà nước đầu tư đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Hội và văn nghệ sĩ đều được cân nhắc từng đồng, nên chúng ta luôn cố gắng sử dụng thế nào cho hiệu quả nhất. Mà hiệu quả thì luôn đi kèm với sự vất vả, thậm chí thiệt thòi cho người trực tiếp thực hiện. 

Tất cả những điều đó thật không dễ sẻ chia. Nhưng chắc chắn một điều rằng, dù là tổ chức Hội hay cá nhân văn nghệ sĩ, cố gắng làm việc thật tốt trước hết là để tồn tại. Mà với chúng ta, làm việc tức là không ngừng sáng tạo.

Trở lại với vai trò người thủ lĩnh của một đội ngũ những người sáng tạo ra cái đẹp, chị có muốn nói gì về đội ngũ của mình không?

Sau nhiều năm gắn bó với công tác Hội, tôi thấy đội ngũ của chúng ta hiện nay đang ở trạng thái tốt nhất từ trước tới giờ. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã cùng nhau xây dựng Hội một cách đáng tự hào. Công tác chỉ đạo phong trào, công tác hội viên được chú trọng đổi mới trong khâu điều hành và thực hiện; triển khai các hoạt động chuyên môn của Hội gắn với hội viên và chi hội; đa dạng hóa các hoạt động VHNT. Chúng ta đã tổ chức tốt nhiều sự kiện lớn như các cuộc thi, chương trình nghệ thuật đặc biệt, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, xuất bản Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên theo hướng báo chí đa phương tiện, tạo ảnh hưởng xã hội tích cực. Nhiều hoạt động từ Thái Nguyên đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhưng ấm áp nhất là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Từ Ban Chấp hành đến từng chi hội, hội địa phương. Mọi hoạt động của Hội chúng ta luôn có ba, bốn thế hệ đồng hành, sẻ chia, cùng nhau làm việc chung. Hội viên được Hội tiếp sức trong sáng tạo và công bố tác phẩm. Hội thực sự là mái nhà chung ấm áp của hội viên, câu này chúng ta nói với nhau nhiều rồi nhưng bây giờ tôi mới cảm nhận được giá trị thực của nó qua tâm sự của rất nhiều hội viên.

Đó mới là những điều quý giá nhất, là “năng lượng gốc” của mọi thành công mà tôi kể ở trên.

Vâng, quả là một đội ngũ hùng hậu! Tôi nghĩ, chị rất tự hào về họ?

Tôi không chỉ tự hào mà còn biết ơn đội ngũ của mình. Tôi không quá lạc quan về những gì mà Hội chúng ta đã làm được, thậm chí tôi luôn nghĩ về những gì chúng ta chưa làm được. Nhưng sự ghi nhận và đánh giá cao từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua việc khen thưởng và giao nhiệm vụ cho Hội, sự tin tưởng và nhiệt tình phối hợp của nhiều ban ngành, đơn vị, địa phương, sự nể trọng của nhiều người yêu VHNT trên địa bàn, bạn bè đồng nghiệp trong cả nước khi nhắc đến một số việc làm của Thái Nguyên,… Đó là kết quả có thật của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong sáng tạo, cống hiến và xây dựng Hội của đội ngũ chúng ta. Nói giản dị, đó là nỗ lực để cái tên “Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên” ngày càng định vị vững chãi trong cuộc sống này. Đội ngũ của chúng ta đã cùng nhau làm được.

Chị quả là một người rất yêu Hội và yêu công việc! Vậy trong năm tới chị có dự định gì để tạo sự đột phá trong công tác Hội, từ đó tạo cảm hứng cho mình và cho đội ngũ của mình tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật?

Năm nào tôi cũng thấy làm công tác ở Hội VHNT chúng ta giống như tham gia cuộc thi ăn cỗ, mà phần thưởng cho người thắng cuộc là một mâm cỗ to hơn (cười). Công việc luôn theo đà đi lên, năm sau nhiều việc hơn năm trước. Chúng ta đón năm 2024 trong tâm trạng của một người gánh hai “quả núi”.

Một “núi” là các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, gồm: Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029; xuất bản và phát hành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và tiếp tục hoàn thiện Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng; tổ chức Lễ hội Thơ Nguyên tiêu – Thái Nguyên 2024; tổ chức Chương trình nghệ thuật Hoa Núi 2024; tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ; tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên 2024; tổ chức Hội thảo VHNT khu vực phía Bắc với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”; tổ chức thực hiện “Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương”.

Một “núi” nữa là triển khai tổ chức các hoạt động thực hiện Kế hoạch số 150 KH/TU của Tỉnh ủy về các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), trong đó Hội được giao Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu 50 năm văn học, nghệ thuật; Hội nghị Tổng kết 50 năm thành tựu văn học, nghệ thuật Thái Nguyên sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)… và tham gia nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học, giao lưu nghệ thuật khác.

Vậy là đội ngũ cán bộ hội viên, người lao động ở Hội lại chuẩn bị gánh vác những công việc đồ sộ?

Vâng. Ban Chấp hành đã thống nhất chia sẻ công việc đến từng cá nhân, từng chi hội để cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ lớn lao này. Chúng tôi mong đội ngũ của chúng ta với những nguồn năng lượng tích cực vốn có lại tiếp tục đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương khi triển khai Kế hoạch Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất: Không bây giờ thì bao giờ? Không ở đây thì ở đâu? Không chúng ta thì ai?

Vâng. Công việc Hội, sứ mệnh sáng tạo và cống hiến cái đẹp cho đời sống, cho nhân dân Thái Nguyên – không chúng ta thì ai?

“Không chúng ta thì ai?”, chúng tôi đồng tình với Chủ tịch tinh thần ấy. Và, khi đã xác định được trách nhiệm của mình rồi thì ngay từ lúc này sẽ cùng xắn tay, ghé vai đi tiếp trên hành trình mới, hành trình sáng tạo và cống hiến cái đẹp cho đời sống.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ – Chủ tịch Hội. Chúc chị và gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc! Chúc “Mái nhà chung'' của chúng ta luôn ấm áp và đầy nhiệt thành!

Thu Huyền (thực hiện)

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Hoàng Hồng hoan****@gmail.com

    Bài viết thật quá đầy đủ về chặng đường đã đi của Hội. Cô Quỳnh luôn là một thủ lĩnh đáng kính trong tôi. <3