Những trăn trở về một sự bình yên
(Nhân đọc hai tập truyện ngắn "Khoảng trống" và "Chị Soan" của nhà văn Nguyễn Thưởng)
Tôi lấy cái tít này cho bài viết bởi sau khi đọc 18 truyện trong tập truyện ngắn “Chị Soan” và 16 truyện trong tập “Khoảng trống” của nhà văn Nguyễn Thưởng và bỗng thấy những điều đau đáu, trăn trở ấy xuyên suốt trong hai tập truyện mà ông dành nhiều tâm huyết viết ra.
Trước hết, tôi xin lược qua về tác giả để thấy rõ những gì đã ảnh hưởng, đã thôi thúc ông cầm bút để lao vào sự sáng tạo với đầy thách thức, nhọc nhằn này. Xin được trích đôi dòng tâm sự của ông như giãi bày, bộc bạch: “Trưởng thành và đi lên từ lao động vất vả. Bàn tay vốn quen cầm búa, cầm cày, cầm súng nay bâng khuâng cầm bút. Bao tháng ngày qua, mải lo mưu sinh vất vả, lo cho con cái học hành, tôi không có thời gian nghĩ đến văn chương…”. Rồi có đoạn ông viết: “Bước sang tuổi tri thiên mệnh, năm tháng còn lại của cuộc đời quá ít ỏi, sức khỏe vơi dần, vốn sống và sự từng trải đầy lên. Bao điều trăn trở về thế thái nhân tình, bao khát vọng hướng về Chân Thiện Mỹ cứ thôi thúc tôi cầm bút, gửi lòng mình vào những trang viết mộc mạc này”.
Ông cầm bút khi ở tuổi bảy mươi, tuổi đã qua bao lăn lộn mưu sinh, tuổi cần sự nghỉ ngơi, thanh nhàn bên con cháu, nhưng với sự từng trải, chiêm nghiệm, trăn trở về cuộc đời, ông đã không thể ngồi yên. Ông bảo cảm thụ văn chương đã khó, sáng tạo văn chương còn khó hơn nhiều. Biết thế, mà những bình yên trong mỗi mái nhà, bình yên nơi xóm phố, bình yên của xã hội đã thôi thúc ông phải viết. Viết cũng là để tìm sự bình yên trong cõi lòng mình. Trong 34 truyện ngắn của cả hai tập truyện ta thấy ông quan tâm và thể hiện trên ba mảng đề tài: gia đình, xã hội và nông thôn. Xin được cảm nhận các câu chuyện qua từng đề tài và các thông điệp mà ông gửi gắm.
1.Thứ nhất về đề tài gia đình: Các câu chuyện này chiếm gần một nửa trong tổng số truyện của cả hai tập. Có nghĩa là ông đã dành tâm huyết cho những điều gần gũi nhất với mỗi con người. Ông quan sát, chiêm nghiệm và trở trăn vì mỗi mái ấm gia đình. Đó là những nỗi buồn, sự cách ngăn nặng trĩu trong mỗi mái nhà khi những khát vọng về dòng họ, về người nối dõi tông đường của nếp nghĩ ngàn xưa đè lên bậc làm cha mẹ. Nó chia lìa tình yêu lứa đôi của con cái. Điều này không hiếm trong hiện thực đời sống hiện nay. Chỉ có tình yêu thủy chung, chân thành của giới trẻ mới vượt qua cái rào cản nghiệt ngã này. Những cái kết hợp lý, có hậu ông dành cho những nhân vật của mình khi tình yêu của họ đã chiến thắng trong “Dòng họ”, “Kẻ nối dõi tông đường”. Rồi những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội luôn rình rập, lôi kéo lớp trẻ. Nó làm tan nát bao cõi lòng cha mẹ. Nó đẩy đời sống con người vào ngõ cụt, mất hết nhân tính đạo đức, phá hết nền nếp gia đình và sự bình yên xã hội. Ông đã nhìn thấy nỗi đau ấy, nhìn thấy vực thẳm trong tương lai của những đứa con hư. Ông thấu hiểu tâm trạng của những người cha mẹ và “Rượu kế”, “Hạnh phúc vơi đầy”, “Chuyện thằng cu”, “Cái dằm” đã trăn trở cùng ông như một lời cảnh tỉnh, kêu gọi mọi người phải biết làm gì để gìn giữ sự yên ấm cho mỗi mái nhà, cũng như xã hội.
Có một nỗi buồn âm ỉ, một nỗi buồn khác trong “Nỗi lòng ông Lộc”, “Nhọc nhằn thơ phú”. Hình như sự đồng cảm trong vợ chồng với những đam mê thơ phú không phải mái nhà nào cũng giống nhau. Thơ chỉ là đam mê, là những cung bậc tâm hồn. Nó chiếm hết tâm trí của người này, nó có sức lan tỏa với người kia, nhưng nó lại như đám mây phù du với người không đồng điệu. Vậy nên mới có nỗi buồn. Buồn vì không có sự thấu hiểu, cảm thông. Buồn vì hiểu nhầm ngay cả với tình yêu trong câu thơ tình. Nỗi buồn như một tiếng thở dài vừa nhẫn nại vừa đầy sự bao dung.
Các câu chuyện “Nợ nghĩa”, “Cơn giận”, “Canh hẹ” lại tái hiện những cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình. Cái không khí nặng nề, giận dỗi có thể phát sinh từ sự hà tiện đã thành nếp sống vì phải gánh vác bao việc trong gia đình của người phụ nữ. Cũng có thể bất chợt bùng lên vì sự vô tâm của người chồng, hay từ những suy nghĩ thiển cận, nông cạn về ứng xử hai bên nội ngoại. Những điều không bình yên ấy luôn có ở mỗi gia đình. Có thể chỉ từ sự sĩ diện nhất thời mà ngôi nhà ngột ngạt. Cái giận vẫn nằm trong cái thương nên dằn vặt càng nhiều. Ở cách giải quyết vấn đề này, tác giả đã thể hiện sự từng trải ở góc nhìn vị tha, lấy nghĩa tình để hàn gắn những vết nứt ấy. Qua cái giận lại nhận rõ hơn về mình để biết và thương hơn nỗi nhọc nhằn hy sinh cho gia đình của người bạn đời.
Trong số truyện về đề tài gia đình, tôi rất ấn tượng với ba truyện “Người hồi sinh”, “Ấm áp tiếng chào” và “Nếp nhăn của bà”. Không phải tứ truyện mới lạ. Cũng không phải nghệ thuật có gì đặc sắc. Cái làm rung động lòng người ở đây là tình người. Từ một người giúp việc không phải ruột rà máu mủ, một công việc phục vụ người bị bệnh tai biến thật không phải dễ dàng. Nào là người bệnh ốm lâu ngày sinh khó tính. Nào là sự nâng đỡ khó khăn, không khí trong phòng nặng mùi vì không được vệ sinh cẩn thận. Trong khi người bệnh tiêu cực không muốn sống nữa. Sự chăm sóc của bà chủ qua nhiều tháng ngày cũng quá mệt mỏi dần thành một sự vô tâm. Chỉ từ lời lẽ khuyên nhủ, động viên, rồi đọc báo, kể chuyện cho ông nghe. Ngay cả việc vệ sinh, tắm rửa cho ông sạch sẽ, xoa bóp hàng ngày chị giúp việc không nề hà. Những điều đó như liều thuốc giúp ông lạc quan hơn trong hồi phục. Hành động vượt qua mọi nỗi lo bị hiểu nhầm, thậm chí bị đánh giá về nhân phẩm của chị khi dùng hơi ấm năng lượng cơ thể mình truyền sang ông, khi ông bị một cơn sốc nguy kịch là đỉnh điểm của tình thương và sự hy sinh vì sự sống con người. Một câu chuyện tưởng vượt qua mọi suy nghĩ của đời sống thực, nhưng nó có lý ở sức nặng của tình người nên nó gieo vào lòng người đọc một sự tỉnh ngộ với đầy ấm áp.
Cũng là nói đến tình người nhưng “Ấm áp tiếng chào” lại chuyển tải một thông điệp khác. Ở đây ta thấy tác giả đi sâu trong tâm lý người già. Họ luôn mừng vui với sự thành đạt, cần mẫn học hành, lao động mưu sinh của con cháu, nhưng đằng sau niềm vui ấy vẫn thầm lặng nỗi buồn. Đó là sự cô đơn. Sự cô đơn của thế hệ mà có lẽ đời người ai cũng phải trải qua. Người ông của câu chuyện ngày ngày ra ngồi ngắm các cháu đi học về để đỡ nhớ con cháu ở xa, để hoài niệm về một thời thơ ấu của mình. Rồi có một tiếng chào lễ phép của một cháu gái. Nó như một luồng gió mát thổi vào lòng ông. Ông mến yêu cháu bé và luôn vui vì hàng ngày được nghe một tiếng chào. Điều bất ngờ khi ông biết hoàn cảnh cháu bé không biết bố mình là ai, không có ông bà. Câu nói của cháu làm ông xúc động (Cháu không có bố, có ông bà. Họ bỏ cháu đi đâu hết. Ông cho cháu xin “một ít ông” được không?). Qua câu chuyện ta chợt giật mình. Thì ra có những điều nhiều người thừa thãi trên đời này, thậm chí kêu ca vất vả về điều ấy thì nhiều người khát khao không có được. Cái sợi dây tình cảm gắn kết gia đình ấy nó vô hình nhưng quý giá và thiêng liêng vô cùng.
Khác với “Ấm áp tiếng chào” câu chuyện “Nếp nhăn của bà” lại là những tình cảm sâu nặng của người chồng dành cho vợ. Ông giải thích với cháu về những nếp nhăn của bà, nhưng chính là lòng ông thấu hiểu những nhọc nhằn, đắng cay và cả khát vọng khi đã bao năm bên nhau chung sống. Ta bỗng xúc động khi ông bảo nếp nhăn trên trán bà là những nếp nhăn vì những đứa con. Mỗi một nếp nhăn là mỗi cuộc sinh tử khi sinh con, rồi buồn đau khi con chưa nghe lời. Mỗi vết chân chim bên khóe mắt như những tia hy vọng dõi nhìn con cháu trưởng thành. Chi tiết ấy giản đơn, mang tính suy tư hình tượng mà sâu xa về tình mẹ, tình bà. Bài học cho đứa cháu, nhưng nó gửi thông điệp cho chúng ta suy ngẫm.
2.Thứ hai là đề tài xã hội. Số truyện của đề tài này cũng gần bằng với đề tài gia đình. Xã hội ở đây là tổ dân phố, là một cơ quan, là cái nhìn về địa vị xã hội, là quan hệ đồng nghiệp, là sự ích kỷ, tham lam giữa đồng loại với nhau. Vẫn là những vấn đề gần gũi mang một sự gắn kết cá nhân và xã hội.
“Khoảng trống” nói về lòng tham dẫn đến sự ti tiện của một cán bộ địa phương khi chiếc áo dạ quý ủng hộ cho người nghèo đã không đến đúng đối tượng của nó. Nó để lại khoảng trống trong ngăn tủ, nhưng nó để lại khoảng trống trong lòng người ủng hộ lớn hơn nhiều. Những truyện: “Ngược chiều”, “Ghen nhầm”, “Con đường”, “Đi tìm cái chữ, “Xóm núi” nói đến những tính toán vụ lợi cá nhân, sợ hy sinh vì lợi ích chung. Mỗi truyện một hoàn cảnh khác, nhưng đều được giải tỏa bằng cái gốc của nghĩa tình xóm giềng, bằng sự tự trọng cá nhân và vì sự đi lên của xóm phố.
“Gương nhòe” là câu chuyện mang tính nhân quả. Do ích kỷ, hẹp hòi nên ông Mận luôn sợ người khác hơn mình, tìm cách hại đồng nghiệp. Cái kết của nhân vật ấy là một sự báo ứng. Ở “Gương nhòe” có nhiều chi tiết lột tả được sự thâm hiểm của kẻ ích kỷ, đố kỵ luôn kèn cựa người khác để thăng tiến. Việc lấy cắp thỏi thiếc của ông Mận khiến việc khắc phục thiết bị hỏng hóc của ông Toàn bị đình trệ và bị kỷ luật là đỉnh điểm của mưu toan này. Khi đã về hưu gia đình ông Mận đã không có sự bình yên. Con cái hư hỏng phá phách, kinh tế phá sản. Ông Mận đem thỏi thiếc cất giấu lâu nay đi bán lại bị tai nạn ngay cửa nhà ông Toàn. Được con cái ông Toàn giúp đỡ, nhận ra người mình đã hại trước kia ông Mận thấy hối hận việc mình đã làm. Việc hối cải muộn màng của ông Mận là một cảnh tỉnh cho thói bon chen, ích kỷ luôn có thể nổi lên ở bất kỳ ai nếu để cái ác vượt lên trên cái thiện.
- Tiếp đến đề tài nông thôn, chỉ có ba truyện thể hiện trong đề tài này. Đó là “Về làng”, “Á hậu cấy” và “Đầu cơ nghiệp”.
“Về làng” kể về những cảm nhận của một cô sinh viên về thăm nơi ông bà, bố mẹ mình đã sống. Những cảm giác như nghe được con sông quê lưu giữ, kể lại vui buồn từ xa xưa của làng quê. Rồi tình làng xúm lại hỏi thăm, nhắc về ký ức, tất cả như hết bất ngờ này đến bất ngờ khác ùa vào lòng cô những cảm xúc mới lạ. Hóa ra làng chẳng quên dấu ấn ai đã từng chia sẻ ngọt bùi trên mảnh đất này. Phải chăng những cảm xúc của cô gái ấy chỉ là cái cớ để tác giả gửi gắm những hoài niệm sâu lắng trong lòng ông. Truyện không có những tình huống gay cấn, bất ngờ. Nó như cơn gió đồng thổi vào lòng người những dịu mát của nếp sống làng quê.
“Á hậu cấy” là câu chuyện tình, kết quả bén duyên qua một cuộc thi cấy ở làng. Qua câu chuyện từ trang phục, thi hát, thi ứng xử, thi cấy đều nhắc đến việc giữ gìn truyền thống của làng. Nó mang một sự khác biệt với nếp sống hiện tại. Chính kết quả cuộc thi và sự bén duyên của á hậu đã nói lên ý tưởng tác giả trong câu chuyện này. “Đầu cơ nghiệp” kể về một chú trâu. Đây là con vật gắn với đời sống người nông dân bao đời. Chú trâu càng lớn càng mang bản năng của con vật. Hung hăng, hiếu chiến như luôn muốn lao vào cuộc đấu. Chú được người chọi trâu trả giá rất cao, nhưng người nông dân không hề bán. Bằng kinh nghiệm và sự yêu quý của mình, người nông dân đã thuần phục được chú trâu để gắn bó với đời sống sản xuất trên đồng ruộng. Trong truyện này, tác giả cho xen những chi tiết ảo. Đó là người chủ biết nghe tiếng nói của trâu. Chi tiết này càng nhấn mạnh thêm sự gắn bó của “Đầu cơ nghiệp” với người nông dân. Nó được người nông dân coi như người bạn thân thiết, sẻ chia những nhọc nhằn từ bao đời với mình. Qua mấy truyện về đề tài nông thôn, tôi có cảm giác dù cuộc đời nhà văn phần lớn ở môi trường công nghiệp, nhưng làng quê vẫn nặng trĩu trong hoài niệm của ông. Ba câu chuyện trên ông không nặng về ý đồ vẽ lên bức tranh đời sống nông thôn mà mượn những hình ảnh ấy để nói về điều sâu xa hơn. Đó là cái đẹp, cái tình, nó đã thành nếp nghĩ, lẽ sống hay ta vẫn gọi là nét đẹp văn hóa nông thôn.
***
Tôi đã điểm qua ba đề tài trong hai tập truyện ngắn của nhà văn. Những từng trải, chiêm nghiệm và đáng trân quý hơn là sự trăn trở về bao điều đang hàng ngày diễn ra trong cuộc sống quanh ta mà ông đưa vào tác phẩm. Với những tác phẩm đó, dù ở đề tài nào, ở nhiều diễn biến cụ thể khác nhau thì thông điệp ông gửi gắm vẫn có một điểm chung. Đó là hãy vì một sự bình yên. Sự bình yên của gia đình. Sự bình yên của xã hội. Mà cái lõi của sự bình yên là tấm lòng bao dung, nhân hậu, là trách nhiệm sống của mỗi người.
Khát vọng thì nhiều, nhưng như nhà văn đã nói: “Ở cái tuổi tri thiên mệnh, cảm thụ văn chương đã khó, sáng tạo văn chương còn khó hơn nhiều”. Ra được hai tập truyện, về nghệ thuật cũng còn những điểm phải bàn, nhưng viết lên được bao điều mình luôn trăn trở đã như món quà quý giá, là dấu ấn của sự miệt mài trong sáng tạo và tôi chắc chắn đó là điều hạnh phúc của ông.
Xin được kính chúc ông, bước sang tuổi chín mươi luôn an vui cùng gia đình bạn bè. Chúc những tác phẩm của ông luôn đọng lại bao điều ấm áp trong lòng độc giả.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...