Những việc “không thể đặng đừng”
VNTN - Tháng 8 vừa qua, tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp đã gửi đến Thủ tướng 9 kiến nghị cấp bách để giải quyết các khó khăn cho các Hội Văn học nghệ thuật.
Sau khi báo chí đưa tin về cuộc gặp mặt, đặc biệt là nội dung 9 kiến nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh, dư luận dấy lên những luồng ý kiến khác nhau xung quanh những kiến nghị này.
Luồng ý kiến thuận chiều, chủ yếu từ khối lãnh đạo và hội viên các Hội, thì chia sẻ và ủng hộ kiến nghị của lãnh đạo Liên Hiệp Hội. Từ việc bảo vệ tính chất “chính trị” của các hội văn học nghệ thuật đến những việc cụ thể như: xin chuyển 90 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ theo đề án hàng năm thành kinh phí thường xuyên, xin hỗ trợ nhà ở cho văn nghệ sĩ cao tuổi, xin xe ô tô cho Liên hiệp thay chiếc xe đã cũ nát... Quan điểm của khối này là: vì tính chất đặc biệt của các loại hình lao động sáng tạo, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với 4 vạn văn nghệ sĩ thuộc các tổ chức thành viên trong toàn quốc cần phải được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn trong cơ chế thị trường. Theo một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Tây Nguyên viết trên mạng xã hội, Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ văn nghệ sĩ bởi “Trong hàng ngàn tác giả, kể cả người tài năng, mấy ai sống được bằng nghề? Mấy ai coi lao động sáng tạo là để kiếm tiền? Và nếu chuyển đổi sang cơ chế thị trường, có mấy hội tồn tại?”.
Luồng ý kiến trái chiều thì phản đối kịch liệt đề xuất của nhà thơ Hữu Thỉnh. Họ cho rằng, các hội đoàn không nên và không thể bám mãi vào bầu sữa bao cấp của Nhà nước, khi đất nước đã đổi mới hơn 30 năm rồi. Hãy để các hội đoàn từng bước tự chủ, giảm thiểu xu thế bao cấp kinh phí với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập như tinh thần dự thảo Luật Về hội. Với văn nghệ sĩ, hãy để tác phẩm của mình tự khẳng định giá trị của nó theo quy luật của đời sống, làm nên giá trị của tác giả.
Xin dẫn ra đây một số ý kiến tranh luận trên mạng xã hội Facebook: “Nếu văn nghệ sĩ cần một hội nghề nghiệp cho mình thì điều tốt nhất là cùng góp tiền cho nó hoạt động tốt. Việc ngửa tay xin tiền chính phủ để hoạt động là trái với quy luật thị trường”. “Ở các nước phát triển, chẳng thấy có cái hội văn học nghệ thuật nào bám sống vào tiền thuế của dân thông qua nhà nước cả. Có nhiều hội nhưng tự họ tổ chức tự họ chia sẻ nâng đỡ nhau cả về nghề nghiệp cả về đời sống”. “Nhìn Trung Quốc mà xem, họ đã xóa bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật từ lâu rồi”.
Trong khi những luồng ý kiến va đập nhau không phân thắng bại, thì có một hiện trạng đang xảy ra khiến những người trong cuộc không khỏi suy nghĩ. Đó là, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2017, nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí của Chính phủ định kỳ hàng năm, giờ vẫn chưa về đến các Hội. Với riêng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, nguồn kinh phí đó đảm bảo cho gần như toàn bộ hoạt động của Hội trong một năm, (chỉ trừ Lễ hội Thơ Nguyên tiêu và xuất bản báo Văn nghệ Thái Nguyên, là do ngân sách địa phương cấp). Năm 2016, nguồn kinh phí này đã bị cắt 50%. Theo một nguồn tin của VNTN, tính chung trong hai năm 2016 và 2017 thì khối hội đoàn nhà nước bị cắt giảm khoảng 60% ngân sách. Người làm văn học nghệ thuật đang chứng kiến, chưa bao giờ Chính phủ lại khó khăn trong chi tiêu công như vậy, và việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình hình khó khăn ấy. Với tình hình tài chính quốc gia hiện nay, đây chắc chắn không chỉ là khó khăn ở thời hiện tại.
Bởi vậy, dù suy nghĩ về các kiến nghị của Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam theo hướng nào, đồng tình hay phản đối, thì việc từng bước thoát ly khỏi tư duy bao cấp, cởi bỏ thói quen, tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước trong tổ chức hoạt động, xuất bản, quảng bá tác phẩm; chấp nhận bình đẳng với các thành phần xã hội khác trong cơ chế thị trường tăng cường xã hội hóa hoạt động VHNT… cũng là những hành động tất yếu.
Trong cuộc gặp mặt kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Chúng ta không chạy theo thị trường, thương mại hóa nhưng chúng ta cần nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của thị trường để đáp ứng”. Phát ngôn của bậc nguyên thủ quốc gia chắc chắn không phải… vô tình. Bởi một nền văn học nghệ thuật với những chủ thể sáng tạo chấp nhận vận động theo các quy luật thị trường, sẽ là một hiện thực tất yếu cho dù chúng ta có muốn hay không.
Từ việc chia sẻ với khó khăn của Chính phủ, của đất nước bằng cách tổ chức hoạt động thật sự hiệu quả để không lãng phí tiền thuế của dân; đến nghĩ về tương lai lâu dài, tìm những phương cách khẳng định giá trị mới của mình phù hợp với quy luật phát triển - phải chăng đã là những việc “không thể đặng đừng” của các tổ chức hội và văn nghệ sĩ?
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...