Những ngày hạnh phúc nhất
Mới 16 giờ chiều, cụ Tiềm đã ra khỏi phòng. Sau khi cười ý nhị chào các cụ, qua ban quản lý cụ xin phép như mọi lần:
-Già xin phép đi sưu tầm báo chí đây, trước giờ cơm sẽ về.
Ông giám đốc ra cửa dặn dò:
-Mẹ chú ý nắng gió và an toàn, xem báo có bài nào hay mẹ cho con xem nhé.
Cụ Tiềm năm nay trên 70 tuổi. Cụ có một mình. Vào trung tâm dễ đã đến hàng chục năm. Có người hỏi trong trung tâm có gì là vui nhất? Cụ bảo bữa ăn là nhiều kỷ niệm nhất. Cụ kể:
-Những người già ở đây đã được chia cơm cho từng người, thế mà vẫn quan tâm đến nhau. Các cụ có khi còn chia thức ăn cho nhau bởi vì các cụ biết khẩu vị của nhau. Có lần cười ra nước mắt do trí nhớ già nua. Một hôm có chị con gái cụ Nụ ở xa về đến thăm trung tâm. Cụ Nụ mách: Chị ra chợ mua cho tôi ít thịt băm. Lâu lắm không được ăn, thèm lắm. Chị ta tưởng thật định phản ánh cho ban quản lý. May có mấy cụ còn nhớ nói hộ:
-Cụ ơi, vừa hôm qua ăn thịt băm, cụ còn chê mặn là gì.
Cụ cười xòa:
-Ờ, tôi quên.
Cụ Tiềm ở đây ai cũng quý mến. Tuy tuổi cao nhưng cụ còn minh mẫn. Đặc biệt cụ có biệt tài đọc báo thì ai cũng phục. Có cụ đặt cho cụ Tiềm cái tên “nhà bác học”. Cụ xua tay không nhận. Không biết từ bao giờ cụ có thói quen đi xin báo. Cụ đến các nhà công chức hay có người cao tuổi. Thậm chí cụ còn nhớ nhà các vị làm công tác tổ dân phố. Có ông tổ trưởng dân phố thấy cụ đến xin báo lần đầu nhà ông, ông ta hỏi:
-Sao cụ đến xin báo cháu mà không đến chỗ khác?
Cụ cười móm mém hỏi lại:
-Không xin ông thì xin ai. Chức trách của ông được phát không mấy tờ báo. Mà ông bận có đọc đến đâu. Tôi đâu có xin tiền xin bạc. Tôi xem báo rồi đọc cho các cụ trong trung tâm nghe, thế gọi là tuyên truyền báo chí. Ông không cho tôi đến xin nhà khác.
Ông ta thấy vậy không tin. Ông đưa cho cụ tờ Đại biểu Nhân dân, cụ cầm lên nói rành rọt:
-À, hóa ra ông là đại biểu Hội đồng Nhân dân đấy.
Cụ giơ lên đọc lướt các đề mục ở trang một. Ông ta trố mắt ngạc nhiên. Cụ biết ông ta hết thắc mắc. Cụ nói câu mà anh ta chưa thấy ai nói bao giờ:
-Sách báo như đồ vật quý, cất đi vô tác dụng. Cho mọi người đọc thì càng thấy giá trị của nó. Trung tâm tôi có mấy chục cụ, dù còn đi lại được hay nằm bẹp trên giường, ai cũng thích nghe tôi đọc báo và tôi kể chuyện đêm khuya. Món ăn tinh thần đấy.
Cụ từng khoe với mọi người:
-Trung tâm tôi là ngôi nhà hạnh phúc. Có người con bất hiếu, hành hạ các cụ, bắt nạt mẹ già nhưng báo chí phanh phui, cung cấp hiểu biết, cơ quan pháp luật hỗ trợ pháp lý nên đều giải quyết được.
Có cụ thi thoảng các cháu đến thăm nói với cụ câu đầy xúc động:
-Bố cháu và dì đối xử với bà cháu không đúng nhưng chúng cháu rất thương bà. Thể nào rồi bố cháu cũng hối hận vào đón bà về.
Cụ bảo tôi:
-Người già chúng tôi chả còn sống mấy nỗi, chỉ cần cái tình, cái đạo đức sống và niềm tin cho con trẻ.
Cụ ngâm nga câu Kiều:
Thiện tâm ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Cụ Tiềm mất năm tám nhăm tuổi. Những ngày sống trong trung tâm chăm sóc Người Cao tuổi vẫn là những ngày hạnh phúc nhất của cụ.
Nguyễn Đình Tân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...