Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:53 (GMT +7)

Những vẻ đẹp trong “Cánh đồng mùa trăng”

(Đọc “Cánh đồng mùa trăng”, tiểu thuyết của Cồ Thị Thơm, NXB Hồng Đức, 2023)

Cồ Thị Thơm là cây bút mới, có mặt khoảng dăm năm nay trên văn đàn trong tỉnh. Với sự xuất hiện của 2 tập thơ, một tập truyện ngắn và bây giờ là tiểu thuyết “Cánh đồng mùa trăng”, chị đã bắt đầu nhận được ít nhiều sự quan tâm của độc giả Thái Nguyên.

“Cánh đồng mùa trăng” là cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Có một thời có nhiều nhà văn tên tuổi đã khai thác khá triệt để đề tài này. Có thể nhắc đến “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường. Đề tài nông thôn xưa nay vẫn là đề tài quý hiếm. Nhưng khoảng vài chục năm nay, các nhà văn trên cả nước và nhất là các tác giả ở địa phương dường như đã “bỏ quên” đề tài nông thôn. Vì vậy, tiểu thuyết “Cánh đồng mùa trăng” là một “tặng phẩm” văn chương cần được nâng niu, trân trọng.

Những vẻ đẹp trong “Cánh đồng mùa trăng”

Đọc “Cánh đồng mùa trăng”, bạn đọc dễ nhận thấy tác giả viết theo thi pháp truyền thống, có kết cấu tuyến tính, cách kể dễ hiểu, chủ yếu từ một điểm nhìn trần thuật… Điểm nổi bật nhất của cuốn tiểu thuyết là tác giả đã tạo ra những vẻ đẹp của nông thôn vào cái thời mà “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, cả nước chìm trong chiến tranh…

1. Vẻ đẹp thiên nhiên của một vùng quê

Ngay từ đoạn mở đầu tiểu thuyết, tác giả đã gây được ấn tượng cho người đọc về vẻ đẹp của một vùng quê (làng An), một vẻ đẹp quen thuộc của các miền đất thuộc đồng bằng Bắc bộ. Đó là một làng nằm dọc theo con sông Đào có lai lịch mang tính huyền sử, được tất cả người trong làng yêu quý. Nhưng làng An có điểm khác biệt là bởi nước của con sông Đào có hương thơm ngát của hoa sen. Cái làng An ấy cũng có những thứ mà nhiều làng quê không có được. Là một ngôi làng không quá đông người mà có tới hàng trăm ao sen, trong đó, đầm sen mang tên Trinh Nữ rộng tới hàng chục mẫu, mang một truyền thuyết đẹp như huyền thoại.

Làng An còn một đặc sản nữa là ánh trăng và gió tự nhiên: "Ánh trăng và gió tự nhiên là tài sản quý của người làng An… đó là đêm đêm khi ánh trăng sáng như gương chiếu xuống mặt ao sen lấp lánh, ngạt ngào, người người như được tắm mình dưới ánh trăng trong vắt và không gian ngan ngát hương sen của đầm Trinh Nữ" (trang 6). Cũng giống như nhiều cuốn tiểu thuyết đương đại khác, tác giả không dụng công nhiều trong việc tả cảnh thiên nhiên, mà chỉ nêu ra như những phác thảo, nhưng suốt dọc cuốn tiểu thuyết, hình ảnh ánh trăng và “không gian ngan ngát hương sen” luôn được quay đi, trở lại nhiều lần, như một “chỉ dấu” đặc thù của làng An. Ánh trăng, hương sen luôn quấn quyện bên người làng An. Trong những buổi lao động mệt nhọc, những buổi cấy lúa, tát nước đêm, trong những lũy tre, trong mỗi con đường, trong những tâm sự lứa đôi, trong nụ cười, mái tóc của thiếu nữ, trong các cuộc vui và cả những nỗi đau dường như đều có sự hiện diện của ánh trăng và hương sen… Ánh trăng và hương sen làm cho niềm vui nhân lên và nỗi đau vơi đi… Đoạn kết của tiểu thuyết cũng là một đoạn văn tràn ngập ánh trăng và hương sen: “Thục Chi hướng cặp mắt về làng An. Xa xa, cánh đồng rực vàng dưới ánh trăng. Cô biết, người dân làng An lại đang chuẩn bị bước vào một mùa gặt mới. Những mùa gặt ngập tràn hương lúa chín và hương sen hòa quyện lấy nhau vấn vít tỏa lan trên những cánh đồng giữa mùa trăng” (trang 229).

Những đoạn miêu tả thiên nhiên trong “Cánh đồng mùa trăng” không quá nhiều nhưng đã làm nên cái nền cho cuốn sách, đủ để tạo ra chất thơ, chất trữ tình trong một không gian tự sự - đặc trưng của thể loại tiểu thuyết.

2. Vẻ đẹp của con người trong vất vả gian nan

Như đã nói, không gian chính trong “Cánh đồng mùa trăng” là một làng quê vào thời chiến tranh chống Mỹ. Đó là thời kỳ mà những người nay ở lứa tuổi 60 đều được chứng kiến. Nông thôn Việt Nam vào thời kỳ này có một hiện thực phổ biến là ngoài những xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp sinh sống và làm việc ở mỗi thôn làng, thì bên cạnh đó có những anh bộ đội là những thương binh, bệnh binh từ tiền tuyến trở về. Vốn có một tinh thần xả thân vì Tổ quốc nơi chiến trận cùng sự trưởng thành trong chiến tranh, họ thường trở thành những nhân vật cốt cán, luôn đi đầu trong mọi phong trào. Tuy không còn đủ sức cầm súng trên chiến trường nhưng những chiến sĩ ấy trở về quê hương trong một tư thế tiếp tục “chiến đấu” trên một trận địa mới. Cái hiện thực ấy đã được phản ánh trong “Cánh đồng mùa trăng” khá rõ nét. Điều này chứng tỏ tác giả có một vốn sống rất phong phú về nông thôn vào thập kỉ 70.

Mọi “câu chuyện” của làng An đan xen nhau và tất cả đều được xoay quanh hai nhân vật trung tâm: Hạ, một cô gái ở địa phương; Thiềng, một anh bộ đội từ tiền tuyến trở về. Bên cạnh họ là những nhân vật trong mối quan hệ họ hàng thân thích, những người bạn tốt và cả những người xấu… Điều đáng chú ý là tất cả những gì mà tác giả phản ánh trong tác phẩm đều lấp lánh những vẻ đẹp riêng. Những vẻ đẹp trong gian lao, đẹp trong mất mát, đau thương. Chính những vẻ đẹp ấy đã làm nên giá trị của tác phẩm.

3. Vẻ đẹp trong công việc, trong lao động sản xuất

Hạ, Thiềng và Nhạ là ba nhân vật có mặt gần như suốt dọc cuốn tiểu thuyết. Hạ là một nữ cán bộ cốt cán của làng An, bí thư chi đoàn kiêm phó hội trưởng phụ nữ. Cô không những luôn đi đầu trong mọi công việc mà thường có những ý tưởng, những sáng kiến mang tính đổi mới. Thiềng, trong tư cách là phó chủ tịch xã. Còn Nhạ là người luôn kề vai sát cánh với Thiềng và Hạ. Ngày ấy, ở các tỉnh miền Bắc có một khẩu hiệu mang tính chỉ đạo lớn: “Tất cả vì tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tất cả mọi công việc của Hạ và Thiềng đều xoay quanh ý nghĩa của những khẩu hiệu ấy.

Những buổi giao thóc nghĩa vụ trên huyện, những buổi thi cấy, thi trâu, những chiến dịch chăm sóc thú y, những cuộc vận động tẩy trừ nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa, công tác xét nghiệm nhóm máu làm giảm bớt nguy cơ ốm đau, tai nạn bất thường, vận động quyên góp thăm hỏi động viên những gia đình khó khăn trong làng xã, thậm chí chỉ những việc nhỏ bé như làm kế hoạch nhỏ của các cháu thiếu nhi cũng được Hạ và Thiềng quan tâm đầy đủ và chỉ đạo tận tình. Đặc biệt, làng An đã có một sự kiện lớn xuất phát từ sáng kiến có ý nghĩa đổi mới của Hạ và Nhạ, một sáng kiến có giá trị cải thiện đời sống cho người dân, mở ra một hướng làm ăn kinh tế cho người làng An, cho hướng phát triển ngành nghề của lớp trẻ. Đó là việc động viên các cháu thanh, thiếu nhi học nghề để tiến tới mở xưởng gia công may mặc cho nhà máy dệt của tỉnh. Có lẽ đây là một ý tưởng rất hiếm thấy đối với nông thôn vào những năm chống Mỹ cứu nước.

Tất cả mọi công việc làng xã đầy vất vả, gian nan ấy đã được Thiềng, Hạ và Nhạ thực hiện trong một niềm vui lao động. Niềm vui và nỗi buồn của Thiềng, Hạ, Nhạ luôn là niềm vui, nỗi buồn chung của bà con làng An. Họ như cái đầu tàu kéo cả làng An băng qua những khó khăn, gian khổ. Mặc dù có những lúc tưởng như bất lực, tưởng như tuyệt vọng trước một khối lượng công việc bề bộn, quá sức cùng những trắc trở khôn lường, nhưng bạn đọc chưa một lần phải chứng kiến một lời kêu ca, than vãn của họ, chưa một lần “ngã tay chèo”. Với họ, công việc làng xã và lao động sản xuất là sự chia ngọt sẻ bùi cùng dân làng. Với họ, tinh thần vị tha là mục đích sống và làm việc. Suốt tiểu thuyết, người đọc luôn gặp vẻ đẹp ấy trong tính cách các nhân vật Hạ, Thiềng, Nhạ…

4. Vẻ đẹp trong tình gia đình, làng xóm

Cả nước vào thời kỳ kinh tế nghèo nàn, chiến tranh lan tỏa, khó tránh những bi kịch cho mỗi gia đình. Bên cạnh tinh thần lao động, chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc vốn luôn sẵn có ở mỗi con người thì những những nỗi đau, những mâu thuẫn, mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần vẫn luôn là mối đe dọa trong từng mái nhà. Một trong những cảnh ngộ tiêu biểu là hoàn cảnh của Thụy. Thụy, một cô gái hiền như đất, tâm tính ngây thơ, nhút nhát, lấy chồng làng bên. Anh chồng là người vô trách nhiệm, vũ phu, trai gái, trăng hoa; ông bố chồng không đứng đắn, nhiều lần có những hành động bất nhã với con dâu, cộng thêm bà mẹ chồng nanh nọc, dẫn đến việc Thụy phải quay về làng An sống với bố mẹ đẻ. Độc giả theo dõi kĩ cuốn sách sẽ thấy rất rõ sự cưu mang, sự tận tình của người làng An, đặc biệt là Hạ và Thiềng đối với Thụy như thế nào. Hạ và Thiềng đã như xốc dậy cả cuộc đời vốn hết sức bi đát của người mẹ trẻ làng An ấy. Bằng sự động viên, giáo dục cùng lòng thương yêu, vị tha, họ đã biến Thụy từ một người nhu nhược, tuyệt vọng trở về với những trang mới của cuộc đời.

Hay trường hợp của gia đình Tiến và Nhạ cũng được tác giả dành những trang viết đẹp và đầy xúc động về tình cảm gia đình, làng xóm. Nhạ là người phụ nữ đã dám hy sinh tuổi trẻ, đến trại thương binh tình nguyện lấy Tiến, một thương binh nặng làm chồng. Sau này, thương tật của Tiến mỗi ngày một xuống dốc, lại bị kẻ xấu xúc xiểm, tuy cũng có lúc mất bình tĩnh nhưng nhờ tình thương vô bờ bến của Nhạ, sự tận tình của Hạ, Thiềng cùng dân làng đã làm Tiến dịu đi nỗi đau, đã an nhiên trở lại trong hạnh phúc gia đình. Nhưng rồi do thương tật quá nặng nên anh đã qua đời. Lễ tang người chiến sĩ kiên trinh ấy thật cảm động trong tình bạn bè, làng xóm: “Hôm nay làng An tập trung rất đông. Dân làng khóc tiễn biệt người con, người em trung hiếu. Đọc điếu văn trước người đồng đội mãi mãi rời xa trần thế về cõi vĩnh hằng, Thiềng xúc động nghẹn lời. Bà con hàng xóm đi vòng quanh quan tài, ai cùng bốc cánh sen thơm rắc lên người Tiến. Nhạ khóc ngất bên quan tài có phủ lá cờ Tổ quốc" (trang 123).

Về tình nghĩa xóm làng còn có thể kể đến cách đối xử nhân văn ngay với kẻ xấu. Nhân vật Lụa và nhân vật Phương, chồng Thụy, là hai kẻ lừa đảo, lưu manh, gây bao nhiêu bất hạnh cho Thụy và tổn hại cho mọi người nhưng cũng không hề bị người làng An “trả đũa” mà chỉ là hình thức “tự xử” hoặc bị pháp luật xử lí. Mụ Lụa vào tù cùng những lời hối hận, sám hối, Phương trở thành một kẻ nửa điên, nửa dại, xin ăn trên phố huyện.

Những nét đẹp về tình cảm gia đình, làng xóm trong “Cánh đồng mùa trăng” cũng chính là những nét đẹp trong tâm hồn người Việt Nam.

5. Vẻ đẹp trong tình yêu đôi lứa

Tình yêu đôi lứa trong “Cánh đồng mùa trăng” được xoay quanh các nhân vật Hạ - Huấn - Thiềng - Thục Chi. Tình yêu của Thiềng và Hạ được xuất phát và dần hình thành qua công tác làng xã. Cả hai đều là những nhân tố tích cực, tiên phong. Họ đến với nhau không bởi "tiếng sét ái tình" mà vì cảm phục và quý mến nhau qua công việc, chầm chậm như mưa dầm thấm lâu, tuy cả hai dường như đã vào độ “quá lứa nhỡ thì”. Có điều này là bởi Hạ đã có mối tình đầu với Huấn, một thanh niên làng An, trước khi ra trận họ đã có hẹn ước. Tuy Huấn đã có giấy báo tử, nhưng với Hạ, hình ảnh Huấn chưa bao giờ phai mờ trong lòng cô. Hạ luôn hi vọng, dù rất mong manh, một ngày nào đó, Huấn sẽ đột ngột trở về. Còn Thiềng, khi ở tiền tuyến, cũng từng có một mối tình tuy chỉ thoảng qua với một cô gái Huế (Thục Chi), một mối tình có phần bột phát, nhưng đầy lãng mạn. Để tồn sinh trước họng súng quân giặc, Thiềng và Thục Chi buộc phải sống cùng trong một căn hầm bí mật rất hẹp. Thiềng là một chàng trai mới lớn, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nay còn, mai mất, một lần không cưỡng nổi, họ đã trao gửi thân xác cho nhau. Bởi vậy, nên chỉ là mối tình như cơn gió thoảng nhưng trong trái tim Thiềng, Thục Chi là một hình bóng khó quên. Tình yêu của Thiềng và Hạ cứ mỗi ngày một sâu sắc nhưng cả hai vẫn đau đáu với những mối tình xưa. Chỉ đến khi hi vọng về Huấn trở về đã hoàn toàn tắt hẳn, Hạ mới chính thức nhận lời yêu Thiềng.

Nhưng rồi sắp tới ngày cưới, cũng là ngày Hạ mang thai, Thục Chi dần dần xuất hiện cùng một đứa bé trai, là con của Thiềng, kết quả tình yêu của cái đêm duy nhất ấy. Những rắc rối tình yêu cũng bắt đầu trở nên dữ dội từ đấy. Khi biết Thục Chi về quê Thiềng để cho đứa bé gặp cha thì những đau đớn, dằn vặt cũng bắt đầu bùng nổ trong lòng cả Hạ và Thiềng. Ở đời, có thể nhường nhau cơm áo, địa vị, thậm chí là vinh quang nhưng đối với hạnh phúc lứa đôi thường hết sức khó khăn. Tác giả đã hiểu qui luật tâm lí ấy nên trong tác phẩm, nhân vật Hạ đã được xử lí một cách thuyết phục. Nghe tin “sét đánh”, dù là một cô gái giàu nghị lực nhưng Hạ cũng không tránh khỏi hoảng loạn, nhiều lần choáng ngất, đó là lẽ đương nhiên. Nhân vật Thiềng cũng được tác giả phát triển tính cách một cách hợp lí. Đối với anh, việc có con với Thục Chi là việc thật bất ngờ và có lỗi với Hạ. Mọi chuyện xảy ra cũng làm Thiềng khổ đau không kém gì Hạ. Nhưng là người bản lĩnh, Thiềng đã giải quyết mọi tình huống một cách thấu đáo. Khi biết tin Hạ “bỏ nhà” đi nhưng anh bình tĩnh nhờ mọi người tìm Hạ để đến bệnh viện với Thục Chi vì cô mắc bệnh hiểm nghèo. Qua một đối thoại của anh với Nhạ, đã cho độc giả hiểu thêm Thiềng, một con người tình nghĩa, hiểu người, hiểu đời cùng một ý chí cứng cỏi: “Anh biết em trách anh, nhưng Nhạ ạ, anh vốn biết Hạ là một cô gái mạnh mẽ, cứng rắn. Hạ sẽ biết cân nhắc để làm sao cho đúng. Còn Thục Chi là một cô gái có phần yếu đuối, lại đang bệnh tật… nên anh muốn gặp Thục Chi để an ủi cô ấy" (trang 214).

Độc giả bất ngờ hơn, khi mọi người trong làng đang lo vì quá sốc mà Hạ có thể sẽ nghĩ tới chuyện liều thân nhưng hóa ra cô đã lén về Hà Nội để chăm sóc cho Thục Chi. Đoạn tác giả phân tích tâm lí Hạ khi biết Thục Chi bị bệnh máu trắng thật cảm động: “Còn Hạ, từ khi biết Thục Chi bị bệnh hiểm nghèo cô bị sốc lần nữa. Cô ân hận vì có chút ghen tuông với Thục Chi. Cô xót xa cho mối tình của họ, vì chiến tranh mà phải li tán, đến nay lại vì bệnh tật mà phải cắt lìa. Nhưng Hạ cũng thấy cảm ơn đời vì Thục Chi đã mang lại món quà vô giá từ một tình yêu đẹp trong chiến tranh là bé Nam. Ai bảo chiến tranh chỉ có bom đạn và chết chóc? Trong khói lửa, tình yêu mãnh liệt của người lính kiên gan vẫn đơm hoa kết trái, vẫn làm nên mật ngọt cho đời” (trang 216).

Chiến tranh khó tránh khỏi những bi kịch, trong đó có tình yêu. Nhưng cũng chính từ những bi kịch ấy, vẻ đẹp của tình yêu, của lòng vị tha, nhân ái đã tỏa sáng, làm nên vẻ đẹp cho cuộc đời.

“Cánh đồng mùa trăng” đã đặt ra nhiều tình huống trong quan hệ gia đình, làng xóm, tình cảm lứa đôi… trong đó có những tình huống éo le, tưởng như bế tắc, nhưng tất cả đã được tác giả lí giải một khá khéo léo, trọn vẹn.

Cuốn sách có một điểm mạnh khá nổi trội là càng về cuối càng trở nên cuốn hút bạn đọc. Đó là điều hơi trái với lệ thường của một số tiểu thuyết ở ta thường chỉ xuất sắc ở phần đầu, càng về sau càng đuối. Điểm mạnh này rất cần được phát huy, đặc biệt là với một cây bút mới như Cồ Thị Thơm.

Song song với những điểm mạnh nói trên, “Cánh đồng mùa trăng” cũng lộ rõ những khiếm khuyết về nội dung cũng như nghệ thuật viết. Cốt truyện và nhân vật trong “Cánh đồng mùa trăng” vẫn là những “câu chuyện” muôn thuở về anh bộ đội ở chiến trường trở về và cô thôn nữ nơi hậu phương; vẫn là những thân phận, nhưng éo le, cảnh huống do nghèo đói và chiến tranh gây ra… Chừng như độc giả đây đó đã “gặp” trong các tiểu thuyết ở nhiều năm trước. Sự sáng tạo trong “Cánh đồng mùa trăng” chưa nhiều. Viết về nông thôn hôm nay, điều mong chờ ở độc giả là sự “đột biến”. Tác giả cần có đào sâu hơn nữa những giá trị tinh thần còn ém sâu, chưa được khai mở trong tâm hồn người nông dân.

Tuy nhiên, “Cánh đồng mùa trăng” là một cuốn sách đáng đọc, có thể đem lại những hiểu biết về nông thôn Việt Nam một thời đã xa. Và điều đáng nói hơn là nó đã khơi gợi lại những kí ức về con người trong chiến tranh, trong thời kì bao cấp, những con người hình như đã và đang có nguy cơ quên lãng đối với lớp trẻ của thời hiện tại.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy