Những người mở đường
VNTN - Chiến tranh luôn là sự ám ảnh trong mỗi người và là đề tài vô tận cho các nhà văn. Tiểu thuyết “Những người mở đường” của nhà văn Hồ Thủy Giang ngổn ngang kí ức về cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước của dân tộc. Đoạn trích dưới đây gợi lại vụ đánh bom thảm khốc của Đế quốc Mĩ vào đêm 24/12/1972, tại Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên), làm 60 thanh niên xung phong của Đại đội 915 hi sinh. Nhân dịp này, VNTN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, như một sự tưởng nhớ những người đã khuất.
Tiểu thuyết đã đoạt Giải Ba (không có Giải Nhất) cuộc thi sáng tác do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức, năm 2015.
Trích tiểu thuyết của nhà văn Hồ Thủy Giang
CHƯƠNG II
Sáng nay, cũng như nhiều buổi sáng khác, Tâm lại ngồi trầm ngâm trước màn hình máy vi tính. Màn hình hiện lên rất rõ một hàng chữ lớn: Những bông hoa. Hàng dưới ghi chữ: Tiểu thuyết bằng co chữ nhỏ hơn.
Vẻ suy nghĩ nung nấu, Tâm bặm môi, rồi bằng một cử chỉ quyết liệt, chị đưa tay vào bàn phím gõ gõ. Màn hình vi tính hiện thêm chữ máu sau hàng chữ Những bông hoa. Tâm nhìn mấy hàng chữ trên màn hình một lúc lâu, khẽ cau mày. Máu! Đúng thế! Không thể có từ nào diễn tả một cách xác thực hơn. Mắt Tâm mờ đi. Cuốn tiểu thuyết này, Tâm đã nung nấu trong lòng cả năm nay mà chưa bao giờ dám hạ bút viết dù một chữ. Vốn chỉ là một cựu thanh niên xung phong chống Mĩ, không được học hành nhiều, chưa bao giờ dám cầm bút viết một đoạn văn ngắn. Nhưng nhiều năm nay không hiểu sao hình ảnh của những người bạn cùng chiến đấu trong Đại đội Thanh niên xung phong 15 năm xưa cứ hiện về ám ảnh chị không nguôi, cứ như một món nợ luôn đeo bám bên người. Cuối cùng, Tâm đã hạ quyết tâm phải viết nó bằng được. Tuy nhiên, chỉ riêng cái tên cuốn sách cũng đã làm chị phải loay hoay đến hàng tuần. Tâm nhíu mày nhìn vào màn hình. Đúng rồi! Những bông hoa máu! Chị có vẻ đã ưng ý với nhan đề của cuốn tiểu thuyết. Giống như tâm trạng của nhiều lần trước đó, chị ngồi lì bên máy tính đến hàng giờ trong những suy nghĩ mông lung. Phải bắt đầu viết như thế nào đây? Mỗi lần xuất hiện câu hỏi ấy trong đầu, Tâm lại ứa nước mắt. Nỗi kinh hoàng từ trận bom ba mươi lăm năm năm trước lại hiện về rõ mồn một. Lúc này Tâm như vẫn hình dung thấy từng gương mặt, từng nụ cười và cả những giọt nước mắt của những người bạn đồng ngũ năm xưa. Vậy mà chỉ qua một trận bom B52 trong cái đêm định mệnh ấy, tất cả đã vĩnh viễn rời xa chị. Người ta thường nói, thời gian sẽ xóa nhòa đi mọi nỗi đau. Nhưng đối với Tâm đã trôi qua ba mươi lăm năm có lẻ mà sao nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn trong lòng. Bất giác, Tâm thấy một tia sáng lóe lên trong đầu. Đúng rồi! Hãy bắt đầu cuốn tiểu thuyết từ chính nỗi đau ấy. Hãy bắt đầu từ cái đêm cuối cùng của anh và đồng đội đã ngã xuống như những người anh hùng. Hãy viết đúng những gì đã xảy ra, không cần hư cấu, thêm bớt dù chỉ một tình tiết nhỏ. Và tên những nhân vật cũng sẽ không cần thay đổi. Vì họ là những người thật việc thật cùng những nỗi đau và niềm tự hào đáng ghi lại một cách chân thực cho các thế hệ mai sau. Hãy làm cho linh hồn họ sống mãi với thời gian. Đúng vậy! Hãy bắt đầu bằng một niềm tin như vậy. Chị như vồ lấy bàn phím máy tính…
* * *
…Sáu, bảy chục chiến sĩ thanh niên xung phong, chủ yếu là nữ đang vác những bao gạo, bột mì… từ một kho hàng lớn chất lên những chiếc xe zin. Chếch với khu đất là dãy nhà cấp bốn ụp sụp, lợp ngói, phía trước có cánh cổng lớn gắn tấm biển ghi hàng chữ: Ga Lưu Sơn. Không khí làm việc rất khẩn trương. Xa xa, tiếng máy bay phản lực thỉnh thoảng lại gầm rú như muốn nuốt chửng cả bầu trời. Thấp thoáng trong bóng chiều chạng vạng, một vài khuôn mặt nữ thanh niên xung phong tròn trịa, xinh xắn nhưng bợt bạt vì mệt. Họ bước như chạy. Những bao gạo, những bao bột mì đè lên những đôi vai bé nhỏ. Những lưng áo đẫm mồ hôi. Những bàn chân mảnh dẻ đạp lên đất đá sào sạo.
Ven đường, ngay dưới gầm một chiếc xe zin đang chờ đổ hàng, lập lòe một đốm thuốc lá.
Cương, đội phó Đội Thanh niên xung phong 90, là người trực tiếp chỉ huy trận địa cúi nhìn xuống gầm xe, quát to:
- Cậu kia! Tắt thuốc ngay! Lính đơn vị nào mà liều thế?
Từ gầm xe, một thanh niên mặc quân phục chui ra.
Cương gườm gườm nhìn chàng thanh niên.
- Muốn chết hay sao?
Gương mặt non choẹt, sợ hãi của cậu lái xe nhập nhoà trong bóng tối.
- Đồng chí thông cảm. Chạy xe suốt đêm, hai mắt cứ díp lại. Có điếu thuốc cũng…
Cương chỉ vào mặt lái xe, giọng căng thẳng:
- Tắt thuốc ngay!
Điếu thuốc lập loè thêm vài giây rồi tắt ngấm.
Tâm cùng mấy nữ thanh niên xung phong đang vác gạo đến chất lên thùng chiếc xe zin, nghe rõ chuyện, cười ré lên. Sao, một nữ thanh niên xung phong có gương mặt tròn như trẻ thơ, ghé sát mặt nhìn chàng lính trẻ:
- A lúi! Thủ trưởng Cương ơi. Anh lái xe đẹp giai quá. Tí nữa thủ trưởng Cương chuyển sang để chị em chúng em kỉ luật lố!
Mỵ, một nữ thanh niên xung phong khác cũng bắt chước Sao, nhìn chằm chằm vào chàng lái xe.
- Đúng rồi mà. Đẹp giai quá lố! Thủ trưởng Cương tha cho anh ấy đi. Thằng B52 bay tận chín tầng mây, có mắt cũng như mù, không nhìn thấy đâu mà sợ.
Cương quay sang phía Sao và Mỵ, quắc mắt:
- Các cô đùa dỡn trước cái chết hả? Sáng mai về đơn vị tôi sẽ xử lí!
Mỵ và Sao dúm người.
- A lúi! Báo cáo thủ trưởng Cương, chúng em biết tội rồi lố.
Sao và Mỵ so vai, rụt cổ rồi lẫn vào dòng người đang bốc hàng, vẫn cố quay đầu lại nhìn anh lái xe.
Cương vỗ vỗ vào vai chàng lính xế:
- Sắp đến giờ nghỉ rồi. Cơm nước xong tớ bố trí cho một chỗ có thể hút thoải mái.
Nói xong, Cương quay lại, đứng trước đám đông. Giọng Cương dõng dạc:
- Toàn đại đội 15 chú ý! Theo mệnh lệnh của Đội trưởng Nguyễn Huy Thịnh, cuối giờ hôm nay đại đội chúng ta sẽ tập kết để ăn nghỉ tại Trường Đại học Cơ điện, sáng mai làm tiếp…
Phía dưới nhiều tiếng nhao nhao:
- Nhưng hàng còn nhiều lắm thủ trưởng Cương ơi! Mà tiền tuyến thì đang đợi từng ngày từng giờ!
- Tôi có ý kiến, xin thủ trưởng Cương cho chị em chúng em vào khu nhà trẻ của nhà ga Lưu Sơn gần đây ăn cơm, giải lao ít phút rồi lại tiếp tục bốc hàng thôi. Làm cả đêm cũng tốt mà.
Một nam thanh niên xung phong lên tiếng, giọng cợt đùa:
- Cái cô Sao này nói lạ. Chỉ “chị em chúng em” ở lại còn “anh em chúng tôi” thì về hả? Được làm việc với các em xinh đẹp thì anh em chúng tôi bốc vác cả tuần không nghỉ cũng sướng đấy.
Giọng Sao hơi chanh chua:
- Ai dám cắt quyền lợi làm việc của các anh! Nếu thủ trưởng Cương đồng ý thì các anh cứ việc ở lại chứ ai dám nói gì đâu lố.
Cả đại đội lại nhao nhao nhất trí ở lại tiếp tục làm việc.
Cương suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu:
- Được rồi! Được rồi! Trật tự! Vậy chiểu theo ý kiến của toàn đại đội, tôi quyết định sau khi ăn cơm xong sẽ làm tiếp.
Nói rồi, Cương đưa cả hai tay lên cao dõng dạc ra lệnh:
- Toàn đại đội di chuyển sang khu nhà trẻ Ga Lưu Sơn.
Đám người hò reo vẻ đầy hứng khởi.
Trong đại đội lúc ấy chỉ có Tâm là người không reo hò theo mọi người. Không phải cô không hào hứng với quyết định của Cương. Sáng sớm hôm nay, tập trung toàn đại đội để đi nhận nhiệm vụ, Tâm còn nhớ không sót một lời mệnh lệnh của Đội trưởng Nguyễn Huy Thịnh khi ông dõng dạc tuyên bố trước hàng quân: “để bảo đảm an toàn tính mạng cho chiến sĩ, đại đội chỉ được làm việc vào ban ngày. Kể từ mười tám giờ toàn đại đội phải tập kết, ăn nghỉ tại khu kí túc xá trường Đại học Cơ điện để sáng hôm sau làm tiếp. Đấy không chỉ là mệnh lệnh của Đội mà còn là lệnh của tỉnh”.
Tâm nhìn dáng vẻ phớt đời của Cương mà lo lắng thắt lòng. Cũng như mọi người, cô đâu có sợ chết. Và cô cũng hiểu rõ hơn ai hết, tiền tuyến đang mỏi mắt trông đợi từng giờ từng phút các nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược từ hậu phương chuyển ra. Nhưng không tuân thủ mệnh lệnh thời chiến lại là một chuyện động trời. Có người đã từng bị xử bắn vì tội này chứ đâu có đùa.
Lúc cùng toàn đại đội di chuyển về khu nhà trẻ, Tâm cố tình đi song song bên Cương để bày tỏ nỗi lo ngại:
- Anh Cương này, chuyện thay đổi giờ làm phải báo cáo về cho Đội trưởng Thịnh chứ ạ. Em… sợ rằng…
Cương suy nghĩ vài giây, rồi nói to:
- Đúng nguyên tắc là phải như vậy, nhưng không còn đủ thời gian nữa Tâm ạ. Anh nghĩ chắc ông Thịnh cũng sẽ đồng ý với quyết định này thôi. Em phải hiểu là bộ đội ngoài trận địa đang…
Tâm cướp lời:
- Em biết rồi. Nhưng anh đã lường được chuyện không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu sẽ như thế nào chưa? Anh còn lạ gì tính cách cứng như thép của đội trưởng Thịnh nữa.
Cương cười thoải mái:
- Sao không biết! Nhưng tiểu đội phó Tâm yên trí đi. Là người chỉ huy cao nhất ở đây, anh sẽ chịu trách nhiệm mà.
Mặt Tâm đỏ bừng, giọng bỗng tắc nghẹn:
- Trách nhiệm! Anh coi thường em đến thế sao?
Nói xong, Tâm đùng đùng bỏ đi.
Biết là mình hơi quá lời, Cương vội đuổi theo Tâm. Đến tận một góc khuất anh mới nắm được tay Tâm:
- Cho anh xin lỗi. Anh không có ý ấy.
Cương âu yếm đặt cả hai tay lên vai Tâm, nói giọng vui vẻ xen chút tếu táo:
- Anh nói cho Tâm nghe chuyện này nhé. Hồi nhỏ đọc Tam quốc chí, anh còn nhớ một câu giống như một bài học về chiến tranh như thế này: “tướng ở biên ải được phép không tuân theo ý chỉ nhà vua”. Vậy, ở “biên ải Lưu Sơn” này, anh không nghe theo lệnh của ông Thịnh cũng là chuyện thường thôi mà.
Nghe Cương giải thích nhưng Tâm vẫn chưa hết lo. Cương vốn là một kĩ sư cầu đường, được ty giao thông cử sang đội thanh niên xung phong đảm nhiệm chức vụ đội phó phụ trách kĩ thuật. Gần một nghìn đội viên của toàn Đội Thanh niên xung phong 90 này chỉ duy nhất có Cương là kĩ sư giao thông, là vốn quí của đơn vị. Ai cũng hiểu, kể cả ông Thịnh, anh là một người cần thiết như thế nào cho nhiệm vụ mở đường, xây cầu… Mà đơn vị phải đảm trách. Trong nhiều chiến dịch quan trọng nếu thiếu Cương chắc chắn sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ một cách mĩ mãn. Ngay đến ông Thịnh là người không bao giờ sùng bái cá nhân nhưng cũng phải gọi Cương là mì chính cánh. Ấy vậy nhưng trong những cuộc họp, ông Thịnh không bao giờ quên nhắc nhở chung về sự cần phải gột rửa tư tưởng lãng mạn, tự do vô tổ chức của thành phần tiểu tư sản. Tuy là nhắc nhở chung nhưng mọi người đều hiểu đó là ông ám chỉ Cương. Vì vậy, việc hôm nay anh dám làm trái lệnh của ông Thịnh, của tỉnh chắc chắn sẽ là chuyện tày đình.
Tâm nhớ lại buổi tối hôm qua, Cương cũng đặt đôi bàn tay lên vai Tâm như thế này và định nói với cô điều gì đó tỏ ra rất hệ trọng nhưng cứ ngập ngừng mãi không thể cất thành lời.
Hôm nay, đôi bàn tay mềm mại của anh lại đặt lên vai Tâm, và cũng giống như hôm qua, anh mấp máy môi định nói với Tâm nhưng cuối cùng vẫn lại im lặng. Ánh mắt Cương hắt lên vẻ u ám, nhẫn nhịn. Hình như cả hai lần, anh đều phải hết sức kìm lòng để không nói ra cái điều vẫn đau đáu trong lòng.
Tâm phì cười, gỡ tay Cương ra khỏi vai:
- Thôi đi “ông” ạ! Không phải phân vua nữa. Mai về đơn vị, chuẩn bị nhận kỉ luật thép của ông Thịnh đi là vừa.
* * *
Toàn Đại đội 15 đã tập trung ở cái sân rộng trước khu nhà trẻ Ga Lưu Sơn. Một vài nam thanh niên xung phong cởi áo vắt mồ hôi. Những dòng mồ hôi từ những chiếc áo chảy ròng ròng.
Một Nam thanh niên xung phong càu nhàu:
- Vắt kiệt sức thế này mà bọn con gái vẫn chê bọn mình là lười chảy xác đây.
- Nhưng cũng phải công nhận bọn con gái đại đội mình bé như hạt mít nhưng bốc vác khỏe như gấu ấy.
Phía cuối sân, Sao ôm bụng nhăn nhó. Mỵ nhìn Sao, giọng lo lắng:
- Cái con Sao này. Mày làm sao thế?
Sao vẫn ôm bụng, nói nhát gừng:
- Tao không sao…. nhưng đói… đói quá…đói quá… các chị ơi…
Mắt Sao nhìn vòi vọi về phía cuối con đường đất, người như lả đi, miệng kêu gào thảm thiết:
- Ối mấy bà cấp dưỡng ơi…đ…ó…i... đói sắp chết rồi lố…ối giời ơi…ối giời ơi…
Mỵ xốc Sao đứng thẳng lên, sẵng giọng:
- Cái mày! Lúc bốc hàng thì sấn sổ như hổ vồ mà bây giờ õng ẹo như trẻ con thế hả? Chẳng có tinh thần chiến đấu gì cả. Về đơn vị, tao phê bình cái mày trước đại đội đấy!
Sao càng nhăn nhó hơn:
- Các chị ơi, em có tinh thần chiến đấu mà, nhưng em không chịu được đói. Ở nhà, những lúc em đói mà chưa có cơm, mé phải đưa ngay cho em củ sắn hoặc quả ngô. Nếu không là em chết đấy, chết thật đấy các chị có biết không?...Mé ơi, con đói quá… mé ơi…
Mọi người cười ồ lên nhưng dường như Sao không hề để ý đến những lời chế giễu, cô gập người sát đất kêu to:
- Ối cái “bà” cấp dưỡng ơi! Đi đâu hết mà để cho thanh niên xung phong tình nguyện chết đói thế này!
Trên mặt đất, ngay trước mắt Sao, bỗng xuất hiện đôi giầy cooc- sê- ghin to bè. Sao hoảng hốt ngẩng cổ nhìn lên. Đội phó Cương đã đứng sừng sững ngay trước mặt.
Mặt Sao tái mét. Cô rụt cổ lủi vào giữa mấy nữ thanh niên xung phong lớn tuổi.
Giọng Sao run lẩy bảy:
- Chết em rồi các chị ơi.
Xưa nay, Cương là một đội phó tuy rất hiền lành nhưng vô cùng nghiêm khắc, đặc biệt anh luôn là khắc tinh đối với những chiến sĩ thiếu tinh thần quả cảm.
- Làm sao mà nhăn nhăn nhó nhó thế này?
Sao gắng gượng đứng dậy trước mặt Cương, nói không ra hơi:
- Báo… cáo… thủ trưởng không…không có cái… vấn đề đâu ạ!
Mỵ cười ranh mãnh:
- Báo cáo đội phó, có cái vấn đề đấy ạ.
Sao quay sang ý tứ lườm Mỵ rồi lại lấm lét nhìn Cương.
Cương cau mày:
- Có vấn đề gì cứ nói.
Mỵ đưa tay lên vành mũ, làm ra vẻ nghiêm trang:
- Báo cáo thủ trưởng! Vấn đề là…vấn đề…chưa thấy cấp dưỡng mang cơm ra ạ.
Mỵ chỉ vào Sao:
- Báo cáo! Cái con này nó sắp chết đói đến nơi rồi đội phó ơi.
Cương nhìn mấy nữ đội viên, người ý tứ che miệng cố giấu một tiếng cười, người tỏ ra sợ sệt, anh bỗng thấy dâng lên một niềm thương cảm vô hạn. Ừ, nếu không có chiến tranh, những cô gái chưa lớn hết cỡ kia chắc chắn sẽ đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, có khi còn nũng nịu, nhõng nhẽo trong lòng bà, lòng mẹ. Vậy mà vừa rồi, anh đã được chứng kiến những giọt mồ hôi của họ đổ xuống như thế nào. Cương giấu một tiếng thở dài, nói bằng một giọng ấm áp:
- Các đồng chí thông cảm nhé. Vì thay đổi kế hoạch nên cơm nước có hơi muộn một chút- Cương mở chiếc xắc cốt- à, đây! Tối qua, tôi có vào đại đội 13 thăm anh Được, đúng lúc đại đội bộ đang nấu xôi, họ nắm cho một nắm to.
Cương lấy từ xắc- cốt một gói lá chuối, đưa cho Sao.
- Các em chia nhau ăn tạm.
Sao ríu lưỡi:
- Đội phó…báo…cáo…thủ trưởng cho chúng em thật ạ?
Cương vỗ vỗ vào vai Sao, cười:
- Cô Sao này đói quá đến nỗi không nghe thấy cả lời tôi nói. Thôi ăn đi cho đỡ đói.
Sao như vồ lấy nắm xôi. Bàn tay run run mở từng lượt lá chuối. Sao reo to:
- Xôi đỗ đen lố! Thích quá này các chị ơi! Em chia cho mỗi người một ít nhé. Nhưng mỗi người chỉ được bằng quả ổi thôi! Nhưng cũng vui quá mà. Cảm ơn thủ trưởng Cương nhiều lắm.
Sao ngẩng lên nói lời cảm ơn, nhưng Cương đã bước đi từ lúc nào. Sao nhìn theo bóng Cương, mắt đỏ hoe.
Mọi người xúm lại quanh Sao, ngấu nghiến ăn miếng xôi vừa được chia phần.
Nuốt xong miếng xôi, Sao ngoảnh sang nhìn một chị lớn tuổi, vừa nhai vừa nói:
- Có phải người kinh các chị có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” phải không? Đúng như thế thật chị nhỉ.
Phía ngoài cánh cổng, mấy cấp dưỡng đang gánh cơm đến. Mọi người đứng bật dậy. Sao hô to:
- Cơm đến rồi! Hoan hô cơm!
Nhiều tiếng hô tiếp theo một cách đầy phấn khích.
- Cơm muôn năm!
- Thế này thì lại có thể bốc vác suốt đêm nay rồi!
- Hoan hô mấy “bà” cấp dưỡng.
Mấy “bà” cấp dưỡng mặt đỏ bừng bừng, lặc lè gánh những gánh cơm nặng trĩu bước vào trong sân.
Mấy gánh cơm đặt xuống đất. Mọi người xúm lại. Cấp dưỡng nhanh nhẹn đưa cơm cho những người quây quanh.
Những chiếc bát sắt thi nhau chìa về phía trước. Những nụ cười nở trên những gương mặt xạm nắmg, nhem nhuốc bụi đất.
Sao đưa vội bát cơm lên miệng, chưa kịp và thì bất thần tiếng máy bay bỗng gầm rú khắp bầu trời. Mọi người sững lại. Những khuôn mặt thảng thốt. Nhiều người buông bát vội ngồi thụp xuống. Cương nhìn lên trời, quan sát. Anh trấn an:
- Các đồng chí bình tĩnh!
Tiếng máy bay gầm rít như phá vỡ bầu trời. Thấy tình hình bất ổn, Cương hô to:
- Vào hầm trú ẩn ngay! Các em nhỏ vào trong để phía ngoài chúng tôi che chắn!
Mọi người vội vã chui vào cái hầm lớn hình chữ U ở cuối sân.
Những chiếc bát sắt đựng cơm tung toé trên mặt đất.
Cương đứng ở cửa hầm quan sát. Tiếng bom rít lên xen lẫn tiếng máy bay gầm rú rợn người. Những tiếng nổ lộng óc, khói mù mịt. Mặt đất bị xới tung lên, chao đảo.
Từ trên cao, một tiếng rít rợn người. Chỉ một tích tắc ngay sau đó, căn hầm lớn trúng bom, gạch, đất đá, tre nứa tung lên cao…
* * *
Phía ngoài có tiếng gõ cửa. Tâm ngừng viết, ngó ra. Cửa nhà Tâm bằng kính nên nhìn rất rõ người đứng bên ngoài. Tâm quan sát một lát, bỗng chị đứng bật dậy. Trời! Ai như anh Thịnh. Nhưng có lẽ nào lại là anh Thịnh? Tâm ríu bước như chạy về phía cửa.
Cánh cửa vừa mở, Tâm sững sờ nhìn người đàn ông đứng trước mặt.
- Trời ơi! Ra là anh Thịnh thật!
Thịnh cười, một nụ cười trĩu nặng:
- Đúng là Thịnh thật đây chứ không phải Thịnh giả đâu!
Thịnh cầm tay Tâm.
- Cô Tâm! Không ngờ có một ngày được gặp lại cô.
Tâm nhìn vào mắt Thịnh, giọng run rẩy:
- Vâng!... Vui quá! …Anh cũng già đi ít nhiều. Anh vào nhà đi.
Thịnh vừa bước vào nhà vừa nói bằng một giọng u ám:
- Thành lão rồi còn gì- Ông nhìn đăm đăm vào mặt Tâm- Nhưng cô Tâm thì vẫn giữ được nét ngày xưa đấy. Còn duyên lắm!
- Anh cứ đùa! Tóc em cũng bạc quá nửa rồi.
Thịnh ngơ ngẩn quan sát gian phòng đơn sơ chỉ có một cái giường mét hai kê tận trong góc. Hình như biết ông Thịnh nghĩ gì, Tâm tủm tỉm cười:
- Em sống một mình nên nhà cửa cũng tuềnh toàng. Anh ngồi uống nước.
Thịnh ngồi xuống bộ ghế xa lông cũ, ọp ẹp:
- Ba mươi năm mới trở về đất này. Nhìn cái gì cũng lạ.
Tâm cầm phích nước pha trà. Những ngón tay của chị dù gắng gượng những vẫn cứ run lên bần bật.
- Xúc động quá anh Thịnh ạ. Em không tưởng tượng có ngày được gặp lại anh như thế này. Nghe nói sau ngày thống nhất, anh vào Cà Mau sinh sống.
Tâm rót nước ra hai chiếc chén trước mặt, chừng như muốn phá tan không khí hơi nặng nề bằng một lời trách thân mật:
- Anh là có tội với em đấy nhá! Ngày ấy anh đi mà không nói với ai một lời, kể cả những người thân nhất.
Thịnh nhìn Tâm, nở một nụ cười bối rối. Thịnh cầm chén nước, mặt thoắt buồn:
- Ừ, ngày ấy không phải tôi đi mà là…mà là… trốn chạy… Cứ nói thẳng ra như thế có khi lại nhẹ lòng hơn cô Tâm ạ.
- Ai lại thế! Không ai nghĩ vậy đâu anh!
Trong lúc Tâm đứng dậy ôm chiếc ba lô của Thịnh đặt lên đỉnh chiếc tủ li ở phía tường đối diện, Thịnh tò mò nhìn vào màn hình máy vi tính chưa tắt, lẩm bẩm đọc những hàng chữ trên màn hình, không tránh khỏi ngạc nhiên.
- Gì thế này?... Những bông hoa máu…tiểu thuyết…
Tâm trở lại ngồi xuống ghế. Thịnh quay lại nhìn Tâm tỏ ra khó hiểu:
- Cô…cô…cô là nhà văn từ bao giờ vậy?...Cô…cô viết cái này…
Tâm cười, khẽ lắc đầu:
- Nhà văn nhà vẻ gì đâu anh. Là em định thử viết một cái gì đó để ghi nhớ lại cái đêm 24 tháng 12 định mệnh ấy của Đại đội Thanh niên Xung phong 15 của chúng ta thôi.
Thịnh hơi bàng hoàng. Ông ngồi thừ người nghĩ ngợi một lúc khá lâu rồi khẽ lẩm bẩm:
- Có lẽ cũng là một công việc tốt….Nhưng… sao cô lại lấy tên cuốn sách là “Những bông hoa máu”?
- Cũng mới chỉ là dự kiến thế thôi. Chắc còn phải nhờ đến bàn tay của các anh bên hội văn học nghệ thuật của tỉnh nhiều. Nghĩ thì lâu rồi, nhưng em cứ dền dứ mãi chưa dám cầm bút. Sáng nay không biết do dun dủi thế nào, em vừa viết được đoạn mở đầu thì đúng lúc anh đến.
Thịnh ngả người ra ghế, mặt buồn thăm thẳm. Ông buông từng câu đầy chua chát:
- Những bông hoa …máu? Nghe …rùng rợn quá….
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...