Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
15:31 (GMT +7)

Những người lẳng lặng giữ “hồn” Huế

VNTN - Ngay từ khi biết mình có cơ hội trở lại Huế, tôi đã nghĩ, dứt khoát sẽ phải ghé hai nơi: Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng và Vườn Trúc chỉ. Bởi với tôi, đó là hai trong nhiều yếu tố làm nên chất Huế, mà tôi gọi theo cách của mình, đó là “hồn” Huế…

1. Người đầu tiên biết ý định này của tôi là nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên Huế, cũng là “cha đẻ” của Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng. Ông đã rất hoan nghênh và liền bốc máy gọi cho nghệ sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế - người khai sinh ra Trúc chỉ, đề nghị anh cho chúng tôi được tiếp cận. Đây cũng chính là hai người từ nhiều năm nay đã lẳng lặng tạo dựng và gìn giữ “hồn” Huế.

Vườn Trúc chỉ của nghệ sĩ Phan Hải Bằng ở số 5, Thạch Hãn, phường Thạch Hòa, TP Huế. Đây là một không gian gần gũi với thiên nhiên và ông chủ của nó thì vô cùng mến khách. Trong phòng trưng bày, chúng tôi như bị “mê hoặc” bởi một thế giới nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn và cũng không kém phần kì ảo. Những câu chuyện của nghệ sĩ Phan Hải Bằng cứ trải dài, cuốn hút như chính niềm đam mê của anh với nghệ thuật nói chung, và Trúc chỉ nói riêng…

Sân khấu Ca Huế thính phòng được trang trí bởi bốn tác phẩm Trúc chỉ do nghệ sĩ Phan Hải Bằng tặng nhân dịp tròn 6 năm hoạt động.

“Ngay từ đầu, tôi đã ý thức rất rõ rằng mình phải xây dựng được một giá trị văn hóa, chứ không chỉ là một chất liệu hay một loại hình nghệ thuật mới, và nay thì đã làm được rồi. Mọi người đến Huế đã biết nơi đây có Trúc chỉ”. Anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2000 bằng Dự án nghiên cứu, chế tác nghệ thuật giấy thủ công, năm 2007, được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng châu Á - ASF, họa sĩ Phan Hải Bằng đã tiến hành một chuyến điền dã - nghiên cứu và thực hành nghề giấy thủ công tại một xưởng làm giấy ở Chiang Mai (Chiềng Mai) cùng các tỉnh phía Bắc Thái Lan trong vòng 7 tháng. Lúc đó anh mới biết được câu chuyện về giấy và mở rộng ra, hóa ra có hơn một cách để làm ra giấy. Trong thời gian này, anh được hướng dẫn sử dụng kĩ thuật phun nước trong chế tác, lập tức họa sĩ liên tưởng ngay đến kĩ thuật ăn mòn kim loại trong thiết kế đồ họa để sau này anh đã vận dụng vào nghệ thuật Trúc chỉ. Đến năm 2011, được sự ủng hộ của nhà trường, xưởng chế tác thể nghiệm giấy thủ công đã được khởi dựng tại khuôn viên Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Với sự cộng tác của các nghệ sỹ trẻ và một số sinh viên, Phan Hải Bằng đã hoàn thành quy trình chế tác giấy thủ công từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương như rơm, mía, chuối, tre, lá, cỏ… và bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng từ năm 2012.

Nghệ sĩ Phan Hải Bằng

Nghệ thuật Trúc chỉ khởi phát từ ý niệm: mang đến cho giấy một khả năng mới, thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập, tự thân. Đây chính là tinh thần cốt lõi của nghệ thuật Trúc chỉ. Giải thích về danh xưng Trúc chỉ, nghệ sĩ Phan Hải Bằng cho biết: Với ý nghĩa thông qua hình tượng cây tre/trúc - là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt - để đề cao giá trị Việt, nhà văn, dịch giả Bửu Ý đã định danh cho nó vào tháng 4/2012. Theo ý đó, Trúc chỉ được hiểu là một loại hình nghệ thuật giấy của người Việt, do người Việt tạo ra.

Có thể sử dụng áp lực nước như một “bút vẽ” đặc biệt vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt. Trong ảnh: Du khách tr ải nghiệm với Trúc chỉ.

Để hình thành một tác phẩm đồ họa Trúc chỉ, có hai quy trình nối tiếp nhau, đó là quy trình làm giấy và quy trình đồ họa. Sau khi ngâm, nấu, rửa, nghiền, thu được bột giấy, seo giấy. Khi tấm giấy hình thành trên khung seo, nghệ sĩ sẽ tác động lên bề mặt của nó bằng các phương thức khác nhau, nhằm thay đổi cấu trúc xơ sợi và bề mặt để tạo các hiệu ứng thẩm mỹ. Một trong những cách đó là sử dụng kỹ thuật tạo áp lực nước, kết hợp với nguyên lý của chế bản đồ họa, cụ thể là in khắc kim loại và in xuyên để tạo nên nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác như mong muốn. Mặt khác, nghệ sĩ cũng có thể sử dụng áp lực nước như một “bút vẽ” đặc biệt vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt. Nếu như nguyên lí của việc in khắc kim loại là sử dụng hóa chất để bóc đi từng lớp kim loại, tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ khi in ra, thì đồ họa Trúc chỉ sử dụng áp lực nước để bóc đi từng lớp bột giấy để tạo nên độ dày mỏng tương ứng với hệ thống sắc độ cho tác phẩm Trúc chỉ khi tương tác với ánh sáng. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Trúc chỉ, tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ, sắc nhị tinh tế cho tác phẩm đồ họa giấy, mà cho đến nay mới chỉ có được ở Trúc chỉ.

Sau 6 năm ra đời, Trúc chỉ đã được công chúng biết đến và giới chuyên môn công nhận là một loại hình nghệ thuật độc đáo. Năm 2017, Trúc chỉ đã vinh dự được lựa chọn là tặng phẩm cho Nhật Hoàng trong chuyến viếng thăm cấp quốc gia của ngài và Hoàng hậu tới Huế; Nhiều giải thưởng cho Trúc chỉ tại các cuộc triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, khu vực và của tỉnh, đã được trao… Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, nghệ sĩ Phan Hải Bằng còn cho du khách những cơ hội trải nghiệm với Trúc chỉ. Đến Vườn Trúc chỉ số 5 Thạch Hãn, du khách không chỉ được ngắm nhìn, tìm hiểu và mua sắm, mà còn được tự tay chế tác những ý tưởng của mình dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Với sự nỗ lực của nghệ sĩ Phan Hải Bằng, Trúc chỉ đã đóng góp thêm một giá trị văn hóa mới cho Huế. Đến nay, Trúc chỉ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chế tác trên cả hai phương diện: nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng, với các tiêu chí: thẩm mĩ - giáo dục và xã hội. Chia tay Vườn Trúc chỉ, chúng tôi được ông chủ của nó tiết lộ, 6 năm cho một hành trình khẳng định Trúc chỉ, coi như đã hoàn thành và sắp tới rất có thể anh sẽ lại khai sinh thêm một loại hình nghệ thuật khác. Là gì thì vẫn còn là quá sớm để công bố, nhưng anh hé lộ, có thể sẽ là thủy tinh…

2. Nhân vật thứ hai trong bài viết của tôi là nhà thơ Võ Quê. Hơn 30 năm nay, ông đắm đuối với Ca Huế, coi đó như một yếu tố không thể thiếu của cuộc đời mình. Biết chúng tôi chỉ lưu lại Huế vào đêm thứ hai, ông đã thuyết phục các nghệ sĩ đến biểu diễn trái lịch. Tối đó, khán phòng chỉ vẻn vẹn có mươi khán giả, nhưng chúng tôi đã được thưởng thức một chương trình rất trọn vẹn, ấm cúng với nhiều bản ca ấn tượng.

Võ Quê mê Ca Huế từ nhỏ và mong muốn ngày càng có nhiều người được thưởng thức Ca Huế, năm 1983, ông đã thành lập Câu lạc bộ Ca Huế và biểu diễn có thu phí vào tối thứ tư, thứ bảy hằng tuần, tại Nhà Văn hóa Huế. Đầu năm 1984, ông lại đưa Ca Huế xuống thuyền sông Hương. Với hình thức và không gian diễn xướng này, sau đó đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo phục vụ du khách bốn phương khi đến với Huế.

Sau nhiều năm, thấy hình thức diễn xướng dưới thuyền ngày càng nhuốm màu thương mại, năm 2013, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế, lại vẫn là ông khởi xướng hình thành Thính phòng Ca Huế biểu diễn miễn phí vào tối thứ ba, thứ sáu hằng tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Sau 3 năm biểu diễn, đến nay, CLB chỉ biểu diễn tối thứ ba, để dành thời gian cho các nghệ sĩ đi ca trên thuyền sông Hương. Bởi: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay của một số nghệ sĩ, nghệ nhân, chúng tôi không thể “tận thu” công sức họ được”, Võ Quê chia sẻ.

Nhà thơ Võ Quê tặng quà cho hai chị em Ánh Hồng, Ánh Tuyết, thành viên nhí của CLB sau đêm diễn

Mục đích của Võ Quê khi thành lập Ca Huế thính phòng là tạo sân chơi nghệ thuật cho các thế hệ lão thành đam mê Ca Huế không còn cơ hội biểu diễn; Duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị các bài bản lớn của Ca Huế mang tính bác học; Trau dồi kỹ năng đàn và Ca Huế cho thế hệ trẻ; Phục vụ khán giả, du khách nhiều quốc tịch khác nhau không có điều kiện nghe ca Huế trên thuyền sông Hương, v,v… Bằng tình yêu với Huế, trong 5 năm qua, cùng với Võ Quê, nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đã lặng thầm cống hiến công sức cho việc bảo tồn và giới thiệu với du khách trong và ngoài nước giá trị nghệ thuật Ca Huế. Thật đáng trân trọng! Rất mừng là, thời gian qua CLB đã đào tạo được một số khán giả trẻ mê Ca Huế trở thành diễn viên chính thức như Lê Minh Vũ, Hương Thủy, Hiền My…, đặc biệt là con em của các thành viên trong CLB cũng đã nhập cuộc và tham gia biểu diễn.

Đời nghệ sĩ vốn nghèo, nhưng họ thường không so đo tính toán trước nghệ thuật. Biểu diễn miễn phí, tự lo từ trang phục, đạo cụ son phấn, đến xăng xe đi lại, nhưng không ai bận tâm. Không chỉ biểu diễn tại khán phòng, CLB còn đến phục vụ thiện nguyện tại các bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội, các vùng quê xa xôi… Làm được những điều đó, còn gì khác ngoài tình yêu nghệ thuật và trách nhiệm của người nghệ sĩ với bộ môn mình đam mê? Nhà thơ Võ Quê không giấu nổi những day dứt: “Tôi hiểu đằng sau sự tự trang trải đó là nhiều mối bận tâm khác của anh chị em nghệ sĩ. Đôi khi tôi tự nghĩ, hay là để thính phòng ngưng hoạt động? Phải chăng mình đang đẩy họ vào thế vì quá thương quý lòng yêu nghệ thuật ca Huế của mình mà nể nang, mà lặng lẽ chịu đựng việc biểu diễn miễn phí chăng? Tôi đã thành thật bày tỏ mối băn khoăn này với họ và may mắn thay, mọi người đều cảm thông và động viên, khuyến khích tôi nên tiếp tục, bởi thính phòng Ca Huế cũng là niềm vui của họ. Quý hóa thay những tấm lòng. Tôi rất cảm ơn những người đang đồng hành cùng tôi!”.

Mặc cuộc đời với những bon chen, xô đẩy, nghệ sĩ Phan Hải Bằng và nhà thơ Võ Quê cùng các cộng sự của họ vẫn cứ lặng lẽ chắt chiu dâng những tinh hoa cho đời. Lẳng lặng và đam mê, họ đang góp phần quan trọng cho việc gìn giữ “hồn” Huế.

 

Thu Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy